"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 23. Oktober 2010

Giáo phận Đà Nẵng với thư cầu cứu của giáo dân Cồn Dầu

Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-10-22 - Vụ việc sáu giáo dân xứ Cồn Dầu bị bắt giam từ ngày 4 tháng 5 vừa qua đang gây xôn xao trong dư luận, nhất là khi có tin vào ngày 27 tháng 10 tới đây họ sẽ phải ra hầu tòa.

Photo courtesy of giaophandanang.org
Giáo dân xứ Cồn Dầu - Đà Nẵng

Vừa rồi, thân nhân của những người đang bị giam giữ có gửi đến cho vị giám mục phụ trách địa phận Đà Nẵng, cùng các linh mục bức thư nhờ hiệp thông cầu nguyện cho những người đang bị rơi vào vòng lao lý, đáo tụng đình.
Gia Minh hỏi chuyện Linh mục Cao Văn Cường, quản hạt Đà Nẵng, về việc đáp ứng bức thư đó. Đây cũng là lần đầu tiên, một vị linh mục tại khu vực Đà Nẵng công khai lên tiếng liên quan đến vụ Cồn Dầu.


Gia Minh: Linh mục là quản hạt Đà Nẵng, nơi có giáo xứ Cồn Dầu, vậy Linh mục đã nhận được thư hiệp thông chưa?

LM Cao Văn Cường: Tôi đã nhận được và đọc qua rồi.


Gia Minh: Vậy việc thực hiện yêu cầu trong thư đó ra sao?
Chúng tôi là linh mục, và mọi việc trong giáo phận phải theo quyết định của giám mục. Giám mục Đà Nẵng chưa lên tiếng nên chúng tôi cũng chưa thể làm gì hơn.
LM Cao Văn Cường
LM Cao Văn Cường: Chúng tôi cũng chỉ cầu nguyện sao cho công việc của giáo hội được tốt đẹp và những người giáo dân được hiệp nhất.


Gia Minh: Thưa Linh mục, còn vấn đề công khai cầu nguyện cho sáu giáo dân Cồn Dầu bị bắt thì sao?


LM Cao Văn Cường: Chúng tôi là linh mục, và mọi việc trong giáo phận phải theo quyết định của giám mục. Giám mục Đà Nẵng chưa lên tiếng nên chúng tôi cũng chưa thể làm gì hơn.


Gia Minh: Những ngươì gửi thư đi đều mong có hồi đáp, nhưng như Linh mục nói, bây giờ chỉ có thể chờ đợi thôi?


LM Cao Văn Cường: Công bố cầu nguyện thì chúng tôi có thể công bố chứ. Việc xảy ra với một giáo xứ hay tín hữu nào, chúng tôi chỉ có thể biết nói lên tinh thần cầu nguyện chung cho anh em đó thôi.


Gia Minh: Ngoài lời cầu nguyện, việc đến thăm hỏi những người đó thế nào?


LM Cao Văn Cường: Chúng tôi là linh mục cũng như giáo dân nếu có sự liên quan, chúng tôi cũng đến thăm hỏi và chia buồn với những gia đình gặp những cảnh ngộ đó.


Gia Minh: Dù có phẩm trật trong Hội thánh như thế, nhưng việc phán đoán đúng- sai cho những người đó ra sao?


LM Cao Văn Cường: Trong thực tế cuộc sống… mỗi người ở trong những hoàn cảnh như vậy… chúng tôi là những linh mục trong một giáo phận, khi nào giám mục triệu tập mới có sự bàn bạc; nếu chúng tôi đi quá phẩm trật của giám mục cũng không được.
Trong tinh thần của giáo hội, thì linh mục phải dung hòa mỗi hoàn cảnh mỗi khác nhau. Bởi vì đứng trong đất nước hay trên thế giới, mỗi hoàn cảnh chúng tôi phải tùy theo, xử sự như thế nào để được tốt đẹp cả đạo, cả đời; đồng thời cũng ích lợi cho giáo dân cũng như mọi người trong đất nước.
Linh mục khi chịu chức đã khấn hứa vâng lời Đấng bản quyền, nên chúng tôi không thể làm gì hơn Đấng bản quyền.

Gia Minh: Khi có những chuyện bất công hiển nhiên trước mặt, phải hành xử ra sao thưa Linh mục?


LM Cao Văn Cường: Trong hoàn cảnh những người chịu bất công, bắt bớ, chúng tôi phải xử sự thế nào để đỡ bớt sự phân rẽ, đỡ bớt những khác biệt. Thực sự chúng tôi cũng tìm mọi cách để qua lời cầu nguyện, qua sự động viên để làm sao đi đến sự tốt đẹp cho giáo dân, cũng như tình hình địa phương của chúng tôi được ổn định.
Thực sự chúng tôi cũng tìm mọi cách để qua lời cầu nguyện, qua sự động viên để làm sao đi đến sự tốt đẹp cho giáo dân, cũng như tình hình địa phương của chúng tôi được ổn định.
LM Cao Văn Cường
Gia Minh: Có những chỉ trích cho rằng có những vụ việc như ở Thái Hà, Tam Toà … khi xảy ra và chính người giáo dân phải chịu, thì giáo quyền tại điạ phương đã lên tiếng, còn ở Đà Nẵng đến nay vẫn chưa có. Trước chỉ trích như thế, linh mục nghĩ như thế nào?


LM Cao Văn Cường: Trước những chỉ trích chúng tôi cũng phải xử sự thế nào để ích lợi cho công việc của các linh mục chúng tôi, cũng như giáo dân. Còn trên phẩm bình thì sự thực, người đứng khía cạnh này, người đứng khía cạnh nọ.
Trong hoàn cảnh đất nước chúng tôi, chúng tôi phải xử sự như thế nào để ích lợi chứ không phải gây thêm đau khổ; vì vậy trên phương diện đòi hỏi công bằng hay đòi hỏi ‘này khác’… tâm trạng của con người, nhất là linh mục chúng tôi cũng phải đòi hỏi nhưng chúng tôi phải tin tưởng vào Thiên Chúa để cầu nguyện và làm những công việc đạo đức thì có lẽ thành công hơn.


Gia Minh: Cám ơn Linh mục đã dành thời gian trả lời những câu hỏi của chúng tôi.