"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 15. Dezember 2010

BUỔI LÀM VIỆC THỨ 2 VỚI CQANĐT CATPHCM VỀ CLB NBTD

Giấy của ngày 14/12/2010

Ông Loát hỏi tôi có mang giấy triệu tập theo không? Tôi bảo không? Ông Loát hỏi sao tôi không mang theo? Tôi trả lời: “Anh làm việc với tôi hay làm việc với giấy? Nếu làm việc với tôi thì tôi có mặt đây, còn anh làm việc với giấy thì tôi đi về rồi nhờ người khác mang giấy đến cho anh?”. Ông Loát vội nói: “Không, tôi làm việc với chị chứ. Chúng tôi đưa giấy triệu tập cho chị thì chị thì chị phải mang lại đây trả chúng tôi”. Tôi đáp: “Phải, luật quy định anh muốn triệu tập tôi thì phải có giấy tờ, nhưng không quy định tôi phải trả giấy cho anh. Tôi không mang theo giấy, nhưng tôi đố người nào dám không cho tôi vào cổng”. Ông Loát hỏi: “Chị làm sao vào được?”. Tôi nói: “Tôi chỉ cần báo họ tên và tôi cần gặp anh thì được chớ có gì khó”. 

Ông Loát lại nói: “Lần sau chị phải mang theo giấy để trả tôi chớ”. Tôi đáp: “Tôi cứ không trả, vì luật không quy định tôi phải trả. Ngay cả hai người ngồi đây làm việc với anh lần trước, tôi thấy anh ăn nói đàng hoàng nên tôi đồng ý để họ ngồi đó, nếu không tôi cũng mời họ ra ngoài luôn”. Ông Loát nói: “Đây là cơ quan của tôi, hai người đó là giúp việc cho tôi thì họ phải ở đây, chị làm sao cấm được”. Tôi nhìn ngay ông Loát nói: “Tôi có thể nói tôi nhìn cái bản mặt thằng đó là tôi muốn ói rồi. Có mặt nó ở đây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của tôi, tôi ói liền tại chổ, không làm việc được, đề nghị nó ra ngoài. Nói như vậy được không? Được chớ gì?”. Ông Loát lại hỏi: “Mấy ngày nay chị có viết gì không?”. Tôi đáp: “Viết rất nhiều, cả buổi làm việc lần trước tôi cũng viết rồi luôn. Anh cứ lên mạng mà đọc”. Ông Loát: “Vậy bữa nay chị có viết không? Viết như thế nào?”. Tôi nói: “Tôi sẽ viết, viết thế nào thì chưa biết, có thể viết về nội dung làm việc ít mà viết chuyện ngoài lề thì nhiều, và ngược lại”. Ông Loát cười, nói: “Thôi không nói chuyện ngoài lề, tôi bắt đầu làm việc nhé”. 

Buổi làm việc này cũng không có gì mới, nội dung là những điều cũ rích ai cũng biết hết rồi. Để khỏi mất thời gian dông dài, tôi tóm tắt và diễn tả những câu nói qua lại của tôi và ông Loát bằng cách gạch đầu dòng. 

– Blog của chị có đăng bài của người khác không? Vì sao đăng những bài đó?
– Blog Yahoo 3600 tôi có đăng bài của người khác đâu chừng khoảng chục bài, bài gì thì nay tôi cũng không nhớ vì blog đó nay không còn trên mạng nữa, công ty Yahoo họ đã đóng cửa toàn bộ hết rồi. Tôi thấy thích bài nào thì tôi lấy đăng lại.
– Chị xin tỵ nạn chính trị ở Mỹ nhưng phía Mỹ không cho? Lý do gì không cho?
- Mỹ nói với anh thế à? Vậy anh đi mà hỏi Mỹ. Tôi có xin tỵ nạn hay không là chuyện cá nhân của tôi, không liên quan đến CLB NBTD, tôi không có nghĩa vụ trả lời.
