"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 26. November 2010

Không Nên Xây Dựng Tượng Đài Ngô Đình Diệm

Lâm Tùng
 
Vua Quang Trung Nguyễn Huệ ra đi hơn hai trăm năm qua, không tượng, không bia, không mộ, nhưng danh tiếng vẫn vang vọng muôn đời, cho dù thanh danh của ông đã từng bị vùi dập hơn 150 năm, qua những triều trại nhà Nguyễn, Gia Long.

Hồ chí Minh được xây lăng, dựng tẩm, đúc hàng trăm ngàn bức tượng khắp nơi trên toàn cõi Việt nam, ngự trị ở công viên và trên những đền thờ, và được ca tụng tôn vinh bởi tập đoàn Cộng sản, nhưng dân gian vẫn nguyền rủa, chửi bới, và căm thù. Những bức tượng vĩ đại của Lenin, Stalin, Saddam Hussein, v.v... giờ ra sao?
Cái quan trọng của con người chết đi là để lại tiếng thơm, danh tốt, để hậu thế nhìn thấy mà noi theo.  Đặc biệt là những con người lãnh đạo có được sử xanh ngàn năm ca tụng, hay ngàn đời bia miệng nhắc đến thì cũng là do cái tài, cái đức, và sự hy sinh của họ cho quốc gia, dân tộc khi họ còn sống.

Chủ trương của nhóm là phục hồi "Tinh Thần Ngô Đình Diệm" là nói lên những cái hay, cái tốt, phơi bày những sự thật, và xóa đi những bôi nhọ, phỉ báng, tuyên truyền từ những kẻ thù của người Quốc gia chân chính.  Đó là bọn Cộng sản Việt Nam.   

Tinh thần Ngô đình Diệm là gì?  Đó là : Bất khuất, chính trực, và yêu nước.
1. Tinh thần bất khuất. Nếu nói đến tinh thần bất khuất, chúng ta phải nhớ đến Trần bình Trọng khi ông trả lời quân Nguyên bằng một câu "Ta thà làm quỷ nước Nam, hơn làm vương nước Bắc." Và cái giá ông đã trả đó là cái đầu của ông.

Khi Đại sứ Henry Cabot Lodge đòi hỏi TT Diệm phải tuân theo ba đòi hỏi của Mỹ, đó là
(a) loại bỏ ông Ngô đình Nhu,
(b) để Mỹ đổ quân đội chiến đấu vào Nam Việt nam, và
(c) hoàn toàn thoả thuận những yêu sách của Phong trào Phật Giáo do TT Thích Trí Quang cầm đầu.
TT Diệm trả lời, "Je ne vais pas servir." (I am not going to serve). Và với câu trả lời đó, TT Diệm đã trả giá bằng mạng sống của mình.  

Đã là lãnh tụ của một quốc gia, ông không thể cúi đầu nghe lệnh của ngoại bang.  Chưa có ai ngoài TT Diệm trong lịch sử cận đại dám trả lời cố vấn Mỹ như thế.  Hồ chí Minh không dám trả lời cố vấn Nga hay cố vấn Tàu như thế.  Nguyễn Khánh, Nguyễn cao Kỳ, Nguyễn văn Thiệu chưa ai dám trả lời cố vấn Mỹ như thế. Và ngày nay, lãnh đạo Cộng sản Việt nam, hiển nhiên, không dám trả lời như thế với cố vấn Tàu.

2. Tinh thần chính trực.  TT Diệm là biểu dương của một quân tử.  Ba Cây Trúc là tượng trưng ông, đã chọn để nói lên cái tinh thần thẳng thắn, cương trực, thanh liêm.  Lãnh đạo bằng công lý, không thiên vị, và đặt quyền lợi quốc gia trên hết.  Ông đã sống một cuộc sống thanh đạm, không lập gia đình, và cống hiến đời mình để phục vụ quốc gia. 

