"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 23. Februar 2011

Kinh tế Trung Quốc hạng nhì thế giới, nhưng dân không hưởng lợi nhiều

Trung Quốc đứng nhì thế giới về GDP, nhưng đứng nhất về xuất khẩu.
Trung Quốc đứng nhì thế giới về GDP, nhưng đứng nhất về xuất khẩu.
REUTERS/Aly Song
 
 
Ngày 14/02/201, Nhật Bản chính thức xác nhận GDP năm 2010 chỉ đạt 5.474 tỷ đô la, trong lúc Trung Quốc đạt hơn 5.878 tỷ. Trung Quốc như vậy đã chính thức trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, chỉ thua Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, GDP to lớn của Trung Quốc đã không che giấu được một số nhược điểm nghiêm trọng, trong đó có vấn đề đa số người dân không được hưởng lợi.

Đúng như mọi người chờ đợi, ngày 14 tháng 2 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã chính thức xác nhận sự kiện tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trong năm 2010. GDP của Nhật là 5.474 tỷ đô la, trong lúc Trung Quốc đạt hơn 5.878 tỷ. Như vậy, Trung Quốc đã chính thức trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, và lẽ dĩ nhiên đứng trước Nhật Bản. 

Thế mạnh của kinh tế Trung Quốc được thấy qua nhiều yếu tố. Đó là đứng đầu thế giới về khả năng xuất khẩu (hơn 1.200 tỷ đô la mỗi năm)- có dự trữ ngoại tệ mấp mé 3.000 tỷ đô la, và là chủ nợ số một của siêu cường quốc thế giới : Hoa Kỳ (Trung Quốc nắm trong tay khoảng 900 tỷ đô la công khố phiếu của nước Mỹ). Cứ theo đà tăng trưởng được thấy kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình cải cách kinh tế từ năm 1979, thì Trung Quốc có thể bắt kịp Hoa Kỳ về sản lượng kinh tế trong vòng một thập niên.

GDP càng tăng, chính quyền càng giàu, nhưng sức mua người dân càng giảm


Tuy vậy, theo nhiều nhà phân tích, tăng trưởng GDP ngoạn mục của Trung Quốc trong thời gian qua, giúp nước này qua mặt Đức, rồi Nhật, để giành ngôi vị cường quốc kinh tế thứ hai, đã không che giấu được một số nhược điểm nghiêm trọng.

Nhật báo Pháp Libération, số ra ngày 15/02/2011 đã nêu bật nhiều điểm yếu trong nền kinh tế Trung Quốc, với một cơ cấu phi lý, phí phạm từ nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên, cho đến nhiên liệu, nhân lực... Mặt khác, các khoản tín dụng vô hạn dành cho các tập đoàn, công ty nhà nước độc quyền trong lãnh vực của họ, cũng rất bất hợp lý và kém hiệu quả.

Theo ước tính của Libération, tài sản các tập đoàn nhà nước Trung Quốc chiếm đến 61,7% GDP (gần 3.000 tỷ euro) trong lúc khu vực tư nhân không được hỗ trợ bao nhiêu. Điều đáng nói là các doanh nghiệp nhà nước với tài sản kếch xù, lại nằm trong tay con cái, thân nhân giới lãnh đạo.

Một trong những điểm khiến Libération hết sức quan ngại là tại Trung Quốc, thuế nhà nước thu được tăng nhanh hơn GDP, và GDP lại tăng nhanh hơn thu nhập của người dân. Nói cách khác, GDP Trung Quốc càng tăng, chính quyền Trung Quốc càng có tiền, sức mua của người dân càng giảm.

Tóm lại, kinh tế Trung Quốc có thật sự vững mạnh hay không, có những chỗ yếu nào đáng ngại nhất ? RFI đã nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California, người đã tìm hiểu rất kỹ về kinh tế Trung Quốc.

«Kinh tế Trung Quốc: Triển vọng thì ít, hiểm nguy thì nhiều»

 
RFI :
Xin kính chào anh Nghĩa. Thưa anh, Thứ Hai 14/02/2011 vừa qua, Nhật Bản xác nhận sản lượng kinh tế sút kém của mình trong năm 2010 vừa qua, khiến Trung Quốc chính thức có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới, với sản lượng là 5.879 tỷ đô la. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế lại chú ý đến sự nín thinh đầy vẻ khiêm nhượng của Bắc Kinh, và trước đó, một bài xã luận trên tờ Nhân Dân Nhật báo còn viết rằng "Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nhưng không mạnh hạng nhì". Sự kín đáo này của lãnh đạo Trung Quốc kể ra cũng hơi lạ. Là người theo dõi nền kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản từ nhiều năm nay, anh nghĩ sao về chuyện "thay bậc đổi ngôi" như vậy ?  
Nguyễn Xuân Nghĩa :
Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta nên thận trọng khi so sánh hai nền kinh tế vì cần ngó vào cái thước đo. Như về mệnh giá chính thức thì kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản từ đầu quý ba năm ngoái nếu ta dùng đồng Mỹ kim để so sánh. Nhưng một Mỹ kim lại có sức mua khác nhau ở từng nơi nên các chuyên gia kinh tế dùng một khí cụ khác là "tỷ giá mãi lực" của đồng bạc theo phương pháp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI.