– Những bài viết của chị được nhiều người xem và đăng lại, chị có ý kiến gì không? Hãnh diện chẳng hạn. Nếu tôi viết mà được nhiều người xem và khen thì tôi cũng hãnh diện lắm.
- Vậy anh hãy làm blog rồi viết đi. Với tôi thì tôi miễn nhiễm các lời khen chê, tôi có quan điểm của tôi chớ không chạy theo những lời khen chê. Nếu các hãng truyền thông lớn trên thế giới như AP, CNN… họ đăng lại bài của tôi thì đúng là cũng nên hãnh diện thật. Còn blog này đăng bài blog khác lại là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng nói hết.
– Chị chuyên viết về đề tài nào? Đăng bài lên blog để làm gì?
- Tôi viết tất cả các đề tài, điều gì gây hứng thú cho tôi là tôi viết. Blog là nơi tôi phát biểu quan điểm, ý kiến của tôi, nếu anh muốn rõ hơn thì còn là chổ để xả stress. Tôi bảo vệ và thực hiện quyền con người của tôi, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí của tôi mà pháp luật quy định nhưng bị tước đoạt trái pháp luật, bị đàn áp, khủng bố.
– Có ai tước đoạt, đàn áp chị đâu?
- Sao không có. Hôm nay tôi có mặt ở đây là bằng chứng hùng hồn cho thấy tôi đang bị đàn áp. Anh thấy có nước nào mà viết báo, viết blog mà bị hết cơ quan này làm việc đến cơ quan khác làm việc như ở Việt Nam không? – Những bài viết của chị đăng trên trang của blog CLBNBTD như thế nào?
- À, thì dùng con chuột bôi đen toàn bộ bài của tôi, bấm lệnh copy, thả vào trang bên kia. Vậy là xong. – Thế thôi à? Đơn giản vậy? Sao hôm nọ chị nói với tôi là có chìa khóa, tức password?
– Cách copy chung là như vậy. Tôi muốn copy bài của ai tôi cũng làm như vậy. Cái người copy bài của tôi họ cũng làm như vậy. Password thì tôi không có, anh phải hỏi người nào quản lý trang ấy, tôi không quản lý nên không biết.
Lúc này, ông Trần Tiến Tùng mới đến, kéo ghế ngồi nghe.
Ông Loát nói tiếp: – Tôi nghĩ chị cùng nhóm với CLB NBTD thì chị cũng có password?
- Không nhất thiết cùng nhóm là phải biết. Tôi ví dụ: Nhà tôi có mười mấy người trong hộ khẩu, ai có vợ có chồng ra ở riêng là xong, làm gì còn giữ chìa khóa nhà cũ nữa. Những người này muốn vào nhà cũ phải nhờ người trong nhà cũ mở cửa mới vào được.
- Chị có tham gia bàn bạc, thảo luận về điều lệ, quy chế của CLB NBTD không? Chúng tôi có nhiều lời khai rằng chị có tham gia.
- Ai khai với anh như thế thì anh đi hỏi người đó. Còn anh hỏi tôi thì tôi trả lời rằng tôi không bàn bạc, thảo luận gì cả. Tôi không nghe ai nói với tôi về chuyện đó.
Ông Tùng xen vào:
– Chúng tôi có trong tay bản góp ý của chị, trong đó chị nói những quy định pháp luật rất chính xác… Chị viết rất nhiều bài.
- Thế à? Làm sao anh biết đó là của tôi? Có chữ viết hay chữ ký của tôi không? Phải, tôi viết rất nhiều. Hồi trước, tôi viết là để chơi. Cái nhà nước này nó đẩy tôi trở thành viết chuyên nghiệp. Nếu nó không cướp giấy tờ, bằng cấp của tôi thì giờ này tôi đã làm thủ tục thực tập, tôi mở Văn phòng Luật sư riêng của tôi, tôi lo làm công việc Luật sư, còn thời gian đâu mà viết nữa. Vì nó cướp giấy tờ, bằng cấp của tôi nên giờ thì tôi phải sống bằng nghề viết, trong lời khai của tôi vẫn yêu cầu ghi nghề nghiệp của tôi là nhà báo tự do.
