"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 20. Februar 2011

Đôi Điều Tâm Sự Về Bài Viết “Xuân Hòa Giải Dân Tộc”?

Nguyễn Quang Duy

Viết để chia sẻ suy tư cùng bạn đọc. Trong thời đại thông tin mạng, viết cũng để đón nhận những ý kiến từ khắp nơi trên tòan thế giới. Thế giới như nhỏ lại. Người trong nước người ngòai nước càng ngày càng xích lại gần nhau trong suy nghĩ.

Suy nghĩ không phải đi theo lề, chỉ có trái hay phải. Suy nghĩ của con người vô cùng phức tạp, ngày hôm qua tôi suy nghĩ như thế, nhưng đối thọai với bạn tôi có thể thay đổi khác đi. Suy nghĩ của mỗi người là biểu tượng của tự do cá nhân, mà người này được quyền tận hưởng. Suy tư mỗi người vì thế thật đa chiều đa dạng.

Suy tư của nhiều người thì đa nguyên, qua đối thọai và tôn trọng lẫn nhau sẽ trở thành suy nghĩ chung . Suy nghĩ chung sẽ biến thành hành động tập thể. Tập thể là quần chúng Việt Nam (trong đó có tôi), một tập thể đang mong mỏi ngày đất nước được độc lập, tự do và dân chủ. Quan niệm trên hướng dẫn tôi hành động. Tôi viết, viết, viết, và viết nữa để đồng bào tôi, đồng tâm, đồng đứng dậy, đồng hưởng tự do.

Thế nên còn gì vui hơn khi nhận được những góp ý và đương nhiên tôi phải nhận trách nhiệm điều mình viết ra. Đầu tiên xin cảm ơn tất cả các báo, các mạng và các bạn đọc đã thường xuyên giúp chuyển các suy tư của tôi cho nhau. Cảm ơn nhất là các bạn đọc góp ý tạo cơ hội để tôi làm rõ hơn vấn đề. Những vấn đề chính trị hết sức nhạy cảm, khô khan và cần nhiều đối thọai. Góp ý của các bạn giúp tôi hiểu rõ hơn vấn đề, để trau dồi khả năng hầu phục vụ hiệu quả và hữu hiệu hơn cho công cuộc đấu tranh chung .

Sau bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” tôi nhận đã được hằng trăm góp ý. Có bạn cho biết đã giận run lên khi đọc tựa bài, khi xem xong mới lấy lại bình tĩnh. Có bạn đồng ý 101 phần trăm với nội dung nhưng không thể chấp nhận đựơc tựa bài. Có bạn tự sửa đầu đề thành “Xuân Giải Cứu Dân Tộc” rồi phổ biến đến bạn bè thân thụôc. Có bạn đưa lên diễn đàn với tựa đề “Xuân Giải Thể Cộng Sản”. Hai từ “hòa giải” nhạy cảm đến thế hay sao ?

Sau đó nhiều bạn đọc chuyển tôi bài “Tại Sao phải Thay Đổi Đường Lối Đấu Tranh ?” của tác giả Đinh Lâm Thanh đăng trên Mạng Hội Văn Hóa Người Việt Tự Do. Tác giả Đinh Lâm Thanh đã nhập đề bài viết như sau: “Nhiều người, trong đó có những vị trí thức cũng như các bạn trẻ thường nói với tôi rằng cuộc tranh đấu chống cộng sản của người Việt Quốc Gia Hải Ngoại đã trên 36 năm nhưng vẫn chưa đi đến đâu ! Chúng ta cần xét lại và phải thay đổi đường lối tranh đấu cho thích hợp với tình thế hiện tại. Trước lời khuyên nầy, thật tình tôi cũng ghi nhận và để tâm suy nghĩ về những gì tôi đã làm trong thời gian qua. Và ngày hôm nay, nhân tiện đọc bài "Xuân Hòa Giải Dân Tộc" phổ biến ở trên net, tôi xin mượn bài viết nầy để bày tỏ thiển ý của một người tranh đấu chống cộng, không ngoài mục đích trả lời những người đã trực tiếp nói chuyện với tôi cũng như với tác giả bài kêu gọi hãy từ bỏ quá khứ và bắt tay hòa giải với cộng sản trên các diễn đàn.”

