"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 16. März 2011

Việt Nam sắp đổi tiền?

Khoảng nửa tháng nay, hàng trăm khách hàng đã đổ xô đến Quỹ tín dụng nhân dân Liên Nghĩa (trụ sở ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) để rút tiền trước hạn do lo ngại trước tin đồn về việc  quỹ tín dụng này sắp sập.

Tin đồn thất thiệt này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của QTDND Liên Nghĩa. Hậu quả là chỉ trong vòng nửa tháng nay, hàng trăm khách hàng đã đổ xô đến QTDND Liên Nghĩa để rút tiền trước hạn.

Ông La Văn Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Liên Nghĩa – cho biết trên báo Lâm Đồng Online rằng, sau khi quỹ có sự thay đổi nhân sự vào ngày 21/2, đến ngày 22/2 bắt đầu có hiện tượng khách hàng đến rút tiền gửi tiết kiệm trước kỳ hạn. Tính từ ngày 22/2 đến ngày 10/3 đã có 243 lượt khách hàng đến rút tiền gửi trước hạn với tổng số tiền là trên 45 tỷ đồng. Trong đó, ngày cao điểm có tới 82 khách hàng đến rút tiền. Khi được hỏi nguyên nhân, nhiều khách hàng cho biết họ nghe thông tin Quỹ sắp đổ bể nên phải nhanh chóng đi rút tiền.
Nhiều khách hàng đến rút tiền gửi trước hạn trong sáng 11.3 tại QTDND Liên Nghĩa (Ảnh: Báo Lâm Đồng Online)

Bảo vệ người gửi tiền trước tin đồn thất thiệt

Trước tin đồn quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) lớn nhất sắp đổ bể, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cùng Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Mấy ngày gần đây, nhiều khách hàng đã đến rút tiền gửi tiết kiệm trước thời hạn tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) do tin đồn thất thiệt quỹ sắp đổ bể. Đây là một trong những quỹ lớn nhất trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Ông La Văn Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Liên Nghĩa cho biết, sau khi quỹ có sự thay đổi nhân sự vào ngày 21/2, đến ngày 22/2 bắt đầu có hiện tượng khách hàng đến rút tiền gửi tiết kiệm trước kỳ hạn. Trước hiện tượng trên, đại diện QTNDN Liên Nghĩa đã báo cáo với Đảng ủy, UBND thị trấn Liên Nghĩa, UBND huyện Đức Trọng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) công an huyện để kịp thời điều tra làm rõ vụ việc. Đồng thời, với những khách hàng đến rút tiền, mọi thủ tục thanh toán được thực hiện nhanh chóng, chính xác, đầy đủ. 
 
BHTGVN và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã có mặt kịp thời để có những biện pháp thích hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Ông Dương Quốc Long – Phó Giám đốc BHTGVN Chi nhánh khu vực TP.Hồ Chí Minh đang cùng với đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc quỹ Liên Nghĩa sẵn sàng trao đổi để khách hàng hiểu rõ sự thay đổi cơ cấu bộ máy, bác bỏ thông tin Hội đồng quản trị sắp ôm tiền bỏ trốn. Đồng thời khẳng định, BHTGVN thay mặt Chính phủ thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Do vậy, BHTGVN có trách nhiệm trong việc bảo vệ tiền gửi của dân và không để người dân bị mất tiền gửi hay thiệt hại về lãi suất do rút tiền gửi trước thời hạn.

Bên cạnh những khách hàng dao động trước tin đồn, vẫn có nhiều khách hàng đến gửi tiền với tâm lý hoàn toàn yên tâm vì QTNND Liên Nghĩa đã hoạt động một thời gian dài và tạo dựng được uy tín với đông đảo khách hàng; điều quan trọng, nhiều người dân tin tưởng rằng Chính phủ luôn cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua chính sách BHTG mà đại diện là tổ chức BHTGVN.

Theo thông tin từ BHTGVN Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh, tính từ ngày 22/2 (ngày xuất hiện tin đồn thất thiệt) đến ngày 14/3, tổng số dư tiền gửi huy động được tại QTDND Liên Nghĩa là hơn 54 tỷ đồng.

Việt Nam sẽ đổi tiền một lần nữa ?
 
Trước tình hình lạm phát đang có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát, chính quyền Hà Nội đang cân nhắc đến một đề nghị rất nguy hiểm: đổi tiền!

Theo một số nguồn tin thì sau khi đã tăng liên tiếp lãi xuất chính thức trong 2 tuần qua cũng như cấm dân chúng mua bán vàng miếng và ngoại tệ, tỷ lệ lạm phát vẫn không có dấu hiệu suy giảm vì xăng dầu tăng giá đã kéo theo hàng loạt hàng hóa và dịch vụ cũng gia tăng phi mã.
Từ mấy tháng qua, có tin là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự trù in loại tiền có mệnh giá 1 triệu đồng vì đồng bạc VN đã bị phá giá 6 lần trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên theo một nguồn tin giấu tên thì các cố vấn thân cận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đưa ra một đề nghị táo bạo là làm một cú đổi tiền để có thể “huy động được số tiền tệ khổng lồ” đang được người dân cất giữ trong nhà thay vì luân lưu trên thị trường.

