"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 6. Mai 2011

Mặt trái đàng sau

Lữ Giang

Tin về cái chết của Bin Laden vẫn đang được bàn tán khắp nơi ở Mỹ cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, giữa các sự kiện có thật, chúng ta thấy có nhiều thông tin được công bố hình như chỉ nhắm mục tiêu chiến tranh tâm lý hay đánh lạc hướng dư luận, nên có nhiều nghi vấn và rất khó giải thích. Chuyện Bin Laden bị giết là một thí dụ điển hình. Lúc đầu, nguồn tin nói “một phụ nữ bị đưa ra làm lá chắn sống” đã bị bắn chết. Sau đó, cơ quan an ninh Pakistan cho biết họ đang giữ người đàn bà đó, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney lại nói “bà này nhảy xổ vào lính Mỹ và bị bắn ở chân nhưng không bị giết.”! 
 
Tin lại nói rằng việc khám phá ra nơi ở của Bin Laden là nhờ lấy khẩu cung từ những nghi can khủng bố bị bắt từ trước, trong đó có Khalid Sheikh Mohammed và Abu Faraj al-Libi. Hai người này đã khai ra người giao liên rất được Bin Laden tin cẩn nên CIA đã theo dõi người này và tìm ra manh mối, v.v. Nhiều người coi tin này chỉ là một huyền thoại hay một loại “thông tin ảo”. Bin Laden đã từng được CIA huấn luyện về tình báo và tổ chức tình báo, chắc chắn phải hiểu rằng khi có một người thân cận trong tổ chức bị bắt là phải thay đổi toàn bộ cơ cấu hoạt động đề đề phòng người bị bắt bị khai thác, tiết lộ các sinh hoạt nội bộ, v.v. Một người bị truy nã như Bin Laden cũng không bao giờ cư trú lâu tại một chỗ. Nếu Bin Laden cư ngụ ở ngôi nhà bị bắt lâu rồi, điều này chứng tỏ ông đã ngưng hoạt động.
 
Dĩ nhiên, chính phủ Hoa Kỳ đã tính toán phải trình bày như thế nào để tin Bin Laden bị giết có thể gây ảnh hưởng tốt trong dư luận, nhất là ở Mỹ, vì nó có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, không thể chỉ nhìn vào những gì do hệ thống thông tin tinh xảo của cơ quan tình báo Mỹ đưa ra để tìm hiểu sự thật được. Phải đọc những bài phân tích khách quan do các nhà nghiên cứu trình bày mới có thể thấy được mặt trái đàng sau. 
 
CON ĐƯỜNG CHỐNG MỸ
 
Các nhà nghiên cứu đã viết khá kỹ và khá nhiều về tiểu sử của Osama Bin Laden. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông Mỹ đã bỏ đi hết những điểm không có lợi khi nhắc lại tiểu sử của ông sau khi ông vừa bị bắn chết. Vì phạm vi của một bài báo, chúng tôi cũng chỉ tóm lược những điểm chính.
 
1.- Vài nét về buổi thiếu thời
 
Osama bin Laden sinh năm 1957 tại A-rập Saudi, mẹ là người Syria, cha là người Yemen. Cha ông có 10 bà vợ và 53 người con. Osama bin Laden là người con duy nhất của một trong 10 bà vợ đó. Cha ông là Mohammed Awad bin Laden đã trở thành một nhà quyền qúy ở Arập-Saudi. Năm 1970, khi Osama bin Laden mới lên 13 tuổi, cha ông qua đời và ông đã được thừa hưởng một phần gia tài khá to lớn do người cha để lại.
 
Năm 1981, Bin Laden tốt nghiệp khoa kinh tế và canh nông tại Phân Khoa Quốc Gia Hành Chính, trường đại học Vua Abdul-Aziz ở Jeddah, A-rập Saudi. Ông quen biết rất nhiều nhân vật quyền thế trong khối Hồi Giáo và có tinh thần đấu tranh rất cao.
 
2.- Con đường đi theo Mỹ
 
Năm 1978, Noor Taraki làm đảo chánh ở Afghanistan và thiết lập một chế độ thân cộng. Người kế vị Taraki là Babrack Karmal đã liên kết chặt chẽ với Liên Sô. Các tổ chức Hồi Giáo nổi lên chống đối, định lật đổ Karmal. Liên Sô đem quân vào bảo vệ chế độ Karmal. Chiến tranh chống ngoại xâm bắt đầu. Khoảng 7 triệu người Afghanistan (1/3 dân số) tản cư qua các nước lân cận, nhất là Pakistan. 
 
