"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 12. Oktober 2010

Cầu nguyện tại Thánh địa La Vang

I- Từ những sự kiện…
 
Ngày 20-07-2009, giáo xứ Tam Tòa thuộc Giáo phận Vinh (trước 15-05-2006 thuộc về Tổng giáo phận Huế) bị nhà cầm quyền Cộng sản tại Quảng Bình bách hại. Vụ việc này đã làm dấy lên vô vàn tiếng nói phản đối và vô số lời cầu nguyện từ quốc nội ra tới hải ngoại. Đến ngày 15-08, một cuộc tập hợp vĩ đại gồm trên 200.000 tín hữu Giáo phận Vinh đã được tổ chức tại tòa Giám mục ở Xã Đoài để cầu nguyện cho các nạn nhân. Cùng thời điểm này (14+15-08-2009), tại trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc La Vang (nằm trong TGP Huế), nhân cuộc hành hương thường niên lên tới cả 100.000 tín hữu, người ta những tưởng có sự hiệp thông với các anh chị em đồng đạo bị bách hại. 

Thế nhưng chẳng hề có một sự nhắc nhở, một lời cầu nguyện công khai và chính thức nào cho các giáo dân và linh mục đã bị đánh đập, bắt bớ trong vụ Tam Tòa (dù năm 2009 là Năm thánh các Linh mục). Thậm chí một đoàn nữ tu và giáo dân từ Quảng Bình và Hà Tĩnh vào La Vang hành hương cũng đã bị cấm phổ biến tranh ảnh, băng hình về cuộc đàn áp Tam Tòa. Tuần sau đó, 23-08-2009, một nhóm tín hữu Giáo xứ An Truyền (thuộc TGP Huế) đi La Vang để cầu nguyện cho Tam Tòa (có chụp hình giăng một biểu ngữ nho nhỏ: “Giáo xứ An Truyền hành hương cầu nguyện cho Giáo xứ Tam Tòa) cũng đã bị các vị thẩm quyền mắng mỏ!
 
Năm 2010, lại xảy ra vụ Giáo xứ Cồn Dầu thuộc Giáo phận Đà Nẵng bị nhà cầm quyền địa phương ăn cướp ruộng đất, đàn áp đám tang, đánh đập bắt bớ nhiều tín hữu, gây tử vong cho một giáo dân bị tra tấn hành hạ. Vụ việc này cũng gây nên phong trào phản kháng và phong trào cầu nguyện rộng khắp, từ giáo đến lương, từ trong ra ngoài, từ người Việt đến người ngoại quốc. Tiếc thay, khác với vụ Tam Tòa, chẳng có thẩm quyền hữu trách cao cấp nào trong Giáo hội lên tiếng bênh vực Cồn Dầu cả. Đau lòng trước thái độ bất nhẫn đó, một bức thư đã được tung lên mạng thượng tuần tháng 8, kêu gọi tưởng nhớ và trưng biểu ngữ “Cầu nguyện cho Cồn Dầu” tại Trung tâm Thánh mẫu La Vang nhân cuộc hành hương toàn quốc ngày 13+14-08-2010. Thế là từ chính quyền (thậm chí bộ Công an tại Hà Nội) đến giáo quyền tại Huế đều tìm cách ngăn chận hành vi bị cho là mang tính “gây rối, kích động, chính trị” đó, có ý đồ “phá hoại tính cách thiêng liêng của cuộc hành hương và của Thánh địa”!?! Do sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, giáo xứ Cồn Dầu khốn khổ đã không hề được mảy may nhắc tới trong các bài giảng lẫn lời cầu nguyện Thánh lễ, nói chi đến việc nhắc tới trên biểu ngữ khách hành hương! Một tuần sau, lễ Đức Maria Nữ Vương, 22-08, giáo xứ Nguyệt Biều (nơi đã cùng linh mục Nguyễn Văn Lý đứng lên tranh đấu cho tự do tôn giáo cuối năm 2000-đầu năm 2001) đến La Vang dâng lễ cầu nguyện cho Cồn Dầu và cũng dự định giăng một băng-rôn viết hàng chữ “Giáo xứ Nguyệt Biều hành hương cầu nguyện cho Giáo xứ Cồn Dầu” vào lúc chụp hình kỷ niệm cuối lễ. Thế nhưng việc này cũng đã bị ngăn cản từ trung ương TGP Huế (và tại chỗ thì bởi ban trật tự Thánh địa phối hợp với công an tỉnh Quảng Trị).
 
