"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 1. November 2010

Đau lòng thế Việt Nam ơi!


Nếu vẫn còn quan tâm đến sự thống khổ và vận mạng của đất nước, thiết nghĩ việc chúng ta nên làm ngay là vào trang mạng Labourstart gởi yêu cầu “Kêu gọi chính quyền Việt Nam thả những nhà đấu tranh cho quyền lao động”.
Dường như mùa Thu đã lại trở về trên đất Mỹ.


Nói “dường như” vì khi ở những tiểu bang khác lá đã rơi vàng phố xá, công viên… thì ở California nó còn đang nhõng nhẽo, nóng chẳng ra nóng, lạnh chẳng ra lạnh, nắng chẳng ra nắng, mưa chẳng ra mưa.

Nhưng chớ có mà than phiền nhé! Không mưa thì thôi, mưa một trận thì… cho biết mưa Cali là như thế nào. Ờ, thời tiết cứ bất thường như vậy đó, dù sao chúng ta cũng vẫn bình yên với bốn mùa nơi xứ lạ.
Còn quê hương bên kia bờ đại dương…

Bây giờ bên ấy ra sao nhỉ? Mưa có còn lụt đường ngập xá vốn đã chật chội đông người, mưa có còn làm lầy lội thêm những hẻm nhỏ âm u, mưa có còn là những nỗi nhớ thương vì cách ngăn thêm da diết.
Quê hương tôi đó sao? Có phải đó là quê hương mà tôi nghe một ông gọi vào một đài radio khuyên các thính giả rằng: “Đừng nói chuyện chính trị nữa, bỏ nó qua một bên đi, đã xưa rồi, Việt Nam bây giờ chỉ có kinh tế, làm giàu thôi! Về được mà làm giàu thì cứ về”.

Sao không thấy những người như ông về ở lại Việt Nam luôn đi mà kiếm tiền? Cứ âm thầm lặng lẽ mà trở về hưởng thụ, đừng làm công tác tuyên truyền không công cho một chế độ đang đưa hàng chục ngàn trẻ em đi làm nô lệ sex bên Cam Bốt, Mã Lai, Thái Lan…, đang khuyến khích thật nhiều thiếu nữ Việt Nam ăn mặc hở hang cho đàn ông các nước láng giềng chọn lựa như chọn món hàng giữa chợ, đang đẩy hàng triệu người xuất khẩu lao động vào cảnh bơ vơ khốn khổ nơi đất khách quê người, đang làm giàu bất chính bằng những đồng tiền viện trợ cho dân nghèo.

Có đúng là “Việt Nam bây giờ chỉ có kinh tế, làm giàu thôi” hay không khi đang còn những người can đảm bị xét xử, bị cầm tù chỉ vì họ đã cổ xúy quyền lao động, đòi hỏi sự công bằng cho các công nhân, giúp đỡ dân oan cũng như nhiều công nhân bị mất quyền lợi ở Việt Nam.

Họ bị bắt và bị khép vào tội rải truyền đơn xách động cả chục ngàn công nhân đình công ở công ty giày da Mỹ Phong, Trà Vinh hồi tháng 1 năm nay. Họ – các em này chỉ trong lứa tuổi 20.

Đó là các em Đỗ Thị Minh Hạnh – 25 tuổi, 9 năm tù; Đoàn Huy Chương – 25 tuổi, 7 năm tù; Nguyễn Hoàng Quốc Hùng – 29 tuổi, 7 năm tù trong phiên xử ngày 26, 27/10 vừa qua tại Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.


Ba em này đã làm gì? Trang mạng Labourstart cho biết:

Đầu năm 2006, dưới tên Nguyễn Tấn Hoành, Đoàn Huy Chương cùng 4 người khác đã phổ biến kháng thư tố cáo hành vi bóc lột công nhân thậm tệ của các chủ doanh nghiệp với sự đồng lõa của nhà cầm quyền và công đoàn nhà nước các cấp.
Đoàn Huy Chương là một công nhân tranh đấu dũng cảm, trong hai năm 2005-2006 đã từng tổ chức nhiều cuộc đình công để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động tại các nhà máy nơi em làm việc.