Osama bin Laden đã đến Karachi ở Pakistan, tìm cách giúp các trại tị nạn Afghanistan ở Pakistan rồi trở lại A-rập Saudi tổ chức quyên góp tiền bạc để giúp các tín hữu Hồi Giáo Afghanistan mở cuộc thánh chiến chống Liên Sô. Năm 1982, Ông vào sâu trong lãnh thổ Afghanistan để tham gia vào các trận đánh và thành lập một trạm giao liên tại Peshawar để dưỡng quân. 
 
Thấy Bin Laden là người có khả năng và có quyết tâm, cơ quan CIA của Hoa Kỳ đã huấn luyện Bin Laden thành một người biết tổ chức tình báo và chiến đấu có kỷ thuật cao để chống lại Liên Sô. Năm 1986, với sự giúp đỡ của CIA, Bin Laden thành lập những trại huấn luyện riêng của mình và trong 2 năm đã xây dựng được 6 trại. Hoa Kỳ đã viện trợ vũ khí và phương tiện cho Bin Laden, nhờ vậy ông đã trực tiếp điều khiển các binh sĩ mở 5 trận đánh lớn với quân Liên Sô và hàng trăm trận giao tranh lẻ tẻ, làm quân Liên Sô điêu đứng.
 
3.- Afghanistan bị Mỹ bỏ rơi 
 
Tháng 4 năm 1988, Nga phải ký hiệp ước với Hoa Kỳ, Pakistan và Afghanistan chấm dứt chiến tranh, quân Nga rút khỏi Afghanistan năm 1989.
 
Ngay sau đó, thay vì giúp Afghanistan tái thiết và hình thành một chính quyền mạnh để ổn định tình hình, Hoa Kỳ đã bỏ rơi Afghanistan. Do các cuộc tranh chấp, cảnh hổn loạn xẩy ra. Năm 1996 phe Hồi Giáo Taliban chiếm được chính quyền tại Afghanistan và áp dụng một chế độ theo luật Hồi Giáo rất nghiêm khắc dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Mullah Mohammad Omar, thường được gọi là Emir al-Momineen.
 
4.- Quay lại chống Mỹ
 
Khi Liên Sô rút chạy khỏi Afghanistan, Bin Laden trở về A-rập Saudi. Ngày 22.5.1990, nước Cộng Hòa Yemen được thành lập. Hai phe thân Tây phương và theo Cộng Sản tranh chấp nhau. Liên Sô yểm trợ cho nhóm theo Cộng Sản ở Nam Yemen nổi lên giành chính quyền. Bin Laden quyết định mở cuộc thánh chiến chống Liên Sô. Chính quyền A-rập Saudi sợ ông đem chiến tranh vào A-rập Saudi nên quản chế ông.
 
Ngày 2.8.1990 Saddam Hussein đem quân xâm lược Kuwait. Bin Laden hô hào khối A-rập giúp Kuwait đẩy lui sự xâm lược của Iraq. Ông đề nghị đưa 4.000 quân Mujahedin của ông từ Afghanistan về bảo vệ A-rập Saudi, nhưng đề nghị của ông đã bị bác bỏ.
 
Chỉ vài tuần sau, Mỹ tiến vào A-rập Saudi để giải phóng Kuwait khiến Bin Laden bất mãn. Ông cho rằng vấn đề của người A-rập phải để người A-rập giải quyết với nhau, Mỹ không được can thiệp vào. Từ đó, Bin Laden bắt đầu chống Mỹ.
 
Ông thành lập trại huấn luyện để huấn luyện kháng chiến quân, nhưng bị cảnh sát A-rập Saudi khám phá ra và bắt ông phá hủy. Ông tức giận, đem khoảng 4000 người ông chiêu mộ được chạy qua Afghanistan vào tháng 4 năm 1991. Do sự thúc đẩy của Mỹ, tình báo A-rập Saudi và Pakistan đã nhiều lần tổ chức bắt cóc hay giết Bin Laden, nhưng không thành công.
 
Cuối năm 1991 Bin Laden chạy qua Sudan và giúp chính phủ này. Tại đây ông bị tình báo A-rập Saudi mưu sát hụt một lần. Ông liền tổ chức nhiều cuộc khủng bố nhắm vào người Mỹ. Đầu năm 1996, Bin Laden lại quay về Afghanistan và chính thức công bố “Tuyên Ngôn Chiến Tranh” với Hoa Kỳ theo nghĩa là đuổi hết Mỹ ra khỏi bán đảo Ả Rập. Khẩu hiệu là “Kill American Everywhere” (Giết người Mỹ ở khắp nơi). 
 
