"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 21. September 2010

Bỏ lối "lên đồng" trong việc ra quyết sách

Liệu có bất nhất không khi ngoài mặt, trên văn bản giấy tờ thì hô hào cấm, trong khi đó giới quan chức lại là những người thường xuyên có các hoạt động cầu cúng nhất, đặt niềm tin nhiều nhất vào các ông thầy bói và các thần tài phù hộ cho gia sản của mình?

Thời gian gần đây, cùng với nhiều vấn đề nóng bỏng khác, dư luận xã hội lại nóng lên với các nghị định, quy định của Nhà nước ban ra đối với hiện tượng lên đồng, hiện tượng đốt vàng mã, cũng như các hiện tượng được xếp chung vào phạm trù mê tín dị đoan. Nhà nước thì có vẻ quyết tâm, ít nhất là trên bề mặt giấy tờ và việc ban hành các nghị định, ngăn chặn các hiện tượng được cho là tiêu cực đó để làm trong sạch và lành mạnh xã hội.


Trong khi đó, dư luận xã hội, trên báo chí cũng như ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì có vẻ không đồng tình. Và phản ứng mang tính tức thì của dư luận là sự bất bình trước cung cách quản lí chung lâu nay của nhà nước, đó là chủ trương "không quản lí được thì cấm."


Dân trí cao hơn, sao lại mê tín hơn?
Quản lí xã hội bằng pháp luật, làm trong sạch và lành mạnh xã hội là một việc đáng hoan nghênh. Song, khi ban ra các chính sách, nghị định quy định về một hiện tượng xã hội nào đó thì trước hết phải tìm hiểu cái căn nguyên sinh ra cái hiện tượng đó và đâu là đối tượng chính của nó.


Dễ thấy một điều rằng tệ nạn mê tín dị đoan chỉ sinh ra trong một xã hội mà trình độ dân trí còn thấp, con người ta không dám tin vào sức mạnh và năng lực của mình nên trở nên "tha hoá," theo cái nghĩa là chuyển niềm tin ấy sang một lực lượng khác bên ngoài bản thân; lực lượng ấy thường là một sức mạnh siêu nhiên bí ẩn nào đó được cho là có tác dụng chi phối đời sống, vận mệnh của chính mình.

Xã hội càng phát triển, dân trí càng cao, hiểu biết về thế giới càng lớn thì sự "tha hoá" ấy càng giảm, người dân càng bớt mê tín dị đoan hơn.

Song không chỉ có vậy. Thực tiễn đời sống hiện nay dường như đang chứng minh điều ngược lại. Đời sống người dân rõ ràng cao hơn trước, dân trí chắc chắn cũng được nâng cao hơn xưa rất nhiều. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự phổ cập internet, sự phát triển của truyền thông báo chí khiến lượng thông tin và kiến thức của người dân, hiểu biết của người dân về thế giới tăng cao và phát triển mạnh mẽ. Nhưng dường như người dân Việt Nam hiện nay đang ngày càng trở nên mê tín hơn bao giờ hết. Vậy còn nguyên nhân gì nữa?


Không nghi ngờ gì nữa, mặc dù dân trí được nâng lên, người dân được tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ, hiểu biết về thế giới tăng vượt bậc, song trong vấn đề mê tín dị đoan đang bàn đến ở đây, còn một nguyên nhân tối quan trọng nữa chưa được giải quyết: đó là người dân cảm thấy bất an, không được bảo vệ đầy đủ.
Đó là sự bảo vệ của luật pháp, sự bảo vệ của công bằng, của sự minh bạch trong tất cả các hoạt động học tập, lao động, làm ăn, trong tất cả các sinh hoạt hàng ngày của đời sống xã hội. Nói cách khác, đó là sự bảo vệ của một xã hội minh bạch, được quản lí trên cơ sở pháp quyền.


Sự bất an đó thường là của hai đối tượng chủ yếu sau đây trong xã hội: thứ nhất là những người có thân phận "nhỏ bé," theo nghĩa là những người nghèo, cố gắng nhiều nhưng vẫn không thoát ra khỏi cái nghèo, kết hợp với trình độ hiểu biết thấp. Họ dựa vào bói toán, mê tín như là một sức mạnh bên ngoài đến giúp đỡ đồng thời như là một sự an ủi cho cuộc sống còn nhiều khổ đau vất vả của chính mình; đối tượng này thường là ở nông thôn.
Nhưng quan trọng hơn, còn có đối tượng thứ hai, đó chính là tầng lớp giàu có, cụ thể hơn, đó là lớp quan chức và giới làm ăn, buôn bán. Việc kiếm tiền không dựa trên năng lực mà dựa trên quyền lực, chức vị là lí do chính khiến cho giới quan chức trong bộ máy chính quyền tìm đến với bói toán, mê tín với mong muốn các lực lượng siêu nhiên đó bảo vệ cho cái ghế quyền lực và cái tài sản bất chính của mình.


Việc làm ăn kinh doanh buôn bán không dựa trên các mối quan hệ lành mạnh mà bị chi phối bởi những quan hệ ngầm, những bước đi lắt léo của một xã hội còn thiếu minh bạch, luật thì cả rừng nhưng tất cả là luật rừng, là lí do chính khiến giới làm ăn buôn bán phải tin và rất tin vào thần may rủi, vào bói toán, vào ngày đẹp, giờ đẹp, số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp,...


Dễ thấy một điều là người dân bình thường, với giả thiết là có một trình độ dân trí bình thường trong xã hội, và làm ăn một cách chân chính, tâm không bị chi phối bởi lo lắng về những hành động mờ ám, những khoản thu mờ ám,... thì rất ít khi tin vào bói toán, cầu cúng.


