"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 11. Oktober 2011

Đối phó với “thánh chiến”

Lữ Giang

Chúng tôi xin nhắc lại, trong bài diễn văn nhận chức ngày 20.1.2009, Tổng Thống Barack Obama đã tuyên bố:
“Chúng ta hiện đang trong giữa cuộc khủng hoảng mà ai ai cũng biết. Đất nước chúng ta đang trong thời chiến, chống lại một mạng lưới bạo lực và thù hận rộng khắp, một phần là hậu quả của thái độ tham lam, vô trách nhiệm của một số người, nhưng cũng là hậu quả của việc chúng ta đã thất bại, không có những lựa chọn khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong kỷ nguyên mới.” 
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, sau khi giết được một vài cấp lãnh đạo hàng đầu của al-Qaeda, Tổng Thống Obama và các viên chức Hoa Kỳ đã nói đến những “thành tựu lớn lao” mà Hoa Kỳ đạt được trong chiến dịch chống khủng bố và tiên đoán các tổ chức khủng bố “đang trên bờ vực diệt vong”. Chúng ta hãy nhìn lại vài “thành tựu” này của Hoa Kỳ và từ đó thử nhìn xem cuộc chiến mà Hoa Kỳ đang theo đuổi sẽ đi về đâu.

NHỮNG THÀNH TỰU ĐƯỢC NÓI ĐẾN
Chúng ta nhớ lại trong buổi phát hình thực hiện vội vã tại Tòa Bạch Ốc tối Chủ Nhật 1.5.2011, Tổng Thống Obama long trọng loan báo:
“Tối nay tôi có thể thông báo cho dân chúng Hoa Kỳ và thế giới rằng Hoa Kỳ đã điều khiển một cuộc hành quân đưa đến hạ sát Osama bin Laden.”
Tổng Thống nói tiếp rằng "Osama bin Laden là một trùm khủng bố quốc tế, chịu trách nhiệm cho việc sát hại hằng ngàn thường dân vô tội," và cái chết của ông ta là "thành tựu lớn lao nhất từ trước tới nay" trong cuộc chiến của Hoa Kỳ chống lại mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Hôm 27.8.2011 một viên chức cao cấp của chính quyền Obama cho biết nhân vật lãnh đạo số 2 (second-in-command) của al-Qaeda là Atiyah Abd al-Rahman, đã bị hạ sát hôm 22.8.2011 trong vùng bộ tộc Waziristan thuộc miền tây bắc Pakistan. Viên chức này gọi cái chết của Rahman là “một sự mất mát to lớn đối với al-Qaeda” (a tremendous loss for al-Qaeda) và vụ hạ sát này đã “giáng một đòn nặng nề nữa vào tổ chức khủng bố mà Mỹ tin rằng đang trên bờ vực diệt vong”. 
Hôm 31.10.2011, Bộ Quốc phòng Yemen cho biết giáo chủ Anwar al-Awlaki, người có liên hệ với các lực lượng al-Qaeda ở Yemen, bị hạ sát cùng với nhiều phần tử hiếu chiến khác. Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leone Panetta nói rằng cái chết của Anwar al-Awlaki, một thủ lãnh hàng đầu của al-Qaeda, làm cho tổ chức khủng bố này khó có thể thực hiện những vụ tấn công qui mô lớn ở nước ngoài.
Nhìn lại, trong ba cái chết nói trên, cái chế của Anwar al-Awlaki là quan trọng nhất. Trong những năm trước khi bị giết, Osama bin Laden chỉ là một cái bóng mờ. Atiyah Abd al-Rahman chỉ hoạt động trong vùng Afghanistan và Pakistan. Anwar al-Awlaki mới là người chủ trương các hoạt động khủng bố có tầm vóc quốc tế. Ngày 9.2.2011, Trung tâm Chống khủng bố quốc gia của Mỹ đã khẳng định rằng mối đe dọa lớn nhất tới an ninh nước Mỹ hiện tại không phải là Osama bin Laden, mà là trùm khủng bố Anwar al-Awlaki. Còn CIA tuyên bố Anwar al-Awlaki là trùm khủng bố "tàn độc hơn cả Bin Laden". Vậy chúng ta thử nhìn qua cuộc đời và hoạt động của Anwar al-Awlaki trước khi thẩm định cuộc chiến đang đi về đâu.
