"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 6. November 2010

Phạm Duy - Một Người và Mọi Người Cùng Trên Một Chiếc Thuyền

Lê Q. Khôi
Ngày 1 tháng 11, 2010

Văn hoá quyết định mọi thứ trong xã hội và tương lai của dân tộc. Đó là niềm tin của tôi. Văn hoá tôi muốn nói tới ở đây là “culture” của một đất nước chứ không phải chỉ là văn hoá nghệ thuật. Những đặc tính văn hoá có ảnh hưởng quyết định đến mọi việc từ lớn tới nhỏ, từ cấu trúc chính quyền và cách làm chính trị của con người, cho đến cách thức giáo dục và sự tổ chức của hệ thống giáo dục. Và chúng cũng quyết định cách làm việc và giao tiếp hàng ngày, cách ăn nói, đi đứng, sự sáng tạo, và trí thông minh của con người. Mặc dầu mọi thứ trong xã hội đều tác động qua lại lẫn nhau (ví dụ chính trị có thể quyết định hình dạng văn hoá trong một thời kỳ, hoặc trí thông minh của con người sẽ góp phần tạo nên màu sắc văn hoá của đất nước), nhưng nhìn chung thì văn hoá có tác dụng mang tính chất cốt lõi hơn, bao quát hơn, và kéo dài liên tục từ quá khứ đến hiện tại và cho tới tương lai xa.


Cũng như các nền văn hoá khác, văn hoá Việt Nam có cái hay và có cái dở. Nếu may mắn chúng ta sẽ có nhiều nét hay và ít nét dở, và nếu may mắn chúng ta sẽ bị tác động của nhiều yếu tố đẹp hơn yếu tố xấu. Những nét văn hoá không hay có thể ảnh hưởng tới con người một cách không công bằng lắm, và tôi muốn được bàn về tác động của những đặc điểm đó đối với sự suy nghĩ và hành xử của chúng ta, đồng thời bàn về một nhân vật cũng bị tác động bởi những yếu tố văn hoá đó như mọi người; đó là nhạc sĩ Phạm Duy.

Đặc tính thứ nhất tôi muốn nói tới là cái nhìn của người Việt Nam về tính khiêm tốn. Cũng giống như nhiều nước châu Á khác, tính khiêm tốn được ca ngợi và khuyến khích nhiều tại Việt Nam . Đây là đặc tính tốt và các nền văn hoá khác cũng ca ngợi. Tuy nhiên, điều này được thấy rõ ràng hơn tại Á Đông. Người ta được khuyến khích không nên nói nhiều về mình và không ca ngợi bản thân quá mức. Mọi người cần phải tỏ ra nhún nhường và… “nhỏ bé.” Đức tính này tốt vì nhiều lý do, ví dụ như nó làm con người cố gắng hơn; làm những người xung quanh cảm thấy dễ chịu, không có cảm giác người kia kiêu ngạo, hống hách; hoặc làm người đối diện cảm thấy được tôn trọng. Sự khuyến khích này được áp dụng với mọi người, từ những người bình thường cho tới những người có nhiều tài năng và thành công. Đôi khi đối với những người tài năng, đòi hỏi sự khiêm tốn với họ còn khắt khe hơn nữa.

Tuy nhiên, thái độ của con người về sự khiêm nhường đó lại tạo ra những tác hại lớn và làm chính xã hội xấu đi. Thứ nhất là nó làm cho con người trở nên giả dối. Những hành động, thái độ, lời nói dường như là khiêm tốn thực ra chỉ giả tạo mà thôi. Vì áp lực của niềm tin về sự khiêm nhường mà người ta phải làm ra vẻ khiêm tốn, nhưng thực sự họ có thể là những con người ngạo mạn. Vì muốn tạo một hình ảnh khiêm tốn, vì muốn hình ảnh của mình đẹp hơn hoặc muốn việc làm của mình có giá trị hơn (vì được mang thêm cái mác khiêm tốn) nên họ cố làm ra vẻ nhún nhường. Thực tế có thể khác hẳn. Tất cả chỉ là đạo đức giả, bề ngoài. Những điều giả dối này rất dễ nhận ra và những con người đóng kịch vụng về đó có ở mọi nơi. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy nhiều người không nhận ra được sự khiêm tốn giả tạo đó. Dĩ nhiên tôi khuyến khích tính khiêm tốn, nhưng phải là khiêm tốn thực sự.

