"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 30. Oktober 2010

3 Động lực cho đổi mới ở Việt Nam

Đòi hỏi đổi mới chính trị, cải cách dân chủ triệt để không phải là một điều gì mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ có đòi hỏi không thôi thì “giấc mơ” đổi mới sẽ rất dài. Chúng ta cần phải nhìn nhận vào thực tế hoàn cảnh của Việt Nam để tìm ra đâu là động lực cho quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam. Có nhìn thấy động lực, chúng ta mới có chiến lược phù hợp để biến giấc mơ lâu dài trở thành hiện thực chứ không chỉ là những câu chữ trong các văn kiện chính trị mà Đảng vẽ ra một giấc mơ tươi sáng mà chính Đảng cũng không biết bao giờ sẽ thành hiện thực. Bài viết này tập trung vào phân tích 3 động lực chính cho đổi mới chính trị ở Việt Nam.


Động lực 1: Sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng

Nhìn lại lịch sử, Đảng cộng sản có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt dân tộc trải qua bao cuộc kháng chiến trường kỳ dành độc lập, chủ quyền. Theo quán tính lịch sử, việc Đảng Cộng Sản trở thành lãnh đạo đất nước là một tất yếu lịch sử. Tuy nhiên, việc lãnh đạo một cách độc quyền, chuyên chế thì không phải là tất yếu, vì thực tế trong lịch sử Việt Nam, đã từng tồn tại rất nhiều Đảng phái chính trị tồn tại song song với Đảng Cộng Sản, nhưng sau đó bị loại bỏ, dần dần tiến tới xóa sổ.

Quay trở lại vấn đề, chúng ta dễ dàng thấy rằng ở đâu có độc quyền thì ở đó dễ nảy sinh vấn đề. Điều này đúng cả trong kinh tế, cũng như trong chính trị, ở cả tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó, việc Đảng Cộng Sản tự lựa chọn mình là người lãnh đạo duy nhất toàn xã hội, không những không củng cố được quyền lực mà còn tự tạo ra các vấn đề mẫu thuẫn trong nội bộ Đảng viên và giữa Đảng với xã hội. Đảng trong quá trình độc quyền lãnh đạo, lại không chịu lắng nghe, học hỏi, đã mắc quá nhiều sai lầm, gây ra nhiều tội lỗi cho dân tộc, nhưng lại thiếu thái độ thừa nhận sai lầm một cách chân thành, thiếu lời xin lỗi ở tầm quốc gia để hàn gắn những vết thương mà Đảng gây ra, thành ra tội này chưa hết, tội khác lại tiếp diễn. Thêm vào đó, kinh tế thị trường méo mó và nền pháp trị vô hiệu đã tạo nên một đội ngũ Đảng viên tha hóa, biến chất cấu kết tạo thành phe phái trong Đảng, dần dần củng cố quyền lực, tích lũy tư bản thông qua tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà bất chấp pháp luật. Từ đó, Đảng không những không làm được điều tốt, không tránh được sai lầm mà lại tiếp tục bị chi phối bởi các phe phái bảo thủ nhằm thâu tóm quyền lực, lũng đoạn chính trường. Chỉ một nhóm nhỏ Đảng viên tha hóa biến chất tạo ra những sự vụ làm rúng động dư luận đã làm ảnh hưởng nặng nề tới uy tín của toàn Đảng, đặc biệt là những Đảng viên ưu tú của Đảng. Đây là “kẻ thù trong” của Đảng, nếu không sớm loại trừ, tự Đảng sẽ mất dần vị trí tiên phong của mình mà không cần “diễn biến hòa bình” hay “tự diễn biến”.

Nhìn lại lịch sử Đảng, tuy nước ta chỉ có một Đảng những thật chất lại chia thành 2 phe phái chính, xin phép được đặt tên là “phe bảo thủ” và “phe cấp tiến”. Trên thực tế thì khi phe phái nào nắm thực quyền, đất nước sẽ được lèo lái theo quan điểm của phe đó. Đáng tiếc là phe bảo thủ theo đường lối cánh tả, thường sử dụng lá bài “kiên định theo Chủ nghĩa Mác – Lê Nin” thường thắng thế thành ra sự đổi mới ở Việt Nam mang tính “nhiệm kỳ”. Đại hội trước đổi mới 1 bước, phe bảo thủ sợ bất ổn lại đề ra chính sách làm đại hội sau thụt lùi 2 bước. Cứ thế mà mấy chục năm qua, thành tựu đổi mới chẳng có là bao.

