"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 28. April 2011

Đâu là bản sắc văn hóa Việt?

Hồ Hải 

Hôm trước có bạn làm kinh doanh hỏi: "Đâu là bản sắc văn hoá Việt Nam?". Mình suy nghĩ hơn một tháng và lục hết tất cả tàng kinh cát để đi tìm bản chất của câu hỏi này. Hôm nay thấy tạm ổn, nên viết bài để trả lời. Một bài trả lời đáng giá với một chai XO, như lời hứa của bạn ấy. Là vì kinh doanh mà không nắm rõ bản chất văn hoá của một dân tộc, lại đem chuông đi đánh xứ người, khác nào đánh vào khoảng không vô tận. Nên văn hoá không chỉ quyết định sự phát triển, mà văn hoá còn rất quan trọng trong tất cả các mặt của cuộc sống hiện đại.


Đứng về mặt học thuật, văn hoá thế giới chia làm hai loại hình văn hoá du mục và nông nghiệp dựa trên cơ sở phân loại duy lý hay duy tình trong cách tư duy và hành động của cộng đồng dân. Cũng trên cơ sở phân loại ấy, người ta thấy rằng không có một nền văn hoá nào là đồng nhất duy tình hay duy lý. Mà đã có sự pha trộn văn hoá trong quá trình giao lưu văn hoá của các nền văn minh khác nhau thông qua quá trình di dân, chiếm cứ của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Cho nên để nhìn ra bản sắc văn hoá của một dân tộc là một điều khó. Dù khó, nhưng nếu dựa trên duy vật luận: "Từ thực tiển khách quan đi vào tư duy trừu tượng. Rồi từ tư duy trừu tượng đem áp dụng vào thực tiển khách quan. Đó là con đường nhận thức chân lý, chân lý khách quan". Chúng ta có thể nhìn thấy được đâu là bản sác văn hoá Việt.

Trên khái niệm văn hoá là thói ăn, nết ở, thuần phong mỹ tục được hình thành và phát triển định hình nên tư duy và hành động của một cộng đồng dân sống trong một vùng địa lý dưới những hình thái xã hội khác nhau. Có thể nhận ra hai loại bản sắc văn hoá Việt rõ ràng, thứ nhất là bản sắc đặc thù của văn hoá Việt hình thành do quá trình lịch sử. Thứ hai là, bản văn văn hoá Việt do ảnh hưởng của sự giao thoa văn hoá thông qua lịch sử dân tộc Việt. Chúng ta thử đi vào từng phần của bản sắc văn hoá Việt.

Ở phần thứ nhất, nét đặc thù đầu tiên của văn hoá Việt là chiến tranh dựng và giữ nước. Hơn một nửa thời gian lịch sử dân tộc Việt là một lịch sử chiến tranh, ngày nay ai cũng rõ. Chiến tranh của người Việt có 2 đặc thù: giữ nước và mở cõi. Từ đó, cách tư duy và hành động của người Việt trông bề ngoài là vẻ hiền lành, chất phát, có nụ cười luôn trên môi đi tiếp xúc. Nhưng trong bản chất là một sự bùng nổ những lề thói có bản chất chiến tranh giữ và cơi nới. Ngày này, từ trong khẩu hiệu của tấm băng rôn trong các lễ hội cũng có không khí chiến tranh, ví dụ như: "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Học cái gì tốt đẹp hơn mà lại phải học chiến đấu? Dĩ nhiên chữ chiến đâu ở đây, không phải ý nói là chiến tranh, mà ý muốn nói sự phấn đấu. Nhưng thay vì sự phấn đấu thì văn hoá bản sắc của chiến tranh làm cho người ta hình tượng hoá sự phấn đấu lên thành từ chiến đấu.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều ví dụ cụ thể về bản sắc văn hoá chiến tranh này của dân Việt trong đời sống hằng ngày. Như lái xe ra đường không theo qui định, mà mạnh ai nấy lấn đường làm ách tắc giao thông. Như nhà đã có lề, đường đã có lề, nhưng buôn bán luôn cơi nới ra khỏi lề, xây nhà vẫn thêm hàng rào hay một chút diện tích để lấn lề, v.v...

Đặc biệt, bản chất của chiến tranh mở cõi là thuộc về nền văn hoá du mục, nhưng nó lại được đặt trong một cộng đồng có số đông sống theo văn hoá nông nghiệp. Nên nó có những mâu thuẩn nội tại xung đột trong cách ứng xử văn hoá sống có tính triệt tiêu hơn là thúc đẩy để phát triển đi lên. Vì duy tình không giải quyết thấu đáo vấn đề, mà chỉ theo cảm tính. Trong khi duy lý thì triệt để và sắt máu. Chính vì thế mới có câu chuyện 3 người Việt cùng làm việc thua 3 người Nhật. Và vì thế mới có câu chuyện đám đông vô thức của người Việt rất dễ định hướng đi theo một chiều tư tưởng, dù tư tưởng ấy là cực đoan và phi lý.

Nếu các nhà kinh doanh nắm bắt được bản sắc văn hoá này trong tâm hồn người Việt, họ rất dễ dàng giao thương và chiếm thế thượng phong trong công việc, dù mưu đồ của họ là không trong sáng.

