"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 2. November 2010

Đảo Chánh 1-11-1963: Ai Giết Anh Em Ông Diệm?

Lê Văn Bảy (Nov 2008)

Lịch sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Lịch sử cận đại có biến cố 1 tháng 11 năm 1963, được xem là một dấu mốc đáng ghi nhớ vì nó mở đầu cho một sự thay đổi lớn lao của đất nước Việt Nam. Ngày này, 45 năm trước, các tướng lãnh của miền Nam đã thành công trong cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cũng từ đó, cuộc chiến chống cộng sản trở nên khốc liệt hơn, rồi cuối cùng, quân cộng sản Hà Nội đã chiếm trọn Việt Nam, đưa cả nước vào quỹ đạo cộng sản.

Hậu quả là một nước Việt Nam bị phá sản toàn diện, từ kinh tế, chính trị đến đạo đức, giáo dục, văn hóa,... Cái mốc lịch sử này được ghi dấu qua cuộc ăn mừng của cộng sản Hà Nội sau khi nghe tin tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại. Ăn mừng là vì miền Nam không còn ai là đối thủ đáng ngại khiến cho cộng sản Hà Nội tin rằng họ sẽ chiến thắng.


Biến cố lịch sử này, thế hệ lớn lên sau chính biến 1-11 đã có nhiều người thắc mắc tại sao hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị sát hại trong chiếc xe bọc thép, trên đường giải giao về Bộ Tổng Tham Mưu? Tại sao, anh em ông Ngô Đình Diệm đã đầu hàng và chịu nạp mình mà vẫn bị thảm sát? Cuộc thảm sát này lại được thực hiện mờ ám trong một thiết giáp M-113. Đã có nhiều tài liệu nói về cuộc chính biến này được công khai hóa, từ những thùng hồ sơ của cơ quan tình báo Hoa Kỳ đến những hồi ký của những người trong cuộc, nhưng vẫn còn có những điểm lờ mờ quanh cái chết của hai ông.


Khi ôn lại diễn biến của sự kiện 1-11-1963, người ta vẫn gặp phải câu hỏi thường được đặt ra trong 45 năm qua: Ai đã ra lệnh giết anh em ông Diệm? Tại sao?


Ngay từ ngày 3 tháng 11, năm 1963, báo chí ở Sài Gòn đã loan tải theo lời tuyên bố của các tướng lãnh đạo cuộc đảo chánh nói rằng, hai ông đã tự vận trong chiếc xe bọc sắt M-113, trong lúc bị giải giao về Bộ Tổng Tham Mưu. Trong các cuộc họp báo, chính quyền mới không thể giải thích tại sao hai anh em ông Diệm bị chết trong vũng máu trên sàn xe bọc thép. Người ta cố tình lờ đi theo kiểu chờ cho thời gian biến cứt trâu thành bùn để xóa mờ vụ này. Một mặt, chính quyền sợ dư luận cho rằng mình làm tay sai cho Mỹ, mà cũng không muốn để cho Mỹ bị mang tiếng là kẻ chủ mưu về cái chết thảm của hai ông Diệm và Nhu; cho nên các báo chí thân chính quyền đã có những bài viết cố tình hướng dẫn dư luận sai lệch thật xa sự thật.


Đôi khi còn có những bài viết thêu dệt trắng trợn về những con đường hầm dẫn từ Dinh Gia Long ra đến nhà thờ Đức Bà, hay từ trong dinh ra đến phi trường,... có đến 7 đường hầm bí mật. Chỉ với mục tiêu hướng dẫn sai lạc trong dư luận và tô đậm thêm tính cách tàn ác của hai anh em ông Diệm và Nhu, để rồi phải chấp nhận cái chết của hai ông là hợp lý. 45 năm sau, báo Công An của cộng sản Việt Nam vẫn còn sử dụng những bài viết này để tiếp tục bôi nhọ chế độ Ngô Đình Diệm và ghi tên ông Dương Văn Minh trong tự điển những nhân vật lịch sử do cộng sản Hà Nội ấn hành và xuất bản vào năm 2006.


Nhưng rồi, 45 năm qua người ta vẫn phải đối diện với câu hỏi: Ai đã ra lệnh giết anh em ông Diệm? Tại sao?


Mối Hận Lâu Năm Với Anh Em Ông Diệm
Tưởng cũng cần tóm lược biến cố chính trị xảy ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, đã được nói ngắn gọn là chính biến 1-11, và một vài dữ kiện chung quanh.


