"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 29. Oktober 2011

Đánh vào “gót chân Asin” của Trung Quốc

Nguyễn Tuấn Anh

Trung Quốc cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của mình như một con người. Nếu coi Trung Quốc ngày nay như “cái bóng” e rằng chỉ thấy điểm mạnh mà không dám thấy những điểm yếu của họ. Anh hùng như Asin cũng có tử huyệt nơi gót chân.

Tuy rất thích câu hỏi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đặt ra: “Việt Nam làm gì để phồn vinh cạnh “cái bóng” Trung Quốc?”, nhưng cá nhân người viết không muốn dùng từ “cái bóng”. Ít văn vẻ, cụ thể và bình đẳng hơn, câu hỏi có thể: “Việt Nam chọn chiến lược phát triển nào để phồn vinh bên cạnh sự trỗi dậy của Trung Quốc?”.


Trung Quốc từ lâu, đã là một “người khổng lồ”, lúc thăng, lúc trầm. Kể từ thời đổi mới bắt đầu bằng ông Đặng Tiểu Bình, cho đến khoảng từ những năm đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc bắt đầu cho thế giới thấy sự vươn dậy của một người khổng lồ sau giấc ngủ dài. “Người khổng lồ” đương nhiên là rất khỏe, nhưng cũng có những yếu điểm, chẳng thế mà chàng David bé nhỏ có thể hạ được gã khổng lồ Goliah.

Nói thế không phải ám chỉ Việt Nam có thể là chàng David bé nhỏ tài ba, mà chỉ muốn nhìn Trung Quốc như một người khổng lồ, cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của mình như một con người. Nếu coi Trung Quốc ngày nay như “cái bóng” e rằng chỉ thấy điểm mạnh mà không dám thấy những điểm yếu của họ. Anh hùng như Asin cũng có tử huyệt nơi gót chân.

Và như tác giả Cảnh Thái đưa ra ví dụ về các nước nhỏ nhưng giàu, đã song song tồn tại cùng phồn vinh bên cạnh sự lớn mạnh của Trung Quốc, như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhờ có những chiến lược, bước đi thông minh để thực sự phồn vinh cạnh một Trung Quốc khổng lồ.
Trung Quốc được ví như công xưởng của thế giới.

Việt Nam học được kinh nghiệm gì từ những nước đó? Chúng ta phát triển kinh tế chậm hơn, đi sau Trung Quốc trong đổi mới và mở cửa thị trường. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng, những điểm mạnh mà các nước Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đang có đều rất có thể sẽ không còn, nhất là khi Trung Quốc vươn mình. Bởi, bản thân Trung Quốc cũng đang đi trên con đường công nghiệp hóa rất giống những nước này, nhất là các mặt hàng công nghiệp điện tử, ôtô.
Trước khi suy nghĩ chiến lược phát triển của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc, thử tìm xem “người khổng lồ” này có những điểm mạnh, điểm yếu gì? Có hay không gót chân Asin trong con người người khổng lồ đó?

Đi tìm “gót chân Asin” của Trung Quốc

Dân số đông chính là điểm mạnh, điểm khác biệt lớn nhất của Trung Quốc mà cả thế giới thèm muốn, nhưng không nước nào có được.

Chính vì dân số đông nhất, là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc luôn chọn cho mình chiến lược sản lượng, nghĩa là lấy sản lượng lớn, để giảm giá thành sản xuất; từ đó, có sức cạnh tranh cực mạnh bằng chính sách giá trên toàn cầu. Từ điểm mạnh mang tính cốt lõi này, mà Trung Quốc có một loạt các điểm mạnh phát sinh khác như nhiều bài báo đã viết.

Như chúng ta biết, trong chiến lược sản xuất, kinh doanh người ta nói nhiều về hai chiến lược quan trọng: Chiến lược về giá thấp (cost strategy) và chiến lược về khác biệt (differentiation strategy). Với thị trường quá cỡ như Trung Quốc, một cách gần như tự nhiên, người ta sử dụng lợi thế giá rẻ của chính sách sản lượng (economies of scale) và tác dụng của đường cong kinh nghiệm (experience curve effects) với ý nghĩa, quy mô càng lớn, thì giá thành sản xuất càng giảm và càng sản xuất nhiều, kinh nghiệm nhiều, thì người lao động càng khéo và giảm chi phí sản xuất.