Tôi đã đọc lại bài viết của mình để cố gắng tìm xem ở điểm nào đã “kêu gọi hãy từ bỏ quá khứ và bắt tay hòa giải với cộng sản”. Tuyệt nhiên không kiếm ra vì chủ đích và nội dung bài viết hòan tòan không phải thế. Ngay nhập đề tôi đã viết: “Hòa giải dân tộc có thể xem là một quá trình chấp nhận sự thật để giảm thiểu phân hóa xã hội và cùng hướng về tương lai... Bài viết xin chứng minh đảng Cộng sản không chủ trương hòa giải dân tộc, quá trình hòa giải dân tộc đang được thực hiện bởi các thành viên trong cộng đồng dân tộc và đảng Cộng sản lo sợ việc hòa giải dân tộc sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Việt Nam.

Sợ mình lầm tôi dùng google để kiếm xem trên net có tác giả nào khác viết chung tựa đề hay không ? thì chỉ thấy nhiều mạng đã đăng bài viết của tôi. Bài viết của ông Đinh Lâm Thanh cũng được nhiều mạng đăng. Nhiều mạng đăng cả hai bài lại còn nối kết bài tôi và bài ông Đinh Lâm Thanh để bạn đọc có cơ hội khách quan đối chiếu. Đúng với sinh họat mạng đa chiều, đa dạng, đa nguyên. Một phong thái chỉ có trên thế giới tự do ở thế kỷ thứ 21 này.

Đọc lại bài ông Đinh Lâm Thanh tôi cũng đã tự hỏi tại sao trong bài ông lại viết: “Hãy nghĩ lại hởi những ông trí thức cò mồi mất gốc, những ông bà đối lập cuội VT và những anh chị em trẻ ăn phải bã của cộng sản ! ... Chủ trương "bất bạo động" là chủ trương của VT, là một đảng với cái vỏ bên ngoài chống cộng, đóng vai đối lập cuội. …”

Bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” được viết cho Báo Xuân Việt Luận xuất bản tại Úc Châu . Sau đó tôi sửa lại và gởi đến nhiều diễn đàn mạng trong đó có cả diễn đàn đảng Việt Tân . Tôi tự hỏi nếu ông Thanh chỉ vì sự khác biệt mà viết về đảng Việt Tân như tôi đã trích dẫn ở bên trên thì đó là có phải là chuyện giữa ông và đảng Việt Tân ?

Trên mạng đảng Việt Tân cũng có một bài viết của tác giả Lý Thái Hùng “Đấu Tranh Bất Bạo Động: Trường Hợp Ai Cập”. Ông Hùng phân tích 5 đặc tính của đấu tranh bất bạo động để điều hướng quần chúng được áp dụng vào trường hợp Ai Cập. Năm đặc tính này là: Số Đông, Công Khai, Quyết Liệt, Thương Lượng, Kỷ Luật. Ông Hùng cho biết: “Hiện nay con số thương vong tại Ai Cập lên đến hơn 300 người, nhưng đó không phải là con số thương vong do các cuộc biểu tình gây ra mà là do “lạc đạn” và những xô xát xảy ra tại các văn phòng chính phủ.” (bài viết này hòan tất ngày 9/2/2011 khi đó cựu Tổng Thống Mubarak chưa từ chức)

Ông Đinh Lâm Thanh không viết về trường hợp Ai Cập nhưng lại cho rằng: “Cả thế giới vừa chứng kiến ngọn lửa bạo động từ Tunisie đã hạ bệ tên Tổng Thống độc tài một cách quá dễ dàng và tổn thất xương máu không đáng quan tâm.” (bài viết này hòan tất ngày 31/1/2011 khi đó cuộc cách mạng tại Ai Cập chỉ mới bắt đầu)

Rõ ràng cũng một vấn đề hai người có hai định nghĩa trái ngược về bạo động và từ đó dẫn đến những suy nghĩ ngược chiều.