II- Tìm về ý nghĩa việc hiện ra tại La Vang và sứ điệp của Đức Mẹ.
 
Mọi người Công giáo đều biết khi hiện ra cho cô thôn nữ Bernadette tại Lộ Đức (nước Pháp, năm 1858), cho 3 em bé Lucia, Phanxicô và Giaxinta tại Fatima (Bồ Đào Nha, năm 1917) hoặc cho 6 thiếu niên nam nữ Ivanka, Mirjana, Vicka, Marija, Ivan và Jacov tại Mễ Du (Nam Tư, năm 1981), Đức Mẹ đều ban một sứ điệp chính giống nhau: đó là sám hối tội lỗi, cải thiện đời sống. Cả mười thiếu niên và thiếu nhi nam nữ này lúc ấy đều đang sống đạo một cách bình yên. Thế nhưng khi hiện ra tại La Vang lần đầu tiên năm 1798, Đức Mẹ đã tỏ mình cho những giáo hữu ở Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) chạy lên rừng Lá Vằn (tên nguyên thủy) để trốn cuộc bách hại do vua Cảnh Thịnh gây ra qua chiếu chỉ cấm đạo ngày 17-08-1978. “Mẹ tỏ vẻ nhân từ âu yếm, an ủi các giáo dân vui lòng chịu khó… Người lại ban lời hứa: “Mẹ đã nhậm lời chúng con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ ban ơn theo như ý nguyện”… Sau đó Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để an ủi và nâng đỡ con cái trong cơn hoạn nạn” (Trích “Sự tích Đức Mẹ hiện ra” trong tập “Đại hội hành hương La Vang lần thứ 26” do TGP Huế phát hành năm 2002). Chính vì thế mà Mẹ La Vang được xưng tụng với tước hiệu “Đức Bà phù hộ các tín hữu”. Và sứ điệp Mẹ ban ra có thể gọi là Sứ điệp Hy vọng. Qua hơn 200 năm, sứ điệp này luôn mang tính cách thời sự, bởi lẽ con cái Mẹ tiếp tục bị bách hại tại Việt Nam cho tới lúc này.
 
III- Những lý do cấm cản việc cầu nguyện cho kẻ bị bách hại tại La Vang
 
Vậy thì tại sao những ai bị bách hại lại không được tưởng nhớ và cầu nguyện cho một cách công khai và chính thức tại La Vang, nơi mà Đức Mẹ -lúc hiện ra- hẳn đã thấy trước rằng hạng người đó sẽ ngày càng đông đảo, đặc biệt kể từ khi xuất hiện trên đất Việt cái chế độ cộng sản duy vật vô thần, chống Chúa hại đạo này? Có người nêu ra những lý do sau đây:
 
1- Nhà nước sẽ ngăn cấm hay ngăn cản tín hữu đến La Vang cầu nguyện. 

