"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 2. Oktober 2010

Khốn cho những kẻ đàn áp người yếu đuối!

Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh
Đức quốc, ngày 29-09-2010, Lễ kính tổng lãnh Thiên thần Michael, Raphael và Gabriel

Hai Chúa nhật, ngày 19/26 tháng 9 vừa qua, tất cả những ai đi lễ nhà thờ, đều nghe lời cảnh cáo nghiêm khắc của ngôn sứ Amos đối những kẻ đàn áp người nghèo khó và những người lầm than yếu đuối: „Hãy nghe đây! Hỡi những kẻ đàn áp người nghèo khó yếu đuối. Hỡi những kẻ lường gạt gian dối! Ta thề sẽ không bao giờ quên những việc làm của chúng bay!“ (Amos, 8, 4-7). Nghèo khó không chỉ riêng gì vật chất mà nghèo khó về mặt tinh thần, vì bị đối xử oan ức bất công, vì không được sống tự do đúng phẩm giá con người. Đàn áp là hình thức gián tiếp giết người.

Có nhiều hình thức hại giết chết tha nhân: Đưa đẩy họ đến chỗ tuyệt vọng không có công ăn việc làm. Phá hủy đời sống bình an của họ, bắt bớ gian cầm… Tất cả đều là những hành vi hãm hại con người đến chết. Cội rễ của ám hại là sự giận dữ thù hằn ích kỷ. Vì tức giận, chúng ta có thể khước từ không liên đới và hiệp thông với người khác, tạo cho họ thế cô đơn và chán đời...

Yếu đuối là vì bị những kẻ có quyền thế lạm dụng chức vụ kìm kẹp khủng bố khai trừ. Lời tiên trị Amos trên, không những là lời khiển trách mà còn là lời kết án gay gắt đối với những kẻ lòng lang dạ sói đàn áp người dân oan. Thiên Chúa thề sẽ không bao giờ quên những hành vi điên rồ dã tâm của chúng. Đứng trước biến cố Thái hà, Tam tòa, Loan Lý, Đồng Chiêm, Cồn dầu, Chùa Bát nhã, những Chùa tại Thừa thiên Huế: Phước Thành, Kim Quang, Mai Vĩnh, và mới đây ngày 21/09, Công An Việt Cộng chỉ còn biết đảng biết mình, bắt giữ toàn bộ dân oan tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà nội v.v.

Chúng ta không thể viện những lý lẽ vớ vẩn cho rằng, „tôi không đối đầu, chỉ đối thoại hòa hợp hòa giải“ hay „tôi không làm chính trị“, „việc đó không liên quan gì đến tôi“ v.v., nhằm chạy trốn trách nhiệm của người có lương tâm và trách nhiệm vai trò lãnh đạo tinh thần.

Dĩ nhiên, mỗi hoàn cảnh, mỗi môi trường, mỗi tình huống đều có những phương thức giải quyết khác nhau. Nhưng, nếu vì khác nhau về lập trường hay ý thức hệ mà khai trừ nhau trong lòng giáo hội, thì qủa đây là hành vi thật gian ác, có khác gì quân dữ Việt Cộng hành sự. Trong gia đình mười con, thì mười ý. Không lẽ vì vậy mà cha mẹ khai trừ con mình hay từ nó, chỉ vì ý nó khác ý mình? Mỗi ý tưởng là một nhận định, một ý kiến. Có thể nó chưa hoàn toàn đúng 100%, nhưng cũng đừng tự đưa mình lên để cho rằng trường phái của mình nâng cấp thành một Giáo điều, thành „luật là tao và tao là luật“. Ai không theo ta phải loại trừ. Lối hành xử này biểu tượng con người lạm dụng quyền hành và là kẻ độc tài gian ác. Khoác vào mình hình ảnh Mục tử mà cư xử như thế, thì cha ông chúng ta gọi là khẩu Phật tâm xà. Họ cư xử dối trá giả hiệu như những kẻ côn đồ gian manh. Hãy cư xử với nhau như anh em cùng Cha trên trời.

Mục tử tốt lành là mục tử dấn thân cho đoàn chiên và hy sinh cho đoàn chiên. Mục tử khác với người chủ chăn chiên. Hắn ta cũng „chăn chiên đến đồng cỏ xanh rì, dẫn ta đến nguồn suối nước trong mát… đấy!“ Cũng xua đuổi sói canh chừng đoàn chiên hẳn hoi đấy. Nhưng mục đích chính của CHỦ CHĂN CHIÊN và người MỤC TỬ TỐT LÀNH khác nhau rất rõ: Mục đích của người chủ chăn chiên là để làm thịt chiên, bán da chiên làm lợi cho cá nhân. Nói nôn na ra là sống trên xương máu chiên. Người mục tử nhân lành là hy sinh cho đoàn chiên mong đoàn chiên sống sung túc và sung mãn suốt đời. Nếu chúng ta không dấn thân cho đoàn chiên yếu đuối của chúng ta, thì hình ảnh người mục tử, đơn thuần, chỉ trở thành người chủ chăn chiên mà thôi.

Tại Âu Châu, những quốc gia nói thổ ngữ Đức, gồm Đức Quốc, Áo và một phần Thụy sĩ, có phần phụ bản Kinh Tạ Ơn dành cho thánh lễ, gồm có thêm bốn Kinh Tạ Ơn. Mỗi Kinh Tạ Ơn đều nhắc nhở đến những người yếu đuối. Đặc biệt, trong Kinh Tạ Ơn IV, có đoạn sau: „Xin thánh hóa giáo hội Chúa trở thành nơi Chân lý, Tự do, Công lý và hòa bình, để mọi người múc niềm hy vọng mới“. (Chúng tôi rất thích đoạn kinh trên, vì vậy, trong dịp lễ, tôi thường đọc Kinh Tạ Ơn IV, trong kinh phụ bản này).

Tại những nước dân chủ văn minh, những kinh này luôn được đọc hằng ngày. Họ đợc, là để thúc dụng kêu gọi đoàn dân Chúa thực thi thánh ý Chúa.

Nhưng, đó là nói về bản phụ Kinh Tạ Ơn cho những quốc gia nói thổ ngữ Đức. Ngay trong Kinh Tạ Ơn IV, theo nghi thức phụng vụ La Mã, cũng có câu rất hay, nói lên lập trường và sự cương quyết của Thiên Chúa đòi hỏi qúi Mục tử dấn thân cho người yếu đuối: „Người đã loan Tin mừng cứu độ cho người nghèo khó, công bố ơn giải thoát cho kẻ tù đầy, đem lại niềm vui cho những ai sầu khổ“. Đấy chính là những đối tượng trong chương trình cứu độ mà mục tử luôn phải ghé mắt nhìn đến. Vậy, thử hỏi, khi chúng ta đọc Kinh Tạ Ơn này, chúng ta hành xử ra sao, khi đồng bào chúng ta đang bị tập đoàn Việt Cộng, dã man bóc lột và đàn áp?! Chúng ta làm cách nào để mang tin mừng cứu độ cho những nhà đấu tranh dân chủ đang bị cầm tù? Chúng ta hiệp thông như thế nào với những người giáo oan, tu sĩ oan đang tranh đấu cho lẽ sống, đòi hỏi những điều chính đáng? và những người giáo dân với lòng thiện tâm, dấn thân làm chứng cho công lý, công bằng và sự thật? Liệu việc làm chúng ta đem lại cho họ niềm tin, vui và hy vọng hay chúng ta tự tạo ra mình là hình ảnh của một Giu-đa thời đại? Chẳng nhẽ chúng ta rao giảng thói đời gian dối, làm tay sai cho Việt cộng tà gian trong một Giáo hội duy nhất thánh thiện? Thánh thiện, vì chính Đức Giê-su đổ máu mình ra thánh hóa giáo hội. Con người mặc lấy thân xác nặng nhọc yếu đuối, dễ vấp phạm tội lỗi, nhưng dù sao, họ cũng tham phần trong lòng giáo hội thánh thiện cùng với các thánh trên trời.

Trong buổi đọc Kinh truyền tin chung với hai ngàn tín hữu và du khách hành hương trong sân nhà nghỉ mát Castel, trưa chủ nhật 5-09-2010, Đức thánh cha Benetiktô XVI đã ra lời kêu gọi mọi người, đặc biệt là giới trẻ khắp nơi trên thế giới ngày nay „hãy bén rễ sâu nơi Chúa Kytô, can đảm đi ngược dòng đời, sẵn sàng xả thân cho SỰ THIỆN, CÔNG LÝ và SỰ THẬT!“ (Nguồn Vietcatholics New ngày 06/09/2010).