Tôi tự hỏi không biết ông Đinh Lâm Thanh có đọc bài viết của tôi không? Hay cũng chỉ tại cái tựa đề hết sức nhạy cảm đã dẫn đến việc ông Đinh Lâm Thanh viết một bài để trả lời cho cái tựa bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc”? Nếu thế thì để tránh cảnh tiếp tục trống đáng xuôi kèn thổi ngược, ông nói gà bà nói vịt, tôi chỉ cần giới thiệu bài viết của ông đến bạn đọc là đủ.

Xin giới thiệu bạn đọc bài viết của tác giả Đinh Lâm Thanh và rất mong bạn đọc dành thêm chút thời giờ quý báu đọc lại bài “Xuân Hòa Giải Dân Tộc” để hiểu rõ về hai phương cách đấu tranh. Tôi xin nhấn mạnh sự khác biệt không phải là “đường Lối đấu tranh” mà chính là hai “phương cách đấu tranh”.

Sáng thứ bảy ngày 12/2/2011, hộp thơ tôi tràn ngập tin chiến thắng của người dân Ai Cập: Cựu Tổng thống Mubarak đã từ chức theo đúng nguyện vọng của người biểu tình. Trong khi Việt Nam lại vẫn im lặng như tờ. Mừng cho người lại buồn cho mình.

Trong sự yên lặng đó, tôi nhận được một điện thơ tự giới thiệu: “Võ Tiến Sơn ở Adelaide , người đã từng cùng anh một thời sát cánh bên nhau. "suy tư, cũng như hành động" cho một Việt Nam tự do.” Tôi nhớ lại khi biến cố Thiên An Môn xảy ra, Sơn và tôi đã gặp nhau trong Phong Trào Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Tranh Đấu cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam . Bây giờ Sơn lại còn là bạn đọc và thẳng thắn góp ý bài viết “Xuân Hòa Giải Dân Tộc”. Điện thơ này Sơn đã gởi cho tôi, nhưng cùng chuyển đến 13 người khác. Tôi đã xin phép Sơn để mang vấn đề ra công luận.

Cái thẳng thắn có thể thấy ngay ở tựa đề: “ Lý Thuyết Sao Giống Việt Tân quá”. Sơn tự giới thiệu đã gia nhập đảng Việt Tân nhưng sau đó đã tự ý ra khỏi Việt Tân vào đầu năm 2004. Sơn thẳng thắn hỏi tôi đã trở thành “ủy viên trung ương đảng Việt Tân rồi chứ” ? Thật sự tôi không lạ gì cách đặt vấn đề như thế nên cũng đã thẳng thắn trả lời: “Anh chưa bao giờ gia nhập đảng Việt Tân . Anh xem Việt Tân cũng như tất cả các tổ chức chính trị khác. Việc gì họ làm đúng thì anh tiếp tay ủng hộ.”

Sơn trả lời tôi: “những điều anh trình bày không riêng gì em mà chắc có nhiều người đều đồng ý giống như: "Anh xem Việt Tân cũng như tất cả các tổ chức chính trị khác. Việc gì họ làm đúng thì anh tiếp tay ủng hộ". Nhưng hình như anh cũng mới nói có một nữa, còn một nữa khác, thí dụ như họ làm sai, họ nói xạo như: họ có người ở trong nước, họ rãi truyền đơn chổ này, họ thanh toán VC ác ôn chổ kia, nhưng khi kiểm chứng lại hoàn toàn là bịp thì không nghe anh hay những người trí thức khác lên tiếng.