Cần nhắc lại là kể từ sau năm 1975, Việt Nam đã thực hiện 3 lần đổi tiền. Lần thứ nhất vào ngày 2/9/1975. Lần thứ nhì vào ngày 3/5/1978 và lần thứ ba là vào ngày 4/9/1985.

Theo nguồn tin nói trên các cố vấn này đề nghị là đồng tiền mới sẽ có mệnh giá nhỏ hơn, chỉ bằng một ngàn lần đồng tiền hiện hành. Có nghĩa là 1.000 đồng tiền cũ sẽ đổi 1 đồng tiền mới.
Cũng theo lời viên chức giấu tên nói trên thì đề nghị này đã được ra từ mấy tháng trước và có lẽ vì bị tiết lộ nên rất nhiều người đã đổ xô đi mua vàng và ngoại tệ khiến cho giá vàng và ngoại tệ gia tăng lên mức độ chóng mặt. Chính vì thế mà tuần qua, chính quyền phải huy động lực lượng công an siết chặt thị trường này.

Theo một chuyên gia tài chánh của chi nhánh ngân hàng ANZ tại Việt Nam thì tin này thật sự đã âm ỉ từ cuối năm 2009, nhất là sau khi nhà cầm quyền Bắc Hàn tiến hành đổi tiền để giữ uy tín cho đồng tiền đang mất giá một cách thê thảm. Nhưng Ngân hàng Nhà nước VN vào lúc đó cũng lên tiếng bác bỏ tin này và trấn an dân chúng là sẽ không có một vụ đổi tiền nào nữa.

Thế nhưng trong 3 lần đổi tiền trước đây, không lần nào nhà nước không lên truyền hình để phủ nhận tin đồn và trút tội cho những “thành phần xấu đã tung tin đồn thất thiệt”. Và sau khi trịnh trọng hứa hẹn với dân là sẽ không đổi tiền thì vài ngày sau tiền… đổi!

Người Hà Nội

S&P: Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ gặp khó khăn
 
VOA-Thứ Hai, 14 tháng 3 2011 

Hãng tin Reuters trích dẫn Công ty đánh giá tín dụng Standard & Poor nói rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ gặp nhiều xáo trộn trong thời gian tới. 

Nguồn tin này nói rằng tình trạng lạm phát tăng, nếu không được quản lý đúng cách, có thể gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. 

S&P nói rằng mặc dù các ngân hàng Việt Nam không bị tác động vì cuộc khủng hoảng xảy ra tại các nền kinh tế tiên tiến hơn, sức ép của lạm phát, các khoản nợ tăng cao, cùng với chi phí vay vốn cao trong nhiều năm qua, đang đe dọa chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng Việt Nam. 

Ba ngân hàng được Standard & Poor đánh giá gồm có Ngân Hàng Ngoại Thương Việt Nam, Ngân Hàng Đầu Tư và Phát triển Việt Nam, và Ngân Hàng Thương Mại và Công Nghệ đều bị xếp hạng BB-, dựa trên những yếu tố mà công ty S &P vừa liệt kê. 

Công ty đánh giá tín dụng Standard & Poor đề cập tới tỷ lệ lạm phát vượt quá 12% so với cùng kỳ năm ngoái hồi tháng Giêng năm 2011, quyết định của nhà nước Việt Nam nới rộng chính sách tiền tệ vào nửa cuối của năm 2010 để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng đã đóng góp đưa tỷ lệ nạn lạm phát tăng vọt. Nếu tỷ lệ lạm phạt duy trì ở mức này, thì chi phí kinh doanh sẽ ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ nần của người đi vay. 

Nhưng ngược lại, các biện pháp mạnh tay của chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát có thể gây bất ổn và làm mất tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, điều đã xảy ra hồi năm 2008, khi tỷ lệ lạm phát tăng tới 28%. 

S & P cũng nhắc đến khoản cho vay dành cho các công ty quốc doanh, kể cả tập đoàn đóng tàu Vinashin, đã ảnh hưởng tới thứ hạng tín dụng của Việt Nam. 

Standard & Poor nói công ty này tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ đặt ưu tiên cho việc ổn định hóa kinh tế, so với phát triển kinh tế trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho năm 2011, kể cả cố gắng kiềm chế lạm phát. 

Công ty đánh giá tín dụng này nói trong khi các biện pháp hữu hiệu của chính phủ có thể giảm thiểu tác động do lạm phát và chi phí vay nợ cao gây ra, nhưng chủ yếu các ngân hàng sẽ phải cải thiện tiêu chuẩn để củng cố hệ thống ngân hàng hầu có thể đối phó với nhưng chấn động từ bên ngoài. 

(Nguồn: Reuters, Standard&Poor)

Thanh Thảo tổng hợp theo VNN, thegioinguoiviet, …