Phân tích như vậy để thấy, trong bối cảnh Việt nam do một chính đảng duy nhất nắm quyền, việc đấu tranh nội bộ trong Đảng là động lực đầu tiên quan trọng nhất tạo nên đổi mới. Và những người tạo lên động lực đó không ai khác ngoài 3 triệu Đảng viên cộng sản. Đã đến lúc những người cộng sản kiên trung, ưu tú, cách mạng cần phải tiến hành đấu tranh loại trừ những thành phần cánh tả, bảo thủ, cực đoan, giáo điều, chủ quan, duy ý chí ra khỏi Đảng. Đây là cuộc đấu tranh chính trị nội bộ của Đảng, làm sao mọi Đảng viên phải tỉnh táo trong nhận thức, thoát khỏi u mê của ý thức hệ, dám dũng cảm đối đấu với bè phái tham quyền, lạm quyền đang hình thành những phe nhóm mafia trong Đảng, từ đó củng cố quyền lực nhằm tham ô, tham nhũng, vơ vét và tích lũy tư bản cho cá nhân và gia đình. Như vậy, tranh giành quyền lực trong Đảng là động lực của đổi mới, nhưng vấn đề cốt lõi là phải làm sao đảm bảo “phe cấp tiến” thắng thế như vậy mới có đổi mới đích thực và không mang “tính nhiệm kỳ”. Nếu trong cuộc đấu tranh chính trị này mà “phe bảo thủ” thắng thế, Việt Nam ta lại tiếp tục “đêm trường trung cổ” của cái gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội.

Làm sao để cuộc đấu tranh với cái xấu, cái giáo điều, cái quan liêu diễn ra thành công? Không còn cách nào khác là phải phát huy sức mạnh của Đảng viên cấp tiến và sự ủng hộ của nhân dân với chân lý từ thực tiễn quy luật khách quan, từ chương trình hành động cụ thể, hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Đảng viên cấp tiến phát huy sức mạnh của mình bằng lá phiếu lựa chọn lãnh đạo Đảng phải là con người có năng lực, có tầm nhìn, có khả năng tiếp thu cao, không bảo thủ, cực đoan, giáo điều. Như vậy có thể nói, động lực quan trọng nhất là nằm trong tay Đảng viên cấp tiến. Nhưng cũng xin đừng nghĩ rằng cuộc đấu tranh chính trị này là đơn giản, bởi đã là chính trị thì sẽ rất “đớn đau”, nhưng không còn cách nào khác. Chúng ta phải tiến hành “lọc máu” Đảng để loại trừ những “tế bào” thái hóa, biến chất, ung nhọt đang dần dần hủy hoại uy tín bao nhiêu năm xây dựng lên bằng xương máu của những đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì tin theo Đảng, đi theo Đảng. Hãy phát huy tiếng nói dân chủ, sử dụng lá phiếu của mình bằng lương tri và trách nhiệm để bầu chọn người đủ đức, đủ tài lãnh đạo Đảng. Tương lai của dân tộc Việt Nam trước hết là nằm trong tay lá phiếu của mỗi Đảng viên dự Đại hội Đảng. Đã là đấu tranh, hãy dũng cảm chấp nhận hy sinh, đừng có nuôi ảo tưởng sẽ “thuyết phục” được những người cộng sản ngoan cố, cứng đầu và kiên định một cách mù quáng. Một khi cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng, với phe cấp tiến thắng thế khi đó mới có hy vọng cho đổi mới bước đầu quan trọng nhất tạo đà cho những đổi mới căn bản tiếp theo.