Vấn đề thứ hai trong bản sắc đặc thù văn hoá Việt là, thờ cúng tổ tiên. Có lẽ không ở nơi đâu trong văn hoá nhân loại việc thờ cúng tổ tiên được nâng lên thành một đạo sống làm người như dân tộc Việt. Đến một gia đình bất kỳ, nếu khéo léo, đối tác xin phép thắp cây nhang lên bàn thờ tổ tiên là đánh đúng vào cái văn hoá duy tình trong giao tiếp. Qua nhiều thời đại, các chính khách cũng tận dụng nét đặc thù văn hoá này để định hướng lòng dân. Câu chuyện con rùa hồ Gươm, hay lễ hội đền Trần, v.v... cũng là một biểu hiện cụ thể cho nét văn hoá đặc thù này.

Văn hóa ẩm thực

Vấn đề thứ ba của bản sắc đặc thù văn hoá Việt là, văn hoá ẩm thực. Vì quá trình lịch sử mở cõi, lấy ẩm thực làm vị thuốc để chống chọi với bệnh tật ở chốn rừng thiêng nước độc. Nên ẩm thực Việt rất khoa học về mặt dinh dưỡng học lâm sàng: "Ăn là thuốc, ăn đúng là trị bệnh, ăn sai là rước bệnh vào mình". Hãy nhìn cách ăn uống của bác nông dân rất khoa học: sáng sớm trước khi ra đồng ăn thật no, như đổ xăng cho xe chuẩn bị đi làm, ăn trưa nhiều để làm việc tiếp, ăn tối vừa phải cho một đêm nghỉ ngơi. Trong các mốn ăn Việt cũng nhiều tinh bột, rau xanh và chất đạm, nhưng mỡ thì vừa phải giống như một tháp dinh dưỡng trong y học. Ngoài ra, rau xanh Việt không thiếu các vị thuốc như: giá cường dương, rau răm hãm dương, v.v... Các món ăn cũng phối hợp rất khoa học triết lý phương Đông: ăn hột vịt lộn phải ăn với rau răm và muối tiêu. Để liệt kê hết tất cả khoa học ẩm thực Việt thì rất nhiều.

Ở phần còn lại, những bản sắc văn hoá khác, không là đặc thù của người Việt mà là, do sự giao lưu văn hoá mà thành. Trong giao lưu văn hoá ấy có sự giao thoa, sự sao chép nguyên bản rất đa dạng. Ví như, nho giáo với tam cương, ngũ luân một thời gian dài nghìn năm sao y bản chính. Phật giáo là giao thoa văn hoá từ nguyên gốc Ấn độ và nho giáo của Trung Hoa mà thành. Nên phật giáo Việt Nam đỉnh cao được xem là thiền tông, nhưng nhuốm màu mật tông trong thực hành trong cuộc sống.

Tất cả những sự giao thoa và sao y ấy đều có cùng mục đích là phục vụ cho lịch sử hình thành và phát triển địa lý, giống nòi của dân tộc Việt từ Thuỷ Chân Lạp để có bờ cõi như ngày hôm nay. Nó giúp cho tránh được sự đồng hoá của người Trung Hoa phương Bắc mà tạo ra sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt, không bị mất đi, mà ngày càng phát triển về phương Nam.

Trong tất cả những ưu điểm từ giao lưu văn hoá ấy, có một ưu điểm nổi bật của dân Việt là rất biết sống hợp thời khi lịch sử đòi hỏi. Sự thức thời ấy thể hiện qua 2 lần thay đổi chữ viết để thoát Á: lần đầu là thời nhà Tây Sơn, nhờ có La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp kế thừa và phát triển chữ Nôm thay thế cho chữ Hán. Và thời thuộc Pháp có các nhà văn hoá Tự Lực Văn Đoàn đã tiếp sức các vị Linh mục làm ra chữ quốc ngữ ngày nay theo mẫu tự La Tinh cho một ngôn ngữ đơn âm tiết. Một nét văn hoá hiếm thấy ở Chấu Á.

Trong những nhược điểm của giao lưu văn hoá để lại cho dân Việt, thì nhược điểm lớn nhất là sức đấu tranh nội tại của văn hoá du mục duy lý không thắng được văn hoá nông nghiệp duy tình. Nên văn hoá sống dân Việt làm lùn đi dân trí khi đứng trước một sự vật hiện tượng, không được nhìn duy lý triệt để mà, mà được nhìn bằng tư duy duy tình cảm tính nửa vời. Cái nửa vời ấy thể hiện từ tư duy đến hành động thông qua hình thái xã hội qua bao đời.

Để có được một dân tộc và đất nước hùng cường, không gì khác hơn người Việt cần hiểu biết văn hoá đặc thù của mình ở đâu, và kết quả của giao lưu văn hoá ở đâu? Đâu là tinh hoa của 2 miền văn hoá và biết sửa mình. Nếu không lịch sử sẽ lập lại những mảng tối cho đất nước và dân tộc lắm khổ nhục này.

Hồ Hải
18/4/2011
Nguồn: Blog Bác sĩ Hồ Hải