Trong khi đó, sẽ rất ít người dám dũng cảm, từ bỏ lợi thế trời cho đó, để theo đuổi chiến lược Khác biệt với ý nghĩa, tạo khác biệt cực mạnh và bán giá cao nhờ khác biệt đã được tạo ra. Liệu đó có thể là điểm yếu, là gót chân Asin của “người khổng lồ” Trung Quốc, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam len lỏi vào thị trường Trung Quốc?

Sẽ có người phản biện. Chẳng nhẽ người Trung Quốc không biết điều đó?

Không chỉ người khổng lồ, mà ai cũng có “gót chân asin”

Tất nhiên, họ biết. Song, biết là một chuyện, có dũng cảm cưỡng lại hay không lại là chuyện khác. Ngài David Ricardo (1772-1823), nhà kinh tế chính trị học cổ điển nổi tiếng người Anh, cha đẻ của thuyết Lợi thế so sánh (comparative avantage) đã có câu gợi ý: “Lợi thế so sánh” là cơ sở thúc đẩy tự do trao đổi thương mại giữa các quốc gia.

Nội dung cơ bản của thuyết có thể được giải thích thông qua một ví dụ đơn giản sau. Một nước A có thể sản xuất 2 mặt hàng a và b. Cả 2 mặt hàng đều mang lại lợi nhuận, nhưng sản xuất mặt hàng a mang lại lợi nhuận cao hơn mặt hàng b. Nước B cũng sản xuất mặt hàng b nhưng với chi phí cao hơn chi phí mà nước A bỏ ra đối với sản xuất mặt hàng b. Tuy nhiên, vì sản xuất mặt hàng a mang lại lợi nhuận cho nước A cao hơn là sản xuất mặt hàng b, cho nên, nước A sẵn sàng chỉ tập trung vào sản xuất mặt hàng a và nhập khẩu mặt hàng b từ nước B. Tổng kết lại, họ vẫn có lợi hơn là sản xuất cả hai mặt hàng a và b.

Chính vì vậy, mặc dù, Trung Quốc có thể sản xuất tất cả các mặt hàng, sản phẩm và đều có lợi hơn so với sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo xu hướng, lợi thế so sánh, họ sẽ chỉ tập trung vào những mặt hàng sản xuất mang lại lợi nhuận cao hơn, chấp nhận nhập một số mặt hàng từ Việt Nam. Mặc dù, nếu họ tự sản xuất, giá vẫn có thể thấp hơn. Chính vì vậy, dù có giá thành cao hơn, một số mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam vẫn có thể xuất sang Trung Quốc được.
Thực ra, ai cũng vậy, khi có một điểm cực mạnh, thì rất ít khi chúng ta từ bỏ điểm cực mạnh đó trong cạnh tranh. Đó cũng là cái bẫy chiến lược về giá thấp của một thị trường cực lớn như Trung Quốc.

Sẽ không nhiều người quan tâm đến chiến lược Khác biệt. Mà nếu có, và trong thực tế vẫn có những doanh nghiệp Trung Quốc theo đuổi chiến lược Khác biệt. Nhưng như vậy, vô hình chung, họ đã tự từ bỏ sở trường mạnh nhất của mình là giá rẻ. Và lúc đó, họ hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu và tính đặc sắc, khác biệt của sản phẩm.

Thị trường vĩ đại vừa là điểm cực mạnh, nhưng cũng chính là nguồn phát sinh gót chân Asin của Trung Quốc, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam len lỏi trong cơ thể người khổng lồ này.

Việt Nam nên làm gì?

Như vậy, thay vì cạnh tranh giá rẻ với Trung Quốc, Việt Nam nên tập trung vào đoạn thị trường bậc trung, về chất lượng, thương hiệu và giá cao hơn sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam nên cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc bằng chiến lược Khác biệt.

Thực ra, dù có muốn, Việt Nam cũng không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của một thị trường 1,3 tỷ dân. Giả sử, thành phần trung lưu Trung Quốc chiếm 20% dân số, thì thị trường mục tiêu đã là 260 triệu dân, gần bằng thị trường tổng thể của Mỹ với 310 triệu dân. Chắc chắn với sự phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất thế giới, số lượng dân tầng lớp Trung lưu của Trung Quốc sẽ tăng lên nhanh chóng.

Chẳng hạn, nhìn vào số lượng người mua ôtô Trung Quốc hàng năm sẽ thấy, nhu cầu của thị trường này là khoảng 15,8 triệu xe (năm 2010)(1). Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới(2). Người mua ôtô chắc chắn không phải là người nghèo. Chỉ tập trung vào thị trường bậc trung đã là quá đủ và bao la đối với các nhà sản xuất Việt Nam.