Động lực 2: Đấu tranh từ bên ngoài xã hội

Có thể nhận thấy là từ khi thực hiện “Đổi Mới” năm 1986, dân chủ ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể, tuy còn chậm nhưng đã chấm dứt được tình trạng “Đảng bảo, dân nghe, miễn bàn luận”. Giờ đây, khi Việt Nam mở rộng dân chủ, xuất hiện ngày càng nhiều các tiếng nói đòi hỏi cho tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, những phong trào đấu tranh này thường bị sa đà vào chỉ trích gay gắt Đảng, chính quyền mà không đưa ra được những đề xuất giải pháp khả thi, thiết thực. Thành ra, Đảng càng ngày càng ráo riết săn lùng, chặn đứng những tiếng nói bất đồng chính kiến để giảm bớt chỉ trích nhắm tới Đảng và đảm bảo ổn định chính trị. Nhìn nhận một cách đơn giản, là ở góc độ cá nhân, nếu ai chỉ trích mình một cách cay độc nhằm hạ bệ mình thì mình chắc chắn sẽ căm ghét người đó, chứ không thể nào cảm thấy thoải mái được. Điều này càng đúng với một Đảng cộng sản chuyên chế. Vậy tại sao cứ phải bới móc quá khứ để chọc giận Đảng, sao không có những đề xuất giải pháp, lộ trình khả thi để thương thuyết với Đảng? Đó không phải là một cách để “thu phục nhân tâm” tốt hay sao? Có phải tất cả Đảng viên đều mê muội lý tưởng đâu? Có phải tất cả Đảng viên đều bảo thủ, đều cực đoan, đều xấu xa, tham nhũng đâu?

Mục tiêu đòi hỏi tự do, dân chủ là hoàn toàn đúng đắn, nhưng phương pháp đấu tranh lại hơi cực đoan, và mang mầu sắc “không tưởng”. Không đánh giá đúng lực lượng của mình, và của Đảng thành ra đem trứng chọi đá, làm sao mà không tránh khỏi bị đàn áp, bắt bớ. Cứ tiếp tục đà này, sẽ chẳng thể nào tìm ra lối thoát cho con đường đi tới tự do, dân chủ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng Cộng Sản luôn luôn khẳng định vị trí độc quyền lãnh đạo thì đòi hỏi tự do, dân chủ sẽ không bao giờ chấm dứt. Vì thế, đừng bao giờ ảo tưởng và hy vọng rằng Đảng đột nhiên cảm hóa, nhận thức và chấp nhận san sẻ vị trí độc tôn lãnh đạo của mình cho kẻ khác. Đảng Cộng Sản sẽ trở nên ngày càng cứng rắn và tàn bạo hơn bao giờ hết để nhằm bảo vệ vị trí độc tôn của mình. Việc chuyển biến từ nhận thức tới hành động đối với một Đảng cộng sản, ít nhất cũng phải mấy chục năm.

Do đó, những ai chủ trương sử dụng bạo động để lật đổ là hơi “ảo tưởng”, và có màu sắc “nhiệt tình cách mạng một cách cực đoan”. Một khi Đảng nằm toàn quyền kiểm soát hệ thống quân đội, công an – những công cụ của chuyên chính vô sản, thì việc bạo động lật đổ sẽ chỉ chứng kiến máu đổ, đầu rơi, tù tội. Sẽ khó có lòng có nội chiến vì Đảng nắm toàn quyền kiểm soát quân đội và công an.

Vì thế, phương pháp đấu tranh hiệu quả mà tránh được tối đa hy sinh nhân mạng là phương pháp “đấu tranh bất bạo động có tổ chức, chấp nhận hy sinh”. Hãy thực tế một chút, đừng có mơ mộng nghĩ rằng có thể thuyết phục hay tranh luận khiến người cộng sản nghe theo, bởi lẽ họ “kiên định” trong não bộ họ một hệ tư tưởng “nhồi sọ” mà có thể chính bản thân họ cũng không tin, nhưng phải cố bảo vệ vì “miếng cơm, manh áo” của chính bản thân họ. Do đó, đừng có hy vọng sử dụng tranh luận để đấu tranh với Cộng Sản. Thời gian gần đây, đã có rất nhiều tiếng nói góp ý, kiến nghị với Đảng về các vấn đề trọng đại như “Đại dự án Bô-xít”, “Cho thuê rừng đầu nguồn”, “Điện hạt nhân”, “Tàu cao tốc”, nhưng nhìn lại thì thấy, Đảng cử để cho nói, nhưng Đảng bịt tai. Ngay cả đại tướng Võ Nguyên Giáp – công thần triều đình, chức vụ cao quý như thế, viết thư 3 lần gửi Bộ Chính Trị mà họ còn coi thường không thèm trả lời thì đừng có phí phạm thời gian ngồi chờ hồi âm cho các kiến nghị tiếp theo. Bởi đó giống như “công dã tràng se cát”, không hiệu quả, lâu ngày thành ra “nhờn”. Mà thực tế, thì độ lan truyền của những phương pháp này là rất hạn chế, do báo chí “lề phải” bị kiểm soát, mấy tờ báo, blog, diễn đàn “lề trái” thì có lượng độc giả giới hạn, lại liên tục bị đánh phá, bị chặn. Hơn nữa, nhìn vào lực lượng cách mạng, thì những người độc giả tiếp cận với những báo chí “lề trái” này có phải là số đông. Hơn nữa, trình độ dân trí còn thấp, diện bao phủ internet tuy cao, nhưng tỷ lệ dân số dùng internet còn thấp mà đa số mới chỉ dừng lại đọc báo “lề phải”, giải trí và chơi game!!! Thêm nữa, cơ quan tuyền truyền cộng sản vẫn rất mạnh, cho nên đa số người dân thường không quan tâm, hoặc có quan tâm thì nghe theo “một chiều” của hệ thống tuyên truyền của Đảng.