Năm 1954, nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17; miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản, cai trị bởi tập đoàn Hồ Chí Minh. Miền Nam theo chủ nghĩa Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Một năm sau, dân chúng miền Nam tín nhiệm ông Ngô Đình Diệm vào chức vụ Tổng Thống và ông Ngô Đình Nhu được tổng thống chọn làm cố vấn chính trị. Tổng thống Ngô Đình Diệm tiếp thu một vùng đất từng là thuộc địa của Pháp, với các phe phái tôn giáo, chính trị và băng đảng trong xã hội. Phe phái nào cũng có lực lượng võ trang và thống lĩnh một vùng đất làm giang sơn riêng biệt.


Những biệt danh nghe quen thuộc như Bảy Viễn, Năm Lửa, Ba Cụt,... là những vị tướng lãnh đạo các lực lượng võ trang này, trong đó có cả giáo phái Phật Giáo Hòa Hảo,... Trong cương vị lãnh đạo, ông Diệm nhận trọng trách củng cố tình hình chính trị xã hội và xây dựng quân đội cho miền Nam để sẵn sàng đối đầu với cuộc xâm lăng của cộng sản Hà Nội. Ngoài ra, gánh nặng của chính phủ còn phải lo cho gần một triệu người di cư tỵ nạn cộng sản, chạy từ Bắc vào Nam cần được chính phủ lo nơi ăn chốn ở.


Các lực lượng võ trang chống chính phủ, có nhóm chịu về hợp tác với chính phủ và cũng có lực lượng chấp nhận đối đầu và cuối cùng bị quân đội đánh tan. Trong hai năm 1954 và 1955, chính phủ Ngô Đình Diệm đã mạnh tay giải quyết vấn đề phe phái, nhưng cũng chuốc lấy nhiều oán thù. Ngay trong giới lãnh đạo quân đội của miền Nam cũng có nhiều người thù ghét ông Diệm vì hoặc không được tin dùng, hoặc bị ngoại nhân mua chuộc, trở thành thế lực nguy hiểm cho chế độ nhà Ngô.


Ngay từ những ngày đầu của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa ở miền Nam, ông Diệm đã gặp sự chống đối của Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Nhiều sĩ quan ở Bộ Tổng Tham Mưu bị ông Hinh thuyết phục thành lập lực lượng chống ông Diệm, phần lớn là những người được quân đội Pháp đào tạo. Tháng 11 năm 1954, qua sự can thiệp của Mỹ, quốc trưởng Bảo Đại ra lệnh cho tướng Nguyễn Văn Hinh phải rời Việt Nam, và trung tá Dương Văn Minh, sau đó được thăng lên đại tá, là người được Mỹ tin dùng, đưa ra hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm để ổn định xã hội miền Nam.


Tháng Ba, năm 1955, tướng Lê Văn Viễn, tức Bảy Viễn không thương lượng được với ông Diệm để cho Bình Xuyên kiểm soát các sòng bài ở Sài Gòn, nên đã ra lệnh tấn công vào các đồn cảnh sát ở Sài Gòn. Đây cũng là ngày bắt đầu cuộc càn quét thẳng tay của quân đội quốc gia dưới sự chỉ huy của đại tá Dương Văn Minh. Ông Minh được sự hợp tác của các sĩ quan thâm niên trong binh chủng Nhảy Dù. Thanh toán xong Bình Xuyên, ông tiếp tục cuộc hành quân xuống đến miền Tây Nam Bộ, băng qua các vùng sình lầy đến tận biên giới Cao Miên, truy lùng quân kháng chiến Hòa Hảo, là lực lượng mà cả Pháp lẫn cộng sản không thể nào đánh hạ được. Ông Minh và ông Nguyễn Ngọc Thơ đánh lừa và bắt được tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt của Hòa Hảo. Tướng Ba Cụt bị xử tử bằng máy chém, mà những người theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo không thể nào quên mối hận này. Tuy nhiên, ông Minh luôn tỏ ra là một quân nhân, ông không hề bận tâm.


Lập công xong, ông Minh chờ đợi được thăng thưởng nhưng không được như ý muốn. Ký giả người Pháp, Pierre Darcourt viết trong sách Vietnam, Qua'as-tu Fait De Tes Fils?:
"Minh, qui est un tres bon combattant, mais vénal, pas très intelligent et surtout n'entendant rien à la politique..." (ông Minh là người đánh giặc giỏi nhưng dễ bị mua chuộc, không thông minh lắm và nhất là không biết gì nhiều về chính trị...).

Pierre Darcourt kể lại lời nhận xét của ông Nhu nói với ông Diệm và cản không cho ông Diệm cất nhắc ông Minh ở chức vụ cao hơn.


