"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 20. Oktober 2010

Cộng đồng người Việt ở California nhộn nhịp trong mùa bầu cử 2010

Một buổi ca nhạc vận động bầu cử của cộng đồng người Việt tại California
Một buổi ca nhạc vận động bầu cử của cộng đồng người Việt tại California
Anh Vũ, RFI
 
Lúc này tại California, từ quận Cam (Orange Country) mệnh danh thủ đô tỵ nạn của người Việt, cho đến « Thung lũng hoa vàng » San José các cuộc vận động tranh cử của ứng cử viên gốc Việt đang diễn ra gay gắt căng thẳng, trong khi đó trong cộng đồng cử tri gốc việt thì cũng sôi nổi tranh luận về cuộc bầu cử  giữa nhệm kỳ tổng thống diễn ra vào ngày 02/11 sắp tới.

Ngày 2 tháng 11 tới đây cử tri toàn nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống, để chọn người đại diện trong chính quyền như thống đốc, dân biểu quốc hội, nghị viên thành phố và nhiều chức vụ khác. Cấp liên bang cử tri sẽ bầu chọn tất cả 435 ghế trong Hạ viện.


Từ hàng tháng nay cuộc tranh cử của các ứng cử viên thuộc hai phe Cộng Hòa và Dân chủ đã diễn ra sôi sục tại khắp các địa hạt bầu cử ở nước Mỹ. Tại tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ California, không khí bầu cử đang nóng lên từng ngày trong cộng đồng người Việt, không chỉ California là nơi tập trung cử tri người gốc Việt đông nhất nước Mỹ mà còn, trong kỳ bầu cử lần này số lượng ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử rất đông đảo vào đủ các chức vụ từ Hội đồng đặc khu địa phương cho đến cấp cao nhất là Dân biểu Liên bang. Riêng tại quận Cam đã có tới 15 ứng cử viên gốc Việt, đại diện cho phe Cộng Hòa cũng như Dân chủ, trên tổng số hơn ba chục ứng cử viên gốc Việt trên cả nước Mỹ.


Lúc này tại California, từ quận Cam (Orange Country) mệnh danh thủ đô tỵ nạn của người Việt, cho đến « Thung lũng hoa vàng » San José các cuộc vận động tranh cử của ứng cử viên gốc Việt đang diễn ra gay gắt căng thẳng. Trong khi đó cộng đồng cử tri gốc Việt thì cũng sôi nổi tranh luận và vận động bỏ phiếu cho các ứng cử viên của mình ở cuộc bầu cử sắp tới. Nhân dịp này RFI đã có cuộc phỏng vấn nhà báo Lê Thụy của báo Người Việt tại California về không khí cuộc bầu cử trong cộng đồng người Việt tại đây :


RFI : Xin thân chào nhà báo Lê Thụy, chỉ còn ít ngày nữa cử tri Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Mùa bầu cử năm nay đang diễn ra rất sôi động trong cộng đồng người Việt ở Cali có phải do lần này có rất đông các ứng cử viên người gốc Việt ra ứng cử ?


Nhà báo Lê Thụy : Có lẽ là từ 35 năm nay thì cộng đồng Việt Nam có rất nhiều ứng cử viên ra tranh cử từ cấp thành phố cho đến cấp liên bang. Có một vị ra ứng cử liên bang đó là ông Trần Thái Văn của California, ở bên Lousiana cũng có một ứng cử viên nữa là ông Cao Quang Ánh ra tái ứng cử Dân biểu liên bang. Thành ra không khí cũng xôm tụ lắm. Rồi cấp tiểu bang cũng có một người ra ứng cử. Các thành phố được bầu lại. 

Cấp địa phương thấp nhất, tức là cấp thành phố của chúng tôi, tức là ở Wesminter. Hiện nay Wesminter có 5 nghị viên, thì trong đó có 3 nghị viên gốc Việt là Tạ Đức Trí, Tyler Diệp và Andy Quách. Ba ông này cũng ra tái ứng cử lần này. Hiện ba ông vận động rất mạnh trong cộng đồng người Việt Nam. Các ứng cử viên này đã đi đến từng nhà vận động và họ lên đài tuyền hình vận động. Các cơ quan truyền thông Việt ngữ ở đây như đài phát thanh, truyền hình đã phát rả rả những lời kêu gọi đi bầu cử, không những kêu gọi đi bầu đông mà còn kêu gọi bầu cho ba người này. Thành ra ba ông này cũng có nhiều hy vọng tái đắc cử. Rồi có một người ứng cử tiểu bang, đó là anh Phú Nguyễn sẽ đối đầu với ông Allan Mansoor. Ông này cũng là một người di dân, gốc Liban. Ông này cũng có tiếng, bởi hiện tại ông đang là thị trưởng thành phố kế cận chúng tôi. Ngoài ra ở, Wesminter có ông Bruce Trần ra ứng cử thị trưởng thành phố Wesminter. Nếu mà ông Bruce Trần đắc cử thì đó là người Việt Nam đầu tiên làm thị trưởng của một thành phố ở Mỹ. Ông Bruce Trần hiện đang làm giám đốc một đài truyền hình Việt ngữ ở đây.