Sự đóng kịch này có nhiều tác hại. Thứ nhất là có những người không nhận ra được sự đóng kịch đó. Như vậy thì không sáng suốt và lại càng khuyến khích sự giả dối vì người đóng kịch thấy được sự thành công trong việc lừa dối người khác của mình. Thứ hai là có những người thấy được điều xấu xa nhưng vẫn chấp nhận, bỏ qua, không phê phán vì đã “quen” với việc đóng kịch rồi, và vì sự giả dối đó đi đúng vào cái “cách” khiêm tốn đã tồn tại cả ngàn năm. Kết quả là sự giả dối được tồn tại và kéo dài. Nguy hiểm hơn nữa là cái tâm lý chấp nhận sự giả dối được hình thành, chấp nhận, và sống mãi trong xã hội. Một kết quả nữa là những điều trái ngược với sự khiêm tốn (không thực) đó có thể bị cho là kiêu ngạo và hứng chịu những chê trách, phê bình. 
Tác hại thứ hai là niềm tin vào sự khiêm nhường theo cách Việt Nam sẽ tác động không hay đến những đặc tính tốt ví dụ như tính tự tin. Những nền văn hoá Tây Phương ca ngợi và kêu gọi tính khiêm tốn, và họ cũng ca ngợi và khuyến khích tính tự tin rất nhiều. Ở Việt Nam hình như có khác đi một chút. Sự ca ngợi tính khiêm tốn quá nhiều, nhưng từ lâu tính tự tin không được khuyến khích đúng mức. Khi biểu lộ tính tự tin, người ta có thể nói về những thành quả hoặc tài năng của mình. Điều này đôi khi mới nhìn vào có vẻ trái ngược với tính khiêm tốn, và vì vậy có thể bị hiểu lầm tự kiêu và làm người khác khó chịu. Hơn nữa, với tâm lý đã được giáo dục và chuẩn bị sẵn về việc nhún nhường, nên những hành động hoặc lời nói chứa đựng nhiều tính tự tin và việc nói về bản thân có thể bị con người hiểu lầm dễ dàng hơn nữa, và bị cho là tự kiêu, tự tôn. Vì tâm lý đó mà có thể con người cũng luôn ở tư thế sẵn sàng bắt lỗi người khác kiêu ngạo.

Điều khó khăn ở đây là biểu lộ mình bao nhiêu, nói về mình ở mức độ nào là vừa đủ, là tự tin và không mang tiếng tự kiêu. Mỗi cá nhân có một cách đánh giá khác nhau. Không ai có quyền nói đánh giá của mình là tiêu chuẩn và người khác phải tin theo. Trong một xã hội mà từ lâu con người ca ngợi sự khiêm tốn quá nhiều nhưng không có thói quen khuyến khích tự tin thì giới hạn thế nào là tự tin chắc chắn sẽ thấp lắm. Mới nói về mình một chút là có thể đã mang tiếng tự kiêu rồi. Chỉ nói chút xíu nhưng mọi người đã chuẩn bị tinh thần để “bắt” coi người đó có không khiêm tốn không. Sống trong một xã hội như vậy thì con người ít có thói quen bày tỏ lòng tự tin, nói về mình và những thành quả của mình (nói một cách tích cực, chứ không phải khoe khoang). Sống trong một môi trường như vậy thì con người khó chấp nhận những điều mà họ nghĩ là đã qua giới hạn tự tin; khó chấp nhận những con người, hành động, lời nói tự tin mà họ không quen chứng kiến.

Một vấn đề nữa là việc ca ngợi khiêm tốn sẽ tạo nên những “nghi thức” khiêm tốn. Những điều mà tôi gọi là “nghi thức” này bao gồm cả lời nói lẫn hành động. Những “nghi thức” này không sao cả và cần thiết trong xã hội. Vấn đề nảy sinh khi những nghi thức đó trở nên máy móc, giả tạo, và bề ngoài. Thêm vào đó, tuỳ cá nhân, người ta còn thêm vào những kỹ thuật “khéo léo” khác nhau để có vẻ khiêm tốn hơn nữa. Tác hại xảy ra là vì được coi là “nghi thức” (hay “công thức”???) nên người theo công thức không bị chê giả tạo. Việc chê giả tạo cũng trở nên khó khăn hơn vì chê trách là đồng nghĩa với việc chống lại “nghi thức” đã tồn tại trong nền văn hoá từ trăm hoặc ngàn năm. Được dịp đó biết bao nhiêu người không khiêm tốn đã sử dụng những công cụ này để tỏ ra khiêm tốn.

Có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, những người nổi tiếng, những người giàu có, những người có quyền lực, và địa vị nói năng, cư xử có vẻ nhún nhường, khiêm tốn lắm, nhưng chú ý một chút thì ta sẽ thấy sự tự tôn, tự kiêu tiềm ẩn trong những điều họ nói, họ làm. Bất cứ nền văn hoá nào cũng có những “nghi thức” như vậy. Điều quan trọng là cách sử dụng những nghi thức đó như thế nào, và cái “tâm” của người sử dụng nghi thức “trong” hay “đục” mà thôi.