Như vậy, phương pháp “đấu tranh bất bạo động có tổ chức, chấp nhận hy sinh” là dựa trên nguyên tắc “bất tuân dân sự và chính trị”, chúng ta tiếp tục thể hiện sự “bất tuân” trước chính sách độc đoán của Đảng, nhưng cần phải thể hiện một bước tiếp theo, quan trọng hơn là biểu hiện sự “bất tuân” đó bằng các hình thức gây sức ép khác có hiệu quả hơn, cụ thể là tuần hành và biểu tình (đừng hy vọng xin được phép) để gây sức ép hơn nữa. Nguyên tắc thứ hai của phương pháp đấu tranh trên là “chấp nhận hy sinh”, vì điều này là không thể tránh khỏi. Với những cuộc biểu tình, tuần hành như trên, chắc chắn Đảng sẽ tổ chức trấn áp, bắt bớ, sẽ có hy sinh. Vậy phải làm sao, để những hành động “bất tuân” kia hạn chế tối đa “hy sinh”, theo tôi thì người đứng đầu những hoạt động đó nên là những vị lão thành cách mạng, những nhà khoa học, giới tri thức có tiếng tăm trong nước và quốc tế. Nếu những người này đứng đầu các hoạt động biểu tình, diễu hành, Đảng sẽ không dám mạnh tay đàn áp vì sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ nhất từ người dân và từ cộng đồng quốc tế. Đó chính là yếu tố “có tổ chức” của phương pháp đấu tranh này.

Đã đến lúc bước tiếp một bước quan trọng trong “đấu tranh bất bạo động”, nhằm đạt tới mục tiêu “tự do, dân chủ” đích thực cho giấc mơ ngàn đời của nhân dân ta. Hơn ai hết, những người có vai vế, trách nhiệm trong xã hội hãy dũng cảm đứng lên, xuống đường thể hiện quyết tâm của mình. Thà chấp nhận hy sinh bây giờ để được tự do, dân chủ trường tồn còn hơn là chỉ viết lên những kiến nghị và chờ đợi giấc mơ được Đảng ban phát cho. Toàn dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản tiến bộ, tiên phong, có tâm huyết, có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc đứng lên chống lại sự lãnh đạo sai lầm của một số ít cán bộ Đảng viên. Chính người Đảng viên gương mẫu, ưu tú, lão thành cách mạng, giới tri thức, nhà khoa học là những người đứng đầu và khởi xướng phong trào này nhằm loại trừ những Đảng viên cơ hội, thái hóa, biến chất ra khỏi hàng ngũ của Đảng, hãy dũng cảm, tạm quên đi những “danh lợi”, “phù hoa” trước mắt đứng lên lãnh đạo của đấu tranh mà bằng lương tri và trách nhiệm, không một người dân nào không ủng hộ. Lẽ phải sẽ luôn luôn chiến thắng! Đó là chân lý muôn đời.