VÀI NÉT VỀ ANWAR AL-AWLAKI
Anwar al-Awlaki sinh ngày 22.4.1971 tại Las Cruces, bang New Mexico, Hoa Kỳ, trong một gia đình trí thức người Mỹ gốc Yemen. Cha là Nasser al-Awlaki lúc đó đã có bằng M.A. Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học New Mexico. Năm 1977, ông đậu tiến sĩ tại Đại học Nebraska và làm việc tại Đại học Minnesota. Một năm sau, cả gia đình Nasser quyết định trở về Yemen. Khi đó Anwar al-Awlaki mới 7 tuổi.
Với học vị của mình, về Yemen ông Nasser được cử giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp Yemen, sau đó làm Viện trưởng Trường đại học Sana'a và trở thành thành viên chủ chốt trong đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc Yemen của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.
1.- Con đường thăng tiến
Với địa vị của cha mình, Anwar al-Awlaki được học hành đàng hoàng. Năm 1991, khi 20 tuổi, al-Awlaki nhận được học bổng của chính phủ Yemen trở lại Mỹ theo học khoa Công Trình Xây Dựng tại Đại học bang Colorado và năm 1994 đậu bằng cử nhân tại đây, rồi qua California học và đậu bằng M.A. về Giáo Dục tại Đại Học San Diego. Anh chuyển qua George Washington University học về môn Phát Triển Nguồn Nhân Lực và đậu tiến sĩ năm 2001.
2.- Chọn hướng đi cho cuộc đời
Trong khi al-Awlaki đang học đại học ở Colorado, nhờ vào khả năng hùng biện và tài tổ chức, al-Awlaki đã được bầu làm Chủ tịch "Hiệp Hội Sinh Viên Hồi Giáo". Mùa hè năm 1993, với danh nghĩa của hội này, al-Awlaki đã đến Afghanistan họp với nhóm "Chiến binh thánh chiến Hồi Giáo” (Jihadists) và khi trở về, con người al-Awlaki hoàn toàn thay đổi. Ông luôn đội khăn trùm kiểu Afghanistan và chủ trương "thánh chiến" (Jihad). 
Năm 1994, sau khi cưới vợ, al-Awlaki chuyển sang làm thầy tế ở Hiệp hội Hồi giáo tại thành phố Denver, Colorado. Hai năm sau, anh ta lại chủ trì một nhà thờ Hồi giáo tại San Diego, California.
 Sống ở Mỹ 21 năm, FBI chẳng để ý gì đến al-Awlaki. Sau biến cố 11.9.2001, al-Awlaki còn xuất hiện trên truyền hình Mỹ lên tiếng chỉ trích các phần tử cướp máy bay để thực hiện vụ khủng bố kinh hoàng này. Tờ New York Times lúc đó đã ca ngợi al-Awlaki là "lãnh tụ Hồi giáo thế hệ mới có thể dung hòa phương Đông và phương Tây". Nhưng ít lâu sau, qua các cuộc điều tra, FBI phát hiện al-Awlaki có mối quan hệ rất gần gũi với các phần tử không tặc và anh ta đã bị FBI thẩm vấn ít nhất 4 lần ngay sau đó. FBI thấy 3 tên có mặt trên chuyến bay đâm vào Ngũ Giác Đài là Awaf al-Hazmi, Khalid al-Mihdhar và Hani Hanjour đã từng tham gia Hiệp hội Hồi giáo do al-Awlaki lãnh đạo và nghi al-Awlaki là "lãnh tụ tinh thần" của nhóm khủng bố này, nhưng không có đủ bằng chứng nên không thể kết tội al-Awlaki được.
Năm 2004, al-Awlaki trở về Yemen làm giáo sư tại một trường đại học nổi tiếng. Tháng 8/2006, al-Awlaki bị chính quyền Yemen bắt giam 18 tháng vì nghi ngờ tiến hành các hoạt động khủng bố. Trong tù, al-Awlaki nghiên cứu tác phẩm "Hội Huynh Đệ Hồi giáo" của Sayyid Qutb, một nhân vật được coi là "người sáng lập phong trào thánh chiến chống phương Tây đương đại", bị treo cổ năm 1996 vì trợ giúp hoạt động lật đổ chính phủ Ai Cập.
3.- Dấn thân vào khủng bố
Sau khi ra tù, al-Awlaki bắt đầu lợi dụng mạng Internet để tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố và được mệnh danh là "Osama bin Laden mạng".