Tôi xin đưa ra một so sánh nhỏ ở đây để nói lên cái nhìn của tôi về sự khiêm tốn. Ở Mỹ, người ta nói về bản thân nhiều và tự nhận mình thông minh, có khả năng, tài giỏi. Đó không phải là tự kiêu mà là tự tin. Bên cạnh đó, họ rất chịu lắng nghe ý kiến người khác, dù trái ngược, dù là từ kẻ đối địch; họ tôn trọng và còn có thể nghe theo những ý kiến đó. Đó thực sự là khiêm tốn. Trong khi đó thì nhiều người Việt có thể có nhiều hành động, lời nói có vẻ rất khiêm tốn, nhún nhường, nhưng họ lại không chịu lắng nghe ai, không thèm lắng nghe người khác, hoặc những ý kiến trái ngược. Không những vậy, nhiều người còn không cho người khác có quyền hoặc cơ hội đưa ra ý kiến. Đối với tôi, đó là thái độ ngạo mạn, không khiêm tốn, mặc dù lời nói cử chỉ của họ thì rất nhún nhường.

Vậy thì nhạc sĩ Phạm Duy là người thế nào? Có kiêu ngạo như nhiều người nói không? Theo nhận xét của cá nhân tôi thì nhạc sĩ Phạm Duy là một người tự tin và nói thẳng. Ông không tự kiêu hay kiêu ngạo. Ông chỉ đơn thuần nói lên sự thật mà thôi. Ông nói về những tác phẩm của ông, những hiểu biết của ông, và những công lao, đóng góp của ông cho sự nghiệp âm nhạc Việt Nam . Ông có quyền nói lên những điều đó. Ông khen ngợi cái hay của người khác và ông cũng chê những điều ông không thấy hay. Ông cũng nói về bản tính của ông, về con người của ông một cách tự tin và tự nhiên. Ông nói lên những cái hay và ông cũng bàn về những cái không tốt của cá nhân mình. Ông trung thực với chính bản thân mình. Đối với một người nói như vậy và làm như vậy, tôi chỉ thấy lòng tự tin mà thôi. Khi nghe ông nói chuyện, đọc bài viết của ông, tiếp xúc với ông, tôi chỉ thấy ông là người tự tin. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy ông tự kiêu nếu chúng ta là nạn nhân của những nét văn hoá đề cập ở trên.

Bây giờ hãy giả sử ông là người tự kiêu đi. Chúng ta có thể nhìn vào điều đó theo khía cạnh sau đây không? Vì tài năng, ông có quyền tự kiêu một chút. Điều đó có sao đâu. Tôi thấy không sao cả. Không có tài năng mà tự kiêu, lộ liễu hoặc ngấm ngầm, mới là điều đáng chê, đáng lo, và đáng buồn.

Nét văn hoá thứ hai là niềm tin của chúng ta về sự “khéo léo.” Ở Việt Nam ai cũng được dạy dỗ phải ăn nói khéo léo và cư sử khéo léo. Điều đó tốt thôi vì nó làm con người lịch sự hơn, thân thiện nhau hơn, và xã hội đẹp hơn. Vấn đề là khéo léo tới mức độ nào, và sự khéo léo cũng là một phương tiện để người ta giả tạo. Tôi đã gặp nhiều trường hợp khéo léo một cách lố bịch, giả tạo, và khờ khạo ở mọi nơi. Và như đã nói ở trên con người đã sử dụng sự khéo léo này để che đậy sự khiêm tốn không thật của họ. Điều này đã được bàn tới ở trên nên tôi không nói nữa.

Một cách cư xử hơi khác với khéo léo một chút là thẳng thắng, nói thẳng những gì mình suy nghĩ về bản thân, về người khác, và về sự việc. Nói chuyện kiểu này có thể đem đến những điều bất lợi vì nguy cơ làm người khác buồn, giận, hoặc thù. Tục ngữ Việt Nam có câu “Sự thật mất lòng” đã chứng minh điều đó. Tôi vẫn ủng hộ sự khéo léo, tế nhị. Tôi tin tưởng rằng chúng ta nếu cần nói thẳng, nói thật thì cũng phải biết cách nói, và không làm người khác đau lòng. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây cũng vẫn là thẳng thắn tới mức độ nào là vượt quá giới hạn. Ai có quyền nói giới hạn của mình là đúng nhất? Có thể trong xã hội có một sự giới hạn vô hình nào đó đã được thiết lập và chấp nhận bởi đa số mọi người trong nhiều trăm, ngàn năm. Nhưng nếu một xã hội nhấn mạnh quá nhiều đến sự khéo léo thì giới hạn vô hình đó có lẽ cũng sẽ thấp lắm. Điều này bất lợi cho những người hơi khác với đa số quần chúng trong xã hội. Và những người tài giỏi thường là khác với đa số quần chúng trong xã hội.

