"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 20. Dezember 2010

LÁ CỜ VÀNG VIỆT NAM ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ

Tô Vũ 

Chưa có chứng cớ nào trong lịch sử của nước ta chứng tỏ màu vàng là màu tượng trưng cho người Việt. Tại sao lại màu vàng, sao không là màu tím, màu đỏ, màu xanh? Có người nói theo phong thủy, màu vàng chỉ phương Nam.

Thực ra thì chúng ta không có quốc kỳ, kể từ thời lập quốc cho đến thời cộng hoà. Chúng ta chỉ có đế kỳ (cờ vua), và thời bi Tàu xâm chiếm, hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị và bà Triệu Ẩu phất ngọn cờ vàng để đánh quân Tàu.

Thời chúa Nguyễn, vua Gia Long, vua Minh Mạng tạo ra cờ Long Tinh, một lá cờ màu vàng, hình vuông, ở giửa có một hình tròn màu đỏ, chung quanh cờ có viền tua xanh. Về sau Minh Mạng đổi ra hình chữ nhật màu vàng, ở giữa theo chiều dài có sọc lớn màu đỏ, cũng gọi là Long tinh.

Long tinh là cờ Nhà Vua. Cờ nhà vua chỉ treo ở những nơi vua ở, như ở kỳ đài thành Huế, hay ở cột cờ thành Hànội mỗi khi vua ra Bắc.

Trong sự bang giao thì nước Nam, dưới thời vua chúa, không có quốc kỳ.

Quốc kỳ, quốc ca, quốc hiệu biểu hiệu cho dân, cho nước, chỉ đặt ra khi có chế độ dân chủ. Vì vâỵ, sứ thần một nước quân chủ, đại diện cho vua sang một nước nào khác, đều không có quốc kỳ, còn đế kỳ (cờ của nhà vua) thì người sứ thần không thể mang theo, đế kỳ chỉ đi theo hoàng đế, nghĩa là nơi nào vua đi, nơi nào vua ở thì nơi đó mới treo đế kỳ .

Những lá cờ mà ta thấy bây giờ, hình vuông có màu sắc, có thêu hình rồng phượng chỉ là những lá cờ thờ phụng, thờ thần, hoặc dùng ở những đám rước thần, rước quan cao cấp, có khi trên một lá cờ vuông đó còn đề tên của một ông nào đó, thí dụ tên một ông tướng, một ông quan đại thần có chức vụ cao cấp v.v... Xứ ta thời trước chỉ giao thiệp với Tàu, không có sự giao thiệp với nước khác, trừ một vài lần giao thiệp với Thái lan, Mả lai, thế thôi.
 Cụ Phan Thanh Giản mặc đại triều phục

Năm 1863, cụ Phan Thanh Giản là ngưòi đầu tiên cầm đầu một phái đoàn ngoại giao đi giao thiệp với một nước phương tây, nước Pháp và nước Y pha nho (Tây ban nha).

Phái đoàn được vua Tự Đức cử đi để chuộc lại ba tỉnh miền đông, Biên hoà, Gia định, Định Tường nhường cho Pháp theo hiệp ước Nhâm Tuất ký ngày 5-6-1862. Theo hiệp ưóc này thì nuớc Nam nhường cho nước Pháp lãnh thổ ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, nước Nam cho các giáo sĩ ngoại quốc vào giảng đạo trong nước, dân chúng được tự do theo đạo Gia tô và nước Nam phải bồi thường chiến tranh 4 triệu nguyên (nguyên là tên gọi đơn vị tiền bạc thời bấy giờ), nước Pháp và nước Y Pha Nho được tự do ra vào nước Nam buôn bán.

Vì ký hiệp ước này nên Pháp trả lại thành Vĩnh Long chiếm ngày 28-3-1862.

Y pha nho nhượng cho Pháp quyền chiếm đất, chỉ nhận tiền bồi thường chiến tranh và quyền tự do giảng đạo.

Sau khi ký hoà ước 1862 (gọi là Hoà Ước Nhâm Tuất) , vua Tự Đức hối tiếc lắm, nên cử một phái đoàn gồm các ông Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy khắc Đản sang Pháp để điều đình chuộc lại ba tỉnh đó.