Ông Loát nói tiếp:
- Chị không nên né tránh vấn đề. Chúng tôi xác định chị là người có liên quan vụ án này vì chị có quan hệ với các thành viên…
- Nè, anh đừng dùng chữ “liên quan vụ án” với tôi. BLTTHS quy định những người tham gia tố tụng gồm có: bị can, bị cáo, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người bào chữa, người phiên dịch, người giám định, người giám hộ. Không có cái loại hễ có quan hệ xã hội, gặp gỡ là “liên quan”. Nói như anh thì vài hôm nữa tôi cũng có thể nói tôi có liên quan với ông Đặng Văn Loát vì tôi cũng có gặp gỡ, quan biết anh.
- Nếu chị nhìn nhận thẳng thắn thì chúng tôi khỏi mất nhiều thời gian, chị đừng để chúng tôi phải chứng minh.
– Anh không cần giải thích dông dài, tôi đủ khả năng nhận biết cái nào đúng cái nào sai và biết tôi nên làm cái gì, không nên làm cái gì. Chứng minh là trách nhiệm của các anh, tôi nói như thế nào thì anh cũng phải chứng minh chớ anh đâu căn cứ duy nhất vào lời khai của tôi được. Hôm nay tôi nhắc lại, những tài sản của tôi mà Lê Đình Thịnh đã cướp đoạt trái pháp luật cơ quan điều tra phải trả lại cho tôi. Nếu cơ quan điều tra chứng tỏ cho tôi thấy CQĐT biết tôn trọng pháp luật thì tôi cũng tôn trọng CQĐT, bằng ngược lại thì tôi không việc gì phải tôn trọng.
– Chị muốn trả lại thì cũng phải làm đúng quy định pháp luật.
- Lúc cướp đoạt tài sản của tôi có tuân thủ pháp luật đâu mà giờ anh viện cớ pháp luật. Luật quy định anh chỉ được phép tạm giữ những đồ vật tài sản liên quan trực tiếp đến vụ án. Tôi ví dụ: Quần áo đây là tài sản của tôi nhưng các anh không được quyền giữ vì nó không liên quan đến vụ án. Khám xét nơi ở của Nguyễn Văn Hải chớ có phải khám xét nơi ở của tôi đâu mà lại giữ điện thoại riêng của tôi đang dùng? Ông Hải ở trong tù gần 3 năm nay rồi, điện thoại của tôi liên quan gì đến ông Hải? Khi nào đồ vật tài sản của tôi có ghi vào biên bản khám xét thì khi trả lại mới làm thủ tục, còn không ghi vào, tự ý cướp đoạt của tôi mang đi thì bây giờ chỉ việc mang ra trả cho tôi là xong, không cần thủ tục gì hết.
Lúc này, bỗng dưng có một người tuổi chừng hơn 50 mươi, cao khoảng 1,7m, không mập không ốm, da trắng, mặt bèn bẹt, mặt một mí, bước vào phòng làm việc chỉ vào mặt tôi mà ra lệnh rằng tôi nói chuyện không được giơ tay lên. Số là khi tôi nói thì thường đưa tay lên để diễn tả thêm ý của câu nói, mà ông Loát cũng vậy, nên tôi và ông Loát mặc nhiên đồng ý cử chỉ này, không ai có ý kiến gì.
Tôi bực tức lấy cái túi xách đang cầm trên tay để bịch lên bàn, thì ông ta lại la lên:
- Ai cho chị để cái túi lên bàn như vậy?
- Sao? Tôi không được quyền để lên à? Tôi cứ để như vậy đó? Tôi không làm việc với anh, mời anh ra ngoài, đừng xen vào chuyện của tôi.
– Tôi thấy chị có thái độ như vậy nên tôi phải dạy chị.
Nghe câu này là bà của mày nộ khí xung thiên lên liền tức thì. Tôi xô ghế đứng dậy, đối diện với hắn:
– Mày có quyền gì dạy tao, mày bố tao hả? Mày đừng giở giọng lưu manh ra đây với tao. Ra khỏi đây ngay, thứ này có mặt ở đây thì tôi không làm việc gì cả.- Tôi nói lớn lên.
