"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 26. Februar 2011

Trung Quốc và Cách Mạng Hoa Nhài

Cách Mạng Hoa Nhài sẽ không xảy ra ở Trung Quốc vì “những mâu thuẫn xã hội” đang được giới lãnh đạo ở Bắc Kinh ra sức giải quyết. Đó là nhận định mà một giới chức cao cấp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đưa ra hôm thứ 5 vừa qua, sau khi giới hữu trách ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đàn áp những cuộc tụ họp đòi cải cách giữa lúc làn sóng phản kháng chính trị đang tràn ngập nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Người biểu tình giơ cao hình ảnh hoa nhài trong một cuộc biểu tình "Cách Mạng Hoa Nhài" bên ngoài các văn phòng của Trung Quốc ở Hồng Kông, 20/2/2011 
Hình: REUTERS. Người biểu tình giơ cao hình ảnh hoa nhài trong một cuộc biểu tình "Cách Mạng Hoa Nhài" bên ngoài các văn phòng của Trung Quốc ở Hồng Kông, 20/2/2011

Ông Triệu Khải Chính, phát ngôn viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc Trung Quốc (Chính Hiệp), nói rằng những ai trông mong Trung Quốc có rối loạn vì ảnh hưởng của những phong trào phản kháng chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị thất vọng vì hy vọng đó không thực tế.

"Về chuyện Cách Mạng Hoa Nhài, tôi có thể nói với quí vị một cách rõ ràng và dứt khoát là chuyện như vậy sẽ không xảy ra ở Trung Quốc. Tại một thành phố có 15 triệu dân mà chỉ một nhóm nhỏ mấy mươi người ra đó tụ họp. Điều này chẳng có một ý nghĩa thật sự nào cả. Ngoài ra, chúng tôi cũng tin rằng trong vụ việc này có một nhóm rất nhỏ những người mong cho Trung Quốc xảy ra biến động và hỗn loạn. Nhưng chuyện này sẽ không xảy ra."

Ông Triệu Khải Chính, người từng giữ chức Chủ nhiệm Phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, đã cho biết như thế hôm thứ năm ở Bắc Kinh tại một cuộc họp báo dành cho ký giả ngoại quốc, giữa lúc phiên họp hàng năm của “Chính Hiệp” và quốc hội Trung Quốc sắp sửa khai mạc vào thượng tuần tháng 3.

Hôm chủ nhật, (ngày 20-2-2011) tại một số thành phố ở Trung Quốc, kể cả Bắc Kinh, đã có những cuộc tụ tập qui mô nhỏ để đòi chính phủ cải thiện cuộc sống của người dân và thực thi dân chủ. Những vụ biểu tình, lấy cảm hứng từ những vụ phản kháng chính trị lật đổ các chính phủ độc tài ở Tunisia và Ai Cập, đã bị giới hữu trách Trung Quốc nhanh chóng dẹp tan.

Cảnh sát kêu gọi người dân không tụ tập trước 1 rạp chiếu phim ở Thượng Hải, Trung Quốc, Chủ Nhật 20/2/2011 
AP. Cảnh sát kêu gọi người dân không tụ tập trước 1 rạp chiếu phim ở Thượng Hải, Trung Quốc, Chủ Nhật 20/2/2011
 
Ông Triệu Khải Chính giải thích thêm như sau về lý do khiến ông tin rằng Trung Quốc sẽ không xảy ra Cách Mạng Hoa Nhài:

"Bởi vì đảng chấp chính ở Trung Quốc – Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và chính phủ luôn luôn tìm hiểu và tìm cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển. Chính phủ hay Đảng Cộng Sản Trung Quốc không phải đã bị mất cảm giác, cũng không phải là đui mù mà không nhìn thấy những vấn đề này. Ngược lại, chúng tôi đã dành rất nhiều sức lực để điều tra, để nghiên cứu, để đưa ra những biện pháp giải quyết."

Ông Bào Đồng, người từng giữ chức thư ký Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc và là bí thư của Tổng bí thư Triệu Tử Dương, đã bị chính quyền Trung Quốc cầm tù khi xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ông cho biết cảm nghĩ như sau trước những hành vi trấn áp mới đây của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với những người biểu tình đòi dân chủ:

"Đó là một cách giải quyết tiêu cực. Bởi vì họ nghĩ rằng đàn áp, huy động quân đội để đàn áp, là có thể giải quyết vấn đề. Nhưng vấn đề đã được giải quyết hay chưa? Hai mươi năm rồi, vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Mâu thuẫn càng trở nên sâu sắc hơn và con đường tới mục tiêu lại càng xa hơn. Hiện nay chênh lệch giàu nghèo đã lớn hơn trước, phân hóa xã hội đã nghiêm trọng hơn trước. Đây là vấn đề cơ bản nhất."
Trong khi đó, ông Chương Lập Phàm, một học giả về hiến chính nổi tiếng ở Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc khó có thể xảy ra Cách Mạng Hoa Nhài vào thời điểm này:


