"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 21. September 2010

TỪ “PHÉP THỬ” CỦA ĐỖ NGỌC BÍCH ĐẾN “PHÉP THỬ” CỦA BỘ PHIM “LÝ CÔNG UẨN...” ĐỐI VỚI “TINH THẦN DÂN TỘC”

Huyền Chi

Tháng 4 năm 2010, khi cô NCS thuộc loại “vô danh tiểu tốt” Đỗ Ngọc Bích, với tư cách cá nhân, công bố trên BBC một “phát minh” về “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” với một vài luận điểm rời rạc nhưng rõ ràng báng bổ “tinh thần dân tộc” thì đã dấy lên cả một “phong trào” tẩy chay cô ở khắp trong nước lẫn hải ngoại của hầu khắp độc giả và dư luận, cũng với tư cách các cá nhân. Điều đó là dễ hiểu vì cô phát biểu trực tiếp suy nghĩ của mình một cách rành rẽ và lộ liễu nên không ai phải suy luận đồ đoán mất công. Kết quả mà bài báo nhỏ nhoi vội vàng của cô Bích đem lại thật là to lớn khi ta thấy nó như một “phép thử” để đong đếm “tinh thần dân tộc” của bất kỳ CÁ NHÂN NGƯỜI VIỆT NAM nào. Và ta đã thấy cái “tinh thần dân tộc” ấy qua những lời phản bác dù mềm mỏng hay dữ dội nhưng hoàn toàn thống nhất từ mọi người và mọi phía.

Nay là tháng 9 năm 2010, gần ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bộ phim truyền hình “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”, 19 tập, được đầu tư 100 tỉ đồng với sự trợ giúp nhiệt tình của phía Trung Quốc, được xếp vào loại phim “tâm điểm” của Đại lễ,  dù mới chỉ được úp mở giới thiệu vài hình ảnh, vài trích đoạn, đã dấy lên một làn sóng dư luận dữ dội tới mức mà hiện tượng bài báo của cô Bích ngày nào chỉ đáng là “muỗi”. 
Hiện nay chủ yếu có hai luồng ý kiến trái ngược nhau.
Thứ nhất là thanh minh, bào chữa, bảo vệ bộ phim. Cố nhiên thuộc về những người trực tiếp và gián tiếp làm phim, những người ít nhiều có những quan hệ nhất định với bộ phim, hay có cả một vài chức sắc văn hoá, điện ảnh... Nhưng nhìn chung ý kiến của họ khá kín đáo, nghe ngóng và tự vệ.
Thứ hai là phê phán, phủ định bộ phim. Đây là dư luận xã hội đông đảo bao gồm nhiều tấng lớp, ngành giới, thành phần xã hội, trong đó có nhiều nhà văn hoá, xã hội. Nhìn chung ý kiến của họ là gay gắt, quyết liệt. Người ta có cảm giác bộ phim này đang giúp cho việc hình thành một làn sóng “bài nô dịch”, “bài Hoa” vốn đã ngấm ngầm có cơ bùng phát. Nhiều người đòi huỷ bỏ bộ phim này vì nó “báng bổ tinh thần dân tộc”; “báng bổ văn hoá Việt”, “báng bổ tổ tiên”...
Theo tôi, bộ phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” và bài báo của cô Bích tuy cùng đề cập tới “tinh thần dân tộc” nhưng có nhiều điểm khác nhau. Bài báo của cô Bích là một phát ngôn trực tiếp “báng bổ tinh thần dân tộc”, nên nó đáng nhận được những phản đối mạnh mẽ, quyết liệt, dữ dội và trực tiếp của dư luận. Còn bộ phim “Lý Công Uẩn...” trước hết là một tác phẩm nghệ thuật. Cần đối xử với nó như một tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm nghệ thuật thường mang yếu tố ẩn dụ, tượng trưng, thậm chí ám dụ... được thể hiện qua các hình ảnh và hình tượng nghệ thuật. Hơn nữa, một tác phẩm nghệ thuật là một sự “mã hoá nghệ thuật” của một tư tưởng nào đó, nó đòi hỏi người thưởng thức, phẩm bình nó phải “giải mã nghệ thuật” nó một cách chuyên nghiệp và sâu sắc để từ đó nhận diện cái “tư tưởng nghệ thuật” đích thực của nó. Khi đã giải mã được cái tư tưởng nghệ thuật căn bản, được biểu hiện ra bằng các hình ảnh và hình thức nghệ thuật của nó, thì khi đó mới có sự đánh giá khách quan.
Trong khi dư luận đang hết sức bức xúc, thông tin thì mập mờ, phim thì chưa trình chiếu, nên các ý kiến tán đồng hay phản bác bộ phim đều chưa thể khách quan, khoa học. Có ý kiến phản đối việc chiếu bộ phim. Có ý kiến đoán rằng nếu chiếu sẽ không ai đi xem. Có ý kiến nói rõ sẽ từ chối xem phim... Tôi lại thấy rất cần công chiếu bộ phim này một cách rộng rãi cho mọi người Việt Nam được xem. Tôi tin rằng bộ phim sẽ có rất đông khán giả tới xem. Bởi họ đã được các nhà làm phim và dư luận xã hội chuẩn bị tâm lý từ trước, nên bộ phim không còn là một bộ phim giải trí thông thường, mà là bộ phim cho Đại lễ, bộ phim “nhạy cảm”, sẽ được cả xã hội quan tâm, chú ý, phẩm bình. Cũng là để công bằng với bộ phim. Cũng là để “tri bỉ tri kỷ”, để tránh tình trạng mập mờ thông tin, tình trạng không chuyên, hay tình trạng “thày bói xem voi”...
Nhưng quan trọng hơn, bằng việc tiếp xúc trực tiếp, toàn diện và sâu sắc với toàn bộ 19 tập của bộ phim, các nhà văn hoá, khoa học, nghệ thuật, các nhà chuyên môn và đông đảo người dân có cơ hội được chứng kiến một “phép thử” mới về “tinh thần dân tộc”. Chỉ có điều, “phép thử” về “tinh thần dân tộc” lần này không chỉ giành cho CÁC CÁ NHÂN NGƯỜI VIỆT NAM, mà còn giành cho CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC. Bởi vì bộ phim này mang tính XÃ HỘI chứ không chỉ mang tính CÁ NHÂN như phát ngôn của cô Bích.
HC