Thật ra thì ngay sau 1975, đã có hiện tượng này rồi. Lúc đó, mỗi năm, tới ngày 15-08, lễ Đức Mẹ Lên Trời, thời điểm của các cuộc đại hội hay hành hương La Vang, mọi hạng tín hữu Tổng giáo phận Huế đều gặp muôn vàn khó khăn trong việc đến đất Mẹ (các Giáo phận khác thì khỏi nói, hoàn toàn bất lực). Tàu hỏa hôm ấy bỗng nhiên bớt toa bớt chuyến, xe hơi thì bị kiểm soát ngặt nghèo về số lượng hành khách, về tuyến đường được chạy, hành khách thì bị kiểm soát giấy tờ (dù đi về trong ngày). Có nơi còn bị đuổi lui, nhất là các giáo xứ vùng quê. Đức cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền, chủ chăn TGP Huế bấy giờ, đã rất nhiều phen bị chặn đường ra Linh địa. Có những linh mục như cha Nguyễn Văn Lý, quản xứ Đốc Sơ lúc đó, cũng bị ngăn chận cách ngang nhiên và tại nhiều chặng cùng với giáo dân của mình, đặc biệt nhân cuộc hành hương 15-08-1981. May nhờ cha có sáng kiến tranh đấu ôn hòa (không cho ra La Vang thì quỳ xuống bên đường, hướng về đất Mẹ mà đọc kinh cầu nguyện), nên cuối cùng cũng đến được Thánh địa. Nhưng chính thái độ này đã là một trong những nguyên nhân khiến cha bị án tù 10 năm kể từ tháng 5-1983. Cũng vì đem “cảnh đấu tranh” đó của cha Lý vào trong một vở kịch vui 5 phút mang tên “Dâng con cho Mẹ” (diễn đêm 21-09-1981 tại hông nhà thờ chánh tòa Phủ Cam, TGP Huế) mà 5 đại chủng sinh đã lãnh án tổng cộng 13 năm tù… Với vô vàn khó khăn như thế, vậy mà khoảng thời gian đó (từ 1975 đến 1988, năm Đức Tổng Điền bị CS ám hại), người ta hăm hở hành hương và cầu nguyện với biết bao sốt sắng. Các bài giảng lúc ấy tại La Vang, như của cha Lê Văn Cầu, quản xứ Trí Bưu, cũng thật hùng hồn và nảy lửa (vì nói thẳng về việc bách hại và kêu gọi giáo dân sống đức tin cách can đảm). (Mở ngoặc: vốn là một linh mục có tinh thần đấu tranh cho tự do tôn giáo, trong những năm làm quản xứ Trí Bưu (1975-1985), cha Cầu gặp vô vàn khó khăn trong việc mục vụ, thậm chí có lần đã bị giam tù 3 tháng và quản chế 3 năm). Dần dần về sau, nhà cầm quyền CS thấy ngăn chận tín hữu đến LV cũng vô ích.
 
Đây cũng chính là trường hợp xảy ra cho Tu viện/Đền thánh Jasna Gora (Núi Sáng) của Ba Lan. Được thành lập từ năm 1382, Jasna Gora đã luôn là tụ điểm niềm tin đồng thời là trung tâm tinh thần của dân tộc Đông Âu kiêu hùng này. Trong cuộc xâm chiếm của Đức Quốc xã, Hitler từng cấm hành hương đến đó. Trong cuộc Chiến tranh lạnh, Jasna Gora là trung tâm kháng Cộng (x. Jasna Góra and the Shrine of Our Lady of Częstochowa, http://www.sacreddestinations.com /poland/czesto chowa-jasna-gora.htm). Nhà nước CS luôn tìm cách ngăn chận các cuộc hành hương đến đó, vì tại nơi ấy luôn vang lên lời cầu nguyện cho các tín hữu bị bách hại. (Hiện giờ ở đó có một cuốn sách ghi tên 3000 linh mục Ba Lan bị giết hại trong Thế chiến thứ 2, tại các miền truyền giáo và dưới chế độ CS). Thậm chí công an còn bỏ thuốc độc xuống giếng nước và gài lựu đạn trong bụi cây tại trung tâm hành hương này. Nhưng Đức Mẹ Đen (được tôn sùng tại đó như anh hùng dân tộc, nhưng có lần bị CS “giam tù”) đã luôn che chở các tín hữu, và mọi cố gắng phá hoại Jasna Gora của CS đều trở nên vô ích, cho đến ngày nhờ tay Đức Mẹ Đen, Dân tộc và Giáo hội Ba Lan thanh toán được cái chế độ chống Thiên Chúa và chống nhân loại này.
 