Cũng giống như bin Laden, al-Awlaki có giọng nói chậm rãi, khá truyền cảm. Ông có trình độ văn hóa cao, lại thông thạo tiếng Anh và tiếng Arập nên những lời truyên truyền của ông có giá trị thuyết phục cao. 
Ông lại hiểu rõ phương Tây và Mỹ nên có thể phân tích chính xác ưu điểm và nhược điểm của họ, nhất là những bất cập của họ, đồng thời còn dẫn dụ rất khéo léo cho luận điểm của mình.
Tuy nhiên, FBI và CIA vẫn chủ quan, coi al-Awlaki chỉ là “lý thuyết gia” chứ không biết hành động. Mãi tới tháng 11/2009, khi xảy ra vụ nổ súng bừa bãi ở Fort Hood, Texas, làm chết 13 người, FBI mới giựt mình khi khám phá ra thủ phạm vụ xả súng là Thiếu tá quân y Nidal Malik Hasan đã từng liên lạc qua điện thư với al-Awlaki 18 lần. Sau đó, al-Awlaki còn công khai tuyên bố: "Nidal Malik Hasan là một anh hùng, chiến đấu với quân đội Mỹ là trách nhiệm của một tín đồ Hồi giáo!".
Năm ngoái, Anwar al-Awlaki đã ngang nhiên thành lập một website bằng tiếng Anh để tuyển mộ tân binh ủng hộ thánh chiến. Tiếp đó, trong tháng 7, một tạp chí tiếng Anh có tên gọi Inspire (Cảm hứng) được tổ chức "Al-Qaeda trên Bán Đảo Arập” (Al-Qaeda in the Arabian Peninsula) cho xuất bản để kết hợp các tổ chức khủng bố của al-Qaeda tại Yemen và Saudia Arabia. Tờ tạp chí có dáng vóc không khác gì các tạp chí của Tây phương, nhưng ở trang bìa có những cái tít giựt gân như: "Có thể chờ đợi điều gì từ cuộc thánh chiến?", "Hãy chế tạo bom ngay tại bếp của mẹ", v.v...
Anwar al-Awlaki và các phần tử khủng bố của al-Qaeda tại Pakistan, Somalia đã chiêu mộ được nhiều phần tử vũ trang với quy mô lớn hơn cả thời kỳ Osama bin Laden.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội, bà Janet Napolitano, Bộ trưởng An ninh Quốc Nội Mỹ đã nói: “Anwar al-Awlaki là nhân vật đứng đầu Chi nhánh mạng lưới khủng bố al-Qaeda trên Bán Đảo Arập (AQAP) đóng ở Yemen”.
4.- Hoa kỳ tìm và diệt al-Awlaki
Đầu năm 2010, Cơ quan Tình báo Mỹ đã liệt Anwar al-Awlaki vào danh sách các phần tử cần phải "tìm và diệt". Ngày 6.11.2010, Tòa án Yemen đã ra trát truy nã al-Awlaki. Ngày 17.1,2011, Tòa án An ninh Yemen đã xử vắng mặt al-Awlaki 10 năm tù giam vì tội danh "kích động công chúng tiêu diệt người nước ngoài". Tờ New York Times ngày 7.4.2011 đã tiết lộ rằng chính Tổng thống Obama đã đích thân hạ lệnh "tiêu diệt" al-Awlaki. Ông Robert Gibbs, phát ngôn viên của Tổng thống Obama, từng tuyên bố rằng Washington không tiếc công sức để truy bắt Anwar al Awlaki.
Anwar al-Awlaki bị cáo buộc những tội sau đây:
(1) Tuyển dụng và chuẩn bị cho Umar Farouk Abdulmutallab, người Nigeria, đánh bom bất thành một máy bay chở khách tới Detroit vào hôm Giáng sinh 2009.
(2) Chỉ đạo một âm mưu bất thành, định cho nổ tung hai máy bay vận tải ở Mỹ bằng chất nổ giấu trong hộp mực máy in vào năm 2010.
(3) Khuyến khích Thiếu Tá Nidal Malik Hasan, một người Mỹ gốc Palestine, trong việc tiến hành vụ giết hại tại căn cứ không quân Hoa Kỳ ở Fort Hood, Texas, làm 13 người chết và 29 người bị thương vào ngày 5.11.2009.