Từ ấy cho đến năm 1959, vai trò ông Minh ngày càng lu mờ. Ông Minh được cử làm sĩ quan thanh tra các Quân Đoàn I và II (miền Trung và Cao Nguyên), nhưng ông vẫn ngồi ở Sài Gòn vì cho rằng ông Ngô Đình Cẩn (em ông Diệm) làm hết rồi. Cuộc binh biến năm 11-11- 1960 các sĩ quan Nhảy Dù lãnh đạo cuộc đảo chánh có đến mời ông Minh nhưng ông Minh từ chối. Vụ này thất bại và những người chủ mưu đã chạy sang Cao Miên để lánh nạn. Năm 1961, ông nhận chức vụ Tư Lệnh Hành Quân, cũng chỉ là tượng trưng. Năm 1963, ông được chỉ định làm Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống, cũng vẫn là chức vụ ngồi chơi rồi đi đánh tennis.


Pierre Darcourt, ký giả người Pháp, sinh ra ở Việt Nam, phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù của Pháp đánh giặc ở Việt Nam. Năm 1954, bắt đầu bước vào làng báo với tư cách phóng viên chiến trường, có mặt trên khắp vùng chiến thuật cho đến ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị bứt tử. Ông ghi lại nhận xét của ông cố vấn Ngô Đình Nhu về tướng Dương Văn Minh:
"Il a la force d'un éléphant mais la cervelle d'un oiseau-mouche." (Anh ta có sức như một con voi, nhưng có bộ óc con chim sâu). Ông Minh chờ đợi được ngồi vào ghế thay thế tướng Lê Văn Tỵ là Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, nhưng tướng Trần Văn Đôn lại được cử làm quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội khi đại tướng Lê Văn Tỵ xuất ngoại để chữa bệnh.

Được mệnh danh là anh hùng rừng Sác nhưng sao bảo là không đủ khả năng. Ông Dương Văn Minh coi đây là mối nhục. Ngay từ những năm của thập niên 50 và 60, các vị lãnh đạo trong quân đội cũng đã nói, ông Minh chưa bao giờ cầm quân đánh cộng sản mà chỉ đánh các giáo phái mà thôi. Điều này được nói rõ ràng hơn trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Little Saigon TV ở miền Nam California, vào năm 2001. Tướng Khánh nói rằng:
"...Ông Dương Văn Minh là người miền Nam duy nhất ủng hộ ông Diệm xuyên qua ông Nguyễn Ngọc Thơ. Khi đưa ông Minh lên tới trung tướng mà không làm gì hết, không biết để ổng ở đâu. Ông Dương Văn Minh không có đánh cộng sản một ngày..."

Biến Cố 1-11-1963
Tài liệu của Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA), trong những phần đã giải mật có xác nhận chế độ Ngô Đình Diệm cản trở chương trình của Mỹ tại Đông Dương. Chính phủ Hoa Kỳ đã có ý định thiết lập một chế độ Cộng Hòa không có ông Diệm.


Mỗi năm, báo của VC vẫn lải nhải lên án Tướng Trần Thiện Khiêm nhận lệnh của Mỹ từ Washington, giết anh em ông Diệm rồi đổ cho tướng Dương Văn Minh. Báo Công An của VC số ra ngày 17 tháng Sáu, 2008, vẫn còn lải nhải, đăng bài nhiều kỳ, xào đi nấu lại, viết rằng:
"Theo kế hoạch đã định, tướng Minh Lớn lên làm chủ tịch cái gọi là Hội đồng cách mạng. Dinh Gia Long, nơi anh em Diệm - Nhu đang trú ngụ, bị quân đảo chính bao vây. Rất nhiều viên tướng, kể cả tướng Minh Lớn và tướng Đôn, đã phải đôn đáo vào gặp tướng Khiêm tại đó. Có những nguồn tin cho rằng, cùng ở đó với tướng Khiêm là Trung tá CIA Conein...

...
Nên tới 6h45', Ngô Đình Diệm đã gọi điện thoại đến cho tướng Khiêm và thông báo rằng, ông ta đang cùng Ngô Đình Nhu ẩn náu tại nhà thờ cha Tam thuộc khu vực Chợ Lớn và yêu cầu đem xe đến đưa về Bộ Tổng tham mưu gặp tướng Minh Lớn và tướng Đôn, mà ông ta cho là chủ mưu đảo chính để điều đình. Ngô Đình Diệm đã không ngờ rằng, chính Trần Thiện Khiêm theo lệnh từ Washington đã kín đáo ra lệnh cho thuộc hạ hạ sát anh em Diệm - Nhu trên đường.".