Trở lại Việt Nam, chúng ta nghĩ gì về một sự thoải mái hành hương của người Công giáo đến La Vang (lên tới cả mấy trăm ngàn) đang khi các tôn giáo bạn như Phật giáo Việt Nam Thống Nhất hay Phật giáo Hòa hảo Thuần túy thường bị ngăn trở trong các lễ hội của họ, dẫu lượng người hành hương của họ rất ít (ví dụ vụ Đại lễ Vu Lan tại chùa Giác Minh ở Đà Nẵng hôm 24-08-2010 và vụ Đại lễ Đức Huỳnh Giáo chủ tại An Giang ngày 08-04-2010 ).
 
2- Nhà nước sẽ không cho xây dựng Trung tâm La Vang một cách hoành tráng. 

Theo thông báo của Đức TGM Tổng Giáo phận Huế ngày 01-10-2009, thì Thánh địa La Vang, một khi được tái thiết, sẽ có những công trình như sau: một Vương cung Thánh đường 5.000 chỗ, một khu tạm nghỉ và canh thức cho 5.000 người, một hội trường 3.000 chỗ, một nhà tĩnh tâm 400 chỗ, một nhà nguyện 300 chỗ, một nhà chầu Thánh Thể 200 chỗ, một trung tâm hội nghị 200 phòng, một nhà dành cho bệnh nhân và người khuyết tật đến hành hương, một nhà trưng bày các chứng tích ơn lạ, một nhà triển lãm về Trung tâm và Thánh Mẫu học cùng nhiều công trình phụ trợ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh, tiểu cảnh, trang trí, các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật v.v… Quả là đồ sộ hoành tráng, và nghe nói tổng chi phí tới mấy chục triệu đôla Mỹ!
           
Theo như chúng tôi được biết, không có một trung tâm hành hương nào của Công giáo trong các quốc gia Cộng sản (từ Jasna Bora bên Ba Lan, Medjugorje bên Nam Tư, đến Donghu bên Trung Quốc, Đồi Thánh giá bên Lithuania…) đã được nhà nước cho phép xây dựng hoành tráng cả. Chúng đã hiện hữu trước đó và tồn tại y nguyên (hoặc chẳng xây thêm gì lớn lao) khi Cộng sản còn cầm quyền. Ngược lại phá hoại thì có, chẳng hạn nhà cầm quyền Liên Xô đã phá hủy 5000 cây Thánh giá năm 1961 và 1200 cây năm 1975 trên Đồi Thánh giá của Lithuania (x. http://www.lcn.lt/en/bl/ sventoves/kryziuk/); hoặc như đối với tu viện Jasna Gora nói trên. Giáo phận Huế cũng biết chuyện linh mục quản nhiệm La Vang từ 1975 đến 1996 là cha Nguyễn Vinh Gioang đã từng vất vả biết bao khi dựng những hàng rào sắt quanh Linh đài và khi xây những công trình dù rất thô sơ bé nhỏ. Hầu như phải luôn làm chùng lén, chớp nhoáng và chụp giựt. Người ta cũng không quên chuyện Đức Cố TGM Nguyễn Kim Điền đã từng ngồi ăn trên bãi cỏ La Vang với một mo cơm. (Nay thì các Giám mục ở phòng có máy lạnh, đang khi giáo dân thì nằm trên bãi cỏ, dưới lều bạt).
 
Sở dĩ CS đã không hề cho phép xây các trung tâm hành hương hoành tráng là vì họ luôn biết rằng đó là những nơi duy dưỡng niềm tin tôn giáo, ý thức nhân quyền, thách thức bản chất vô thần và phi nhân của họ, đồng thời đó cũng là những nơi liên kết nhân tâm, xây dựng đồng thuận, dễ tạo ra một lực lượng tinh thần đe dọa sự tồn tại của cái chế độ chuyên chia để trị bằng bạo lực và dối trá. Nếu CS có cho xây dựng hoành tráng, để vô số khách hành hương lui tới dễ dàng, là vì nó thấy những trung tâm đó an toàn cho chế độ (ngoài việc thu được vô số lợi nhuận). Tại Việt Nam, những công trình tôn giáo vĩ đại được xây dựng trong các năm gần đây gồm có chùa Bái Đính tại Ninh Bình, Đại Nam Quốc tự tại Bình Dương, Trúc Lâm Thiền viện tại Đà Lạt… Tất cả đều thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức Giáo hội quốc doanh. Những nơi đó hoặc đang thờ Hồ Chí Minh bên cạnh Đức Phật, hoặc đang được các viên chức nhà nước cao cấp (theo nguyên tắc là vô tôn giáo) lui tới lễ bái hay làm phước sương… Đang khi ấy thì Việt Nam Quốc tự của Giáo hội Phật giáo Thống nhất bị tịch thu, An Hòa tự của Phật giáo Hòa Hảo thuần túy bị đập phá, Thánh thất Định Quán của Cao Đài Chính thống bị tấn công. Mà đây là những trung tâm hành hương quan trọng nhất của họ.
 