Tôi còn chưa kịp trả lời điện thơ của Sơn thì lại liên tiếp nhận điện thơ của anh Nguyễn Xuân Châu đang thảo luận với “Nhóm blogger Tự Do” về “Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam” của blogger Kami. Theo nhóm này Kami là “một con người đầy ngụy biện và thích đi lòng vòng, không có định kiến rõ ràng và lập trường rõ ràng”. Kami sau này công khai cho biết người đứng đầu của “Nhóm blogger Tự Do” lại là ông Hoàng Cơ Định đã từng mời Kami tham dự nhóm.

Thành thật mà nói tôi không thích tham gia vào những diễn đàn như vậy. Nhất là khi thảo luận về một người vắng mặt. Cả cuộc thảo luận chỉ anh Xuân Châu vừa dùng lý luận vừa tình cảm cá nhân để bênh vực cho Kami. Chẳng khác gì một cuộc đấu tố mà người bị đấu không hiện diện.

Anh Xuân Châu cũng là một blogger quen thuộc. Trước đây anh đã được báo chí trong nước đưa tin như một đại gia Úc chuyên làm “từ thiện” làm dị ứng không ít người Việt khi đối diện với anh. Ngày nay anh lại được không ít dân mạng xem là thành phần “cực đoan Việt Nam Cộng Hòa chuyên ủng hộ cờ vàng”. Hiện nay là người điều hành mạng Tin Tức Hàng Ngày.

Còn Kami là sáng lập viên của mạng này, cũng là một blogger rất quen thuộc. Kami viết nhanh, viết bình dân, dễ đọc, dễ hiểu các bài viết thường là những đề tài thu hút người đọc.  Kami ở khoang tuổi 40, sinh ra và lớn lên miền Bắc Việt Nam , đã phục vụ 5 năm trong Quân Đội. Vì thế nên cách nhìn, cách suy nghĩ, cách viết rất khác với những người viết xuất thân từ miền Nam . Kami còn có kiến thức và kinh nghiệm sống với cộng sản. Chính nhờ thực tài Kami đã được đài Á Châu Tự Do phụ cấp để viết bài cho blog của đài này.

Tôi biết Kami từ việc gởi bài đến mạng Tin Tức Hàng Ngày do Kami sáng lập. Anh Xuân Châu chuyển cuộc thảo luận của nhóm cho chúng tôi. Tôi chỉ biết chia sẻ nỗi thông thông cảm với Kami và xem đây là một thử thách lớn mà Kami cần cố gắng để vượt qua.

Cuộc thảo luận đã được ông Hoàng Cơ Định cho kết thúc. Sau đó Kami gởi điện thơ cho tôi như sau: “Xin cảm ơn anh Duy đã chia sẻ, chuyện thường ngày Kami vẫn gặp thường xuyên từ các bạn đọc trong blog và các trang mạng đăng tải bài viết của Kami. Chỉ lạ là đây là một chiến dịch có tổ chức của các bloggers là thân hữu của đảng Việt Tân . Không hiểu họ muốn gì?” Tôi chỉ biết khuyên Kami hãy đọc kỹ lời ông Hòang Cơ Định kết thúc sẽ trả lời được câu hỏi của Kami. Xin lỗi bạn đọc tôi không được quyền phổ biến chi tiết của cuộc thảo luận này.

Sau đó Kami đã viết bài “Không thể bẻ cong sự thật để tự ru ngủ mình và bạn đọc”. Bài viết này nhằm trả lời “Nhóm blogger Tự Do”. Chỉ cần tìm trên mạng bạn đọc có thể tìm thấy bài viết một cách dễ dàng.

Câu chuyện bắt tôi phải suy nghĩ đến vấn đề “ Tại Sao phải Thay Đổi phương cách đấu tranh?”.

Bài viết này xin được tạm dừng tại đây. Như tựa của bài viết tôi chỉ là đôi điều tâm sự và tiếp tục xin ý kiến bạn đọc để có thể bổ túc cho bài viết tới về vấn đề “Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc”. Mọi góp ý xin gởi về Nguyễn Quang Duy (duyact@yahoo.com.au).

Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
16/2/2011