Vào tháng Mười Một, năm 2003, đánh dấu 40 năm cuộc đảo chánh 1-11-1963, tiến sĩ John Prados đã cho xuất bản tài liệu
"JFK and the Diem Coup". Tài liệu này có đầy đủ các đoạn băng thu âm thanh cũng như các công điện ghi lại những diễn biến trong thời gian cuộc đảo chánh xảy ra.

Tài liệu bao gồm các đoạn âm thanh của các buổi họp bí mật tại Tòa Bạch Ốc, giữa Tổng thống Kenedy và các nhân viên cố vấn Tổng thống; các cuộc điện đàm với Tổng thống Kenedy ngay sau khi cuộc đảo chánh kết thúc. Những tài liệu này đã được giải mã sau 40 năm, theo nguyên tắc của chính phủ Hoa Kỳ. Tiến sĩ Prados đã chứng minh chính phủ Hoa Kỳ có ý muốn tìm người thay thế ông Diệm, nhưng không bao giờ có ý định sát hại anh em ông Diệm.


Dưới mắt Hoa Kỳ, sau khi cộng sản Hà Nội cho ra đời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì Việt Nam Cộng Hòa sẽ gặp khó khăn trên mặt trận du kích cũng như chính trị. Mỹ muốn tiếp tục viện trợ quân sự cho miền Nam với điều kiện phải đổ quân Mỹ và đồng minh vào miền Nam để can thiệp trực tiếp, với các vũ khí tối tân hơn. Tháng Sáu năm 1963, tướng Trần Văn Đôn và Dương Văn Minh được tham dự cuộc biểu diễn các vũ khí mới của Mỹ tại Thái Lan, càng khiến hai ông cảm thấy quân đội Việt Nam lạc hậu cần phải cải thiện mới đương đầu được với cộng sản. Trong khi ấy, Tổng thống Ngô Đình Diệm nhất định chống đối ý kiến này với lý do nếu cho phép quân đội đồng minh đổ quân vào Việt Nam thì cả khối cộng sản sẽ mượn cớ để leo thang chiến tranh, và miền Nam mất chính nghĩa.


Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm được thiết lập, tại miền Nam sinh ra các phe cánh chống đối chính phủ. Trong đó có các giáo phái Cao Đài, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo,... cũng như các chính đảng như Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lại thêm có xung đột giữa Phật Giáo và Công Giáo. Đối với Hoa Kỳ, không có đối lập là không có dân chủ. Đó là khẩu hiệu để Hoa Kỳ và các thế lực chống đối chính phủ đòi hỏi Tổng thống Ngô Đình Diệm phải chấp nhận sinh hoạt đối lập tại chính trường miền Nam . Ông Diệm không tán thành đối lập theo kiểu Mỹ. Cho nên, chỉ còn một cách duy nhất là ông Diệm và chính phủ của ông phải ra đi.


Các tướng lãnh miền Nam và các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ gặp nhau ở một điểm là loại bỏ ông Diệm. Nhưng, một số tướng lãnh lợi dụng cơ hội để rửa mối thù riêng tư. Trong đó có tướng Dương Văn Minh.


Đoàn Xe An Ninh Hộ Tống Anh Em Ông Diệm
Ngày 1 tháng 11-1963 được định là ngày N của cuộc đảo chánh. Các tướng lãnh được triệu tập về Bộ Tổng Tham Mưu để họp. 1 giờ 30 trưa, tướng Dương Văn Minh nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, tuyên bố đảo chánh và bắt đầu và hỏi từng sĩ quan có mặt. Đại Tá Cao Văn Viên, Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn Dù và Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt từ chối không theo nhóm đảo chánh. Cả hai ông đều bị quân cảnh còng tay đem nhốt trong một căn phòng tại Bộ Tổng Tham Mưu. Cùng bị nhốt chung với hai vị đại tá này có Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư Lệnh Không Quân, Trung Tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ Huy trưởng Thiết Giáp Binh và Đại Tá Trần Văn Trung, Tùy viên Quân sự ở Pháp từ Paris vừa mới về nuớc...


Tối ngày 1 tháng 11, thành Cộng Hòa đầu hàng, quân đảo chánh khám phá hai anh em ông Diệm-Nhu không có mặt trong dinh. Các tướng lãnh bắt đầu lo lắng. Cũng tối hôm ấy Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, và em trai của ông là Thiếu Tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt bị đem ra nghĩa trang cạnh Bộ Tổng Tham Mưu bắn chết. Chưa có tài liệu cho biết chính xác ai đã ra lệnh xử tử hai vị sĩ quan này. Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân cũng bị thủ tiêu mờ ám ở rừng cao su Thủ Đức.