Hắn tuôn ra một tràng chửi tôi, nào là hàng tôm hàng cá, kém văn hóa, làm chính trị mà không có tư cách, học luật chưa tới, kém quá cho nên Mỹ từ chối, v.v… và v.v… Hắn lặp đi lặp lại nhiều lần chữ “kém quá”.
Tôi cũng quát lại hắn:
- Tao như thế nào tự tao biết, không cần mày khen chê, tao chưa bao giờ tự nhận tao làm chính trị hết. Mày không có quyền xâm xỉa chuyện đời tư của tao, từ chối hay không là chuyện của tao, không cần mày xen vào, đồ lưu manh. Ai đối xử với tao thế nào tao đáp trả thế đấy, mày ăn nói với tao kiểu lưu manh thì tao hàng tôm hàng cá với mày đó. Mày, trung tá Hoàng Văn Dũng thì thây kệ mày, tao không làm việc với mày. Tao đang làm việc với ông Đặng Văn Loát, mày đi ra khỏi đây cho tao.
Hắn lại chỉ chỉ vào mặt tôi mà nói:
– Chị sai mà không biết sai, còn ngoan cố nên tôi phải dạy chị. Tôi là đội trưởng chỉ huy điều tra vụ án này.
Tôi lột cái áo khoác đang mặc trên người ném xuống ghế, chỉ thẳng vào mặt hắn:
- Tao hơn nửa đời người nên không cần ai dạy tao, tao biết phải làm. Thứ mày mà dạy được tao à? Chỉ huy à? Quyết định phân công điều tra viên đâu đưa ra xem, nếu không có tên trong đó thì đừng xía vào. Tưởng mặc bộ đồ công an rồi muốn nói thế nào thì nói, làm gì thì làm với với tao à? Nói như mày thì ở đây có rất nhiều người mặc đồ công an là tao phải làm việc với tất cả những thằng bá vơ đó hay sao? Mày không có câu nào để nói ngoài chữ “kém quá” à? Về nhà suy nghĩ đi, rồi có câu nào mới hẵng trở lại nói tiếp. Dốt luật thì đi về học luật lại đi.
– Tư cách như vậy đó, hình này đưa lên mạng đẹp lắm.- Hắn mai mĩa tôi.
- Phải, rất đẹp. Tao còn muốn đưa lên những bức hình tao đang ở trong nhà vệ sinh mà bị đồng nghiệp mày tông cửa vào lôi ra, những bức hình đồng bọn của mày lột quần áo tao nữa. Cho thiên hạ chiêm ngưỡng thủ đoạn bẩn thỉu đó coi ai xấu cho biết.
Có một con mụ, nói giọng Bắc, tuổi ngoài 50, mặc đồ bộ màu tím cà đi ngang bèn hùa theo bênh “gà nhà”:
– Vào đây không được quát tháo, nói lớn.
Tôi quay ra nhìn thẳng vào mụ: – Đi ra chổ khác! Lộn xộn!- Mụ cắp đít đi thẳng.
Trung tá Hoàng Văn Dũng bèn nói trớ:
– Tôi trao đổi với đồng nghiệp của tôi.
- Ông Loát đây có đủ khả năng làm việc, không cần ai dạy dỗ. Muốn trao đổi gì thì các người ra ngoài trao đổi, không được đứng trước mặt tôi mà xâm xỉa, chỉ chọt, ra lệnh, còn đòi dạy tôi nữa chứ.
Trong khi tôi và Hoàng Văn Dũng quát qua quát lại, ông Loát chỉ liên tục nói: “Thôi chị ngồi xuống đi, đừng nóng quá”. Tôi quay sang ông Loát và ông Tùng:
– Có hai người làm chứng, hai người nghe rõ đó, anh ta đòi “dạy” tôi. Nói vậy nghe được không?
