"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 5. März 2011

Tại sao Ngũ Giác Đài chống can thiệp quân sự tại Libya, nhưng vẫn chuẩn bị?

Bartosz Węglarczyk - Lê Diễn đức dịch (*)
 
"USS Kearsarge" trên Kênh đào Suez tiến vào biển Địa Trung Hải - Ảnh: Reuters
 
Các đồng minh phương Tây vẫn đang tranh luận về việc làm thế nào để NATO với Nga và các nước Ả Rập có thể can thiệp quân sự tại Libya. Trong khi chờ quyết định của các chính trị gia, các tướng lãnh đang chuẩn bị kế hoạch cho mọi tình huống.
 
Theo nhật báo Anh "The Guardian", người ủng hộ mạnh mẽ cho hành động quân sự tại Libya là David Cameron. Thủ tướng Anh và các đồng nghiệp của mình nhiều lần trong những ngày gần đây đã nói công khai rằng, phương Tây nên tạo ra một khu vực cấm (no-fly zone) máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Libya. Hôm thứ Ba, Cameron cho biết, ông đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị một kế hoạch như thế cho khu vực.
 
Ý tưởng này cũng được Tổng thống Pháp Nocolas Sarkozy ủng hộ. Ngoài ra, vài ngày trước đây một nhóm chuyên gia Mỹ về chính sách đối ngoại đã viết thư kêu gọi Tổng thống Barack Obama ngay lập tức thiết lập khu vực cấm tại bay Libya. Bức thư này được sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ có tiếng tăm John McCain và Joseph Lieberman.
 
Quân đội Libya theo lệnh của Muammar Gaddafi đang hàng ngày ném bom xuống các thành phố bị phe đối lập kiểm soát. Theo nhiều chuyên gia, sự kết thúc của Gaddafi, khi bị tước đi sự hỗ trợ của không quân, sẽ nhanh hơn nhiều và chắc chắn sẽ gây đổ máu ít hơn.
 
Vấn đề nằm ở chỗ người Anh và Pháp đang không có khả năng tự mình thực hiện một hoạt động quân sự lớn. Cả London cũng như Paris không có hàng không mẫu hạm đủ lớn và các tàu chiến có khả năng thu nhận máy bay chiến đấu và trực thăng để có thể vô hiệu hoá hiệu quả lực lượng không quân của Libya. Người Anh và Pháp cũng không có căn cứ quân sự đủ gần Libya, thiếu máy bay tiếp nhiên liệu và tổng thể cơ sở hậu cần cần thiết cho các hoạt động như vậy.
 
Duy trì khu vực cấm bay tại Libya do đó không thể thực hiện được nếu không có người Mỹ. Trong khi đó người Mỹ đang ngần ngại. Tướng James Mattis, chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Trung Đông, trong buổi điều trần gần đây tại Thượng viện nói rằng, "chúng ta không nên có ảo tưởng - Nếu chúng ta muốn cấm Libya bay, chúng ta phải tiến hành một hoạt động quân sự rất lớn".
 
Ý của tướng Mattis là sự ra đời khu vực cấm bay đòi hỏi phải vô hiệu hoá lực lượng phòng không Libya. Người Mỹ, để đảm bảo an toàn cho máy bay của mình, trước hết sẽ phá hủy radar của Libya, sân bay, máy bay, các dàn hoả tiễn và tên lửa chống máy bay.
 
Và điều này có nghĩa là tiến hành một cuộc chiến tranh với Libya. Một cuộc chiến tranh đơn phương - Gaddafi đã không đặc biệt quan tâm tới quân đội, giữ an toàn của mình chỉ dựa trên một số đơn vị tinh nhuệ được chỉ huy bởi người thân cận. Không quân của Libya có 200 máy bay, chủ yếu là máy bay Liên Xô và của Pháp đã lỗi thời. Nhiều chiếc trong số máy bay này không thể cất cánh và phi công của họ được đào tạo kém. Thêm nữa, hệ thống radar và vũ khí phòng không của Libya đều lạc hậu. Tuy nhiên, nguy cơ máy bay của liên minh bị bắn hạ là luôn luôn có.
 
Ngoài ra, các quan chức quân sự Mỹ lo sợ rằng với hoạt động lớn như thế khó có thể tránh được sự ném bom bắn phá vô tình rơi vào các mục đích dân sự - và sau kinh nghiệm của Iraq và Afghanistan, Lầu Năm Góc hết sức nhạy cảm với các mối đe dọa của việc sử dụng những nhầm lẫn này để tuyên truyền chống Mỹ.
 
Hoạt động tác chiến này cũng cần đến các đơn vị nhỏ của lực lượng đặc biệt vào sâu trong Libya. Đây là những binh lính được huấn luyện đặc biệt để giải cứu các phi công của máy bay chiến đấu và trực thăng bị bắn rơi. Và một kế hoạch hành động như vậy luôn luôn có nguy cơ kết thúc bằng thảm kịch quân sự, con người và chính trị - giống như chiến dịch nổi tiếng ở Mogadishu (Somalia) 19 năm trước đây, được mô tả lại trong bộ phim "Black Hawk Down".
 