Khoảng 5 giờ sáng ngày 2 tháng 11, tùy viên của ông Diệm điện thoại từ nơi trú ẩn của hai ông, ở Chợ Lớn gọi về Bộ Tổng Tham Mưu để điều đình nhưng không thành. 6 giờ sáng lại có một cú điện thoại khác, cũng từ Chợ Lớn gọi về cho biết hai ông đang ở nhà thờ Cha Tam và chấp nhận về Bộ Tổng Tham Mưu để cùng thảo luận với các tướng lãnh. Đây là cú điện thoại được xem là hai ông chấp nhận đầu hàng, yêu cầu đem xe đến đón.


Đúng vào lúc này, đoàn xe thiết giáp do thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa chỉ huy đến Dinh Gia Long để đón hai anh em ông Diệm nhưng hai ông không có ở đó, và đã trở về đến sân cờ Bộ Tổng Tham Mưu. Thiếu tá Nghĩa được yêu cầu cho đoàn xe hướng về nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn để "bắt hai ông đem về đây", theo lệnh của tướng Dương Văn Minh. Trước đó, tướng Mai Hữu Xuân và Đại Tá Dương Ngọc Lắm cũng đã nhận lệnh từ Tướng Dương Văn Minh đi "đón hai ông" về Bộ Tổng Tham Mưu.


Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, sau này là Đại tá, đơn vị sau cùng là Ủy Ban Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên, hiện nay đã xuất gia, tu ở một chùa tại miền Nam California, Hoa Kỳ. Cuối tháng Tám, năm 2008, trong một dịp gặp gỡ, ông đã tuần tự kể lại diễn biến của chuyến "an ninh hộ tống" mà ông chịu trách nhiệm từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Nghĩa còn cho biết, chính ông đã bảo lãnh cho Trung tá Nguyễn Văn Thiện, thượng cấp của ông, và đề nghị để ông ngồi ở Bộ Chỉ Huy Lưu Động Thiết Giáp Binh, đặt ở lầu dưới Bộ Tổng Tham Mưu. Đại tá Cao Văn Viên (sau này là Đại tướng) về sau cũng cho biết, nhờ các sĩ quan bạn hữu của ông bảo lãnh nên ông không bị thanh toán bởi nhóm tướng lãnh đảo chánh.


Đoàn xe gồm có xe Quân Cảnh đi đầu mở đường, rồi đến xe Jeep do thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa cầm lái và đại úy Phan Hòa Hiệp (sau này là Chuẩn Tướng) ngồi ghế bên phải. Băng ghế sau là tài xế và người lính truyền tin. Xin mở dấu ngoặc ở đây để giải thích thêm về chiếc xe này. Ông Dương Hiếu Nghĩa thường cầm lái xe Jeep trong lúc sử dụng quân xa đi công tác, và bảo tài xế ra ngồi ở băng sau. Trên xe, hệ thống truyền tin đặc biệt có thể liên lạc với Bộ chỉ huy lưu động Thiết Giáp Binh và các thiết vận xa trong đoàn. Hệ thống này cũng liên lạc trên các tầng số của Bộ Binh vì trong đoàn xe có lính bộ binh tùng thiết, và với Bộ Tổng Tham Mưu. Trung tá Nguyễn Văn Thiện có mặt ở bộ chỉ huy lưu động Thiết Giáp Binh cũng được theo dõi chuyến di hành của trung đội Thiết Giáp an ninh hộ tống, do thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa điều động.


Theo sau xe Jeep của thiếu tá Nghĩa là hai chiếc xe Jeep của tướng Mai Hữu Xuân và đại tá Dương Ngọc Lắm. Sau đó là 4 chiếc thiết vận xa M-113, chiếc thứ ba được dùng để chở hai anh em ông Diệm. Kế tiếp là xe vận chuyển lính bộ binh tùng thiết và sau cùng là chiếc thiết vận xa M-113, có mặt trung đội trưởng. Trước khi đoàn xe lên đường, đại úy Nguyễn Văn Nhung có đến gặp thiếu tá Nghĩa để xin tháp tùng theo đoàn xe, và đã lên thiết vận xa số 3. Đại úy Nhung là cận vệ của trung tướng Dương Văn Minh được lệnh đi theo đoàn xe vào Chợ Lớn với công tác đặc biệt.


