"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 22. November 2010

Trung Quốc: An ninh chặt chẽ trong cuộc tấn phong giám mục bất hợp thức

VietCatholic News (20 Nov 2010 11:36) 

Thừa Đức, ngày 20 Tháng Mười Một 2010 (UCANEWS) - Hôm nay, Cha Joseph Guo Jincai được thụ phong giám mục đầu tiên của Giáo phận Thừa Đức, phía bắc tỉnh Hà Bắc mà không được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn, dưới sự giám sát chặt chẽ của các quan chức chính quyền địa phương.

Hơn 100 tín hữu và hàng chục quan chức chính phủ tham dự Thánh Lễ tấn phong này tại nhà thờ ở thị trấn Bình Tuyền. Khu vực này được bao vây bởi khoảng 100 cảnh sát đồng phục và thường phục. Máy ảnh bị cấm dùng trong nhà thờ và điện thoại di động trong khu vực bị mất tín hiệu. Buổi lễ được tiến hành suôn sẻ, theo một nguồn tin giáo hội nói với ucanews.com. Tám giám mục công khai có hiệp thông với Đức Giáo Hoàng đã đặt tay mình trên đầu vị tân giám mục. Một số nhân chứng nói rằng, các ngài "có vẻ căng thẳng" khi thực hiện nghi thức này.

Đức Giám Mục Phêrô Fang Jianping của Giáo phận Đường Sơn chủ phong, phụ phong là Đức Giám Mục Giuse Zhao Fengchang của Giáo phận Liêu Thành và Đức Giám Mục Giuse Li Shan của Giáo phận Bắc Kinh. Các Đức Giám Mục: Phaolô Pei Junmin của Giáo phận Liêu Ninh (tỉnh Thẩm Dương), Phaolô Meng Qinglu của Giáo phận Hô Hòa Hạo Đặc, Phêrô Phong Xinmao của Giáo phận Hành Thủy, Giuse Li Liangui của Thương Châu và Đức Giám mục phó Phanxicô An Shuxin của Giáo phận Bảo Bình cũng như khoảng 20 linh mục khác đồng tế Thánh lễ. Nhiều giám mục đã bị quan chức chính phủ thúc ép trong vài ngày qua để tham gia vào cuộc tấn phong này. Còn Đức Giám Mục nghỉ hưu Gioan Liu Jinghe của Giáo phận Đường Sơn, người mà chính phủ vẫn thường theo dõi, đã bị đẩy khỏi vị trí của mình vào ngày 17 Tháng Mười Một vì từ chối tham dự cuộc tấn phong này.

Đây là cuộc tấn phong giám mục bất hợp thức đầu tiên tại Trung Quốc trong vòng bốn năm qua, các áp lực mà các giám mục hợp thức phải chịu để tham gia buổi lễ này đã gây ra nhiều tranh cãi. Giám mục Guo là giám mục bất hợp thức đầu tiên kể từ khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI gửi thư cho người Công giáo Trung Quốc vào năm 2007. Đó là lá thư nhắc lại quan điểm của Vatican là Đức Giáo Hoàng có "quyền tinh thần tối cao" trong việc bổ nhiệm giám mục. Nhiều nhà quan sát xem lá thư này như là một bước ngoặt trong cuộc hành trình của Giáo Hội tại Trung Quốc để trở lại đời sống bình thường Giáo Hội.

Thụ phong linh mục vào năm 1992, Giám Mục Guo làm Phó Tổng Thư Ký của Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CCPA) và làm đại biểu Công giáo tại Quốc Dân Đại Hội, hay còn gọi là Quốc hội Trung Quốc.
Nguồn tin Giáo hội cho biết, giáo dân ở Thừa Đức, những người đơn giản đặt niềm tin và lòng kính trọng Đức Giáo Hoàng, đã không có sự lựa chọn mà phải chấp nhận vị giám mục mới này cho tình hình chính trị. "Sau hết, danh tiếng của Giám Mục Guo giữa tín hữu địa phương không phải là xấu", một người Công giáo ở Bình Tuyền nói với ucanews.com. Nhưng cũng có những giáo dân khác cảm thấy sự việc này mang lại sự hổ thẹn cho Giáo Hội.

Từ khi tin tức về cuộc tấn phong nổ ra hồi đầu tuần thì đã xuất hiện các cuộc thảo luận nóng bỏng trong các chatroom (tán gẫu trên internet), trong khi đó, các trang web Công giáo thì được lệnh phải xóa các tin tức về đề tài này. Phát biểu với ucanews.com sau buổi lễ, ông Phó Chủ tịch CCPA là Antôn Liu Bainian đã đổ lỗi cho Vatican về sự tấn phong bất hợp thức này. "Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi có thể để cải thiện quan hệ Trung Quốc-Vatican", Liu viện dẫn là trong năm nay đã có 10 vị giám mục đã được tấn phong với sự chấp thuận của cả Đức Giáo Hoàng và chính phủ. Ông còn nói rằng Vatican đã không đưa ra lý do thỏa đáng để phản đối lại trường hợp của Giám Mục Guo. “Chúng tôi đã chờ đợi một thời gian dài và không thể chờ đợi lâu hơn", ông Liu kết luận.

Tòa Thánh thì không bình luận gì thêm kể từ khi đưa ra tuyên bố phản đối sự tấn phong bất hợp thức này hôm 18 Tháng Mười Một. 

Tiền Hô