(4) Tạo cảm hứng cho một kẻ tiến hành vụ đánh bom bất thành tại quảng trường Times của New York trong năm 2010.
(5) Tạo cảm hứng khiến một phụ nữ Anh đâm dân biểu Stephen Timms đại diện cho khu vực cử tri của ông vì ông này có quan điểm ủng hộ cuộc chiến Iraq,
(6) Âm mưu sử dụng các loại chất độc, kể cả chất xyanua và chất ricin, trong các cuộc tấn công, liên tục kêu gọi việc giết hại người Mỹ, và nói trong một video trực tuyến rằng họ đều thuộc "lũ ma quỷ".
Nhưng tiêu diệt al-Awlaki không phải dể. Cơ quan an ninh Yemen cho biết al-Awlaki đang trú ẩn tại khu vực vùng núi thuộc tỉnh Shabwah, ở phía nam Yemen. Mỹ đã điều động lực lượng đặc nhiệm thường xuyên sục sạo khu vực này. Máy bay không người lái của Mỹ cũng đã liên tục tiến hành không kích các khu vực được cho là al-Awlaki có thể lẩn trốn nhưng không kết quả. 
5.- Ngày tận số đã đến
Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, một máy bay của Hoa Kỳ đã hạ sát được al-Awlaki. Cho đến nay, các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ vẫn chưa cho biết al-Awlaki đã bị hạ sát như thế nào và trong trường hợp nào, nhưng một viên chức an ninh cao cấp dấu tên của Yemen tiết lộ rằng al-Awlaki đã bị giết khi đang di chuyển giữa hai tỉnh Marib và al-Jawf ở phía bắc Yemen, trong khu vực mà al-Qaeda đang hoạt động, ở đó chính quyền trung ương không thể kiểm soát được. 
Viên chức này nói các nhân chứng cho biết al-Awlaki đang di chuyển trên một chiếc xe pick-up với 6 người khác trên đường gần tỉnh Marib. Họ ngừng để ăn sáng trong rừng. Họ ngồi trên đất để ăn và bị ong đốt, họ chạy tới chiếc xe truck. Một hỏa tiển Hellfire đã bắn trúng chiếc xe truck và tất cả những người trong xe đã bị giết. Ngoài al-Awlaki và những người cận vệ còn có Samir Khan, một người Mỹ gốc Yemen. Một viên chức chống khủng bố của Mỹ nói rằng al-Awlaki là mục tiêu của vụ hạ sát, còn Samir Khan không phải là mục tiêu trực tiếp.
Những chi tiết được tiết lộ cho thấy nhân viên tình báo Yemen đã bám sát được al-Awlaki trong cuộc di chuyển nói trên.
CON ĐƯỜNG CÒN DÀI VÀ CHÔNG GAI
Qua các tài liệu được tiết lộ, chúng ta thấy Anwar al-Awlaki đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện khủng bố tại nhiều nơi, nhưng cho rằng giết được al-Awlaki và Atiyah Abd al-Rahman là các tổ chức khủng bố “đang trên bờ vực diệt vong” là đã đi quá xa. Như chúng tôi đã nói, al-Qaeda không phải là một tổ chức được lãnh đạo thống nhất. Đó là những đơn vị tự trị được lãnh đạo riêng rẻ. Các đơn vị này có thể liên kết hay hổ trợ nhau, nhưng không phải là một khối thuần nhất. Bin Laden đã từng tuyên bố:
Không có một tổ chức bao trùm. Chúng tôi muốn thành lập một thực thể huyền thoại được gọi là al-Qaeda ở trong đầu óc chúng tôi, nhưng không phải là một thực tế mà chúng tôi quan hệ với”.
Atiyah Abd al-Rahman chỉ là “regional commander” của vùng Pakistan và Afghanistan, còn al-Awlaki là “regional commander” chỉ huy nhóm Thánh Chiến Hồi Giáo Yemen (Islamic Jihad of Yemen). Al-Awlaki không phải là người chỉ huy al-Qaeda trên Bán Đảo Arập như một vài tài liệu đã nói. Người chỉ huy hiện nay là Nasser al-Wuhayshi, một cựu cố vấn người Yemen của Osama bin Laden. Như vậy, lãnh tụ của một vùng bị giết ít ảnh hưởng đến các vùng khác.