Theo tỷ giá gọi là "Parité du Pouvoir d'Achat" như vậy thì kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản từ năm 2001. Và nếu cũng dùng cách đo ấy thì năm qua, sản lượng kinh tế Ấn Độ cũng đã vượt qua 4.000 tỷ đô la để đứng hạng thứ tư của thế giới sau Mỹ, Tầu, Nhật và trước cả nước Đức ! Bây giờ, nói đến chuyện "thay bậc đổi ngôi" như cô vừa hỏi thì ta nên lùi lại để nhìn vào viễn ảnh trường kỳ.

Hơn 20 năm trước, Nhật Bản cũng đã tăng trưởng hung hãn, trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới và tung tiền mua tài sản tại Mỹ khiến dư luận Mỹ, kể cả người am hiểu như Giáo sư Đại học Harvard, đã dạt dào viết hàng chục cuốn sách về xứ "Mặt trời mọc", về thế lực kinh tế Nhật Bản. Thậm chí dân Mỹ còn có phong trào "bài Nhật", viết sách và làm phim về mối nguy Nhật Bản. Thế rồi, năm 1990, bong bóng đầu tư của Nhật đã bể và từ đó kinh tế Nhật lụn bại mãi cho đến ngày nay mới bị Trung Quốc qua mặt ! Nhưng trong hai chục năm đó, Nhật cũng đã chuyển qua một hình thái kinh tế khác hẳn Trung Quốc, cho nên nếu có so sánh cũng khó.

RFI :
Anh nhắc đến sự lớn mạnh rồi suy sụp của Nhật Bản có lẽ anh hàm ý là Trung Quốc cũng có thể lâm vào cảnh này ?  
Nguyễn Xuân Nghĩa :
Tôi e rằng không được như vậy ! Trong tháng Hai, Trung Quốc công bố Kế hoạch Ngũ niên thứ 12, từ 2011 đến 2015, với tiêu chí là đạt mức tăng trưởng rồng cọp để vượt kinh tế Hoa Kỳ trong vòng mươi năm tới. Họ vạch một đường tuyến từ quá khứ phóng vào tương lai, mà có lẽ thâm tâm cũng biết rằng đường tuyến ấy có khi gãy khúc, như Nhật Bản cũng đã từng thấy.

Khi Nhật suy sụp, năm 1993 Chính quyền của đảng Tự do Dân chủ bị đổ sau gần nửa thể kỷ cầm quyền gần liên tục từ năm thành lập là 1955. Từ đó, Nhật thay đổi nội các như đèn kéo quân mà không bị loạn vì nền móng dân chủ đã vững mạnh. Trung Quốc không được vậy nên suy thoái kinh tế tất nhiên lan ra động loạn xã hội và khủng hoảng chính trị, là điều có thể xảy ra trong thập niên tới.

Trung Quốc bắt đầu gặp vấn đề dân số đông nhưng nhân công ít


RFI :
Nhưng Nhật Bản suy sụp một phần là vì dân số bị lão hóa, với tỷ lệ cao niên ngày một đông nên lực lượng sản xuất phải giảm dần. Trung Quốc lại có dân số rất đông là một tỷ 330 triệu người so với chưa đầy 130  triệu của Nhật ngày nay. Liệu một hiện tượng dân số hay nhân khẩu như Nhật Bản có xảy ra cho Trung Quốc không ?  
Nguyễn Xuân Nghĩa :
Tôi thiển nghĩ rằng ngoài địa dư hình thể là một định mệnh, khiến Trung Quốc có ba vùng khác biệt và khó phát triển hài hòa nếu họ không áp dụng thể chế dân chủ liên bang, thì dân số cũng là một chuyển động ngầm có ảnh hưởng.

Trung Quốc gặp bài toán dân số đó kể từ năm nay trở đi. Trước mắt là xứ này có dân số rất lớn mà lần đầu tiên các doanh nghiệp lại không kiếm đủ nhân công cho yêu cầu sản xuất. Chuyện này là sự kiện mới và khiến cho chiến lược phát triển bằng xuất khẩu qua một lượng người rất đông và nhân công rất rẻ sẽ trở thành vô hiệu, với hậu quả vô lường về xã hội và chính trị.