Động lực 3: Sức ép của cộng đồng quốc tế

Trong xu thế ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, cho nên Việt Nam ngày càng chịu nhiều sức ép của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền, dân chủ và tự do, cũng như các đòi hỏi về cải cách chính trị phù hợp với cải cách kinh tế trong thời gian qua. Với Đảng Cộng Sản, tất nhiên những sức ép này là nhằm thẳng vào Đảng nên chắc chắn họ sẽ phản kích lại, quy kết là “diễn biến hòa bình”, “can thiệp vào công việc nội bộ”. Hơn ai hết, chúng ta cần phải nhận thấy rằng, càng dấn sâu vào hội nhập, Việt Nam không còn cách nào khác là phải thay đổi, sức ép từ cộng đồng quốc tế là một động lực quan trọng cho đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải tỉnh táo, tân dụng một cách khôn khéo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với phong trào dân chủ, tránh trở thành công cụ tay sai cho các thế lực nước ngoài. Đừng ngây thơ nghĩ rằng, các quốc gia khác gây sức ép đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam là vì tinh thần đoàn kết, vô tư trong sáng. Tất cả đều xuất phát từ lợi ích dân tộc của họ cả. Thế giới bây giờ bao trùm “Chủ nghĩa thực dụng”, mọi đường lối chính sách đều nhằm vun vén lợi ích cho quốc gia, bất cứ một quốc gia nào cũng vậy. Nhìn từ góc độ cá nhân, tới góc độ tổ chức, và rộng ra là ở tầm quốc gia, không có chuyện chỉ có “cho” mà không có “nhận”. Họ giúp mình, họ cũng trông đợi mình cũng phải “giúp” họ cái gì đó, hoặc họ được gì.

Thời gian vừa qua, sức ép từ cộng đồng quốc tế có tác động đáng kể đối với đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, sức ép đó còn thiếu tính ổn định do “tư duy nhiệm kỳ” và sự thay đổi chính trị đang diễn ra trên quy mô toàn cầu cho nên sức ép lúc mạnh, lúc yếu khác nhau. Nhiều lúc, sức ép chính trị bị gạt bỏ để tập trung vào mục đích thương mại, kinh tế, tranh giành thị trường mà bỏ rơi “sứ mệnh” tự do, dân chủ mà người dân Việt Nam ngàn đời mong đợi. Từ đó không những tạo ra tự do, dân chủ mà còn làm tự do, dân chủ mất dần đi khi quyền lực kinh tế bị phe phái lũng đoạn, kiểm soát nhằm tạo ra một thế hệ “Tư bản đỏ” ngày càng tham lam, sẵn sàng dùng mọi biện pháp bảo vệ quyền lợi của mình.

Cộng đồng quốc tế, đừng đầu là Hoa Kỳ đang tiến hành các bước gây sức ép nhưng không hiệu quả. Việc ủng hộ các đảng phái chính trị đối lập có trụ sở bên ngoài Việt Nam dễ bị chính quyền cộng sản và các nước cánh tả chỉ trích là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Hơn nữa, những đảng phái chính trị này chủ trương đường lối mang tính “khủng bố”, “bạo động” không đi theo tư tưởng về tự do, bác ái, nhân quyền và dân chủ của Mỹ. Việc tác động từ bên kia Thái Bình Dương là rất tốn kém mà không mang lại hiệu quả, vì nó rất ít mang đến tác động trực tiếp ở Việt Nam. Hơn nữa, hệ thống an ninh, tuyên truyền của cộng sản luôn cảnh giác đánh phá, phá sóng, gây nhiễu các hệ thống truyền hình, đài báo phát từ hải ngoại về Việt Nam cho nên cho dù được tài trợ rất nhiều tiền, nhưng cần phải xem xét lại về tính hiệu quả.
Trong khi bàn cờ địa chính trị thế giới đang xoay chuyển nhanh chóng, vị thế của Hoa Kỳ – quốc gia tiên phong trong phong trào đấu tranh dân chủ thế giới đang ngày càng yếu đi trước sự lớn mạnh một cách nguy hiểm của Trung Quốc, đang biến ngọn cờ dân chủ Mỹ tạm nhường bước cho ngọn cờ kinh tế, thương mại. Điều này một lần nữa khẳng định, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào sự trợ giúp hoàn toàn của nước ngoài. Không còn cách nào khác là phải tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ của phong trào dân chủ, nhân quyền trên toàn thế giới. Chúng ta khởi xướng phong trào đấu tranh, nhưng không đơn lẻ, chúng ta kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức đa phương nhằm đảm bảo tiến trình đấu tranh dân chủ không bị đàn áp theo kiểu “Thiên An Môn”.