Phạm Duy là một người như vậy, và ông đã bị nhiều người không thích hoặc ghét vì cách ăn nói của ông. Họ cho là ông ăn nói kiêu ngạo và đôi khi thô tục. Họ cho là ông “tuyên bố bậy bạ” và phát ngôn “bừa bãi.” Có bậy bạ không? Có bừa bãi ở mức độ mọi người chê bai không? Cách ăn nói của ông có vấn đề không? Nhìn ở khía cạnh nào thì có vấn đề? Đối với người này thì không chấp nhận được, nhưng đối với người khác thì không có vấn đề gì cả. Vậy thì chúng ta có nên lên án và có quyền lên án ông không, hoặc lên án ở mức độ nào? Mỗi người có một cách ăn nói khác nhau, và mỗi người lại thích nghe một cách nói chuyện khác nhau và có một cách đánh giá khác nhau. Như thế nào là hay, là đúng? Đối với một người có nhiều tài năng, cống hiến, và khác nhiều người, như Phạm Duy chúng ta có nên có những đánh giá quá tiêu cực hay không, và quá không công bằng hay không? Cá nhân chúng ta có quyền đánh giá một người như vậy không? (Tôi sẽ nói thêm về quyền đánh giá, đòi hỏi người khác trong văn hoá Việt Nam sau).

Câu trả lời của tôi cho những câu hỏi trên là tôi thấy cách nói chuyện của ông chẳng có gì là không hay cả. Những đánh giá về cách ăn nói, tuyên bố, và nhận xét của ông như nhiều người đã làm là quá mức và không công bằng. Tôi thấy những “tuyên bố” gọi là “bậy bạ”, những “phát ngôn” bị cho là “bừa bãi” chẳng có gì là nghiêm trọng. Đôi khi nghe rồi tôi bỏ qua. Nhiều khi tôi còn thấy thích cách nói chuyện của ông. Ông nói rõ ràng những điều ông muốn nói, không cần kiểu cách, “khéo léo” rởm. Thực sự là điều bất công khi chúng ta cũng thường xuyên có những tuyên bố “thô tục” và “bậy bạ” nhiều nơi, nhiều lúc nhưng chẳng bị phê phán. Hay tại chúng ta không tài giỏi, không nổi tiếng nên không “được” mọi người để ý để… chê? Hay vì ganh tỵ nên chúng ta chụp ngay những cơ hội để nói xấu ông? Không biết có ai trong chúng ta cũng mong muốn có những cơ hội được ăn nói “vớ vẩn”, tuyên bố “bậy bạ” như ông để bày tỏ thái độ, quan điểm trước đám đông không? Chúng ta cũng cần phải cẩn thận và suy nghĩ là đôi khi những điều được cho là của ông đó, có điều thực sự do ông nói, nhưng có những điều có thể do kẻ khác bỏ vào miệng ông.

Ở đây tôi muốn nói một chút về những bài Tục Ca của ông. Nhiều người dựa vào những bài này mà lên án ông là người “tục tĩu.” Có tục tĩu không khi biết rằng Phạm Duy muốn  “đụng chạm” tới mọi vấn đề trong xã hội, và không sợ né trách bất cứ đề tài nào? Có tục không khi nhận thấy ông là người luôn tìm cách khám phá cái mới và mong muốn sáng tạo? Có tục không nếu nhìn từ góc độ đây là những điều hiện thực? Có tục tĩu không khi thấy rằng ông là người dám mô tả những điều đó và nói lên cảm giác, chứng kiến, kinh nghiệm thực sự của mình? Có tục tĩu không khi chúng ta không dám và không có khả năng viết những bài hát như vậy mặc dù có thể trong thâm tâm cũng muốn bày tỏ “tính xấu” tự nhiên của con người qua âm nhạc hoặc một hình thức nghệ thuật nào khác? Có thô tục không khi thực sự chúng ta cũng có những hành động hoặc suy nghĩ gọi là “thô tục” đó trong lòng? Có tục không nếu nghĩ là ông đã làm cho đề tài âm nhạc thêm đa dạng, mặc dầu việc đa dạng này hơi kỳ lạ?

Có thể chúng ta không thích những điều mô tả trong những bài hát đó. Vậy thì chúng ta không hát và không phổ biến chúng. Tại sao lại dựa vào đó để nói Phạm Duy thô tục? Còn những bài rất thánh thiện của ông thì sao? Những bài Tâm Ca, Đạo Ca, Thiền Ca, Bé Ca, những bài có nhiều tính triết lý thì sao? Vì Tục Ca mà bao nhiêu điều đẹp đẽ khác bị phá huỷ hết hay sao? Nếu nhìn kỹ lại thì những nhạc phẩm của Phạm Duy đã mô tả tất cả những tâm tính, tình cảm tự nhiên của con người mà thôi. Ông đã diễn tả lại tâm tính, cảm xúc của ông và của chính chúng ta mà thôi.

Hãy tự hỏi chúng ta có “tục” trong lòng không? Hãy tự hỏi chúng ta có ham thích, ước mong, thèm thuồng được nhìn thân xác phụ nữ không? Hãy tự hỏi chúng ta có mong muốn, thèm thuồng có được nhiều “người tình” hay không? Hãy tự hỏi chúng ta có hãnh diện và có cơ hội thì sẽ khoe với người khác về tài năng chinh phục phụ nữ của mình hay không, có nhiều người yêu, “bồ nhí” hay không, nếu chúng ta có khả năng đó? Thực tế là Phạm Duy cũng giống như bao nhiêu người chúng ta mà thôi trong lãnh vực này. Phạm Duy mang tiếng “tục” chỉ vì ông có thể đưa “tục” vào âm nhạc và nhiều người biết đến. Chúng ta không mang tiếng “tục” tại vì chúng ta không biết viết nhạc hoặc không dám viết nhạc theo kiểu đó mặc dầu chúng ta cũng “tục” y như ông.

Khéo léo tốt, nhưng khéo léo cách nào, ở mức độ nào là điều quan trọng. Nói thẳng cũng tốt, và nói thẳng như thế nào, ở mức độ nào là điều quan trọng. Làm sao xác định thước đo, thế nào là tiêu chuẩn và công bằng cho đa số mọi người, cho chính bản thân mình, và cho những người có nhiều khác biệt với đa số quần chúng? Đối với nhạc sĩ Phạm Duy, tôi nghĩ rằng đánh giá tiêu cực của nhiều người về sự “khéo léo” và cách “ăn nói” cùng những lời “tuyên bố” của ông là một điều không công bằng.

Nét văn hoá thứ ba, rất đặc trưng cho Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, là niềm tin vào “conformity.” Trong khuôn khổ thảo luận ở đây “Conformity” là tuân thủ theo những quy định chung của xã hội, và được những quốc gia bị ảnh hưởng của Khổng Giáo rất coi trọng. Khác với những nước phương Tây, nơi mà con người được khuyến khích sống theo phong cách của cá nhân, khuyến khích sự tự do cá nhân, sáng tạo theo ý riêng, và sự đa dạng của xã hội; xã hội Việt Nam (và nhiều nước Á Đông khác) khuyến khích và đòi hỏi con người cần phải giống nhau, hoặc tương tự nhau. Xã hội có những điều lệ riêng mà tất cả mọi người phải tuân thủ; những hành động và ngay cả suy nghĩ của cá nhân con người không được đi quá xa so với những nguyên tắc, ước lệ chung của xã hội đó. Đôi khi việc đòi hỏi này có tính chất bắt buộc rất mạnh. Nếu không tuân thủ sẽ bị phê phán, chê trách, hoặc tồi tệ hơn nữa là loại bỏ. Những nguyên tắc chung này ảnh hưởng mối quan hệ giữa những người trong gia đình, họ hàng với nhau, hơn chút nữa là làng xóm, bạn bè, và kéo rộng ra hơn nữa là xã hội. Tục ngữ Trung Quốc có câu, “A nail that sticks out will be hammered down.” Đây là một chứng thực cho niềm tin vào nét văn hoá này. Cũng cần nhắc lại là xã hội nào cũng có những nguyên tắc, đòi hỏi chung, nhưng trong xã hội Á Đông và Việt Nam , những điều này đã trở nên quá mức và len lỏi quá sâu vào cuộc sống chúng ta, và những xã hội Á Đông này không khuyến khích “individualism.”

Nét văn hoá này có một vài điểm có thể cho là “tốt.” Thứ nhất là nó tạo nên một môi trường dễ dàng cho việc kiểm soát, cai trị, và quản lý, từ gia đình cho tới quốc gia. Điểm “tốt” thứ hai là nó làm từng cá nhân con người cảm thấy “yên tâm” vì mình đã “pha trộn” vào cái chung, mình không “bị” khác biệt, và vì vậy sẽ dễ được chấp nhận. Còn một vài đặc điểm khác nữa giúp sự tồn tại của đặc tính văn hoá này mà tôi sẽ không bàn tới ở đây.

Tuy nhiên, tôi không thích cách suy nghĩ “conformity” này vì tôi nghĩ rằng đặc tính này có nhiều ảnh hưởng không hay cho xã hội. Đặc tính này không làm xã hội đa dạng, không khuyến khích sự khác biệt và tính sáng tạo, đánh mất sự tự do cá nhân, đồng thời nó cũng tạo điều kiện phát triển cho tâm lý ép buộc, áp lực lên người khác, đòi hỏi ở người khác. Rộng ra hơn nữa là nó là một môi trường tốt cho tâm lý độc tài và thiếu dân chủ phát triển. Đây là những điều rất tai hại bắt nguồn từ niềm tin vào “conformity.”

Mọi người trong xã hội đều bị áp lực của điều này. Những người nổi tiếng, người của công chúng lại càng bị áp lực nặng hơn nữa. Những người có thể tác động tới người khác hoặc ảnh hưởng văn hoá, chính trị lại càng bị theo dõi kỹ lưỡng hơn. Những người có tính cách, đặc điểm khác lạ với đa số quần chúng sẽ còn bị mọi người tập trung làm khó hơn nữa. Nhạc sĩ Phạm Duy đã ở trong tất cả những trường hợp trên. Tất cả mọi người hình như ai cũng có một cái “expectation” là ông phải nói như thế này, phải cư xử như thế nọ, phải tuyên bố những điều như thế kia. Khi ông không làm giống như họ trông đợi thì họ phản ứng tức thì một cách tiêu cực. Hình như họ không cho phép ông được làm những điều theo lựa chọn cá nhân của ông. Khi ông không theo những điều họ mong đợi thì lập tức ông trở thành kẻ phản bội. Ông mất tự do cá nhân. Những “public figure” ở bên Mỹ cũng ít nhiều mất đi tự do cá nhân, nhưng trong trường hợp Việt Nam thì nó rất quá khích.

Những người đòi hỏi ông bao gồm từ cá nhân cho đến những tổ chức và cả chính quyền. Đây là tâm lý ép buộc, độc tài, thiếu dân chủ của từng cá nhân con người, của những tổ chức và của chính quyền. Đây là vấn đề của cả một dân tộc, một nền văn hoá chứ không chỉ là vấn đề thuộc về thể chế chính trị. Tâm lý bệnh hoạn của nền văn hoá ép buộc phải “conform” này là những người nào không đi theo đường hướng của ta là tự nhiên trở thành kẻ phản lại ta, là kẻ thù của ta, là nguy hiểm cho ta, là người đáng để cho ta ghét và trừng phạt. Và từ niềm tin đó mà bao nhiêu vũ khí sẽ được sử dụng để phê phán, nói xấu, đả kích, hoặc tiêu diệt. Con người không còn tự do lựa chọn và không còn tự do suy nghĩ. Họ bị bắt buộc phải đi theo bên này hoặc bên kia. Một hướng đi khác, một suy nghĩ khác không được phép tồn tại. Nếu nhìn từ góc độ khiêm tốn thì những con người đòi hỏi, ép buộc đó rất kiêu ngạo, xấc xược. Nếu nhìn từ góc độ chính trị thì đây là sự độc tài, độc quyền, và không dân chủ.

Có những cá nhân đang yêu thích ông, nhưng khi nghe ông nói hoặc thấy ông làm một việc gì đó họ không thích thế là họ “nghỉ chơi” ông luôn. Có những tổ chức hoặc chính quyền muốn ông tuyên bố thế này hay thế nọ, hoặc muốn ông làm điều này điều kia mà ông không làm thế là họ coi ông như kẻ thù. Hoặc bất thình lình ông làm một điều gì đó đi ngoài sự trông đợi của họ là ông sẽ bị chỉ trích, đánh giá, và đôi khi là đội cho bao nhiêu cái mũ. Ở Mỹ, những ý kiến trái ngược luôn luôn được tôn trọng. Có thể những người không cùng ý tưởng sẽ bày tỏ ý kiến phản đối, nhưng tự do cá nhân của con người vẫn được tôn trọng. Ở Việt Nam (và cộng đồng người Việt ở nước ngoài), khác biệt hay trái ngược là điều không chấp nhận được. Người ta sẽ bị chỉ trích, chê bai, nói xấu, đồn thổi đến một mức quá khích, cực đoan. Mọi người cứ làm như thế và không cần biết nó có công bằng hay không và “civilized” hay không. Việc ông trở về Việt Nam là một ví dụ. Vì việc trở về Việt Nam này mà ông đã bị không biết bao nhiêu tai tiếng từ những người Việt ở hải ngoại cho tới chính người Việt Nam và chính quyền Việt Nam trong nước.

Tôi thấy việc trở về Việt Nam của “một ông già” như nhạc sĩ Phạm Duy là điều bình thường, nếu không muốn nói là tốt. Ở tuổi này ông chỉ muốn về lại và được nằm xuống trên quê hương của ông mà thôi. Đây là nơi ông yêu thương và hết lòng phụng sự thông qua âm nhạc. Đây là nơi ông được sinh ra, lớn lên, và trải qua bao nhiêu kỷ niệm. Đây là nơi ông đã từng đi khắp các miền trong đất nước, gặp gỡ bao nhiêu con người, bạn bè, và học hỏi nhiều điều. Đây là nơi ông đã được thưởng thức bao nhiêu món ăn dân tộc, thưởng thức bao nhiêu làn điệu dân ca, ngắm mây, trời, sông, suối, và thưởng thức hương thơm của hoa, của lúa, và của đất. Đây là nơi cha ông của ông đã yên nghỉ. Đây là nơi ông đã yêu và gặp người sau này là vợ của ông. Đây là nơi ông đã yêu “tiếng nước” của ông từ khi ông “mới ra đời.” Đây là nơi ông đã gọi “Việt Nam ” từ khi còn nằm “bên vành nôi.” Tại sao lại không nên về một nơi như vậy? Tại sao lại “không cho” ông về một nơi như vậy? Ông chỉ mong về lại nơi chôn nhau cắt rốn, và chúng ta đừng nên gắn thêm những yếu tố khác vào việc “lá rụng về cội” của ông.