3. Tinh thần yêu nước. Suốt cuộc đời của ông Ngọ Đình Diệm luôn luôn tranh đấu độc lập cho đất nước từ tay thực dân Pháp, và sau đó là chống xâm lăng của Cộng sản từ phương bắc.  Một con người lãnh đạo mà lúc nào cũng chỉ lo cái hạnh phúc của người dân hơn là hạnh phúc của riêng mình.  Và bằng mọi giá, ông không cho phép Mỹ đổ quân vào Việt nam, để đi đến việc Mỹ dùng các tướng lãnh và Phật giáo để lật đổ ông.  Khi bọn tướng nổi loạn, ông không dùng quân lực để dẹp loạn. Ông nói quân đội để chống Cộng, chứ không phải để chống quân đội.
Khi một người lãnh đạo có tài, có đức như ông nằm xuống, chúng ta không thể tìm được một người khác xứng đáng để thay thế.  Như Tưởng giới Thạch nói, "Việt nam mất trăm năm chưa chắc đã tìm được một Ngô đình Diệm thứ hai." Và sau đó Mỹ cũng đã chấp nhận cái lỗi lầm to lớn của họ, vì họ không thể tìm ra một người thay thế ông Diệm để lãnh đạo miền Nam.

Như vậy mục đích phục hồi "Tinh thần Ngô đình Diệm" là để làm gì?  Mục đích phục hồi "Tinh Thần Ngô đình Diệm" không phải để suy tôn một Tổng thống đã nằm xuống, như những kẻ tầm thường suy nghĩ, nhưng để noi lên tấm gương anh hùng, để hậu thế noi theo.
Tại sao chúng ta cần phục hồi "Tinh Thần Ngô đình Diệm"?  Vì đó là nền tảng để chúng ta có thể phục quốc, đó là ngọn đuốc để dẫn đường mọi người, và đó là kim chỉ nam nhờ đó, chúng ta có thể noi theo để phục vụ chính nghĩa. Trên bước đường tranh đấu, chúng ta cần noi gương lãnh đạo của tiền nhân, mà ba tinh thần thiết yếu cần phải có là bất khuất, cản đảm để đối diện kẻ thù; thanh liêm chính trực để đem lại công lý cho xã hội; và tinh thần yêu nước để biết hy sinh, biết đặc quyền lợi quốc gia trên quyền lợi cá nhân.  Dựa vào đó, chúng ta có thể đánh đổ chế độ Cộng sản, một chế độ lệ thuộc vào ngoại bang, vô nhân, vô luân, vô tổ quốc, vô thần, và vô công lý.

Giờ đi đến cái chủ đề là tại sao chúng ta không nên xây dựng tượng đài Ngô đình Diệm?
- Điểm thứ nhất là mục đích của chúng ta là cần xây dựng và phục hồi "Tinh Thần" chứ không phải vật chất của Ngô đình Diệm. Xây tượng là xây dựng vật chất, chứ không phải tinh thần.
- Điểm thứ hai là việc xây cất sẽ tạo nên tốn kém, đòi hỏi quyên tiền, gây quỹ. Vấn đề dính líu đến tiền bạc lúc nào nó cũng phức tạp và rắc rối. Kinh nghiệm cho thấy bao nhiêu phong trào, mặt trận tranh đấu cho dân tộc đã đi đến thất bại mà lý do chính là tài chánh. Mặt trận thật cũng có mà mặt trận ma cũng có.  Bao nhiêu phong trào gây quỹ, tài chánh từ "phở này", đến "văn nghệ" nọ đã gây ra không biết bao nhiêu tiếng xấu. Để rồi mất đi sự tin tưởng của mọi người.

- Điểm thứ ba là việc gây quỹ xây tượng sẽ có những người đánh phá, tạo ra những tiếng xấu khó có thể mà thanh minh, thanh nga hết được.  Như chúng ta đã thừa biết, cho dù thanh liêm và thánh thiện mấy đi nữa, gia đình họ Ngô trong nửa thể qua đã bị không biết bao nhiêu chuyện bôi xấu dèm pha! Xây dựng tượng có quan trọng, có xứng đáng đến nổi phải hy sinh cái danh tiếng của phong trào phục vụ này không? Tôi tin răằg đó không phải là chủ trương và tinh thần của "Ba Cây Trúc". Đồng ý nếu có một nhóm người nào đó muốn xây dựng tượng với sự tự túc tài chánh của riêng nhóm đó, thì đó là việc tốt chứ có sao đâu.Miễn sao tránh được tiếng xấu là tham nhũng, ăn cắp tiền của nhân dân đóng góp là được rồi.

Bia đá, tượng đồng rồi sẽ qua đi, nhưng sử xanh, bia miệng ngàn đời vẫn còn đó.

Lâm Tùng