Trong bối cảnh hai siêu cường Trung – Mỹ đang đối đầu để tranh giành quyền lợi tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều điểm lợi và hại khi nằm giữa gọng kìm của 2 siêu cường này. Trung Quốc không thể đơn giản gây chiến nhằm đánh chiếm Biển Đông vì Mỹ sẽ bảo vệ quyền lợi của mình tại khu vực này. Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo trong trường hợp Trung – Mỹ “đi đêm” phân chia quyền lợi trong khu vực, thì chúng ta sẽ “trắng tay”. Nhìn vào cục diện đó mà biết người, biết ta mà đưa ra đối sách thích hợp. Từ xa xưa, chúng ta đã xác định tinh thần độc lập tự chủ, khôn khéo tận dụng sử ủng hộ của cộng đồng quốc tế sẽ giúp chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà tránh đưa đất nước rơi vào cảnh chiến tranh. Lịch sử Việt Nam đã có quá đủ chiến tranh, chúng ta cần hòa bình để phát triển. Do đó, mọi chiến lược cả đối nội, lẫn đối ngoại cần phải tránh chiến tranh một cách tối đa. Coi giải pháp chiến tranh là giải pháp cuối cùng, bất khả kháng, hay nhằm mục đích tự vệ chính đáng. Trung Quốc ngang ngược, hung hãn sẽ chỉ làm suy yếu chính bản thân họ trên trường quốc tế và tự phá vỡ giấc mơ bá chủ của người Hán.

Như vậy, không thể phủ nhận động lực bên ngoài trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam. Nhưng đây không phải là động lực quyết định, so với 2 động lực trên, động lực này chỉ mang tính bổ sung cho 2 động lực bên trong đã được phân tích ở trên. Làm sao phát huy nội lực bên trong, tận dụng sự ủng hộ bên ngoài là yếu tố tổng hòa làm nên thành công của tiến trình đổi mới ở Việt Nam. Bây giờ chúng ta chỉ có 2 lựa chọn trong đối ngoại, một là liên minh với Trung Quốc, hai là liên minh với Phương Tây – đứng đầu là Hoa Kỳ. Xét một cách thấu đáo và tỉnh táo, chúng ta không nên liên minh với Trung Quốc, bởi Trung Quốc bản chất nham hiểm, tráo trở, giả mạo chủ nghĩa Mác – Lê Nin lên không thể liên minh tư tưởng với họ được. Hơn nữa, Trung Quốc luôn coi chúng ta là một tỉnh phía nam, luôn coi Việt Nam ngăn cản sự mở rộng của Trung Hoa đại lục xuống phía nam, Trung Quốc không bao giờ coi Việt Nam là đối tác, không bao giờ muốn chúng ta mạnh. Bây giờ dân tộc đứng trước lựa chọn lịch sử đó là “thân Tàu mất nước, thân Mỹ mất Đảng”. Như thế để thấy nhu cầu bức thiết, mang tính sống còn khi Đảng phải tự lựa chọn chiến lược và xác định vị trí cho mình để không mất đi vị thế chính trị gây dựng được bao năm khi chúng ta bắt tay với Mỹ. Phải nhìn nhận thực tế, người dân Việt Nam không bao giờ chịu mất nước, nên nếu trong hoàn cảnh Đảng đang yếu kém, tham nhũng, trì trệ như hiện nay, người dân sẽ chọn mất Đảng để giữ được nước, chứ không chịu mất nước để bảo vệ Đảng. Đảng không tỉnh táo nhìn nhận thời cuộc, thì Đảng trở thành quân sai cho Trung Quốc, dân tộc trở thành nô lệ cho ngoại bang.

Thay cho lời kết

Từ khi cách mạng thành công, giải phóng đất nước, chúng ta không còn phải trải qua chiến tranh nhưng tiến trình đổi mới Việt Nam gặp quá nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là chưa phát huy sức mạnh của các động lực của đổi mới ở Việt Nam. Chính vì lẽ đó, cần phải chỉ rõ và phân tích các động lực đổi mới để có kế sách phù hợp với hoàn cảnh của nước ta. Chúng ta đã chờ đợi gần hàng chục năm rồi, không thể mãi nuôi giấc mơ tự do, dân chủ trên giấy được nữa. Đã đến lúc chúng ta cần phải đồng tâm, hiệp lực hành động dũng cảm, chấp nhận hy sinh ban đầu để biến giấc mơ ngàn đời trở thành hiện thực. Những người Đảng viên cộng sản kiên trung, ưu tú, dũng cảm hãy là những ngọn cờ đầu, cùng với sự ủng hộ của nhân dân, và khôn khéo tận dụng sự ủng hộ của bạn bè thế giới, chắc chắn cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam sẽ thành công. Giấc mơ ngàn đời của người dân ta sẽ trở thành hiện thực. Tất cả trông chờ vào hành động của chính chúng ta ngay lúc này./.