Đến trước nhà thờ Cha Tam, đại úy Phan Hòa Hiệp giúp thiếu tá Nghĩa điều động đoàn xe, quay đầu hướng về Bộ Tổng Tham Mưu và sắp đội hình theo thứ tự như lúc đến. Chiếc thiết giáp thứ 3 đậu sát lề phía trước cổng nhà thờ, cửa phía sau được hạ xuống để chuẩn bị cho Tổng thống và ông Cố Vấn vào trong xe.


Cổng lớn nhà thờ vẫn đóng, giáo dân lác đác đi lễ sớm, ngang qua cổng nhỏ. Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa tháo súng ngắn ra trước khi đi vào khuôn viên nhà thờ, đi qua cổng nhỏ bước vào sân nhà thờ để đón Tổng thống Diệm và ông Cố Vấn. Lúc này hai ông đã ra đứng ở thềm nhà thờ. Ông Nghĩa cho biết, đáng lẽ tướng Mai Hữu Xuân hoặc đại tá Dương Ngọc Lắm phải là người vào nhà thờ để đón Tổng thống và ông Cố Vấn, nhưng hai ông không vào nên thiếu tá Nghĩa bất đắc dĩ trở thành người đi đón Tổng thống. Thiếu tá Nghĩa đến trước Tổng thống chào kính theo kiểu cách quân đội và mời hai ông ra xe. Hai anh em ông Diệm bước xuống thềm rồi tiếp đến là hai tùy viên và sau cùng là thiếu tá Nghĩa tuần tự hướng đến cổng, bước ra khỏi khuôn viên nhà thờ qua cổng nhỏ.


Đại úy Nguyễn Văn Nhung cùng với thiếu tướng Mai Hữu Xuân đã đứng ở cửa xe thiết giáp mở cửa chờ sẵn. Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu hỏi xe nào để đưa Tổng thống và phản đối dùng xe thiết giáp để đưa hai ông về Bộ Tổng Tham Mưu. Thiếu tướng Mai Hữu Xuân lấy chiếc cặp da của Tổng thống Diệm từ tay tùy viên Đỗ Thọ rồi quay về xe riêng. Đại úy Nhung đã ép buộc Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu vào trong chiếc xe thiết giáp M-113, rồi cùng vào trong chiếc xe này. Cửa đóng và tất cả xe chuyển bánh theo vị trí đã định, hướng về Bộ Tổng Tham Mưu.


Lộ trình từ nhà thờ Cha Tam chạy đến đại lộ Cộng Hòa thì rẽ trái, đi qua ngã sáu rồi rẽ vào đại lộ Hồng Thập Tự. Đến cổng xe lửa số 6 thì đoàn công-voa phải ngừng lại vì cổng đã hạ xuống chặn lại để xe lửa chạy qua. Trong lúc đoàn xe đang ngừng thì có tiếng súng nổ.


Thiếu tá Nghĩa quay đầu xe Jeep lại, chạy dọc theo đoàn xe đi ngược về phía sau. Đến chiếc thiết giáp thứ ba thì thấy đại úy Nhung ngồi trên nóc xe, đưa ngón tay cái lên có ý nói mọi chuyện tốt đẹp. Thiếu tá Nghĩa hỏi tiếng súng nổ ở đâu? Đại úy Nhung đưa tay chỉ vào trong xe nhưng không nói gì. Lúc ấy cũng đúng lúc đoàn xe lửa đã chạy qua, cổng được dở lên, nên thiếu tá Nghĩa quay xe trở lại để đoàn xe tiếp tục chạy về Bộ Tổng Tham Mưu. Trung đội trưởng Thiết Giáp báo cáo với thiếu tá Nghĩa qua hệ thống truyền tin rằng, phụ tài xế thiết vận xa thứ ba có báo cáo tiếng súng nổ đó là do ông đại úy bộ binh bắn chết Tổng thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Thiếu tá Nghĩa và đại úy Hiệp đều nghe biết vụ này qua hệ thống truyền nhưng chưa báo cáo với Bộ Tổng Tham Mưu.


Về đến sân cờ của Bộ Tổng Tham Mưu, chiếc thiết vận xa số ba được canh gác cẩn thận không cho ai đến gần và không cho chụp hình.


Khi nghe đoàn xe về đến Bộ Tổng Tham Mưu, các tướng lãnh đi ra, đi đầu là trung tướng Dương Văn Minh, gặp thiếu tướng Mai Hữu Xuân đưa tay chào và nói: "Mission accomplie!". Tướng Minh chưa nói gì thì tướng Khiêm phía sau hỏi chuyện gì xảy ra? Tướng Minh trả lời: "Hai ổng chết rồi". Trong vài câu đối thoại ngắn ngủn ấy, ai cũng chú ý đến câu nói của tướng Mai Hữu Xuân: "Mission accomplie!" (sứ mạng hoàn thành!). Tướng Mai Hữu Xuân nhận lệnh và đã thi hành hoàn đúng như yêu cầu của người ra lệnh, cho nên mới nói: sứ mạng hoàn thành.