Tháng 5 năm 1998 Bin Laden thành lập tổ chức “International Islamic Front for Jihad against America and Israel” (Mặt Trận Hồi Giáo Quốc Tế ủng hộ Jihad chống Mỹ và Israel) và tổ chức Al-Qaeda theo đuổi các vụ khủng bố quốc tế. Tổng Thống Cliton đã đặt giải thưởng 5 triệu Mỹ kim cho ai bắt được Bin Laden, nhưng cho đến nay Bin Laden mới bị giết.
 
5.- Những tổn thất gây ra
 
Nhiều vụ khủng bố lớn do Al-Qaeda thực hiện đã diễn ra trên khắp thế giới như: Vụ đặt bom tại World Trade Center vào ngày 26.2.1993, có 6 người chết và hơn 1000 người bị thương. Vụ đặt bom tại căn cứ huấn luyện Vệ Binh Quốc Gia tại A-rập Saudi vào ngày 13.11.1995, làm 60 người bị thương, trong đó có 34 người Mỹ. Vụ đặt bom tại căn cứ không quân King Abdul Aziz, gần Dhahran, A-rập Saudi, vào ngày 25.6.1898, có 19 người chết, ít nhất 300 người bị thương, v.v.
 
Sau cuộc tấn công vào tòa tháp đôi của Mỹ ở New York ngày 11.9.2001, Hoa Kỳ đã mở cuộc tấn công vào Afghanistan và Iraq để tiêu diệt Bin Laden và Al-Qaeda. Cuộc chiến này đã đưa lại những thiệt hại tổng quát như sau:
 
- Ngân sách Mỹ đã tốn khoảng 3000 tỷ USD cho hai cuộc chiến nói trên và các chiến dịch chống khủng bố khác trên thế giới.
- 6003 binh sĩ Mỹ và 543 binh sĩ Anh đã thiệt mạng tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan từ năm 2001 đến nay.
- 109.895 dân thường bị giết ở Iraq kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq.
- 30.452 người ở Pakistan bị thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến “chống khủng bố” được khai hỏa, trong đó có 2795 binh sĩ Pakistan.
- Tại Afghanistan, tính đến ngày 25.1.2009, cuộc chiến đã gây ra cho 19.529 người bị chết và 51.924 bị thương.
 
Qua hai cuộc chiến, dân của các nước Mỹ, Anh, Afghnistan, Iraq và Pakistan đã bị thiệt hại quá lớn, nhưng các nhà đại tư bản khai thác dầu lửa và đấu thầu quốc phòng của Mỹ đã thu được một số lợi không nhỏ.
 
ẢNH HƯỞNG CÁI CHẾT CỦA BIN LADEN
 
Đài BBC ngày 3.5.2011 đã cho phổ biến bài “Cái chết của Bin Laden 'không đáng kể'?” tóm lược những nhận xét của nhiều người về cái chết của Bin Laden, nhất là của hai ký giả Tony Karon của tạp chí Time và Barry Lando của Huffington Post.
 
Mở đầu, bài báo nhắc lại các quan chức Hoa Kỳ nói “công lý” đã đến với Osama Bin Laden và cái chết của ông ta đã mang lại sự mừng rỡ ở nhiều nơi tại Hoa Kỳ với những cảnh ăn mừng trên đường phố. Nhưng nhiều người đã nhận định rằng ảnh hưởng cái chết của Bin Laden không lớn như người và không có nhiều ý nghĩa ngoại trừ việc giải tỏa sự uất ức của người Mỹ sau vụ tấn công 911.
 
Nhà báo Tony Karon nói rằng cái chết của Osama Bin Laden không đồng nghĩa với cái chết của Al-Qaeda. Qua cuộc phỏng vấn của ban tiếng Arab của BBC, người Hồi giáo cũng có cái nhìn khác nhau trước tin Bin Laden bị bắn chết.
 
Ông Amro Waheed từ Ai Cập nói: "Người Arab không muốn thấy sự can thiệp của Hoa Kỳ, nếu Hoa Kỳ muốn chiến thắng Al-Qaeda, họ cần ngay lập tức rút khỏi Iraq, Afghanistan và Pakistan và để người dân tự quyết định số phận của họ." Còn ông Alaa Al-Dardour từ Jordan nói: "Cái chết của Osama Bin Laden không đồng nghĩa với cái chết của Al-Qaeda. Ý thức hệ Al-Qaeda không phải là một con người cụ thể là một trường phái tư tưởng được nhiều người theo."
 