Đặc điểm văn hoá thứ tư, cũng là một đặc điểm rất lớn trong văn hoá Khổng Giáo, là niềm tin vào con người hoàn hảo. Bất cứ nền văn hoá nào cũng khuyến khích con người cố gắng để trở nên tốt hơn. Nhưng trong văn hoá Khổng Giáo sự đòi hỏi này trở nên quá mức. Đàn ông được trông mong phải rèn luyện mình để trở thành người quân tử, có đầy đủ tất cả phẩm chất của một con người hoàn hảo, phải văn võ song toàn, phải đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu, dũng, v.v. Phụ nữ cũng vậy, công, dung, ngôn, hạnh, v.v. Và cả nam lẫn nữ đều phải có những bổn phận và nghĩa vụ với gia đình, họ hàng, làng xóm, đất nước cần phải chu toàn. Một ví dụ nữa là ngày nay học sinh hay được khuyến khích phải giỏi “toàn diện.” Một ví dụ khác là hình ảnh của những vị lãnh tụ luôn luôn được tô vẽ, ca ngợi như một người hoàn hảo.

Dĩ nhiên không thể nào có sự vẹn toàn, nhưng con người trong những xã hội này luôn kỳ vọng và có tâm lý đòi hỏi điều đó. Điều không công bằng là người ta đòi hỏi sự hoàn hảo từ người khác nhiều hơn từ chính bản thân. Điều không công bằng là những người đòi hỏi cũng chính là những người không hoàn hảo. Điều không công bằng là chúng ta dễ dàng chê người khác không hoàn hảo hơn chê bai chính bản thân chúng ta. Điều không công bằng còn nặng hơn nữa đối với những người của công chúng, những người sẽ bị đối mặt với phê phán, chỉ trích trên các phương tiện truyền thông nhiều hơn người khác. Và khi chúng ta đòi hỏi thì chúng ta quên rằng mỗi người có một cá tính, tâm hồn, trái tim, sự thông minh rất khác nhau, và vì vậy lối sống, cái nhìn về mọi vật khác nhau. Chúng ta muốn người khác phải hoàn hảo và hoàn hảo theo “cách” chúng ta muốn. Thật kỳ lạ.

Một lần nữa nhạc sĩ Phạm Duy cũng bị tác động của yếu tố văn hoá này như bao nhiêu người khác, nhưng ông bị ảnh hưởng nhiều hơn. Tác động với ông tôi muốn nói tới ở đây là người ta, cá nhân, tổ chức, và chính quyền, đòi hỏi không những ông phải hay về âm nhạc và có những cống hiến chung cho xã hội, mà ông còn phải là một cá nhân tốt đẹp nữa (tốt đẹp theo “cách” họ muốn). Tức là con người trong xã hội Việt Nam không có khả năng tách rời được con người xã hội và con người riêng tư cá nhân của Phạm Duy. Để đánh giá một con người hoàn hảo như đòi hỏi của xã hội Á Đông dĩ nhiên phải nhìn vào cả hai mặt của cuộc sống con người, xã hội và đời tư. Tách ra một trong hai dĩ nhiên không thể đánh giá sự hoàn hảo được nữa. Đây là một đòi hỏi rất không công bằng và không tốt cho xã hội và con người. Đây là một đòi hỏi rất vô lý và không thể nào thực hiện được. Không một ai trong cuộc đời này hoàn hảo cả. Nếu có người hoàn hảo thì đó chỉ là sản phẩm của sự tô vẽ, dối trá mà thôi.

Điều đáng buồn là khi xem xét cuộc đời của một người, chúng ta có xu hướng để ý đến những điều xấu hơn là những điều tốt. Và khi tìm được một điều không hay trong đời riêng rồi thì con người có thể xử dụng nó để chà đạp người đó và chà đạp ngay cả những điều tốt đẹp người đó cống hiến cho xã hội. Theo tôi thấy trong xã hội chúng ta, ai cũng tự cho mình cái quyền đó, và cho rất nhiều, để đánh giá, đòi hỏi người khác. Khi đánh giá, đòi hỏi như vậy dường như chúng ta quên rằng chúng ta không hoàn hảo, chúng ta có nhiều điều xấu xa, chúng ta chẳng làm được điều gì cống hiến cho xã hội.

So với Phạm Duy chúng ta không có cống hiến gì to lớn cho văn hoá dân tộc. Nhiều người và ngay cả chính quyền đã cố ý quên đi những đóng góp to lớn, đẹp đẽ, ý nghĩa Phạm Duy dành cho âm nhạc và văn hoá Việt Nam . Thay vào đó, nhiều người và chính quyền cũng như những tổ chức chính trị dùng việc đời tư và xu hướng chính trị cá nhân của ông để làm giảm giá trị âm nhạc của ông, làm giảm giá trị của cá nhân ông, để tẩy chay ông và từ chối những cống hiến to lớn của ông. Như đã nói, họ không có khả năng tách rời, hoặc cố ý không tách rời, con người quần chúng và con người cá nhân. Tôi tin tâm lý đó là do một phần bị ảnh hưởng rất nặng qua hơn hai ngàn năm của niềm tin vào con người hoàn hảo trong Khổng Giáo. Tâm lý đó dẫn đến những đòi hỏi vô lý. Tâm lý đó được người ta sử dụng để phê phán và loại trừ người khác và lẫn nhau. Đây là điều không công bằng cho Phạm Duy và có tác hại rất lớn trong văn hoá Việt Nam và cho dân tộc Việt Nam .