Tướng Nguyễn Khánh Chỉnh Lý

Mấy tháng sau đó, tướng Nguyễn Khánh cùng với tướng Trần Thiện Khiêm thực hiện cuộc "chỉnh lý", bắt các tướng đảo chánh nhốt ở Đà Lạt. Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình của Little Saigon hồi năm 2001, tướng Nguyễn Khánh kể lại: "Lúc đó, chúng tôi họp trên Đà Lạt 3 ngày 2 đêm, để xử mấy ông Tướng Đà Lạt, thì xử ông Dương Văn Minh luôn, có lời khai tất cả. Ông Dương Văn Minh đã thú thật với Hội Đồng chúng tôi, chính ổng đưa hai ngón tay thế này cho thằng sát thủ của ổng là thằng đại úy Nhung.

Các tướng lãnh họp lúc đó đang bàn cãi về số phận hai ông về phải ở đâu, phải làm gì... Tại sao ông Minh Dương ra dấu cho thằng Nhung nó làm, nó thi hành cái mưu sát đó, mà nó thi hành một cách mọi rợ. Tui nói ra thì khó lắm... Tui nói ra thì thế giới nói dân tộc mình sống như thời ăn lông ở lỗ, mình không nói được... Nhưng mà vì sao ổng giết. Mà người ta vẫn biết ông Minh hiền từ, bon papa,... nhưng mặt trong của ông Dương Văn Minh ghê tởm lắm. Chú thi hành chuyện đó là đại úy Nhung. Trong cuộc Chỉnh Lý, sáng lại tui giao sinh mạng ông Nhung cho ông Cao Văn Viên, vì là Nhảy Dù mà.


Tôi nói với anh Viên rõ ràng là anh phải giữ mạng sống của anh này, vì anh này biết nhiều chuyện làm của ông Dương Văn Minh, từ hồi Rừng Sác, lấy tiền làm sao, đưa cho ông Diệm ông Nhu bao nhiêu, giữ lại bao nhiêu, và chú này giết thằng Paul là thằng con của ông Bảy Viễn đó. Mấy ông Tàu ở Chợ Lớn đó, làm tiền này kia làm sao, làm sao,... thì thằng Nhung nó biết hết. Mình muốn thằng Nhung là một nhân chứng nó nói cái chuyện hiểu biết của nó.

Nhưng mà sáng lại thì nghe nói là thằng Nhung dùng dây giày thắt cổ chết. Chuyện đó không phải như vậy. Đó là một bí ẩn khác nữa... Tôi đã nói với người Mỹ biết chuyện đó rồi. Quyết định giết là ông Dương Văn Minh. Tại Sao? Vì cái thù riêng của ông Dương Văn Minh với gia đình họ Ngô".

Trong biến cố 1-11, không chỉ Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị chết thảm và mờ ám, mà còn các vị Tư Lệnh Hải Quân, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt. Ngoài ra, Tư Tệnh Không Quân, Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Binh, Chỉ Huy Trưởng Lữ Đoàn Dù,... nhờ sự bảo trợ của bạn bè nên đã thoát chết thảm.


Đảo Chánh Để Đầu Hàng Cộng Sản
Ông Dương Văn Minh có người em ruột tên là Dương Thanh Nhật, sĩ quan cao cấp trong quân đội của cộng sản Hà Nội. Vì yếu tố này mà nhiều người tin rằng ông có thể thương thuyết với Hà Nội để tìm giải pháp hòa bình và tránh đổ máu, nên cuối tháng Tư năm 1975, quốc hội Việt Nam đã buộc ông tổng thống Trần Văn Hương trao quyền Tổng thống cho tướng Dương Văn Minh. Cuối cùng, ông Minh đầu hàng cộng sản.

Không có tắm máu ở miền Nam, nhưng số người chết vì cộng sản, sau khi cộng sản chiếm miền Nam thì vô số. Người ta bị cộng sản thủ tiêu, bị đầy đi rồi chết dần mòn ở vùng rừng thiêng nước độc gọi là kinh tế mới. Tất cả quân cán chính bị tù và bị đầy đi thật xa; rất ít người trở về. Những cuộc thủ tiêu kín đáo để đoạt tài sản. Nhiều người bỏ thây trên đường vượt biên, vượt biển. Nhiều người tiếp tục kháng cự đã hy sinh...