"Tôi nhận thấy có một số việc. Thứ nhất là kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng; mọi người tuy cảm thấy thất vọng về vấn đề cải cách chính trị nhưng chưa đến nỗi cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng về vấn đề sinh hoạt kinh tế. Thứ nhì là tình hình Trung Quốc không giống như Ai Cập. Kinh tế của Ai Cập bị đình trệ, cách biệt giàu nghèo vô cùng lớn và chính quyền thì quá đỗi thối nát."

Cảnh sát Trung Quốc canh gác gần 1 cửa hàng McDonald nhằm ngăn ngừa 1 cuộc tụ tập ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ Nhật 20/2/2011 
AP. Cảnh sát Trung Quốc canh gác gần 1 cửa hàng McDonald nhằm ngăn ngừa 1 cuộc tụ tập ở Bắc Kinh, Trung Quốc, Chủ Nhật 20/2/2011
 
Mặc dù vậy, ông Chương Lập Phàm cũng tỏ ý chê trách những phát biểu hồi gần đây của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào liên quan tới những cách thức giải quyết các vấn đề mâu thuẫn xã hội để tiếp tục duy trì quyền cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc:

"Từ phát biểu của ông ấy mà xét, tôi cảm thấy có một chuyện buồn cười. Đó là ông ấy cứ nghĩ rằng chỉ dựa vào sức mạnh của chính mình là có thể giải quyết được vấn đề. Đương nhiên là ông ấy tìm cách giải quyết. Nhưng thực tế chứng minh là không thể nào giải quyết được. Tôi nghĩ rằng thể chế này không sửa đổi thì chính phủ không thể nào giải quyết được những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế. Hiện nay có thể nói là chính phủ đang nói chiếu lệ, hay nói một cách nôm na là chính phủ đang 'câu giờ'. Tôi nghĩ rằng khi nào năng lượng tích tụ từ những nỗi bất mãn trong dân chúng đủ lớn thì cách mạng sẽ bùng nổ."
Những người tổ chức các cuộc biểu tình Cách Mạng Hoa Nhài ở Trung Quốc đã đề ra một số khẩu hiệu cho cuộc vận động này. Đó là “chúng tôi muốn có cái ăn”, “chúng tôi muốn có việc làm”, “chúng tôi muốn có công bằng”, “phải bảo vệ độc lập tư pháp”, “phải thực thi cải cách chính trị”, “chấm dứt độc tài độc đảng”, và “tự do báo chí” vân vân…

Ông Bào Đồng nói rằng đó là những đòi hỏi chính đáng, và chẳng những đó là đòi hỏi của người dân mà các viên chức chính phủ cũng có những nhu cầu như vậy. Ông cho biết ông tán đồng những phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo hồi cuối năm ngoái về nhu cầu cải cách chính trị và thực hiện các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Ông nói thêm rằng nếu các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải thực hiện những đề nghị của ông Ôn Gia Bảo thì Trung Quốc sẽ không có bạo loạn xảy ra vì chính quyền sẽ được dân chúng ủng hộ. Ông nói thêm như sau:

Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, 17/5/1989 
Reuters. Hàng trăm ngàn người biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, 17/5/1989

"Tôi hy vọng cảnh sát của chúng ta có tiến bộ. Tôi hy vọng người dân của chúng ta có thêm kinh nghiệm. Hãy xử lý những chuyện bình thường như những chuyện bình thường. Chớ có hốt hoảng. Chớ có cảm thấy kinh ngạc. Chính phủ không hốt hoảng thì người dân sẽ được bình an. Một khi chính phủ hốt hoảng thì mâu thuẫn sẽ gia tăng. Những chuyện khác tôi không biết nhiều lắm, nhưng tôi biết rất rõ những chuyện xảy ra ngày 4 tháng 6 năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn."

Tường thuật hôm thứ 5 (24-02-2011) của hãng thông tấn Reuters trích lời ông Cao Văn Tiền của Tổ chức Nhân quyền Trung Quốc nói rằng những cuộc biểu tình hôm chủ nhật vừa qua chỉ là phần khởi đầu của một chiến dịch dài ngày để đòi hỏi nhân quyền và dân chủ cho người dân Trung Quốc. Ông Cao kêu gọi giới hữu trách ở Bắc Kinh lắng nghe những nguyện vọng của người dân thay vì tìm đủ moị cách để bóp nghẹt tiếng nói của dân chúng.