"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 30. Oktober 2010

Cải cách hành chánh vẫn lạc hậu sau 10 năm

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010-10-29 - Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận trung ương của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mới có bài phân tích về kết quả cuộc cải cách hành chánh mà Nhà nước cho tiến hành trong giai đoạn 2001-2010.
Photo of ngoquyen.gov.vn
Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động bản tin "Thông tin cải cách nền hành chính nhà nước" do Bộ Nội Vụ tổ chức tại quận Ngô Quyền-Hải Phòng năm 2009

Bài báo nhận định là “mục tiêu không đạt” vì “chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết qua phần trình bày của Đỗ Hiếu cùng với ý kiến của người dân về chủ trương đó.

Chưa thật sự cải cách

Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chánh tuyên bố, mặc dù cải cách hành chánh đã được chánh phủ triển khai toàn diện qua các lãnh vực như: cải tiến thể chế, tổ chức, hiện đại hóa bộ máy hành chánh, xây dựng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức và kết quả bước đầu đạt được có một số chuyển biến đáng khích lệ.
Tuy nhiên theo ông Hòa thì nền hành chánh của Việt Nam còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, bất cập, nếu không muốn nói là lạc hậu so với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới.
Theo tờ Đại Đoàn Kết thì thể chế, luật pháp chưa được xác định rõ ràng ngay từ đầu, ngoài ra còn mang tính chồng chéo, không thực tế nên gây khó khăn cho người dân cũng như doanh nghiệp. Bên cạnh đó, dư luận cũng thuờng cho rằng có không ít cán bộ, công chức có hành vi quan liêu, tiêu cực, hống hách, tự ý làm nẩy sinh nhiều thủ tục gây phiền hà, làm mất lòng dân.
Về vấn đề tinh thần phục vụ, báo Đại Đoàn Kết cho rằng, trong suốt giai đoạn cải cách hành chánh 10 năm qua, đội ngũ cán bộ, công nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu trong công việc, kỹ năng yếu kém, các hiện tượng như tham nhũng, lãng phí vẫn tồn tại, tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu cán bộ là chuyện khá phổ biến.
... cần phải có quốc hội rồi đảng nọ, đảng kia, có tranh biện thì mới có cải cách hành chánh thật sự, cứ nói cải cách mà thật ra vẫn là toàn trị.
Luật sư Trần Lâm
Theo đánh giá của Vụ Cải cách Hành chánh thì có nhiều nguyên nhân khiến chủ trương cải cách không đáp ứng yêu cầu vì chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan trung ương và địa phương, người đứng đầu các cơ quan, ban ngành chưa kiên quyết trong trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, tiến hành công tác cải cách một cách đúng mức.


Ngoài ra, chế độ lương bổng của cả nước chưa đáp ứng, chưa theo kịp những dao động của sinh hoạt kinh tế, tài chánh nên không thúc đẩy, động viên đội ngũ cán bộ, công chức đẩy mạnh tiến trình cải cách.


Một chuyên gia từng phục vụ với tư cách thẩm phán, luật gia vào đầu thập niên 50 ở Miền Bắc, luật sư Trần Lâm nói lên những suy nghĩ của ông về việc cải cách hành chánh mà nhà nước đang theo đuổi:


“Tôi có thể nói với đài rằng, không cải cách được, bởi vì cái gốc của nó là chưa có một nền dân chủ thật sự, đặt trên một cơ sở toàn trị, mà lại đòi cải cách hành chánh, phải lấy dân làm gốc, cần lấy ý kiến của nhân dân, để tiến hành mọi việc. Không lấy ý kiến toàn dân mà mình cứ ngồi trong nhà nghĩ ra, cần phải có quốc hội rồi đảng nọ, đảng kia, có tranh biện thì mới có cải cách hành chánh thật sự, cứ nói cải cách mà thật ra vẫn là toàn trị.”

"Hành dân là chính"

Còn người dân oan thấp cổ, bé miệng thì đánh giá kết quả cuộc cải cách hành chánh ra sao? Cô Thu góp ý với đài chúng tôi:
UBND-TP-250.jpg
Ủy ban Nhân Dân TPHCM. RFA photo 
 
“Người dân nói hoàn toàn chính xác, hành dân là chính, vì thật sự bộ máy hành chánh của Việt Nam rất cồng kềnh, nhìn thấy thì có ban bệ đầy đủ hết, nhưng công việc họ làm, thứ nhất là không hiệu quả, thứ hai là trình độ của họ không được nâng cao. Nói chung, những chỗ ngon ăn, béo bở, thì đều dành cho con cái, họ hàng của cán bộ, nói chung là dây mơ, rễ má, còn những người tài giỏi thật sự, thì hầu như không chen chân được vào những chỗ đó.


Trả lời câu hỏi là muốn đạt hiệu quả trong chủ trương cải cách hành chánh thì nhà nước Việt Nam cần phải làm gì? Luật sư Trần Lâm phân tích:


“Cần sửa đi, nhưng cả cái nhà ấy không vững, sửa tường, thay gạch, thay ngói, thì chỉ tốt hơn một tí thôi, nhưng cần phải xây lại căn nhà đó, sửa đến tận gốc, thì nó mới tồn tại được. Nói rằng còn tham nhũng, độc tài, phe cánh, rồi còn đấu đá nhau, thì làm sao được. Có đấu đá, nhưng người ta đấu đá khác, hai phe của người có một quốc hội, có nhân dân nghe ngóng, có báo chí, có tranh luận, để cùng làm một việc gì đó, thì mới có cái cách được.


Còn tự mình cải cách mà chính bản thân mình không ra cái gì cả, thì cải cách làm sao được, tôi không tin mà cũng không cần xem. Có dân chủ thì mới có một nền hành chánh tiến bộ, chứ nền hành chánh này còn áp đặt, rồi còn bị tham nhũng, bè cánh, còn bị nước ngoài can thiệp vào, thì làm sao mà làm được.”
Dân nói hoàn toàn chính xác, hành dân là chính, vì thật sự bộ máy hành chánh của Việt Nam rất cồng kềnh, nhìn thấy thì có ban bệ đầy đủ hết, nhưng công việc họ làm không hiệu quả.
Cô Thu, người dân
Về phần ông Phạm Huỳnh Công, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành Chánh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì phải tìm cho được những nguyên nhân cội rễ hầu vạch ra hướng đi đúng cho bước đường cải cách hành chánh trong vòng 10 năm tiếp theo. Ông Công cho rằng, mục tiêu cải cách trong giai đoạn 10 năm tới cần phải “vừa sức hơn trước”, tránh việc quá ôm đồm, chủ quan, muốn cùng lúc theo đuổi quá nhiều mục tiêu, đến khi tổng kết, như giai đoạn 10 năm qua thì chẳng đạt được kết quả cụ thể nào.


Công luận cũng như nhiều viên chức nhà nước thắc mắc vì sao cả một hệ thống chính trị đã vào cuộc từ trên 10 năm qua mà kết quả cải cách hành chánh vẫn không thấy có gì biến chuyển.


Bên cạnh đó, theo báo Đại Đoàn Kết người dân vẫn còn kêu ca, phiền hà về những chi phí phải bỏ ra để “bôi trơn” cho các cơ quan nhà nước, khi họ cần đến các công sở trung ương hay địa phương, mong được giải quyết việc lớn, việc nhỏ, trong đời sống hàng ngày.