Xã hội Tây Phương thì khác, họ tách bạch cuộc sống riêng tư và cống hiến chung cho xã hội của một con người rất rạch ròi. Nếu có xoi mói đời sống riêng tư đi nữa thì cũng chỉ có tính cách tạm thời trong một giai đoạn mà thôi, và vì mục đích kiếm tiền trong một giai đoạn với nhiều tính chất giải trí, “pop culture” và “tabloid” nữa. Sau đó thì những công sức, cống hiến và tài năng của con người vẫn được ca ngợi, biết ơn và gìn giữ cho thế hệ sau. Đây là tính cách, suy nghĩ và hành động của những dân tộc thông minh. Họ có thể nói lên những điều không hay của một người, vừa đủ để mọi người nhận biết, để học hỏi kinh nghiệm, chứ không phải để dèm pha, nói xấu, phá huỷ danh tiếng, làm hoen ố danh dự, hoặc chống đối chính trị. Sau đó họ tập trung ca ngợi những điều hay, những cống hiến, công lao và tài năng của người đó một cách công bằng, trung thực, và tôn trọng. Kết quả là xã hội của họ được học hỏi từ những tài năng đó, biết ơn những tài năng đó. Tên tuổi những con người đó và cống hiến của họ sẽ tồn tại. Xã hội của họ sẽ phát triển. Họ biết không bao giờ có con người hoàn hảo, không bao giờ nên có những đòi hỏi vô lý. Họ biết tách rời con người của công chúng với những cống hiến cho xã hội ra khỏi con người riêng tư. Họ công bằng, tôn trọng người khác, và dân chủ.

Nền văn hoá của Phạm Duy không cho ông một môi trường như vậy. Nó không công bằng cho ông. Nó cũng thật không tốt cho người Việt. Hy vọng rằng xã hội sẽ ngày càng phát triển hơn và con người sẽ bớt bị ảnh hưởng của nét văn hoá Khổng Giáo tai hại này.

Xin được kết luận là tôi nhận thấy rằng những đặc điểm văn hoá ảnh hưởng đến cuộc sống mọi người và từng cá nhân chúng ta, bao gồm cả Phạm Duy, nhiều lắm, không kể hết ra được. Niềm tin của chúng ta về sự bày tỏ tính khiêm tốn, cái nhìn về cách hành xử, ăn nói khéo léo hay thẳng thắn, cũng như yếu tố “tuân thủ - conformity,” và sự đòi hỏi con người hoàn hảo tác động tới tất cả chúng ta và đã ảnh hưởng không ít đến nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi thấy đó là điều rất không tốt cho xã hội Việt Nam . Tôi thấy đó là điều rất không công bằng đối với Phạm Duy, một nhạc sĩ tài năng, một người đã có cống hiến rất nhiều cho văn hoá Việt Nam, và cống hiến nhiều nhất cho âm nhạc Việt Nam.

Chúng ta nên cẩn thận và nhớ rằng tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng của những yếu tố văn hoá đó, cũng như Phạm Duy mà thôi, và đều có thể trở thành nạn nhân của chúng. Tất cả chúng ta, cùng với Phạm Duy, đều cùng ngồi trên một con thuyền mà thôi, đều cùng là nạn nhân của những yếu tố văn hoá đó. Vì vậy chúng ta cần công bằng và cẩn thận hơn trong đánh giá và đòi hỏi chính mình và người khác. Chúng ta nên công bằng hơn với bản thân mình và người khác. Chúng ta nên tôn trọng lẫn nhau hơn. Chúng ta hãy cẩn thận cố gắng làm cho con thuyền vững chãi, chứ đừng đua nhau lắc nó. Tất cả chúng ta có thể chìm nếu như con thuyền chìm, tất cả chúng ta sẽ chìm nếu chúng ta có một nền văn hoá xấu. Chúng ta nên kỹ lưỡng trong việc lựa chọn mọi việc, để làm sao mà kết quả là đất nước đi lên, văn hoá giàu hơn, âm nhạc đẹp hơn. Như vậy mới sáng suốt.

Tôi tin tưởng những điều hay, đẹp thực sự sẽ tồn tại muôn đời. Tôi tin rằng âm nhạc của Phạm Duy sẽ tồn tại mãi trong văn hoá Việt Nam , đến bao thế hệ sau nữa. Tương lai và những con người sáng suốt, thông minh trong tương lai sẽ đem lại công bằng cho nhạc sĩ Phạm Duy, một người khác chúng ta ít nhiều, nhưng cũng là một người như mọi người chúng ta, cùng ngồi trên một con thuyền văn hoá.