Đô đốc La Grandière chỉ huy hạm đội Pháp cho phái đoàn sử dụng chiền hạm L'Européen để chở phái đoàn đi, với điều kiện là nước Nam phải trả tiền chi phí cho sự di chuyển của chiến hạm. La Grandière cử Đại Uý hải quân Rieunier hướng dẩn phái đoàn cho tới Paris. Phái đoàn gồm 60 người, hầu hết theo đạo gia tô, có Linh mục Hoằng làm chánh thông ngôn.

Tàu Européen đi từ Saigon ngày 4-7-1863, tới Kênh Suez ngày 17-8-63. Phái đoàn chuyển sang tàu Labradơr ở Alexandrie, và đến ngày 10 -9-1863 thì tới quân cảng Toulon (Pháp). Phái đoàn được đón chào bằng 17 phát súng cà nông. Tất cả các tàu chiến đang đậu tại hải cảng Toulon đều được lệnh phải treo quốc kỳ nước Nam trên tàu để chào đón phái đoàn.

Đến đây, có một giai thoại được truyền tụng.

Truởng phái đoàn nước Nam được thuyền trưởng tàu Labrador yêu cầu treo quốc kỳ nước Nam lên cột cờ của tàu. Thật là một việc vinh dự nhưng cũng khó xử cho trưởng phái đoàn Phan Thanh Giản. Vì như trên đã nói, nước Nam không có quốc kỳ mà chỉ có đế kỳ. Vì vậy ba cụ trưởng phái đoàn, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguỵ khắc Đản, họp bàn để quyết định. Đế kỳ Long Tinh thì phái đoàn không được mang theo, nếu có cũng không được xử dụng, quốc kỳ nước Nam thì không có, ba vị đồng ý chế tạo một lá cờ đaị diện cho nước Nam, một lá cờ màu vàng theo truyền thuyết bà Trưng và bà Triệu đã phất ngọn cờ vàng để chống ngoại xâm.

Ba chiếc khăn quàng màu vàng của ba cụ, may lại thành một lá cờ hình chữ nhật màu vàng, trao cho thuyền trưởng để treo lên kỳ đài của tàu.

Vì là một ngọn cờ mà hải quân thế giới không có bao giờ, nên các chiến thuyền đậu ở Toulon đều phải lấy những lá cờ vàng báo dịch, để treo lên, chào mừng phái đoàn nước Nam.

Chuyện thật trớ trêu ! Trong luật hàng hải quốc tế, thì cờ vàng là một cờ dùng để báo động một chiếc tàu đang có bệnh truyền nhiễm. Tàu phải treo cờ vàng để báo cho mọi người biết tàu đang bị cách ly y tế vì sợ có mang bệnh dịch, ngoài những nhân viên y tế được phép lên tàu, còn thì cấm không ai đươc lên xuống để tránh lây bịnh. Tiếng Pháp gọi là tàu bị "mis en quarantaine", bị cách ly về y tế trong bốn mươi ngày.

Thật là một sự việc hãn hữu, Cờ Vàng , quốc kỳ đầu tiên của nước Nam phấp phới bay trên một chiến thuyền của Pháp trên biển Địa Trung Hải ngày 10 tháng 9 năm 1863.

10 giờ sáng hôm sau các nhà chức trách ở Toulon lên tàu để chào mừng phái đoàn. Đại Úy Aubaret đại diện Tổng trưởng Ngoại giao làm thông ngôn. Phái đoàn được dẫn đi xem xưởng đúc tàu, dùng cơm trưa tại trụ sở Hành chính rồi được mời đi thăm du thuyền Aigle của Pháp hoàng. Buổi tối hôm đó chiến thuyền Labrador đi Marseille.

Ngày 11-9 đại diện Bộ ngoại giao đến chào phái đoàn và đưa đi thăm hải cảng Marseille rồi dẫn phái đoàn đến ngụ tại khách sạn.

Hôm sau phái đoàn đáp xe lửa lên Paris, tối chủ nhật 13-9 tới Paris. phái đoàn được đại diện Pháp Hoàng đón chào và dẫn về ngụ tại khách sạn ở số 17 đường Lord Byron gần Khải Hoàn Môn (quận 8 Paris, bây giờ).