Xây dựng những trung tâm cầu nguyện thật to, nhưng lời cầu nguyện tại đó không biến thành sức mạnh để giành lại những giá trị tâm linh và nhân bản (mà tiên vàn là nhớ tới các nạn nhân của chế độ), không thúc đẩy tín hữu dấn thân can đảm để rao truyền sự thật và bênh vực lẽ phải, hầu giải cứu một xã hội bị băng hoại vì hận thù, vô thần, bạo lực, dối trá (toàn những điều đi ngược với tôn giáo) thì e phải nói: Chốn hành hương càng to thì lời cầu nguyện càng nhỏ! Dĩ nhiên không ai phản đối việc tạo những tiện nghi tối thiểu cho khách hành hương và những cơ sở tối cần cho việc cầu nguyện cùng học hỏi. Nhưng nếu xây dựng to lớn với cái giá là phải thỏa hiệp (tức im lặng trước bao bất công xã hội, bao đàn áp tôn giáo, bao nguy cơ cho đất nước dân tộc…) thì đó sẽ là tụ điểm của niềm tin hay vật trang trí cho chế độ? Và như thế có đáng để đồng bào Công giáo, nhất là hải ngoại, đóng góp dựng xây?
 
3- Không nên đối đầu với nhà nước. 

Từ lâu nay vẫn có não trạng, đặc biệt trong Công giáo, là với nhà nước chỉ nên đối thoại chứ chẳng nên đối đầu. Mà cầu nguyện công khai, chính thức cho các nạn nhân của chế độ tức là gián tiếp vạch trần sai lầm, tố cáo tội ác của chế độ. Như thế sẽ làm mất lòng, tạo xấu hổ, gây bực tức cho ông nhà nước vốn rất tự ái và cao ngạo. Và do vậy là đối đầu với nhà nước! Không nên! Vô ích! Bất lợi!
 
Dĩ nhiên tại những nơi cầu nguyện đó, chắc không ai lại dùng các từ “mạnh mẽ tố cáo…, cực lực phản đối…, kiên quyết đả đảo…”, một chỉ nêu tên những người, những nơi, những cách bị bách hại thôi. Ngoài ra, với tinh thần tha thứ của Tin Mừng, người ta còn phải cầu nguyện cho chính những kẻ bách hại nữa. Đây cũng là sứ điệp hy vọng cho những ai đi trên con đường tội ác. Bởi lẽ tính chất của đức tin Kitô giáo là can đảm và yêu thương. Một niềm tin chân chính không thể chấp nhận lẳng lặng xót thương, âm thầm cầu nguyện, phản đối trong lòng. Vậy thì lý do chính trị nào khiến việc lên tiếng rõ ràng cho các nạn nhân của chế độ trong các cộng đoàn Giáo hội là hành vi đối đầu với nhà nước? Lý do thần học nào khiến việc cầu nguyện công khai cho các nạn nhân của chế độ trong các trung tâm hành hương là làm mất tính cách thiêng liêng những nơi này?
 