Như vậy một thị trường lớn gần bằng Mỹ, đang phát triển, ngay bên cạnh chúng ta, sẽ cho ta lợi thế rất nhiều, khi không phải chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ, giá đến tay người tiêu dùng sẽ cạnh tranh hơn một cách đáng kể, điều kiện hàng qua biên giới vào Trung Quốc cũng dễ hơn vào Mỹ và châu Âu rất nhiều.

Ngoài ra, bằng những sản phẩm đặc sắc của mình, nông, hải thủy sản, rau quả, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giầy dép bậc trung, chúng ta có thể hoàn toàn tự tin tìm ra đoạn thị trường mục tiêu phù hợp của mình trong 210 triệu người tiêu dùng bậc trung Trung Quốc.

Dùng chiến lược Khác biệt, nâng cấp các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, tránh cạnh tranh với các sản phẩm tương đương giá rẻ hiện có của Trung Quốc, sẽ là hướng đi hợp lý của chiến lược ngắn và trung hạn Việt Nam. Một điều cần lưu ý, là các nước gần Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đều hầu như không có các sản phẩm tương tự như của Việt Nam, chúng ta hầu như không gặp bất kể sức ép cạnh tranh nào ngoài Trung Quốc cho chính thị trường Trung Quốc.

Về dài hạn, khi đã hiểu kỹ người tiêu dùng Trung Quốc thông qua quá trình kinh doanh ngắn và trung hạn, chúng ta có thể phát triển những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, mong muốn của đoạn thị trường mục tiêu đã chọn.

Nhà nước nên lập ra một ban chuyên về Chiến lược phát triển thị trường Trung Quốc. Ban này có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Trung Quốc; hỗ trợ, xúc tiến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đồng thời tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng, thương hiệu các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Việt Nam nên cử các chuyên gia marketing, các đoàn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Trung Quốc. Trong vòng 1 năm, nếu thực sự chuyên tâm, chúng ta sẽ có các kết quả nghiên cứu tổng thể thị trường láng giềng. Từ đó, xây dựng các chiến lược marketing thâm nhập thị trường bậc trung Trung Quốc.

Một cách làm bài bản, đồng bộ, từ tốn, một chiến lược marketing khôn khéo (tham khảo chiến lược marketing của Hàn Quốc trong việc thâm nhập và phát triển thị trường) sẽ giúp chúng ta chinh phục thị trường bậc trung Trung Quốc. Bước đi ban đầu này là cực kỳ quan trọng, sai một ly, đi một dặm. Bằng ngân sách nhà nước, có thể tổ chức đấu thầu, thuê một vài nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường uy tín (Việt Nam và nước ngoài) tiến hành các chiến dịch nghiên cứu thị trường tại các địa bàn khác nhau của Trung Quốc.

Ngoài ra, trong 5 năm đầu, nhà nước nên hỗ trợ một mức % nào đó trên cơ sở doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp, dành cho chi phí nghiên cứu thị trường, hành vi tiêu dùng khách hàng Trung Quốc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.

Đương nhiên, bên cạnh doanh số xuất khẩu, các doanh nghiệp này phải trình báo cáo nghiên cứu thị trường của mình tại thị trường Trung Quốc, để ban Chiến lược phát triển thị trường Trung Quốc tập hợp thành tài liệu chung, phổ biến cho các doanh nghiệp có ý định xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khác.

Mỗi thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến..v.v… nên có các trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam. Hàng tháng, nên có các báo cáo nghiên cứu thị trường Trung Quốc, phổ biến đến các doanh nghiệp. Tăng cường các hội thảo chuyên đề phân tích về thị trường này. Mua lại các kết quả phân tích về Trung Quốc của các nghiên cứu thị trường lớn, có uy tín.

Điều quan trọng nhất vẫn là ý chí vươn lên của người lãnh đạo, người dân và các doanh nghiệp Việt Nam. Có hay không gót chân Asin, thuyết “Lợi thế so sánh” của David Ricardo có tuyệt đối đúng và còn đúng với thời nay hay không? Những hạn chế của thuyết này vẫn còn giá trị hay không? Tất cả những câu hỏi đó, chỉ có thể được trả lời bằng đúng sự chủ động, phấn đấu vươn lên của chúng ta trong việc tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng bậc trung Trung Quốc.
____________________
1. Nhật Minh (Theo Detroit News). “Thị trường Trung Quốc đáng để mạo hiểm” – Dân trí ngày 7/8/2010.
2. An Huy. Kinh tế thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc tới mức nào? Theo VnEconomy ngày 1/11/2010.
(Nguồn: VEF)