"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 16. März 2011

Bắc Kinh trục lợi từ cuộc khủng hoảng Libya

Máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đến Khartoum - Sudan- đón người lao động từ Libya sang, 28/02/2011 (Reuters)
Máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đến Khartoum - Sudan- đón người lao động từ Libya sang, 28/02/2011 (Reuters)
 
Lê Phước

Cuộc chiến tại Libya tiếp tục thu hút sự quan tâm của báo giới. Đa số tuần san Pháp đều có bài phản ánh sự kiện này. L’Express dành trang thời luận cho bài viết : « Chiếc neo của Trung Quốc ».

Theo L’Express, trong khi Hoa Kỳ và châu Âu đang cân nhắc lựa chọn kịch bản thích hợp cho cuộc chiến ở Libya, thì một cường quốc khác là Trung Quốc đã triển khai quân cờ và cắm neo trong vùng Địa Trung Hải. Nước này đã khéo léo chen chân vào « một trò chơi chiến tranh dưới vỏ bọc nhân đạo », ở một nơi cách đại bản doanh của mình hàng ngàn cây số.

Các phương tiện thông tin đại chúng chính thức của Trung Quốc mấy ngày qua ra sức ca ngợi việc chính phủ đã thành công đưa được 36 000 người Trung Quốc thoát khỏi Libya về nước. Tác giả nhận định, chính quyền Bắc Kinh muốn chứng tỏ với thế giới rằng, với tiềm lực mạnh về không-thủy-lục quân, Trung Quốc hiện tại có khả năng bảo vệ công dân mình ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Thừa thắng xông lên , Bắc Kinh đã mạnh dạn phái đến Địa Trung Hải khu trục hạm có trang bị tên lửa Tô Châu cùng với máy bay vận tải quân sự. Theo L’Express, một kiểu triển khai quân lực như vậy trái ngược với chính sách không can thiệp và cũng mâu thuẫn với giọng điệu chống chủ nghĩa đế quốc mà chính phủ Trung Quốc thường rao giảng.

Thế nhưng, đối với chính phủ Bắc Kinh, thì việc này hoàn toàn hữu ích, bởi nó có thể củng cố tính chính danh của chế độ trong lòng dân. Một chính phủ chăm lo cho đồng bào mình rõ ràng sẽ được công luận hoan nghênh, uy tín được tăng cường, từ đó có thể kích thích lòng yêu nước, một phương thuốc hữu hiệu chống sự suy yếu của chế độ. Và đó cũng là biện pháp để đảm bảo tương lai của đất nước có nền kinh tế xếp thứ hai thế giới, với 900 000 người lao động ở nước ngoài, để khẳng định sự hiện của mình bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Trung Quốc cũng vừa có hành động xác nhận ý đồ này bằng việc tăng ngân sách quốc phòng thêm 12,7% cho năm 2011. Động thái này đương nhiên gây quan ngại đặc biệt cho Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tất cả những thâm ý của Bắc Kinh đã được Kadhafi « thấu hiểu ». Tuần rồi, trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Kadhafi đã dọa sẽ thay thế những công ty phương tây bằng công ty Trung Quốc hay Ấn Độ. Vài ngày trước đó, ông này cũng đe dọa đáp trả phe nổi dậy bằng « một sự phản đòn theo kiểu Thiên An Môn ».

Cũng liên quan đến Trung Quốc, tuần san Courrier International có bài nhận định « Nỗi sợ lây lan ».

Tác giả cho biết, từ khi khai mạc phiên họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, lần đầu tiên báo chí chính thức của nước này đã thừa nhận ảnh hưởng của các cuộc nổi dậy ở thế giới Ả Rập đối với đời sống chính trị Trung Quốc, nhân đó cũng gửi lời cảnh báo đến những ai muốn bắt chước những cuộc nỗi dậy này.

Trong bài xã luận, tờ Bắc Kinh Thời báo kêu gọi người dân bảo vệ sự ổn định và hài hòa xã hội. Tờ báo cho rằng, xung đột đã khiến cho xã hội các nước Ả Rập chao đảo, an ninh bị đe dọa và cuộc sống người dân gặp khó khăn. Từ đó, tờ báo kết luận : « Mỗi người đều ý thức được rằng, hạnh phúc đó là sự ổn định, loạn li chính là tai họa ; bảo vệ sự ổn định là ý nguyện của toàn dân ».