Người công Giáo sống tại Âu Châu đã chịu bao nhiêu đau khổ trong suốt 50 năm dưới các chế độ tàn sát của Đức Quốc Xã và Cộng sản Xô Viết. Như vậy, từ kinh nghiệm cay đắng này, họ biết được giá trị thực sự của chứng nhân trong tinh thần Kytô Giáo. Hơn ba triệu người dân Đức hiện đang sống, là những người bị trục xuất khỏi quê hương của họ là vùng đất Sudetenland, nay thuộc về Tiệp Khắc. Họ phải ra đi, chính là vì Hitler gây ra mọi sự. Tất cả những người bị xua đuổi khỏi vùng đất tổ, họ hiểu thế nào là một chế độ độc tài. Họ không hèn nhát và tự dối mình khi đối diện với sự gian ác. Họ không vô tri vô giác mà vô ý thức làm tay sai cho kẻ dữ. Họ không đánh ván bạc tìm lợi trong điều ác. Còn thái độ người Việt Nam chúng ta đứng trước chế độ bào tàn, đã xua đuồi gần một triệu người phải rời Bắc vào Nam. Hàng trăm ngàn đồng bào đói khát chết chóc tù tội qua những vụ Cải cách ruộng đất bất nhân, qua chiến dịch lừa đảo gọi là „giải phóng niềm Nam“ và chiến dịch dã man càng quyét nhân viên công chức binh sĩ niềm Nam: „đi học tập cải tạo“. Và cả triệu đồng bào lần nữa phải xa nơi chung nhau cắt rốn đi tìm tự do, để mong trở thành khúc ruột ngàn dặm? Bao nhiêu trăm ngàn người đã bỏ mạng? Việt Cộng là băng đảng giết người là vậy! Tư thế chúng trước tập đoàn vô nhân như thế? thờ ơ? Lạnh lùng? dửng dưng? bất cần? không liên quan gì đến tôi?

Qua lời ngôn sứ Amos, Ngài đã mạnh dạn dóng lên tiếng nói thật hùng hồn và bất khuất bênh vực cho người nghèo khổ cơ hàn yếu kém. Ngôn sứ Amos chính là biểu tượng và là kim chỉ nam cho những người mục tử tốt lành cứ thế mà noi gương mà hành động. Chức mục tử không phải là chức quyền thế hành sát song là chức vụ phục vụ trong khiêm tốn yêu thương.

Thiết nghĩ rằng, ngay trong thời gian hiện nay tại Việt Nam, lời tiên tri Amos được rao giảng khắp nơi trong nhà thờ là điều rất cần thiết và quan trọng. Bất cứ những điều gì liên quan đến vấn đề bất công, Giáo Hội Thiên Chúa Giáo nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng không được ngồi yên bất động nín thở qua sông, song phải lên tiếng bênh vực cho người bị trù dập bóc lột. Đức cố Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong dịp công du Đức quốc lần đầu vào năm 1980, tuyên bố: „Những vấn đề xã hội đều thuộc chặt chẽ trong công cuộc rao giảng tin mừng, nhất là trong thế giới văn minh ngày nay“. Chúng ta không thể chỉ rao giảng tin mừng ơn cứu độ trong nhà thờ, nhưng quay mặt làm ngơ trước những lời kêu gào thống thiết của đồng bào đòi hỏi công lý ngoài xã hội. Mọi người, không phân biệt đạo giáo, họ muốn được tận mắt thấy ơn rao giảng cứu rỗi chứ không chỉ nghe ơn cứu độ của những vị lãnh đạo tinh thần. Nói phải đi đôi với việc làm! Bằng không, lời rao giảng sẽ chỉ rỗng tếch, giả dối, mất tính thuyết phục và mất tín. Nếu là những vị lãnh đạo tinh thần không thực thi đúng tinh thần Phúc Ân, thì những tiếng kêu gào tha thiết kia, của những người dân oan, của giới trẻ sinh viên Công Giáo, của những người cô thế sẽ mãi là những cái gai đâm vào da thịt chúng ta. Đối với họ, chúng ta mắc nợ lỗi đức công bằng.

Nếu chúng ta không dấn thân hy sinh cho họ, đòi hỏi công lý công bằng lẽ phải, thì chúng ta mang nợ thiếu trách nhiệm đối với họ. Đòi hỏi công lý, tự do, nhân phẩm và giá trị cho con người phải vượt qua ranh giới tôn giáo.

Tạo sao ngôn sứ Amos nguyền rủa thậm tệ những kẻ trấn lột người nghèo khổ yếu đuối? Những người bị tịch thu đất oan ức, những người đòi hỏi Công lý và sự thật thực, những kẻ đàn áp dân oan! Họ à ai? Những lời cảnh cáo này thực chất ra sao? Chúng ta liên quan gì với người hèn mọn yếu đuối?

Trước hết, chúng ta biết rằng kẻ đàn áp người nghèo yếu đuối, người dân oan, là những kẻ có quyền thế trong tay. Trong đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta, thì kẻ đàn áp đồng bào là bạo quyền tập đoàn tay sai Hán ngụy Cộng sản Việt Nam. Họ giàu có vì tham nhũng hối lộ, vì cướp bóc của dân. Họ làm giầu qua quyền thế. Họ bán nước cầu vinh. Họ sống trên xương máu đồng bào.

Thế giới này sẽ có ngày tận cùng (cánh chung), ngày Chúa phán xét, ngày mọi người chúng ta phải ra trình diện trước tòa Thiên chúa công lý, hôm nay hoặc/và ngày mai. Ngày đó chỉ có Thiên Chúa xét xử mọi người: Con cái thế gian tôn thờ tiền, chỉ nhảy múa ca hát chung quanh „bò vàng“ sẽ bị loại trừ.

Đức Giê-su khen “con cái thế gian khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (x Lc 16,8b : Tin Mừng). „Khôn” ở đây phải hiểu theo nghĩa tiêu cực, có nghĩa là mưu manh lương lẹo gian dối, tìm kẽ hở của Luật, làm ra luật (Luật là tao, tao là luật!), để trù dập đàn áp, vơ vét của cải, mà lương tâm họ không hề cắn rứt. Tức là ma giáo trong mọi sinh hoạt, miễn là chiếm đoạt được nhiều tiền là có nhiều thần, nhiều chúa phù hộ kiếp sống! (x Lc 12,16t) Vì với tiền bạc khi có dư, họ đánh giá mạng người là hình ảnh của Thiên Chúa chỉ bằng 30 đồng tiền, như xưa Giu-đa phản bội bán Chúa. Tâm hồn của họ chỉ còn biết thờ con „bò vàng“. Ngày nay một số người buôn bán thuốc tây lậu, đã đổi mạng người bằng một lít nước lã (thay vì nước biển)! Thế mà vẫn không cắn rứt lương tâm, vì thần tiền hướng dẫn lương tâm họ! Vì lương tâm không bằng lương tháng. Kẻ tôn thờ tiền của, không có gì dư thừa để chia sẻ! Con mắt họ mù vì hào nhoáng của đồng tiền.

Bởi vậy những kẻ giàu có, bóc lột người dân thích đọc câu thầm trú dưới đây :

TIỀN là tiên là thần,/ Nó cần cho người,/ Nụ cười tuổi trẻ,/ Sức khoẻ tuổi già,/ Cái đà danh vọng,/ Cái lọng che thân,/ Cán cân công lý,/ Cái lý kẻ mạnh,/ Sức mạnh vô quan,/ … Ôi tiền hết ý !!!

Hình ảnh hậu qủa của những kẻ ăn trên ngồi chốc được thể hiện qua người phú hộ quá giàu sang. Ngày ngày yến tiệc linh đình trong những bộ y phục đắt giá, sang trọng, mà không chia sẻ cho người nghèo Lazarô nằm ngay đầu ngõ một mẩu bánh thừa! Kết thúc đời phú hộ, hắn bị dìm sâu xuống hỏa ngục (x Lc 16,19-31). Giầu sang, tự nó không xấu! Nhưng sự giả điếc làm ngơ trước những mảnh đời rách nát, làm giầu bất chính, chỉ còn biết vơ vét vào, trước những cảnh tượng bị đàn áp bất công. Giầu sang kiểu như vậy mới bị lên án, vì họ đã xúc phạm đến chính danh Chúa. Như vậy, vì hưởng thụ tiền của mà không biết chia sẻ là nguyên nhân mất niềm vui đời này và sự sống đời đời. Những cán bộ bưng bô Việt Cộng ngày nay có khác gì hơn tay phú hộ giầu sang vô tâm vô cảm vô phúc trong kinh thánh!? Họ còn hãm hại tha nhân để làm giầu.