Sinh viên Adam đã góp ý kiến trên báo New York Times của Mỹ: "Công lý đã được thực thi nhưng liệu đây có phải là lý do để ăn mừng không? Không. Đây không phải là sự kiện thể thao. Đây không phải là ngày chiến thắng. Nó chưa kết thúc cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ và đồng minh và hàng (chục?) ngàn người chết, cả quân đồng minh và người Arab, để tìm có một người."
 
Còn tác giả Barry Lando viết: "Trong nhiều góc độ, kẻ bị bắn hạ ở Pakistan đã là người không còn ý nghĩa - là biểu tượng của mối đe dọa trong quá khứ hơn là đe dọa thực sự của tương lai."
 
KHÓ DIỆT ĐƯỢC AL-QAEDA
 
Tổ chức al-Qaeda là một tổ chức vũ trang Hồi Giáo do Osama bin Laden thành lập khoảng năm 1998. Tổ chức này phát xuất từ nhóm Sunni Muslin thường được gọi là Islamic Jihad, tức nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo.
 
Vì là một tổ chức hoạt động bí mật, al-Qaeda đã hình thành những đơn vị tự trị, các đơn vị này có thể liên kết hay hổ trợ nhau trong các hoạt động, nhưng được lãnh đạo hoàn toàn riêng rẻ. Bin Laden đã tuyên bố:
 
“Không có một tổ chức bao trùm. Chúng tôi muốn thành lập một thực thể huyền thoại được gọi là al-Qaeda ở trong đầu óc chúng tôi, nhưng không phải là một thực tế mà chúng tôi quan hệ với”.
 
Bin Laden được gọi là lãnh tự al-Qaeda nhưng trong thực tế ông chỉ chỉ huy nhóm al-Qaeda ở Pakistan và Afghanistan mà thôi. Ông đã trao lại quyền lãnh đạo này lại cho bác sĩ Ayman al-Zawahiri từ lâu. Ông chỉ còn là cố vấn của Ủy Ban Tư Vấn (Shura Council) gồm khoảng từ 20 đến 30 thành viên cao cấp của al-Qaeda.
 
Ngoài al-Qaeda ở Pakistan và Afghanistan, còn có 7 tổ chức hoạt động độc lập sau đây được Hoa Kỳ theo sát:
 
1.- Tổ chức al-Qaeda ở bán đảo A-rập có hai tổ chức là  al-Qaeda ở Saudi Arabia và Nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo ở Yemen (Islamic Jihad of Yemen).
2.- Tổ chức al-Qaeda ở Iraq
3.- Tổ chức al-Qaeda tại Islamic Maghreb (bao gồm các quốc gia mới là Tây Sahara, Algeria, Tunisia, Libya và Mauritania.
4.- Tổ chức Harakat al-Shabaab Mujahideen ở Somalia.
5.- Tổ chức Thánh Chiến Hồi Giáo Ai-cập (Egyptian Islamic Jihad)
6.- Nhóm Tranh Đấu Hồi Giáo Libya (Libyan Islamic Fighting Group)
7.- Phong Trào Hồi Giáo Đông Thổ Nhĩ Kỳ (East Turkestan Islamic Movement) ở Trung Quốc.
 
Trong các tổ chức nói trên, tổ chức al-Qaeda ở Iraq và Somalia là mạnh nhất.
Thủ lãnh của al-Qaeda ở Iraq hiện nay là Abu Hamza al-Muhajir, còn gọi được gọi là al-Masri. Năm 1999, al-Masri đã sang Afghanistan tham gia huấn luyện tại trại al-Farouq gần Kandahar, nơi y gặp al-Zarqawi, lãnh tụ vừa bị Hoa Kỳ giết.
 
Al-Qaeda ở Iraq được khối Sunni yểm trợ đã từ bỏ chiến dịch tấn công đẩm máu vào các đền thờ Hồi Giáo của phái Shiite vì bị khối Hồi Giáo lên án. Họ đang xây dựng cơ sở khắp nơi và đợi Mỹ rút để cướp chính quyền. 
 
Tại Somalia, chính phủ Sheikh Sharif Sheikh Ahmed chỉ còn giữ được thủ đô Mogadishu nhờ quân của Ethiopia. Xung quanh thủ đô và trong cả nước đều do nhóm Hồi Giáo quá khích và al-Qaeda nắm giữ. Tại đây, al-Qaeda đã tạo ra mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với các khu vực khác của Châu Phi.
 
Hiện nay, al-Qaeda đang hoạt động tại khoảng 120 quốc gia, đặc biệt là tại Indonesia, Mã Lai, Thái Lan và Phi Luật Tân, mặc dầu chính phủ của các nước này đã đàn áp thẳng tay.
 