Người Mỹ đã từng tổ chức không kích chống lại Libya trong năm 1986. 45 máy bay đã ném bom các căn cứ quân sự Libya và cung điện của Gaddafi. Một máy bay đã bị bắn rơi. Tuy nhiên, cất cánh từ châu Âu và các tàu sân bay, các máy bay hoạt động trong không gian của Libya chỉ trong vài chục phút.
 
Một sĩ quan Liên Xô sau đó được Moscow gửi tới để xem xét vụ việc này trong báo cáo đã viết rằng quân đội Libya không được huấn luyện phòng không, không nỗ lực để nhận biết kẻ thù và không quan tâm đến trang thiết bị. Kể từ đó đến nay quân đội Libya chẳng có gì thay đổi.
 
Mặt khác, người Mỹ và NATO có kinh nghiệm tuyệt vời trong việc duy trì dài hạn khu vực cấm bay. Các khu vực như vậy đã tồn tại trong nhiều năm ở Iraq và Bosnia. Các sĩ quan và phi công tham dự hoạt động này phần lớn vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội. Kinh nghiệm của họ sẽ là vô giá đối với Libya.
 
Thế nhưng, các chuyên gia từ Viện Washington về Chính sách Cận Đông cảnh báo rằng, tại Iraq và Bosnia, các nước đồng minh đã có một lực lượng rất lớn trên mặt đất. Vào thời điểm thiết lập khu cấm bay ở Iraq đầu những năm 90 người Mỹ đã thực sự kiểm soát một phần của Iraq. Trong khi ở Libya, kể cả vùng gần biên giới không có lực lượng lớn nào của Mỹ hay NATO.
 
Tuy nhiên, các nhà quân sự nói họ sẵn sàng cho mọi quyết định từ các chính trị gia. Do đó, mặc dù miễn cưỡng, Lầu Năm Góc vẫn chuẩn bị trong trường hợp tổng thống quyết định cho can thiệp quân sự tại Libya.
 
Hàng không mẫu hạm "Enterprise" với hàng chục máy bay đột nhiên một vài ngày trước đây đã rời Ấn Độ Dương, nơi người Mỹ săn lùng cướp biển Somali, và di chuyển qua Biển Đỏ. Theo các chuyên gia Mỹ, hàng không mẫu hạm và một số lớn tàu chiến đi kèm (bao gồm cả một tuần dương hạm và ba tàu khu trục, tất cả đều được trang bị tên lửa) có thể ít lâu nữa sẽ vượt kênh đào Suez đến biển Địa Trung Hải và xung quanh bờ biển của Libya.
 
"USS Interprice" rời Ấn Độ Dương 
 
Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã ra lệnh cho tàu “Kearsarge” đến Địa Trung Hải. Tàu này có 1.800 linh thủy quân lục chiến, và có thể vào bất kỳ thời điểm nào - với sự hỗ trợ của máy bay, máy bay trực thăng và các tàu chiến khác tạo thành cái gọi là nhóm tấn công – đưa họ lên mặt đất, cùng với xe tăng, xe bọc thép vận chuyển, xe hơi, súng và các thiết bị khác cần thiết để thực hiện một cuộc đổ bộ lên đất liền.
 
“Kearsarge” sẵn sàng cho một cuộc tấn công sau một vài ngày - cho đến lúc có thủy quân lục chiến. Đơn vị của nó đang chiến đấu tại Afghanistan, nhưng trên đường tàu là một đơn vị khác của hải quân từ căn cứ của Mỹ. “Kearsarge” có thể hoạt động cứu trợ và nhân đạo – tàu đã giải cứu thường dân từ cuộc nội chiến Sierra Leone năm 1997 và giải cứu phi công máy bay Mỹ bị bắn rơi bởi người Serbia ở Bosnia vào năm 1995.
 
Người Anh chính thức nói rằng trong các hoạt động ở Libya họ sẽ sử dụng căn cứ không quân Akrotiri tại đảo Síp. Chính phủ Síp trong trường hợp này không có gì để nói (Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ bất kỳ sự cất cánh nào đối với máy bay của NATO bay tới Libya từ các căn cứ quân đồng minh ở Thổ Nhĩ Kỳ), bởi vì Akrotiri có tình trạng lãnh thổ đặc biệt.
 
- Chúng tôi sẽ di chuyển đến phần này của thế giới một lực lượng để duy trì sự linh hoạt trong việc đưa ra quyết định - ba ngày trước đây, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết. Bây giờ tất cả mọi thứ trong tay các chính trị gia.
 
-------------------------------------------------------------------------
 * Tác giả bài viết, ông Bartosz Węglarczyk, là ký giả của nhật báo lớn hàng đầu Ba Lan “Gazeta Wyborcza”. Trong những năm 90 ông thường trú tại Moscow, Brussels và trong 1998-2004 tại Washington DC. Ông là bình luận gia về các sự kiện của Ba Lan và quốc tế cho rất nhiều báo chí và các cơ quan truyền thông của Ba Lan như Polish Radio, FM RadioTok, TV Polsat, TVN 24, TVN, TVP, Puls TV.
 
*Bài dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan đăng trên nhật báo “Gazeta Wyborcza” ngày 2 tháng 3/2011.
 
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức