"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 21. September 2010

Chủ quyền đất nước

Biên giới đất liền

Về biên giới đất liền, nhìn lại toàn bộ lịch sử, việc Trung Quốc lấn chiếm nhằm nới rộng lãnh thổ thường diễn ra với các nước giáp biên, nhất là Việt Nam. Năm 1885, sau khi chặn đứng tranh giành đất đai của nhà Thanh tính theo tả ngạn và hữu ngạn sông Nhị, Pháp lấy Đồng Đăng và nhà Thanh lấy Nam Quan làm bản doanh, hai bên cử đoàn khảo sát phân định đường biên. Từ 1945 đến trước 1969, biên giới “núi liền núi sông liền sông” được Đảng Cộng sản hai nước duy trì. Khi chiến tranh Xô – Trung diễn ra, Trung Quốc xem Liên Xô là kẻ thù, cho rằng bạn của bạn là bạn, bạn của thù là thù. Việt Nam là bạn của Liên Xô nên Việt Nam cũng là kẻ thù của Trung Quốc.


Trung Quốc từng gây khó khăn khi Liên Xô chuyển vũ khí sang miền Bắc bằng tàu hỏa liên vận. Đồng thời, tại Hữu Nghị Quan, khi giúp khôi phục đường sắt về Hà Nội, Trung Quốc đặt điểm nối đường ray hai nước sâu vào nội địa Việt Nam trên 300m. Các hình thức xâm canh, các công trình quân sự cũng chủ động lấn sang. Trong cuốn sách “Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay” của NXB Sự thật 1979, có đoạn: “Năm 1955 – 1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỉ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành của Trung Quốc”. Đã biết một láng giềng hàng ngàn năm từng thôn tính và xâm lấn, giới lãnh đạo Việt Nam còn nhờ vẽ bản đồ với một lòng tin!

Trung Quốc xâm lấn bằng cách nào? Cuốn sách cho biết: thác Bản Giốc ở khu cột mốc 53 trên sông Qui Thuận, từ lâu Trung Quốc vẫn công nhận là của Việt Nam. Nhưng cuối tháng 2-1976, Trung Quốc huy động trên 2.000 người, có bộ đội lập “hàng rào bố phòng” quanh khu vực thác, cấp tốc xây dựng đập chắn nước kiên cố ngang qua sông và công bố chủ quyền Cồn Pò Thoong. Trước đây, Bộ Văn hóa – Thông tin phát hành tập ảnh phong cảnh đất nước, trong đó có Bản Giốc. Hiện báo chí Trung Quốc quảng cáo tour du lịch mà một trong các điểm đến cũng tại khu vực thác đã lấn chiếm.
Như đã đề cập, sau 1975 đường lối ngoại giao Việt Nam nghiêng về Liên Xô. Trung Quốc nhận định Việt Nam không những vô ơn, mà còn là “tiểu bá” phía Nam sẽ cùng với “đại bá” Liên Xô ở phía Bắc bao vây Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc kết nối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và các nuớc trong năm 1978, khởi động cuộc chiến dạy một bài học. Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đường lối ngoại giao của đảng cầm quyền trong nước trở lại thân thiết với Trung Quốc, từng bước bị cột chặt và trở nên bạc nhược.

Tháng 12-1999, sau 54 năm cầm quyền, Nhà nước Việt Nam mới ký xong Hiệp ước về biên giới đất liền, thêm 9 năm sau mới tuyên bố hoàn thành cắm mốc đất liền dài 1.347 km. Năm 2001, khởi đầu cắm mốc ở Móng Cái – Đông Hưng. Bảy năm sau, cắm thêm 1.991 mốc. Mỗi bên độc lập thực hiện các chuyến bay dọc biên giới chụp không ảnh, rồi đối chiếu. Kết quả 900/1.647 km đường biên trùng nhau, 445 km với 160 điểm không trùng. Giải pháp xử lý là chia đôi như chia bánh. Một bộ phận làng xóm Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại. Bản Ma Lý Sàng, nghĩa trang ở Lào Cai, rừng hồi Quảng Ninh, phần lớn thác Bản Giốc… do đó thuộc về Trung Quốc.

Vấn đề là Trung Quốc đã lấn sang, nay chấp nhận mất một số đất đã lấn, lại được thêm một số đất từ chia đôi phần không xác định. Kết cuộc, Trung Quốc vẫn được trọn vẹn đất đã lấn. Về đàm phán, trong những buổi chính thức, Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi, đưa đi tham quan. Khi phái đoàn Việt Nam mỏi mệt muốn ra về, họ kéo lại bắt đầu vấn đề chính. Về các tài liệu và sách in trước đây, nay phía lãnh đạo Việt Nam im lặng, không tiếp tục điều chính mình phản đối trước kia nữa – lời nói và hành động bất nhất, sự thật trở thành không sự thật dễ như sấp ngửa bàn tay. Nhưng sự thật vẫn còn đó!

