"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 4. Dezember 2010

Biện pháp kiểm soát giá của VN ‘vi phạm cam kết với WTO’

Việt Nam đã vi phạm các cam kết đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi cho áp dụng một điều luật kiểm soát giá mới nhắm vào các công ty nước ngoài.
 
Ông Hank Tomlinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam đưa ra nhận định này hôm qua tại Diễn đoàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra hai lần một năm.


Ý kiến của ông Tomlinson đã góp thêm tiếng nói phản đối của các công ty nước ngoài đối với một nghị định mới có hiệu lực hôm 1/10, theo đó cho phép cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp ‘bình ổn’ trong trường hợp giá tăng nhanh hơn so với giá thành sản xuất.


AFP dẫn lời vị Chủ tịch nói rằng các biện pháp kiểm soát giá ‘không hiệu quả và phản tác dụng đối với tỷ lệ tăng trưởng trong tương lai’.

Ông Tomlinson được trích lời nói: ‘Chúng tôi quan ngại rằng việc thực thi điều luật mới tập trung chủ yếu vào việc nhập khẩu từ các công ty nước ngoài. Đây là một sự vi phạm văn bản và tinh thần cam kết WTO của Việt Nam’.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại Châu Âu cho hay rằng, theo nghị định kiểm soát giá, các nhà sản xuất than, sữa bột, dầu khí, thép và các mặt hàng khác phải công bố giá bán lẻ dự kiến cũng như các loại giá khác, tăng gánh nặng hành chính đối với các nhà sản xuất này.

Phòng Thương mại Australia cũng bày tỏ ‘quan ngại’ về các biện pháp kiểm soát giá.

Trong khi đó, theo hãng tin của Pháp, chính quyền Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ rằng các biện pháp đó vi phạm quy định của tổ chức WTO mà họ gia nhập năm 2007.

Chính phủ Việt Nam đang tìm cách kiểm soát lạm phát lên tới 11.09% trong tháng 10, tăng cao hơn so với mục tiêu là 8% trong năm nay.

AmCham cũng nhận định rằng việc Việt Nam thiếu một chính sách kiểm soát lạm phát hiệu quả đã khiến các nhà đầu tư vấp phải ‘vấn đề tín nhiệm và lòng tin’ với chính sách tiền tệ và kinh tế của chính phủ Việt Nam.
Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 2/12, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng không chỉ các nhà đầu tư, mà lòng tin của người dân cũng ‘đã bị giảm sút nhiều’.

Tiến sĩ Lê Ðăng Doanh cho biết: “Rất tiếc là trong năm qua, đã hơn một lần, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tuyên bố sẽ không điều chỉnh tỷ giá thì sau đó 24 tiếng đồng hồ lại điều chỉnh. Vì vậy cho nên, lòng tin của người dân đã bị giảm sút nhiều. Tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế Việt Nam đã tăng mạnh. Có thể nói trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay có ba đồng tiền đang lưu hành một là Việt Nam đồng để cho mua bán, trang trải những cái bình thường. Hai là đồng đôla để mua bán những thứ có giá trị cao hơn, thí dụ như ô tô hay nhà đất. Rồi đến vàng, vừa để dự trữ và vừa là để trao đổi. Vì vậy cho nên, chính sách tiền tệ và tác động qua lãi suất, và tín dụng của ngân hàng nhà nước Việt Nam chịu những giới hạn rất là đáng kể.”
Việt Nam cho biết ‘bình ổn’ giá cả nằm trong ưu tiên hàng đầu của nhà nước cho tới hết năm 2010.

Nguồn: AFP, Bloomberg, VOA’s Interview