Ngày 18-9, Phái đoàn được chính thức tiếp đón ở Bộ Tài chính. Trong khi chờ đợi Pháp hoàng vắng mặt đến tháng 10 mới trở về Paris, phái đoàn được dẫn thăm thành phố Paris.

Ngay khi Phái đoàn tới Toulon, báo chí Pháp đã trích báo Indépendance Belge loan truyền tin Việt Nam đưa đề nghị chuộc ba tỉnh với số tiền 85 triệu quan Pháp. Ngoại trừ phe chủ trương xâm chiếm đất đai đặt thuộc địa thì mọi giới, mọi phe đều hoan nghênh.

Ngày 7-11-1863 phái đoàn được Pháp hoàng Napoléon III chính thức tiếp đón tại điện Les Tuileries. 

Phái đoàn Phan Thanh Giản được tiếp đón tại cung điện
Les Tuileries ngày 7-11-1863 (theo một bức họa)

Ba vị sứ thần VN mặc đại triều phục đến dự, làm mọi người hoan nghênh, cụ Phan Thanh Giản đọc bài diển văn chữ hán việt bằng một giọng mà những người chứng kiến cho là một giọng trầm tĩnh và rung cảm, nghe như than vãn, nghe như hát, làm mủi lòng người nghe, có bà mệnh phụ đã đưa khăn tay chùi nước mắt.

Pháp hoàng đáp từ nói sẵn lòng bàn thảo về vấn đề. Phái đoàn đề nghị một số tiền chuộc, mà trước khi đi vua Tự Đức đã cho phép phái đoàn tuỳ nghi đề nghị, để rồi sẽ bàn thảo lại sau tại Huế.

Sau khi được Pháp hoàng tiếp, phái đoàn rời Paris để sang nước I-pha-nho, được nữ hoàng Isabelle tiếp tại Madrid.

Từ giã Madrid, đáp tàu Le Panto của I-pha-nho. Tàu bị bão tố nên mãi đến ngày 23-1-1864 mới tới được Alexandrie, một tuần lễ sau đến Suez. Phái đoàn đáp tàu Le Japon, trở về đến Gia Định ngày 18-3-1864. Ngày 24-3-1864 đáp tàu L'Echo về đến Huế ngày 26-3-1864.

Tại Pháp, phe bảo vệ chủ trương xâm chiếm đất đai đặt thuộc địa muốn giữ lại ba tỉnh không cho VN chuộc, vận động mạnh nên Pháp hoàng ngả theo. Giữa tháng 6-1864 Pháp hoàng gửi lệnh hoả tốc cho Aubaret ngưng không ký kết với VN cho chuộc ba tỉnh. Lệnh Pháp hoàng tới trể, hiệp ước đã được ký kết ngày 15-7-1864, giữa Aubaret đại diện Pháp hoàng và các ông Phan Thanh Gian, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Vịnh

Theo hiệp ước mới này thì Pháp trả lại ba tỉnh miền đông, đặt nền bảo hộ trên toàn thể sáu tỉnh, đặt ba cơ sở thương mại (comptoir) ờ Saigon, Cap St Jacques và My Tho. Pháp kiều được cư ngụ ở Tourane, Balat (?) và Quảng nam. Nước An Nam trả 80 triệu đồng bồi thường chiến tranh trả dần trong 40 năm. Người Pháp phải có giấy thông hành do VN cấp khi ra khỏi các nhượng địa. Các giáo sĩ đươc quyền truyền giáo.

Sau khi ký kết, hiệp ước được chuyền về Pháp để phê chuẩn, chính phủ Pháp bác bỏ không chấp thuận, không cho chuộc ba tỉnh, vẫn giữ những điều khoản của hiệp ước cũ ký năm Nhâm tuất 1862.

Ngày 29-1-1865 chính phủ Pháp chính thức loan báo cho chính phủ nước Nam biết là Pháp không chấp thuận cho nước Nam chuộc lại 3 tỉnh miền đông.

Tô Vũ

Nguồn: http://www.congdongnguoiviet.fr/ChuyenCaKeToVu/1012ChuyenCaKe27H.htm