Không phải chỉ al-Awlaki và al-Rahman nằm trong danh sách bị truy nã gắt gao (the most wanted) của cơ quan tình báo Mỹ. Hiện nay, còn có 30 nhân vật quan trọng đang bị truy nã. Đặc biệt, Adnan Gulshair el Shukrijumah, người Mỹ gốc Saudia Arabia,  sinh ngày 4.8.1975, một kỹ sư điện toán ở Florida, được FBI mô tả là “một người nguy hiểm nghiêm trọng đối với an ninh Hoa Kỳ” (a grave danger to the security of the United States). Anh ta đã được huấn luyện về chuyên viên kỹ thuật nguyên tử và phi công, được cả bin Laden lẫn Ayman al-Zawahiri (người thay thế bin Laden) coi là người sẽ chỉ huy tại mặt trận của một cuộc tấn công Hoa Kỳ kế tiếp. Thế nhưng đến nay Mỹ vẫn chưa hạ sát được.
Điều đáng quan tâm là có rất nhiều thành phần trí thức Hồi Giáo đã tự nguyện hoạt động cho al-Qaeda, hoạch định các kế hoạch hành động và lãnh đạo hành động. Còn các thành phần tình nguyện làm “con thiêu thân” thì vô số kể.
Ngoài tổ chức và kế hoạch hành động tinh vi, các nhóm khủng bố Hồi Giáo còn có quyết tâm thực hiện mục tiêu của họ, đó là lòng cuồng tín tôn giáo.
Một cuốn video được công bố cho thấy Mohammad Sidique Khan trước khi cùng 6 người khác mang bom tấn công tự sát tại ga tàu điện ngầm Edgware Road ở London hôm 7.7.2005, đã tuyên bố rằng anh ta “rất hạnh phúc khi chiến đấu vì sự nghiệp” của các thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda như Osama bin Laden, Ayman al-Zawahiri, Abu Musab al-Zarqawi (thủ lĩnh al-Qaeda tại Iraq) và những chiến hữu khác. Sidique Khan đã chết cùng với 6 người khác và làm 120 người bị thương.
Trong một cuốn video khác được phổ biến trên đài truyền hình Al-Aqsa TV và website memritv.org của Hồi Giáo ngày 2.5.2008, ông Sheik Ali Al-Faqir, cựu Bộ Trưởng Tôn Giáo của Jordan đã thề sẽ chinh phục Tây Ban Nha và Roma và tuyên bố: “Nước Mỹ và Cộng Đồng Âu Châu sắp đến ngày tận số” (America and the EU will soon come to an end). “Chúng tôi sẽ cai trị thế giới như Tiên tri Muhammad đã nói” (We will rule the world, as has been said by the Prophet Muhammad).
Nước Mỹ đang phải đối đầu một cách vất vả với các tổ chức và kỹ thuật khủng bố tinh vi, thiên hình vạn trạng và có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu của al-Qaeda, nhưng đối đầu với niềm tin tôn giáo của Hồi Giáo còn khó hơn. Chính niềm tin đó đã nuôi dưỡng và kích thích tin thần đối kháng. Việc dùng vũ lực để xâm chiếm các mỏ dầu ở Iraq và Libya vì quyền lợi của nước Mỹ đã đẩy sự đối kháng lên cao hơn. Mỹ và các nước Tây phương đang phải huy động toàn lực để ngăn chận. 
Trong 10 năm qua, đã có ít nhất 35.000 người trên thế giới bị kết tội khủng bố. Riêng ở Mỹ, hơn 2.930 người bị bắt và gần 2.570 người bị kết án, nhiều hơn 8 lần so với thập kỷ trước.
Thống kê cho biết tính đến tháng 10/2010, ở Iraq đã có gần 110.000 chết trong cuộc chiến chống khủng bố, còn ở Afghanistan là hơn 34.000 người. Về quân viễn chinh, đã có 4.474 lính Mỹ tử nạn tại Iraq và gần 1.800 lính hy sinh tại Afghanistan. Chi phí quân sự cho 3 chiến trường Afghanistan, Iraq và Pakistan đã ngốn hơn 1.300 tỷ USD. Nhưng tạp chí Finacial Time nhận định rằng chính cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đã làm cho chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh hơn.
Con đường chống khủng bố còn dài và chông gai, nhưng người Mỹ vẫn tin rằng sức mạnh có thể khống chế được niềm tin!