CON ĐƯỜNG PAKISTAN CHỌN
 
Trong bài “Đồng Minh lại tháo chạy” phổ biến vào tháng 2 năm 2009, chúng tôi đã viết:
Hiện nay tại Pakistan có khoảng 7 triệu người thuộc sắc tộc Taliban, cộng thêm khoảng 3 triệu người Taliban tỵ nạn ở biên giới Pakistan và Afghanistan. Do đó, Taliban và Al-Qaida đã biến vùng biên giới đầy núi non hiểm trở này thành hậu cứ và khu an toàn của kháng chiến quân. Hoa Kỳ đã yiểm trợ Tướng Pervez Musharrat lên làm Tổng Thống Pakistan với hy vọng ông sẽ hợp tác với liên quân trong việc tảo thanh kháng chiến quân, nhưng Tướng Musharrat đã không thể thực hiện được điều Hoa Kỳ muốn vì ba lý do chính sau đây: 
 
(1) Các nhóm Hồi Giáo ủng hộ kháng chiến quân Afghanistan cương quyến phản đối sự xâm nhập của liên quân vào Pakistan. 
 
(2) Taliban và Al-Qaida dọa nếu chính quyền Pakistan để cho liên quân xâm nhập vào biên giới Pakistan, họ sẽ biến Pakistan thành biển máu như ở Iraq. 
 
(3) Pakistan không bao giờ muốn diệt Taliban vì Taliban vốn là cánh tay mặt của Pakistan ở Afghanistan. Nếu liên quân thất bại, Pakistan sẽ lại yểm trợ Taliban lãnh đạo đất nước Afghanistan.
 
Bảy khu bộ tộc tự trị dọc biên giới Tây Bắc của Pakistan được coi là “thiên đường” cho al-Qaeda kể từ sau khi Taliban bị thất bại ở Afghanistan năm 2001. Đến năm 2009, lực lượng Taliban dần dần nắm quyền kiểm soát cả vùng thung lũng Swat của Pakistan sát biên giới, chỉ cách thủ đô Islamabad của Pakistan vài giờ xe. Chính phủ Pakistan đã ký một thoả thuận hoà bình với quân Taliban tại Swat hồi tháng 2/2010, cho phép áp dụng luật Sharia tại khu vực này. Hành động này đã bị Hoa Kỳ chỉ trích kịch liệt.
 
Trong năm qua, bị áp lực của Hoa Kỳ, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã ra lệnh mở các cuộc tấn công vào an toàn khu của Taliban. Sau đó, tổ chức khủng bố Syndicat đã liên minh với tổ chức al-Qaeda biến Pakistan thành vũng máu như họ đã dọa. Khi các cuộc tấn công giảm bớt, tình hình Pakistan trở lại yên tĩnh hơn. Vì bất đắc dĩ phải đi theo Mỹ, đã có 30.452 người Pakistan bị giết.
 
Trong vụ Bin Laden bị giết, chúng tôi không tin Hoa Kỳ đã hành động trên đất Pakistan mà chính phủ này không hay biết, vì nếu để Hoa Kỳ hành động theo kiểu này, còn gì là chủ quyền quốc gia?
 
Chúng tôi tin rằng đã có sự đồng ý giữa chính phủ Pakistan và chính phủ Hoa Kỳ, nhưng bên ngoài hai chính phủ phải giả vờ như Pakistan không biết để tránh những sự trả đủa nặng nề của al-Qaeda trên đất Pakistan.
 
Chúng tôi nhận thấy, mặc dầu đã nhận viện trợ khoảng 3 tỷ USD mỗi năm của Hoa Kỳ, các chính phủ Pakistan vẫn đặt quyền lợi của quốc gia Pakistan lên trên quyền lợi của Hoa Kỳ và giữ được thế tự chủ. Đó là một điều đáng khen.
 
Hiện nay, tranh luận bắt đầu nổi lên về vai trò của Pakistan. Chính phủ nước này bị tố cáo là đi nước đôi, tức là đã che chở cho Ben Laden. Nhưng rõ ràng chính quyền Obama muốn né tránh cuộc tranh cãi này. Không một ai trong chính quyền Washington lên tiếng chỉ trích Islamabad. Thậm chí Tổng Thống Obama và Ngoại trưởng Clinton còn ca ngợi công cuộc hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia. Có người cho rằng “đó chỉ là một cuộc hợp tác ảo”, nhưng chúng tôi tin đã có một sự hợp tác thật nhưng thăng trầm tùy theo tình hình từng giai đoạn. Nên nhớ, trong cuộc chiến chống khủng bố, Washington cần Islamabad hơn là Islamabad cần Washington.
 
Ngày 3.5.2011
Lữ Giang