Biển đảo

Biển Đông với chín nước bao quanh là khu vực hàng hải đông đúc thứ hai sau Địa Trung Hải. Việt Nam có 28 tỉnh thành có bờ biển, tổng cộng cả nước bờ biển gần 3.500 km. Theo quy định quốc tế, Việt Nam chiếm 2/3 diện tích biển Đông với 3.000 đảo, gấp ba lần đất liền. Trường Sa và Hoàng Sa đều gần đất liền Việt Nam so với đất liền Trung Quốc. Theo Hòa ước Pháp – Thanh, người Pháp đã quản lý hai quần đảo này, dựng bia chủ quyền. Việt Nam cũng từng ban hành hai văn bản quan trọng công nhận chủ quyền hai quần đảo vào năm 1933: Dụ số 10 của vua Bảo Đại quyết định Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghị định số 4702-CP của Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer quyết định Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa.

Sau khi Pháp rút quân, Trung Quốc đập phá các bia, xóa bỏ dấu tích làng mạc, nghĩa trang người Việt. Tại Hội nghị San Fransisco 1951, các nước bỏ phiếu công nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc có mặt đều không phản đối. Năm 1956, hải quân Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm. Hai năm sau, Trung Quốc công bố chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Trước 1975, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận không phân chia ranh giới biển với Trung Quốc, mà chỉ có Hiệp định thành lập khu hợp tác đánh cá chung, trong đó Việt Nam được 53% diện tích. Về sau, vấn đề được đặt ra thì Trung Quốc trả lời: gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Đồng thời, để cùng chống Mỹ, tháng 9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi một công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai, chấp nhận một văn bản của Trung Quốc công bố lãnh hải tính từ đất liền ra 12 hải lý, bao trùm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1961, Nhà nước Việt Nam Cộng hòa ở phía Nam căn cứ luật pháp quốc tế, ban hành sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Từ năm 1964 đến năm 1970, một số trận chiến giữa hải quân Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa diễn ra. Năm 1973, khi Hiệp định Paris ký kết, Hoa Kỳ rút Hạm đội 07 ra khỏi khu vực. Lợi dụng tình thế, Trung Quốc chiếm một số đảo. Trong trận hải chiến tháng 1-1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Những ngày sau đó, tại Sài Gòn buổi tang lễ trọng thể gồm hàng trăm người ngậm ngùi tưởng nhớ 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hy sinh đã diễn ra.

Một trong những người con anh dũng của tổ quốc là Hạm trưởng Hộ tống hạm HQ-10 Ngụy Văn Thà. Trong khói hương và nhạc tang, công lao của các anh hùng bảo vệ đất nước đã được ban lễ tang xướng ghi: “74 anh hùng tử sĩ Hoàng Sa, những người con yêu của tổ quốc, những người lính biển đã ra đi và không bao giờ trở lại. Người thì ở lại Hoàng Sa cùng với Hộ tống hạm HQ-10 để làm chứng tích cho chủ quyền của đất nước trên vùng lãnh hải này. Người thì trôi dạt trên biển cả, tất cả đã chìm sâu trong lòng của biển mẹ Việt Nam”…. Cũng lúc này, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phía Bắc tuyên bố: “Các nước liên quan (Trung Quốc và Việt Nam Cộng hòa) nên giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, và quan hệ láng giềng”, xem như không có trách nhiệm đối với Hoàng Sa thuộc Việt Nam bị Trung Quốc chiếm.

Giữa tháng 3-1988, hải quân Trung Quốc bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Thêm 74 chiến sĩ thế hệ sau hy sinh, một số đảo trong quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm giữ. Nối liền các sự kiện càng nổi rõ thôn tính Việt Nam là chính sách lâu dài và thường trực của Trung Quốc, bất kể vào thời kỳ hay thể chế nào. Với Trung Quốc, lợi ích dân tộc luôn ở vị trí hàng đầu cho dù phải cưỡng chiếm lợi ích dân tộc khác. Nhưng giới lãnh đạo Việt Nam đã bị mắc lừa qua lời kêu gọi cùng bắt tay chống kẻ thù chung và thực hiện nhiệm vụ Quốc tế cộng sản.