Tôi tiếp tục quay sang Hoàng Văn Dũng:
- Anh đi ra ngoài. Tôi không muốn nói với anh nữa. Hạng như anh nói pháp luật nhiều cũng không thủng lỗ tai.
Tôi ngồi xuống. Hoàng Văn Dũng cũng cắp đít đi luôn.
Ông Loát nói:
– Trời ơi! Thấy chị như vậy mà không ngờ chị dữ như sư tử Hà Đông.
- Tôi thì vậy đó. Ai đối với tôi thế nào tôi đáp trả thế ấy. Thứ lưu manh đó thì phải đối xử với nó như thế. Cho dù tôi có là tội phạm đã bị kết án đi nữa thì cũng không được ăn nói với tôi như thế vì luật không cho phép.
Ông Loát nói tiếp:
– Thôi bỏ đi, làm mất thời giờ quá. Chị thường gặp những ai trong CLB NBTD, ở đâu, thời gian nào, thường trao đổi về vấn đề gì?
- Những người trong CLB tôi thường gặp thì lần trước tôi đã nói. Chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Gặp ở đâu, thời gian nào, nói cái gì từ đó đến nay lâu rồi làm sao tôi nhớ.
Ông Tùng xen vào: – Chúng tôi có tài liệu chứng minh,v.v… và v.v… (kể lể ra)
- Anh có thể ngồi đây nghe, không sao cả. Nhưng anh không có quyền hỏi tôi, cái đó để anh Loát làm.
Ông Loát nói:
– Thì tôi cũng muốn hỏi chị như thế.
– Anh lặp lại câu hỏi rồi tôi trả lời.
Anh ta nói lại câu ông Tùng vừa nói. Tôi nói:
- Tôi nói như thế bao giờ? Nếu anh muốn ghi lời khai của anh thì anh cứ ghi theo ý anh. Còn anh hỏi tôi thì tôi trả lời anh như trên.
Ông Tùng lại xen vào: – Lúc ở bên Gò Vấp chị làm việc với chúng tôi có quay phim.
- Thế à? Các anh cứ quay tự nhiên, có phim cũng chẳng ăn thua gì. Ra đến tòa người ta vẫn có quyền thay đổi lời khai. Còn tôi thì cũng có thể nói rằng các anh bức ép tôi, tôi vì một người nào đó mà nói theo ý anh. Được không?
Ông này gật gù: – Có lý! Rồi nói tiếp: Chị viết bài đưa lên mạng làm lộ bí mất điều tra. Chị biết trong luật có quy định tội làm lộ bí mật và tội từ chối khai báo.
– Tôi biết, và biết rất rõ cái quyền của tôi nó đến đâu nữa. Tôi kể chuyện của chính tôi, đó là quyền của tôi. Các anh không muốn tôi nói đến các anh thì các anh đừng động vào tôi thì tôi không có chuyện gì để nói cả.
10 giờ 30 cùng ngày, tôi nhắc ông Loát kết thúc biên bản. Ông Loát hỏi tôi chừng nào làm việc tiếp được, tôi nói tuần này tôi làm việc 1 buổi thôi. Từ ngày 18/12 đến hết ngày 25/12 là tuần lễ tĩnh tâm để đón lễ Giáng sinh, không làm việc gì hết.
Ông Loát bèn “trả giá”, đại loại như: thời hạn điều tra có 4 tháng mà kéo dài ra thì không kịp kết thúc vụ án, xin gia hạn thêm rất khó khăn, ông ta tạo điều kiện thuận lợi cho tôi thì tôi cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho anh ta, v.v… và v.v…còn sau đó tôi muốn tĩnh tâm thì cứ việc tĩnh tâm.
Cuối cùng tôi đồng ý làm việc thêm 1 buổi sáng ngày thứ 6 tuần này, tức ngày 17/12/2010.
11 giờ kém 10, tôi ra khỏi cơ quan điều tra.
Về đến nhà mới nhớ lại hóa ra tôi mắc cãi nhau với Hoàng Văn Dũng mà quên béng vụ đòi tài sản của tôi.
Tạ Phong Tần
Giấy của ngày 17/12/2010