Nói cho chuyên môn một chút, nếu ta nhìn vào đồ biểu dân số Trung Quốc xếp theo tuổi và giới tính nam nữ, thì ngoài tỷ lệ nữ giới thấp hơn nam giới là điều ai cũng biết, năm nay ta thấy ra sự lạ là một lỗ hổng của lớp tuổi 30.

Lý do văn hoá chìm sâu bên dưới là tinh thần "trọng nam khinh nữ", rất lạc hậu là coi con gái như đồ bỏ ! Lý do chính sách là việc kế hoạch hóa gia đình áp đặt từ năm 1978, gọi là "mỗi hộ một con", khiến thành phần sản xuất sung mãn nhất ngày nay, từ 25 đến 35 tuổi, sụt hẳn đi và sẽ còn làm dân số Trung Quốc giảm dần. Mươi năm nữa xứ này sẽ mất 30 triệu dân và dân số người già sẽ ngày một cao hơn. Mà đó chưa là chuyện chính !

RFI :
Anh nêu nhược điểm dân số chìm bên dưới, rồi bảo rằng đó chưa là chuyện chính ! Hôm 15/02/2011 vừa qua, nhật báo Libération của Pháp cũng có một bài nhận định khá bi quan căn cứ trên những phát biểu của chính giới chức hữu trách tại Bắc Kinh. Tức là Trung Quốc còn có nhiều điểm yếu khác, như bất công xã hội hay hủy hoại môi sinh, phát triển thiếu quân bình hoặc những vấn đề gì nữa mà vị trí số hai này chưa hẳn là mạnh ?  
Nguyễn Xuân Nghĩa :
Tôi xin nói ngắn gọn rằng triển vọng thì ít mà hiểm nguy thì nhiều. Ngay trước mắt, khi Pháp là Chủ tịch luân phiên của khối G-20 quy tụ các quốc gia hàng đầu có sản lượng tới 85% sản lượng thế giới, thì tuần rồi, Trung Quốc là xứ duy nhất chống lại đề nghị của các nước kia là định lại chuẩn mực chính xác hơn về ngoại hối hầu cùng góp sức tái lập quân bình toàn cầu giữa các nước xuất và nhập khẩu. Người ta tưởng Trung Quốc có thế mạnh nên mới dám đi ngược ý kiến của các xứ khác mà thật ra Bắc Kinh lâm vào thế yếu khi không dám cùng cộng đồng thế giới định lại luật chơi giữa các nước. Tôi xin phép nêu ra các nhược điểm ấy.

- Thứ nhất, để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là hơn 10%, Trung Quốc phải đầu tư một lượng rất lớn và lớn hơn nhiều xứ khác vào cùng giai đoạn hay trình độ phát triển và đầu tư bằng tín dụng và tăng chi khiến các tỉnh bị ngập nợ mà ít ai nhìn ra sự tốn kém này. Tức là ngoài dân số rất đông thì xứ này thật ra có hiệu năng đầu tư thấp hơn thiên hạ.

- Thứ hai, ai phải cáng đáng gánh nặng đầu tư ấy ? Đó là người dân, để nhà nước phe phẩy ưu thế của mình với thế giới. Lý do là trong đà tăng trưởng sản xuất, người dân hưởng rất ít nếu ta nhìn vào mức gia tăng lợi tức quá thấp của dân chúng so với nguồn thu thuế khoá và lượng tín dụng ngân hàng cấp phát cho các doanh nghiệp nhà nước.

Như dân Á châu nói chung, dân Tầu cũng có mức tiết kiệm rất cao, họ ký thác vào hệ thống ngân hàng của nhà nước với lãi suất âm, tức là bị lỗ, để ngân hàng tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu năng và còn thổi lên bong bóng đầu tư cũng ảo như bong bóng Nhật Bản hai chục năm trước. Chỉ có đảng viên và cán bộ nhà nước được hưởng trong chu trình sản xuất quái đản ấy.

Thứ ba, một khía cạnh nóng không kém của sự bất công bên trong mà là vấn đề với bên ngoài, là khi dân Tầu thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu thì ngoại tệ thu về lại do nhà nước độc quyền giữ lấy. Bắc Kinh có dự trữ ngoại tệ mấp mé 3.000 tỷ đô la để lũng đoạn thế giới trong khi lại duy trì tỷ giá đồng Yuan quá thấp và còn đông lạnh một phần đối giá của đồng ngoại tệ thu vào mà không cho dân hưởng. Tức là người dân Trung Quốc lại đang hì hục xây "Vạn lý Trường thành" thật cao và thật dài để lãnh đạo chế ngự thiên hạ.