Phải chăng đối thoại bất đối đầu là im lặng trước việc Đức Khâm sứ Tòa thánh Henri Lemaitre bị trục xuất? Việc Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận bị cầm tù rồi tống ra hải ngoại? Việc Đức Cố TGM Nguyễn Kim Điền bị đầu độc? Việc các linh mục tuyên úy bị “cải tạo” mút mùa? Việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt bị đày khỏi ngai tòa Hà Nội? Việc Linh mục Nguyễn Văn Lý ba bốn phen vào tù vì tranh đấu? Phải chăng đối thoại bất đối đầu là im lặng trước việc các dòng tu như Thiên An Huế, Giuse Nha Trang, Phaolô Vĩnh Long, Vinhsơn Sài Gòn… bị cướp đất? Việc các Giáo dân tại Đồng Chiêm Hà Nội, Tam Tòa Quảng Bình, Loan Lý Thừa Thiên, Cồn Dầu Đà Nẵng… bị tước đoạt và đánh đập? Việc đảng cai trị dâng đất, hiến biển, nhường hải đảo, dành cao nguyên cho lân bang? Việc nhà cầm quyền giết chết thai nhi, cướp đất nông dân, bóc lột thợ thuyền, buôn bán thiếu nữ, xuất khẩu nô lệ, đàn áp những ai đấu tranh cho dân chủ nhân quyền?.... Đối thoại kiểu như thế phải chăng vì chấp nhận cơ chế “xin-cho”, vì tuân theo nguyên tắc “được việc hơn đúng việc”, vì mong được an thân làm việc mục vụ, được xây dựng cơ sở hoành tráng, được tổ chức lễ hội linh đình, được thoải mái đi ra nước ngoài, được dễ dàng thăng quan tiến chức?...
 
Thiết tưởng đối thoại, như vị Giáo hoàng đương kim và vị Giáo hoàng tiền nhiệm đã nói,  phải là đối thoại trong thẳng thắn. Đối thoại với tư thế uy dũng như Đức cố TGM Nguyễn Kim Điền trước mặt nhà cầm quyền Thừa Thiên (năm 1976-1977) để rồi chấp nhận bị quản thúc và đầu độc. Đối thoại với tư thế can trường như Đức nguyên TGM Ngô Quang Kiệt trước mặt nhà cầm quyền Hà Nội (năm 2008) để rồi chấp nhận bị tấn công và đày khỏi nhiệm sở... Đối thoại như thế cũng đồng nghĩa với đối đầu, đối đầu trong ôn hòa (tinh thần của Tin Mừng và bản chất của Giáo hội không thể cho phép làm khác), theo công thức nổi tiếng của chính Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II (gương mẫu số một về đối thoại/đối đầu với CS): collaborer en résistant. Theo văn phạm tiếng Pháp, kiểu nói này có thể dịch được ba cách: “cộng tác trong khi đề kháng”, “vừa cộng tác vừa đề kháng” rồi “cộng tác bằng cách đề kháng”. Và cầu nguyện cho những nạn nhân của chế độ cách công khai trong các cơ sở thờ phượng (theo gương chân phước linh mục tử đạo Jerzy Popieluszko khi ngài phát động chiến dịch “Thánh lễ cầu cho Quê hương” khắp cả Ba Lan thập niên 1980) chính là cách đơn giản nhất, đạo đức nhất và tiên khởi nhất để thể hiện tinh thần này. Không làm được việc đó thì mong chi làm được những việc quan trọng và triệt để hơn như các Giáo hội Đông Âu những năm 1989-1991?
 
4- Không nên làm trái ý muốn của các Giám mục. 

Sau bao nhiêu nỗ lực kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân của chế độ tại La Vang như thế mà các Giám mục vẫn im lặng, đó là dấu các ngài muốn chúng ta cũng theo gương, vâng lời. Có người lập luận như vậy. Mà vâng lời thì trọng hơn của lễ! Đối với các bề trên tôn giáo thì câu này có giá trị. Nhưng nếu đó là các “bề trên chính trị” (vì chuyện cấm cầu nguyện này chắc chắn xuất phát đầu tiên từ chính họ) thì áp dụng câu đó chẳng phải là đi ngược với Kinh Thánh: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” sao? Bề trên chính trị chặn bề trên tôn giáo, rồi bề trên tôn giáo chặn bề dưới tín đồ. Bề trên chính trị (chỉ biết lập luận cách vô lý, kiểu bạo lực) áp đặt quan niệm “Cầu nguyện cho các nạn nhân bị bách hại là phản động” lên bề trên tôn giáo (vốn đã được học cách lý luận theo lẽ phải và sự thật), nhưng bề trên tôn giáo vẫn cúi đầu ngoan ngoãn tuân theo, để con cái mình tiếp tục bị bách hại mà không được một lời bênh vực từ cha mẹ! Lạ quá! Nền tu đức “Làm đẹp lòng Chúa, tránh mất lòng Ngài” đã chuyển sang nền tu đức “Làm đẹp lòng nhà nước, tránh mất lòng công an” từ khi nào vậy?
 