RFI :Báo chí Mỹ cũng đưa tin là cuộc tranh cử ở cấp Liên bang tại địa hạt quân Cam đang diễn ra rất quyết liệt giữa Dân biểu Trần Thái Văn và Dân biểu Loretta Sanchez ? 


Nhà báo Lê Thụy : Trong tất cả các ứng cử viên, quan trọng nhất là giữa hai ứng cử viên dân biểu liên bang, giữa bà Loretta Sanchez, bà này là người Mỹ gốc Mêhico và ông Trần Thái Văn. Trần Thái Văn đang là dân biểu của tiểu bang Califfornia. Tuy nhiên ông đã ở hai nhiệm kỳ, hai nhiệm kỳ thì mãn nhiệm không được tái ứng cử nữa. Kỳ này ông ra ứng cử liên bang Cuộc tranh đấu giữa ông Trần Thái Văn và bà Loretta Sanchez rất mạnh. Vì bà Sanchez đã từng là dân biểu liên bang từ 14 năm nay ở địa hạt 47, tức là khu vực có đông cử chi Việt Nam và ông Trần Thái văn thì đại diện cho đảng Cộng Hòa, thành ra cũng muốn lấy lại cái vùng Orange Country, tức là có cả khu Litle Saigon rất đông cử tri Việt Nam. Khu vực này trước là của đảng Cộng Hòa, nhưng bà Loretta Sanchez đã dành được từ 14 năm nay. Thành ra phe Cộng Hòa cũng muốn lấy lại vùng đất này của họ , thành ra họ đã ủng hộ hết lòng ông dân biểu Trần Thái Văn. Hiện nay chính các cơ quan truyền thông Mỹ cũng nói rằng vùng tranh đấu gay go nhất trong cuộc bầu cử năm nay là ở ngay khu Litle Saigon, giữa hai dân biểu Trần Thái Văn của tiểu bang và bà Loretta Sanchez của liên bang.


RFI : Các ứng cử viên gốc Việt không chỉ tham gia ứng cử vào các chức vụ quan trọng mà còn ở các cấp chính quyền thấp hơn, nhưng lại sát với quyền lợi cho cộng đồng của mình ?


Nhà báo Lê Thụy : Đúng là bây giờ các ứng cử viên Việt Nam không chỉ ứng cử vào các chức vụ chính trị không thôi như là nghị viên hay dân biểu, mà họ ứng cử vào các chức vụ như là ủy viên giáo dục, ủy viên vệ sinh. Nếu mà họ được vào các hội đồng giáo dục họ có thể giúp được nhiều cử tri Việt Nam, hay con em chúng ta. Họ có thể đề nghị lấy tiếng Việt làm một trong những ngoại ngữ chính trong các trường học. Hiện nay chỉ có tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha là ngoại ngữ chính được học, nếu mà thêm tiếng Việt vào thì rất là tốt, sẽ giúp cho các con em Việt Nam sinh ở đây, không biết tiếng Việt thì sẽ được học tiếng Việt như là một ngoại ngữ, thành ra như thế rất là tốt. 


RFI : Về phần các cử tri gốc Việt, giờ đây mọi người có ý thức được tầm quan trọng của lá phiếu bầu của mình để tham dự bỏ phiếu đông đảo không và họ có vận động cho các ứng cử viên của cộng đồng mình không ?


Nhà báo Lê Thụy : Bây giờ không còn bao nhiêu ngày nữa là tới ngày bầu cử là ngày 2 tháng mười một. Giai đoạn ghi danh bầu cử đã hoàn tất rồi. Có thể nói là không có năm nào, lần nào như kỳ này mà các ứng cử viên cũng đông mà cử tri đi bầu cũng đông. Vì cái số người Việt ghi danh đi bầu cử khá đông đảo. Có nhiều người trước không ý thức về bầu cử thì bây giờ người ta ghi danh bầu cử. Có thể nói bây giờ là giai đoạn quyết định, lá phiếu rất quan trọng đối với các cử tri và ngay các ứng cử viên.Trước đây thì họ không ý thức lắm. Tuy nhiên anh càng đi bầu bao nhiêu thì quyền lợi của anh được chính phủ liên bang, tiểu bang và cả các thành phố người ta cũng để ý tới vấn đề từ gia cư cho tới trợ cấp xã hội, trợ cấp giáo dục… tất cả các quyền lợi như thế đều ở trong cái lá phiếu bầu của người ta, chính vì vậy cộng động Việt nam ý thức được rằng mình phải đi bầu để mà mình mới có quyền lợi, mình có tiếng nói mới hy vọng được đáp ứng. Thành ra người ta đi rất là đông.


Thực ra các cử tri Việt Nam rất là tự hào, họ đi bầu đông, kêu nhau, vận động nhau để đi bầu đông. Như các tổng hội sinh viên người Việt ở đây cũng giúp người ta ghi danh để cho phiếu bầu đông. Các nhà chùa, các nhà thờ cũng đều kêu gọi cử tri Việt Nam nên đi bầu đông và từ đó có thể tạo thắng lợi cho chúng ta. Đó là cái tiếng nói ở xứ dân chủ này mà chúng ta nếu nói lên được ý nguyện của mình thì rất là tốt, mang lại nhiều quyền lợi cho cộng đồng Việt.