Nhưng ngày nay, dân chúng ý thức ra chuyện đó và bắt đầu đòi hưởng. Suốt năm qua ta đã thấy công nhân xứ này biểu tình đòi tăng lương và khi doanh nghiệp lại thiếu người thì sau này lương sẽ chỉ tăng chứ không thể giảm.

Dân Trung Quốc càng lúc càng không chấp nhận bất công xă hội


RFI :
Và thế giới cũng ý thức ra chuyện đó nên đang nêu vấn đề về việc điều chỉnh để Trung Quốc mở rộng thị trường nội địa và nhập khẩu nhiều hơn. Nói như vậy thì có phải là lãnh đạo Bắc Kinh đang gặp sức ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài để thay đổi chiến lược cố hữu không ?  
Nguyễn Xuân Nghĩa :
Bắc Kinh có thể bất chấp sức ép bên ngoài và mong rằng sẽ lại dùng lòng tham để khuyến dụ hầu phân hoá ảnh hưởng của từng nước. Nhưng tình hình đã đổi khác vì các nước hậu công nghiệp ngày nay đều cần xuất khẩu và giảm chi để trả nợ. Ở bên trong, sức ép từ người dân tại Hoa lục cũng đã thành vấn đề.

- Đầu tiên, tính theo mức sống bình quân của người dân, Trung Quốc còn thuộc loại cực nghèo, năm qua đứng hạng 95 trong182 nước và có mức tự do kinh tế hạng 135 trong 179 quốc gia được khảo sát năm qua. Mà xét vào nội dung thì tình hình còn nguy ngập hơn cũng vì dân số.

- Theo số liệu của chính Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, trong một tỷ 330 triệu dân, xứ này có 60 triệu là "thượng lưu" với lợi tức bình quân một năm là hơn 20.000 đô la và có người nắm tài sản thực tế hàng triệu hàng tỷ. Thành phần gây "ấn tượng phồn vinh" này chỉ là 5% dân số có quan hệ thân tộc với chế độ, chứ bên dưới, 440 triệu chỉ có lợi tức đồng niên là một hai ngàn đô la, là kiếm ra từ ba đến sáu đô la một ngày. Dưới đó nữa có 600 triệu dân chỉ có lợi tức chưa tới ngàn đồng một năm, hay ba đô la một ngày. Phân nửa là 300 triệu dân lại chưa tìm ra hai đô la một ngày để vặt mũi bỏ mồm !

Những con số rắc rối ấy cho thấy hơn một tỷ dân Tầu hay 85% dân số thật ra cũng mạt như dân nghèo của các nước Phi châu miền Nam Sahara! Thành phần cùng khốn này bây giờ không chấp nhận sự kiện ấy nữa. Thành phần có đại học mà đang thất nghiệp ngày một nhiều cũng có phản ứng chán chường đó.

RFI :
Kết cuộc thì có phải là trên cái đỉnh vinh quang vừa mới đạt, e chừng như anh vừa nói, triển vọng lại không bằng các hiểm nguy mà xứ này phải đối mặt ?  
Nguyễn Xuân Nghĩa : 
Tôi xin lấy ngay một thí dụ thời sự về mặt trái của vinh quang. Mới đây, đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kỷ luật viên Bí thư đảng trong Bộ Hỏa Xa là Bộ trưởng Lưu Chí Quân. Thành tích của ông ta không chỉ là tham nhũng, chuyện thường tình của hệ thống, mà vì nâng xứ này lên hạng siêu cường với mạng lưới xe lửa cao tốc dài nhất thế giới !

Chẳng là sau tám năm lãnh đạo Bộ Hoả Xa, là cơ quan độc quyền về xây dựng thiết lộ, ông Lưu Chí Quân này có hỗn danh là "Dược Lưu" hay "Lưu Nhảy vọt", vì từ 2003 đến 2009 đã đầu tư gấp 10 vào mạng lưới thiết lộ, tập trung tại miền Đông, với hơn 8.000 cây số đường cao tốc ế khách và khiến Bộ Hoả Xa cùng nhiều địa phương và doanh nghiệp nhà nước ngập nợ đến cổ.

Khi đảng phải cách chức người có "thành tích" như vậy thì tất nhiên là có nhìn thấy mặt trái của tấm huy chương. Vấn đề là làm sao chuyển hướng cho lành mạnh và vững bền hơn mà không bị nhiều đảng viên hay đảng bộ địa phương chống phá ? Đó là bài toán của thế hệ lãnh đạo sẽ lên sau Đại hội đảng vào năm tới.

Kết luận của tôi là trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ hung hăng với bên ngoài chứ thực tâm thì phải ưu tiên giải quyết chuyện bên trong và việc leo lên hạng nhì có khi chỉ là chuyện "Tái ông Thất mã", trong tin vui đã có mầm tai họa!