Quyết liệt ngăn chận tín hữu cầu nguyện công khai cho những kẻ bị bách hại chẳng phải là đã tự biến mình thành công cụ của chế độ, thành bàn tay nối dài của công an, thành một thứ nhân viên cảnh sát dưới lốt chiếc áo chùng đen, tím, đỏ sao...? Y như nhiều giáo sư đại học vô liêm sỉ từng cấm sinh viên biểu tình chống Trung Quốc cách đây vài năm vì lòng yêu nước. Hèn chi CS có nói: chỉ cần nắm các Giám mục là đủ!
 
Kết luận
 
Theo sự quan phòng của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã hiện ra tại LV nhằm thời bách hại và cho những kẻ bị bách hại đến đó để khẩn cầu Ngài cho mình và cho mọi anh chị em tín hữu. Đó chẳng phải là tấm gương cho hôm nay sao? Việc 117 chân phước tử đạo Việt Nam được nâng lên hàng hiển thánh chính trong thời Cộng sản (1988), đó chẳng phải là ý Thiên Chúa muốn cho con cháu các vị hôm nay sống tinh thần quả cảm của các vị sao?

08-10-2010, bế mạc Đại hội thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Tưởng nhớ Đức nguyên TGM Ngô Quang Kiệt vắng mặt trong lòng Đại hội.
 
Tâm Thành
....................  
Phụ lục
Vai trò của Ðức Mẹ Guadalupe đối với nền độc lập của Mehico
Mehico [CNA 16/9/2010] - Giáo hội Công giáo tại Mehico nhắc nhở dân chúng nhớ đến vai trò quan trọng của Ðức Mẹ Guadalupe đối với nền độc lập của xứ sở. 

Trong một bài viết được cho phổ biến nhân dịp Mehico mừng kỷ niệm 200 năm độc lập khỏi sự cai trị của Tây ban Nha, Ðức cha Enrique Sanchez Martinez, Giám mục phụ tá Giáo phận Durango kêu gọi các tín hữu Mehico hãy cầu nguyện cho xứ sở nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày độc lập.
 
Trong bài viết, Ðức cha Martinez khẳng định rằng "Giáo hội Công giáo đã tích cực tham gia trong cuộc tranh đấu giành độc lập cho xứ sở bởi vì hầu hết những nhà lãnh đạo của cuộc tranh đấu đều là các giáo sĩ và phần lớn dân chúng tham gia cuộc tranh đấu cũng là người Công giáo". 
 
Theo Ðức giám mục phụ tá giáo phận Durango, ngày 16-9-2010 không phải là ngày kỷ niệm độc lập của Mehico mà là khởi đầu của cuộc nổi dậy. Khi tưởng niệm biến cố này, người dân Mehico không nên quên vai trò của Ðức Mẹ Guadalupe trong việc khơi dậy bản sắc dân tộc của người Mehico.
 
Ðức cha Martinez viết rằng Ðức Mẹ Guadalupe chính là nguồn cảm hứng của các nhà tranh đấu cho nền độc lập của xứ sở. Mẹ chính là biểu tượng và là mối giây liên kết của sự thống nhứt quốc gia. Ðức Cha kêu gọi người dân Mehico hãy xem các cuộc lễ mừng độc lập như cơ hội để đoàn kết và suy tư về lịch sử dân tộc dưới ánh sáng đức tin.

CV.