Không quản được thì cấm?
Cấm các hiện tượng mê tín dị đoan để làm lành mạnh xã hội là một chủ trương đáng hoan nghênh. Khi người ta cấm các hoạt động lên đồng, hẳn trong đầu óc các vị lãnh đạo nghĩ rằng lên đồng cũng là một hiện tượng của sự mê tín dị đoan đó.
Liệu lên đồng có phải là mê tín dị đoan không? Rõ ràng là ở nhiều nơi, sự lạm dụng hiện tượng lên đồng để lừa đảo người dân nghèo và ít học là có thật. Song từ những trường hợp cụ thể diễn ra ở một số nơi nào đó không thể quy tất cả các hiện tượng lên đồng đều là nhảm nhí.


Việc lên tiếng của các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực này phản đối nghị định 75 về việc cấm lên đồng là minh chứng đầu tiên và dễ thấy nhất cho thấy lên đồng có lí do tồn tại của nó.
Bên cạnh đó, thế giới quả là rộng lớn và có nhiều điều huyền bí mà năng lực, trí tuệ của con người trong một thời điểm nhất định không thể lí giải hết được. Lên đồng, nhập hồn, thần giao cách cảm, ngoại cảm, hay một thuật ngữ mang tính khoa học hơn là cảm xạ học, là những hiện tượng như vậy. Chưa hiểu được nó thì phải tìm hiểu nó, đặc biệt là đầu tư về mặt khoa học, chứ không phải chưa hiểu được nó, không quản lí được nó thì cấm đoán.

Không phải ngẫu nhiên mà lên đồng là một hiện tượng thú vị của văn hoá Việt Nam nói riêng và văn hoá Á đông nói chung rất thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học, các nhà xã hội học đến từ thế giới Âu Mĩ. Đã có những nhà nghiên cứu về văn hoá ở Việt Nam sang cộng tác với các nhà khoa học Mĩ để làm và đã làm thành công luận án về đề tài này.
Hơn nữa, liệu có cấm được không khi các hiện tượng đó liên quan đến vấn đề tâm linh, khi giới quan chức lại chính là những đệ tử trung thành nhất với dị đoan bói toán? Liệu có bất nhất không khi ngoài mặt, trên văn bản giấy tờ thì hô hào cấm, trong khi đó giới quan chức lại là những người thường xuyên có các hoạt động cầu cúng nhất, đặt niềm tin nhiều nhất vào các ông thầy bói và các thần tài phù hộ cho gia sản của mình?


Khiến dân đủ tin vào mình và hệ thống công quyền
Tất cả các phân tích ở trên để đi đến một số vấn đề rằng: Thứ nhất, phải bỏ ngay lối quản lí xã hội theo kiểu không quản lí được thì cấm.


Thứ nữa, có những vấn đề không dễ gì ngày một ngày hai dùng các biện pháp hành chính hay bạo lực, trấn áp, ra văn bản luật pháp hay nghị định này kia là có thể cấm được, đặc biệt đó là các vấn đề thuộc về văn hoá tâm linh. Các vấn đề đó phải giải quyết trong dài hạn với các biện pháp thích hợp. Điều này buộc nhà quản lí xã hội phải có tầm hiểu biết và tầm nhìn xa.
Theo đó, chỉ có thể giải quyết nó bằng việc nâng cao dân trí, và đặc biệt vô cùng cấp bách trong thời điểm hiện nay, đó là có các biện pháp, chính sách cụ thể để xây dựng một nhà nước pháp quyền, quản lí xã hội bằng pháp luật, mọi mối quan hệ trong xã hội đều trở nên minh bạch và lành mạnh. Phải làm thế nào để mọi công dân trong xã hội trong quá trình lao động, làm ăn, sinh sống đều cảm thấy an tâm rằng mình được pháp luật bảo vệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, hạn chế tối đa việc bị chi phối và phụ thuộc vào những mối quan hệ ngầm mờ ám. 

Nâng cao dân trí và xây dựng nhà nước pháp quyền là những biện pháp đúng đắn để cho mỗi người dân có đủ niềm tin vào chính mình và vào hệ thống công quyền, có đủ hiểu biết để đánh giá hiện tượng nào là mê tín dị đoan, hiện tượng nào là lợi dụng sự cả tin ngây thơ của dân đen để kiếm chác, hiện tượng nào là thuộc về giá trị văn hoá, hiện tượng nào là hiện tượng thuộc về lĩnh vực khoa học cần được các ngành khoa học hữu quan chú ý tìm hiểu. 

Nâng cao dân trí, xây dựng nhà nước pháp quyền tiến tới một xã hội dân chủ thực sự là cả một quá trình dài nhưng không thể không làm ngay, là giải pháp đối với không chỉ các hiện tượng bói toán hay lên đồng nói trên, mà còn là chìa khoá để giải quyết nhiều vấn nạn nhức nhối khác trong xã hội Việt Nam hiện nay.


Và để làm được điều đó thì trước hết, các nhà quản lí lãnh đạo phải từ bỏ thói tự mê, thói "mê tín" của chính mình. Muốn vậy, bộ máy công quyền phải tạo ra một chế tài để tăng cường hơn nữa sự phản biện cũng như sự giám sát của người dân, để những người cầm quyền không còn "được chiều như chiều vong" nữa.


Các nhà quản lí xã hội cũng phải tự nâng cao "quan trí" để đủ sáng suốt trong việc ban hành luật lệ, quy định, tránh tình trạng đưa ra các quyết sách theo lối "lên đồng."