Tháng 11 năm 2006, Đoàn Huy Chương thành lập “Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam” (HHĐKCN) để giúp đỡ và bênh vực người lao động. Nhà cầm quyền CS đã thẳng tay đàn áp, bắt toàn bộ sáng lập viên HHĐKCN và trừng phạt họ nhiều năm tù giam.

Trong thời gian bị cầm tù, Đoàn Huy Chương nhiều lần bị đánh đập, tra tấn, bị cùm, bị biệt giam. Sợ Đoàn Huy Chương chết trong tù, họ đã thả em ra ngày 13/05/2008.
 
Sau một thời gian dưỡng bệnh và phục hồi sức khỏe, Đoàn Huy Chương lại tiếp tục giúp đỡ dân oan và công nhân.
Tháng 2 năm 2010, khi về quê vợ để ăn Tết, Đoàn Huy Chương lại bị bắt giam cho đến nay. Trước đó mấy ngày, em trai Đoàn Huy Chương là Đoàn Huy Tâm cũng bị công an Cộng sản bắt vô cớ.

Cha của Đoàn Huy Chương là Đoàn Văn Diên cũng đang bị tù từ tháng 11 năm 2006 đến nay chỉ vì là một trong những thành viên sáng lập Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông.

Đỗ Thị Minh Hạnh, từ năm 2007 lúc đang còn là một sinh viên ở trường Cao Đẳng Kinh tế đã chứng tỏ tấm lòng yêu nước thương dân qua việc luôn có mặt để giúp đỡ những người dân oan khi họ lên Sài Gòn khiếu kiện.

Khi đã ra trường Hạnh cũng luôn giúp đỡ những công nhân gặp khó khăn mặc dù công an và nhà cầm quyền luôn đe dọa.
Hạnh bị bắt ngày 23/02/2010 tại thị trấn Di Linh khi đến cơ quan nhà nước làm giấy Chứng minh nhân dân. Khi bắt Hạnh, trước sự chứng kiến của nhiều người, công an đánh em nhiều lần đến chảy máu mặt.

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tốt nghiệp Đại học Công nghệ, em đã âm thầm tranh đấu giúp đỡ công nhân và dân oan.
Trước đây Hùng đã từng bị thu giữ máy vi tính và bị công an đánh đập. Hùng bị bắt ngày 24/02/2010 tai Đồng Nai, một ngày sau khi Hạnh bị bắt.

Nhìn ba gương mặt trẻ măng trong hình, tôi không khỏi nhớ đến những người tù chính trị nữ khi ở B4, và tù chính trị nam khi tôi bị đưa đến Bàu Cỏ, Tống Lê Chân (các trại lao động cải tạo ở Tây Ninh) mà tôi đã gặp năm nào cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Tuổi thanh xuân của họ đã hiến dâng cho đất nước, bây giờ họ đã được thả ra chưa, ai mất, ai còn? Ngậm ngùi sao khi tưởng chỉ có chinh chiến điêu tàn mà hòa bình rồi lại cũng lắm điêu linh.

Đó chỉ là những trường hợp điển hình mới nhất, còn rất nhiều người đang âm thầm tranh đấu cho công bằng xã hội trên quê hương ta ngày nay.

Nếu vẫn còn quan tâm đến sự thống khổ và vận mạng của đất nước, thiết nghĩ việc chúng ta nên làm ngay là vào trang mạng Labourstart gởi yêu cầu “Kêu gọi chính quyền Việt Nam thả những nhà đấu tranh cho quyền lao động”.

Hy vọng 3 em Chương, Hùng, Hạnh nhờ nhiều người lên tiếng sẽ được sớm thoát khỏi cảnh giam cầm oan uổng mà được trở về đoàn tụ với gia đình.

Vì yêu nước thương nòi mà cứ bị đày đọa mãi như thế này thì đau lòng biết mấy hỡi Việt Nam ơi!

Ngô Tịnh Yên