RFI : Trong cuộc vận động tranh cử thì các ứng cử viên gốc Việt có đưa ra những chương trình hành động gì cho quyền lợi của các cử tri cùng gốc với mình không thưa anh ?


Nhà báo Lê Thụy : Hầu hết các ứng cử viên đều đưa chủ trương nâng cao mức sống của người dân Việt, cộng đồng Việt ở đây hay cho những người già. Anh cũng biết là 35 năm qua thì những người Việt sang Mỹ đợt đầu bây giờ thì cũng đã đến tuổi về hưu, cao niên rồi. Họ hứa sẽ nâng phụ cấp cho những người gia cao niên qua việc cải tổ hệ thống viện dưỡng lão, hay họ sẽ nâng cao mức sống bằng cách thu hút các du khách vô các khu thương mại của Litle Saigon, cải tiến hệ thống đường xá, hệ thống an ninh, tức là tăng cường cảnh sát tuần tra trong các khu vực của người Việt Nam, hoặc cũng có thể yểm trợ cho các khu buôn bán tăng các phương tiện, tiện nghi… để gia tăng lợi tức cho vùng Litle Saigon của chúng tôi, gia tăng các cơ quan thương mại, du lịch mở trường học thêm.


RFI : Đến giờ có thể nói, người gốc Việt tham gia chính trường Mỹ đang ngày càng nhiều thêm, trong cộng đồng người Việt được hình thành từ hơn ba mươi năm qua thì họ thuộc thế hệ nào thưa anh ?


Nhà báo Lê Thụy : Chúng ta chưa có một nghị sĩ gốc Việt nào dù là ở tiểu bang hay liên bang. Tuy nhiên chúng ta có một dân biểu liên bang là của tiểu bang Loussiana. Bây giờ chúng ta hy vọng ông Trần Thái Văn sẽ được bầu vào chức vụ dân biểu liên bang. Tức là chúng ta sẽ có dân biểu thứ nhì được vào liên bang. Còn dân biểu tiểu bang thì chúng ta có anh Phú Nguyễn, đây gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ trẻ. Anh sẽ ứng cử dân biểu tiểu bang California. Như vậy chúng ta bắt đầu lên cấp tiểu bang rồi. Cái thế hệ trẻ như anh Andy Quách, anh Tạ Đức Trí, anh Việt ứng cử nghị viên thành phố Wesminter toàn là những người trẻ thôi. 

Họ đã tốt nghiệp ở đây, học hành ở đây, kể cả đi lính ở đây như anh Andy Quách đã đi lính hải quân ở đây. Họ nói năng tiếng Mỹ giống như bất cứ người dân địa phương nào, thành ra họ tranh luận rất là gắt. Họ đều tốt nghiệp đại học ở đây không phải như thế hệ già lúc đầu sang nói tiếng anh còn ấp úng. Bây giờ là họ có thể đấu khẩu công khai. Chẳng hạn như anh dân biểu Trần Thái Văn đã tốt nghiệp luật sư ở đây, thành ra anh ăn nói lưu loát mà trong cuộc tranh luận tranh cử giữa dân biểu Trần Thái Văn và bà Loretta Sanchez trên truyền hình anh đã đấu khẩu như một người Mỹ hoặc là thị trưởng thành phố Wesminter.



RFI : Dư luận Mỹ đánh giá thế nào về sự trưởng thành của cộng động người Việt sau 35 năm  đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Mỹ? 


Nhà báo Lê Thụy : Hầu hết báo chí Mỹ đều cũng đã để ý tới sự trưởng thành này. Họ đã phải công nhận là sau 35 năm cộng đồng Việt nam trưởng thành rất nhiều, không những phát triển về mặt kinh tế, giáo dục và chính trị họ cũng đi lên rất nhanh. Tôi không thấy cộng đồng nào được để ý bằng công đồng người Việt Nam. Cộng đồng người gốc Mỹ Latin cũng mạnh nhưng không mạnh bằng cộng đồng Việt Nam. Cộng đồng người Hoa, người Nam Hàn cũng không mạnh bằng. Họ công nhận người Việt Nam trưởng thành rất nhiều. Mình cũng tự hào cộng đồng Việt Nam đã phát triển như vậy.

Hoa Kỳ là một hợp chủng quốc, quy tụ nhiều sắc dân đến từ nhiều quốc gia khắp thế giới, trong đó có cộng đồng người Việt. Mới hiện diện trên đất nước này hơn ba mươi năm qua, nhưng đến giờ cộng đồng này đã thích nghi hội nhập vào xã hội Mỹ trên nhiều phương diện khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, y tế, đạt được không ít những thành công gây tiếng vang.Giờ đây, cộng đồng người Việt đã tiến thêm một bước mới, dần dần tham dự vào các bộ máy chính quyền quản lý xã hội của nước sở tại. Điều này có thể được ghi nhận như một sự trưởng thành mới về chính trị của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.