Một cuộc tắm máu trắng không ai có thể kiểm chứng được. Hình như ông Dương Văn Minh không hề lưu tâm.


Năm 2006 vừa qua, Hà Nội cho xuất bản cuốn tự điển tựa đề
"Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam", ở trang 143, cộng sản Hà Nội ghi tên ông Dương Văn Minh vào đây. Cũng là câu trả lời vì sao Hà Nội không lăng nhục ông Dương Văn Minh như những vị lãnh đạo khác của miền Nam.

Sách Gọng Kìm Lịch Sử (bản tiếng Anh có tựa là In the Jaws of History) của Bùi Diễm viết rằng:
"Sau ngày đảo chánh, tôi tới nhà anh Kim ăn cơm tối, yên trí rằng có nhiều chuyện để nói. Tiếng súng bên ngoài còn lác đác, nhưng hai anh em ông Diệm đã chết, không ai nghĩ là tình thế có thể đảo ngược trở lại. Câu chuyện của chúng tôi hướng ngay vào những vấn đề trước mắt, tất nhiên có sự thành lập chính phủ mới.

Tôi hỏi tướng Kim là Hội Đồng Quân Nhân đã có chủ ý mời ai đứng ra làm Thủ Tướng? Tướng Kim trả lời tôi một cách ngắn gọn: "Ông Thơ!" (Vào lúc đảo chính, ông Nguyễn Ngọc Thơ vẫn còn là đương kim Phó Tổng Thống). Thật là một gáo nước giội lên đầu tôi, làm tôi bật ngửa người. Tôi hỏi rõ lại xem có nghe nhầm không? Rồi không giữ được bình tĩnh, tôi nói luôn: "Chúng ta đang có một cơ hội lịch sử và cần những bộ mặt mới, tại sao các anh lại có thể nghĩ đến ông Thơ được!".

Tướng Kim trả lời ngay, đó là quyết định của tướng Minh (tướng Dương Văn Minh, thường được các báo chí ngoại quốc gọi là Big Minh, là chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân) và thêm rằng: "Đối với tướng Minh thì đây là một vấn đề không cần bàn cãi" (câu nói bằng tiếng Pháp của tướng Kim, tôi nhớ rõ là: "Pour Big Minh, c'est un postulat!"). Tới đây thì tôi không còn nhịn được nữa, và bắt đầu to tiếng: "Các anh làm cách mạng để đưa bạn hữu lên cầm quyền thì cách mạng còn có ý nghĩa gì nữa!".


Ông Bùi Diễm còn viết nhiều nữa, tỏ ý coi thường những con người mang lon tướng mà làm những chuyện chẳng ra gì. Có lẽ vì vậy mà ông không gọi cái hội đồng ấy là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng mà chỉ là Hội Đồng Quân Nhân.

Một đoạn trong sách sử của Việt Nam vào đời nhà Trần, tưởng cũng nên nhắc lại để thấy gương vị lãnh đạo dũng liệt của người xưa, xứng đáng gọi là tướng, Vua Trần Nhân Tông nghe tin Hưng Đạo Vương bị thua trận, rút về Vạn Kiếp, liền ngự thuyền đến Hải Đông và vời Hưng Đạo Vương đến bàn việc.

Vua bảo
: "Thế giặc to như thế mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẫm chịu hàng để cứu muôn dân". Hưng Đạo Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng thì chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng". Vua nghe lời trung liệt, trong lòng mới yên. Vua quan đồng lòng đuổi giặc nên đã thắng lớn, đuổi giặc Mông Cổ ra khỏi bờ cõi.

Đời nay, chúng ta có tướng Dương Văn Minh được trao quyền Tổng thống và cuối cùng đầu hàng giặc Cộng, mặc cho Tông miếu Xã tắc tan nát, di hại đến bao nhiêu đời sau. Nhìn lại nước Việt Nam ngày nay, quả là Tông miếu Xã tắc tan hoang. Con nít bị gửi sang Cam Bốt để bán dâm, không biết đến xấu hổ là gì. Con gái chấp nhận lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn,... để kiếm tiền nuôi thân, để thoát ra khỏi nước. Nền giáo dục, đạo đức, luân lý không còn, thì còn gì là Tông miếu Xã tắc.


Từ cuộc đảo chánh 1-11, người ta nhân danh làm cách mạng nhưng không làm cách mạng. Đến ngày 1-11, người ta thường nói nhiều đến cái chết bi thảm của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng lại ít phân tích về một khúc quanh lịch sử, miền Nam nằm trong tay những con người bất xứng để dần dần rơi vào tay cộng sản.

Lê Văn Bảy (11-2008)