Điển hình thứ hai cho hậu qủa của những kẻ tham lam gian dối cũng ghi rõ trong Kinh thánh: Hai vợ chồng Hananya và Saphira đã nói dối ông Phê-rô để giấu đi một số tiền bán đất, mà dám nói là đã dâng hết. Hậu quả cả hai vợ chồng đều chết gục dưới chân ông Phê-rô (x Cv 5, 1-11). Như vậy, vì tôn thờ tiền của như thần hộ mệnh, nên dám nói dối, miễn là giữ được tiền, cuối cùng tử thần chuộc mạng! Các chứng từ trên đây minh chứng tiền của mang chất bất lương đều dẫn đến cái hại đời này và đời sau.

Giáo Hội Thiên Chúa Giáo mượn lời của thánh Tông Đồ kêu gọi chúng ta phải cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người đang nắm giữ quyền chức, phần đạo cũng như đời, và cả những người giàu có, để họ đừng lạm dụng quyền hành mà bóc lột người khác, nhưng hãy dùng uy tín của mình mà nâng đỡ những người đau khổ, bần cùng về cả vật chất lẫn tinh thần: “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và cho những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp và sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh, như chính tôi đã được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ thày dạy các dân ngoại về mặt Đức Tin và chân lý” (1Tm 2,1-8).

Bởi vì người có quyền thường lạm dụng thế lực, để chiếm hữu tiền của. Thật hiếm có ai dùng quyền đang nắm để dẫn dắt người khác biết dùng tiền làm phương tiện phục vụ đồng loại (x Lc 19, 11t), hay chia sẻ cho người không có khả năng tự sống (x Mt 25, 31-46). Ngày nay, duới chế độ hà khắc du côn Việt Cộng, giả như nếu diệt hết tham nhũng, thì chắc chẳng còn ai làm tay sai cho guồng máy gian tà Việt Cộng. Chế độ Việt Cộng bóc lột người dân đến tận cùng xương tủy là thế.

Lời kết:

“Hãy nghe đây! Hỡi những kẻ đàn áp và bắt bớ những người nghèo khó yếu đuối!”. Tôi sao? Tôi là một vị mục tử tốt lành, có bao giờ tôi đàn áp bắt bớ họ? Tôi chỉ không lên tiếng thôi. Tôi ư? Tôi chỉ bảo họ đừng đối đầu, đừng làm chính trị, bằng không tôi sẽ khai trừ họ khỏi Giáo hội. Chẳng nhẽ là tôi? Tôi chỉ tìm cách lưu đày mấy cha nào dám can đảm đối đầu với tà quyền Việt Cộng cho về hưu non và ra đi không kèn trống. Tôi ư? Tôi chỉ bán đất nhượng biển cho tầu Cộng, chiếm đất tư làm của riêng. Tôi chỉ khủng bố những ai bày tỏ lòng yêu nước! Tôi ư? Tôi chỉ nhốt giam những nhà đấu tranh dân chủ bỏ vào tù và/vì bày tỏ quan điểm yêu nước. Họ đòi không cho chúng tôi tiếp tục đời này sang đời sau, làm đầy tớ phục vụ nhân dân đấy thôi! Tôi ư?

Vâng, có lẽ thế! Chẳng có ai có tội. Không ai có tội. Nhưng hình ảnh một xã hội nghèo đói tham nhũng giam cầm bắt bớ thì đầy rẫy khắp nơi. Bức tranh xã hội nhuộm đỏ, tràn nan sự dữ. Phong trào đòi hỏi Công lý và sự thật thì bị loại trừ và ruồng bỏ. Ai gây ra? Tôi chẳng làm gì nên tội ư!? Thiên Chúa phán: “Tất cả những gì các ngươi làm cho những kẻ hèn mọn của ta, là chính các ngươi làm cho ta!” (Mt 25, 45).

Đừng nghĩ rằng thoát được lưới Trời. Vì, “Ta thề, sẽ không bao giờ quên được những hành động của chúng bay!” (Amos 8, 7)