Ngày nay, dựa vào Công hàm 1958, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã chấp nhận vùng biển có hai quần đảo trên thuộc Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cũng ra sức chứng minh bằng khảo cổ, công bố bản đồ hình chữ U chín vạch hay khái niệm lãnh hải đường lưỡi bò kéo dài xuống phía Nam. Báo cáo của Trung Quốc tại LHQ sở hữu 80% diện tích biển Đông. Trong nước, Trung Quốc tuyên truyền với người dân rằng Tây Sa (Hoàng Sa) không còn là vấn đề bàn cãi, còn Nam Sa (Trường Sa) là cơ nghiệp ngàn năm trước để lại cho con cháu đời sau. Tháng 11-2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn Thành phố Tam Sa (Hoàng Sa, các đảo ở Trường Sa) thuộc tỉnh Hải Nam và là vùng biển đảo nằm trong chiến lược xây dựng căn cứ hải quân nước xanh (ngoài khơi xa). Tháng 6-2009, Trung Quốc xây dựng sân bay quân sự trên đảo Vành Khăn, buộc các công ty nước ngoài thăm dò dầu khí với Việt Nam rút đi, tiến hành tập trận với tình huống giả định tàu Việt Nam ngăn cản hoạt động tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc và họ ra tay.

Từng xảy ra các vụ đánh đuổi, bắt giam đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam khai thác trên vùng biển bị Trung Quốc chiếm. Tháng 8-2009, trong sự kiện ngư dân miền Trung bị bắt ở Hoàng Sa và sau đó thả ra, thông tấn xã Việt Nam đưa tin: “25 ngư dân Quảng Ngãi đã từ Trung Quốc trở về”. Tàu của ngư dân bị tàu khác đâm chìm ở ngoài khơi thì truyền thông đại chúng trong nước xác định đó là “tàu lạ” và không thấy lực lượng hải quân can thiệp bảo vệ. Theo dõi những tin tức trên và nhiều diễn biến khác, nhà văn Dương Thu Hương đã chia sẻ: “Cũng như tất cả những người Việt Nam khác có băn khoăn về tương lai của đất nước, tôi lo nhất là họa Bắc thuộc lần thứ hai của Tàu sừng sững trước mặt mình”.

Chưa hết, báo điện tử Đảng Cộng sản còn đưa tin hải quân Trung Quốc tập trận, trong đó gián tiếp công nhận hoạt động này nằm trên lãnh hải Trung Quốc. Dư luận người Việt trong và ngoài nước phản đối kịch liệt, trang báo đảng bị nhà nước của đảng phạt hành chính 30 triệu đồng và âm thầm gỡ bài xuống mà không có một lời đính chính, tổng biên tập cũng không bị cách chức. Một trò diễn phạt như lấy tay che mặt trời. Khi Việt Nam công bố Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng và bổ nhiệm nhân sự đứng đầu chính quyền huyện đảo thì Trung Quốc ngay sau đó cũng có quyết định thành lập đơn vị hành chính thôn đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) và Triệu Thuật (Đảo Cây) tại Hoàng Sa.

Để có thể giải quyết chủ quyền biển đảo một cách dứt điểm, Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ đưa vấn đề ra tranh luận trước Hội đồng LHQ. Xem một You-Tube trên mạng, trong chuyến đến Trường Sa, một đoàn viếng thăm làm lễ tưởng niệm các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh năm 1988. Sau lễ, những tràng hoa, vật dụng sinh hoạt hàng ngày được thả xuống biển với niềm tin tâm linh sẽ gửi được sang “thế giới bên kia” cho những người lính đã hy sinh. Một mặt đoàn viếng thăm tri ân trân trọng nhưng phân biệt giữa những chiến sĩ đã hy sinh vì biển đảo năm 1974 và 1988, mặt khác Việt Nam lại im lặng và gián tiếp công nhận chủ quyền biển đảo bị cưỡng chiếm thuộc Trung Quốc, phải chăng những vật dụng và vòng hoa mang thả xuống biển kia là ngụy tín?

Gần đây, luật sư Cù Huy Hà Vũ kiến nghị lãnh đạo đất nước xây dựng đài tưởng niệm tất cả những người lính hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa các thời kỳ. Nhưng cũng như việc kiện Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị lại rơi vào im lặng. Việc lúng túng trả lời cho thấy đảng cầm quyền đã đảng hóa lịch sử dân tộc trong thời gian dài, bao che Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc xâm hại chủ quyền đất nước để có chỗ dựa dẫm tồn tại. Giới lãnh đạo Việt Nam nghĩ gì về những người lính nhà Nguyễn, những người lính Quân đội Việt Nam Cộng hòa, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam đã máu đổ và trầm mình xuống biển vì Hoàng Sa và Trường Sa; nghĩ gì về Công hàm 1958 và sự bạc nhược của mình hiện nay? Công và tội – nhất định lịch sử sẽ soi sáng, dân tộc sẽ phán quyết!

Trích Con Đường Việt Nam
http://cdvn.wordpress.com