"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 25. Oktober 2011

CHẾ ĐỘ GADDAFI VÀ CS VN: TẬP ĐOÀN NÀO NẶNG TỘI HƠN?

Libya dưới chế độ độc tài Muammar Gaddafi tuy không theo chủ nghĩa cộng sản nhưng về bản chất lại có nhiều điểm tương đồng với chế độ cộng sản Việt Nam. Chế độ ấy đã cáo chung sau vụ hành quyết Gaddafi. Nhưng so với tập đoàn cộng sản VN thì chế độ nào gây ra nhiều tội lỗi cho dân tộc và đất nước hơn?
 
Ngày 21 tháng 10 năm 2011 sẽ được nhân dân Libya ghi nhớ như là một biến cố vui mừng lịch sử của dân tộc. Ðó là khi toàn dân reo hò được tin nhà độc tài Gaddafi đã bị quân kháng chiến bắn chết. Thi hài của nhà độc tài từng cai trị trong suốt 42 năm đã bị quần chúng phẫn uất, kéo lê khắp các nẻo đường. Khung cảnh thật khác biệt, so với những cuộc biểu tình dàn dựng náo nhiệt trước đây ủng hộ Gaddafi, lúc tập đoàn của ông còn nắm chính quyền tuyệt đối.


Khi quân kháng chiến Libya tiến chiếm thủ đô Tripoli vào hạ tuần tháng 8, số phận chế độ “Nhân dân Á Rập Libya Đại Xã Hội Chủ Nghĩa” của Gaddafi coi như cáo chung. Tuy nhiên phải đợi đến cái chết của nhà độc tài này được xác định, thì toàn dân Libya mới an lòng hướng tới tương lai.

Mặc dù ở 2 lục địa khác nhau, nhưng có rất nhiều điểm tương đồng giữa “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” và “Nhân Dân Á Rập Libya Đại Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Trước hết cả 2 đều sử dụng khái niệm xã hội chủ nghĩa như là một chiêu bài giả trá, nhằm bao che cho quyền lợi phe nhóm, làm giàu và biển thủ công quỹ trên đầu trên cổ nhân dân. Mang tiếng là xã hội chủ nghĩa, nhưng bất công xã hội còn tệ hại hơn các chế độ tư bản rất nhiều lần.
Kế tiếp, cả hai chế độ đều dàn dựng hằng ngàn ủy ban nhân dân “dỏm”, để cai trị bằng bàn tay sắt. Libya là một nước nhỏ khoảng 7 triệu dân, so với Việt Nam có 90 triệu. Nếu Libya có 2,700 ủy ban nhân dân địa phương, thì Việt Nam nhiều hơn gấp bội. Tuy là ủy ban nhân dân, nhưng thật sự người dân Libya cũng như Việt Nam đều không có dân quyền lẫn nhân quyền nào cả. 

Tất cả quyền lực đều nằm trong tay Gaddafi và một nhóm người trong Đại Hội Đồng Nhân Dân (General People’s Congress), Tổng Ủy Ban Nhân Dân (General People’s Committee) và Hội Đồng Lãnh Đạo Cách Mạng Libya (Libyan, Revolutionary Command, Council) do ông trực tiếp điều hành.

Hội Đồng Lãnh Đạo Cách Mạng này gồm 25 nhân vật, tương tự với Bộ Chính Trị của đảng CSVN. Tuy cả 2 chế độ đều sử dụng mỹ từ “nhân dân” luôn miệng, nhưng thực tế nhân dân chỉ là những nô lệ không công, cho chế đô toàn trị mà thôi.

Điểm tương đồng thứ ba, là cả 2 chế độ đều tôn sùng và đánh bóng các nhà lãnh đạo. CSVN thì đánh bóng tư tưởng Hồ Chí Minh. Libya đánh bóng tư tưởng Gaddafi trong cuốn sách màu xanh (the Green Book). Các học sinh từ bậc tiểu học tại 2 nước Việt – Lybia đã phải học tư tưởng của Gaddafi và Hồ Chí Minh.

Câu hỏi đặt ra là mặc dù cả 2 chế độ độc tài đều đã vì tham quyền cố vị mà gây tác hại lâu dài cho dân tộc họ, Nhưng tập đoàn Gaddafi hay CSVN, chế độ nào nặng tội hơn?

Xét về phương diện phát triển kinh tế, sau 42 năm lãnh đạo của tập đoàn Gaddafi, lợi tức trung bình của mỗi đầu người dân Libya năm 2010 là $10,783 Mỹ kim. Trong khi đó, tính từ năm 1975, CSVN đã lãnh đạo đất nước 36 năm, lợi tức đổ đầu dân Việt là $1,168 Mỹ kim. Tức chỉ bằng 1/10 Libya. Như vậy tập đoàn Gaddafi còn khá hơn CSVN gấp 10 lần.

Ðương nhiên CSVN sẽ biện luận rằng Libya là một quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu lửa, trong khi Việt Nam không có. Lập luận như thế là sai. Việt Nam cũng có tài nguyên thiên nhiên như : gang, đồng , kẽm, chì, thiết, vàng, nhất là đất đai phì nhiêu tiện lợi cho phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tài nguyên phong phú nhất không nằm trong thiên nhiên mà nằm trong bàn tay và khối óc của người dân. Với gần 5,000 năm văn hiến, dân Việt không thua kém bất cứ dân tộc Đông-Á nào, chẳng hạn như người Trung Hoa, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore hay Nam Hàn.

Ngoại trừ Trung Quốc theo chế độ CS, lợi tức trung bình taị Nam Hàn cũng đã đạt đến mức $20,590 Mỹ kim vào năm 2010. Phần lớn, nhờ vào khả năng lãnh đạo sáng suốt của cựu tổng thống Phác Chánh Hy và chế độ dân chủ Nam Hàn sau đó.

Giới trẻ Việt Nam có du học ngọai quốc đều nhận thức ra rằng, các sinh viên Việt đều có trí năng không kém, nếu không nói là vượt trội những sinh viên quốc tế khác. Bàn tay và khối óc của dân ta, qua sự trui rèn của lịch sử, không hề kém cỏi trên trường quốc tế. Chỉ vì hệ thống chính trị ngu si, tham lam và ương hèn của chế độ CSVN, mà ngày hôm nay dân ta mới cảm thấy tủi nhục trước bạo quyền TQ xâm lăng. Dân tộc chúng ta đang oằn oại trước quốc nạn tham nhũng tràn lan, luân thường đạo lý đảo lộn. Trong kỷ nguyên mới, Việt Nam đã trở thành 1 trong những quốc gia đội sổ trong danh sách, kém mở mang nhất thế giới.

Có nhìn rõ, chúng ta mới thấy đối với chính dân tộc mình, thì tội của CSVN còn nặng hơn tội của tập đoàn Gaddafi rất nhiều.

Tại Việt Nam, một khi chế độ sụp đổ, sẽ không còn các trò hề dân chúng ủng hộ các ứng cử viên như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và bè phái, từ 90% đến 100%. Không biết dân Việt Nam sẽ đối xử thế nào đối với một tập đoàn “hèn với giặc và ác với dân” như CSVN?

Đà Giang

21/10/2011