"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 16. Februar 2011

32 năm sau chiến tranh biên giới Trung-Việt

Lính Việt Nam 1979
 BBC

32 năm trước, vào sáng sớm ngày 17/02, Trung Quốc đã tấn công trên toàn tuyến biên giới đất liền với Việt Nam thuộc địa phận sáu tỉnh miền Bắc.

Cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu đã để lại dư ấn lâu dài trong quan hệ Việt-Trung mà tới hơn mười năm sau mới chính thức được bình thường hóa.

Một số tài liệu mới đăng tải trên các trang mạng của Trung Quốc nay hé mở thêm nhiều chi tiết về cuộc chiến này.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy vừa gửi cho BBC bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tại một hội nghị nội bộ hôm 16/03/1979, một tháng sau khi Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam.

Trong thời điểm đó, Trung Quốc cũng đang tiến hành rút quân sau khi tuyên bố chiến thắng và "hoàn thành mục tiêu chiến tranh".
Lần đánh này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là năm đánh một, sáu đánh một, chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí sáu đánh một, bảy đánh một. Đặng Tiểu Bình

Bài phát biểu của ông Đặng giải thích thêm về lý do và mục đích của cuộc chiến tranh.
Trong đó, ông Đặng Tiểu Bình nói "lần đánh trả tự vệ này" là "một cuộc tác chiến trừng phạt có giới hạn" về thời gian cũng như quy mô, và chỉ nhằm "dạy cho tên Cuba phương đông điên cuồng" một bài học.

"Đồng thời cũng là một sự ủng hộ Campuchia chống Việt Nam xâm lược."

Theo ông Đặng, đây là "hành động quan trọng mở rộng mặt trận thống nhất quốc tế phản đối bá quyền".

Ông nói lãnh đạo Việt Nam đã bị bất ngờ trước sự tấn công của Trung Quốc vì trước đó mấy ngày, Việt Nam còn dự đoán phạm vi tấn công nhỏ, gồm hai sư đoàn.

Trên thực tế, Trung Quốc đã điều tới 20 sư đoàn bộ binh trong ngày đầu cuộc chiến.

Yếu tố bất ngờ

Nhiều cán bộ lãnh đạo của Việt Nam lúc bấy giờ cũng đều đã nhắc tới sự ngỡ ngàng vì không lường trước được quy mô tấn công của quân đội Trung Quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người lúc đó là đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, nói với BBC rằng khi nghe tin, ông hoàn toàn bất ngờ.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ thì nói ông cảm thấy mình "bất lực".

Ông Dương Danh Dy, lúc đó làm việc tại đại sứ quán ở Bắc Kinh, cũng nói cuộc chiến tranh "về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời gian cụ thể và nhất là về quy mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không tính tới".

Trong bài phát biểu hôm 16/03/1979, ông Đặng Tiểu Bình cho hay kế hoạch đánh Việt Nam lúc đó không được Mỹ đồng tình về quy mô vì sợ phản ứng của Liên Xô.

"TW Đảng, Quân ủy TW hạ quyết tâm này không dễ, trải qua nhiều lần suy ngẫm, trải qua gần hai tháng suy ngẫm mới hạ được quyết tâm đó."

Tuy nhiên, ông Đặng đánh giá: "Bây giờ xem ra hạ quyết tâm đó là đúng".

Văn bản bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc mới được đăng tải nói: "Chúng ta nói trận này nhất định phải đánh, có ba lý do lớn phải đánh". 

"Một là, mặt trận thống nhất chống bá quyền quốc tế đòi hỏi có sự chế tài cần thiết đối với Cuba phương đông (tên ông Đặng Tiểu Bình dùng để gọi Việt Nam).

"Hai là, chúng ta cần phải xây dựng bốn hiện đại hóa. Chúng ta cần môi trường tương đối ổn định, đáng tin cậy. Để cho xét lại Liên Xô, Việt Nam ngày ngày ở phía bắc phía nam đe dọa chúng ta làm cho tinh thần không yên. liệu có được không?

"Lý do thứ ba, là quân giải phóng nhân dân ba mươi năm nay không đánh trận."

Theo ông Đặng, đây là cơ hội tốt để Giải phóng quân Trung Quốc chứng tỏ "vẫn là quân giải phóng".

Quy mô cuộc chiến

Lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh 1979
Thống kê chưa đồng nhất về con số thương vong trong cuộc chiến

Lãnh đạo Trung Quốc tuy vậy thừa nhận rằng trong cuộc chiến tranh biên giới 1979, nước này "giết gà đã phải dùng dao mổ trâu".

Ông Đặng nói trong bài phát biểu: "Lần đánh này vũ khí, quân số đều gấp mấy lần Việt Nam. Chiến đấu ở Cao Bằng chí ít là năm đánh một, sáu đánh một, chiến đấu ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng đều gấp mấy lần, thậm chí sáu đánh một, bảy đánh một".

"Thương vong của chúng ta là bốn so với một, thần thoại của chúng bị tiêu diệt."

Cũng nói về quy mô cuộc chiến, trang mạng quân sự milchina.com của Trung Quốc mới đây đăng thư của một cựu chiến binh Trung Quốc từng tham gia chiến tranh biên giới 1979 cho hay kế hoạch của Trung Quốc là "đưa bộ đội Dã chiến 2 (một trong bốn dã chiến quân nổi tiếng của quân đội Trung Quốc hồi nội chiến do Lưu Bá Thừa làm tư lệnh, Đặng Tiểu Bình làm chính uỷ) vào Lào, rồi đánh xiên ngang sang Việt Nam sau đó vu hồi lên bắc gặp đại quân của ta nam hạ".

Bức thư viết: "Tuy vậy kế hoạch này quá mạnh, hoàn toàn giống như một trận đánh diệt cả một nước, có thể làm chấn động thế giới, nên trước ngày đánh một tuần lễ đã bị hủy bỏ, đổi thành cuộc chiến lấy quy mô sư đoàn, trung đoàn là chính".

"Thế nhưng, nó vẫn bị gọi là "dùng dao mổ trâu để giết gà”."

Một điểm nữa trong bức thư của cựu chiến binh Trung Quốc: "Mục đích của cuộc chiến tranh này là tàn phá, hủy hoại quốc lực của Việt Nam chứ không phải là chiếm lĩnh lãnh thổ, nên sau hai ngày đánh nhau, bộ đội tham chiến của ta bắt đầu chấp hành mệnh lệnh bán chính thức là “không bắt tù binh”, “không để lại cho Việt Nam một lá cây ngọn cỏ”."

Cho tới nay, thống kê vẫn chưa đồng nhất về con số thương vong của hai bên trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung.

Phía Trung Quốc nói quân lính Việt Nam chết và bị thương vào khoảng 50.000, lính Trung Quốc khoảng 20.000.

Hàng nghìn dân thường Việt Nam cũng thiệt mạng và thương vong.