"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 8. Dezember 2011

Hàng trăm chuyến bay bị huỷ vì ô nhiễm ở Bắc Kinh

Bích Vân

 
Bầu không khí ở Bắc Kinh ngày 5/12 bị ô nhiễm (ở một mức độ mà toà đại sứ Hoa kỳ phải đánh giá là nguy hiểm) đã khiến giới có thẩm quyền tại Bắc Kinh phải ra chỉ thị huỷ bỏ hàng trăm chuyến bay, với nguyên nhân chính thức là “vì sương mù!” Đây là tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất chưa từng thấy, mà các giới chức địa phương bấy lâu vẫn xem thường mức độ nguy hiểm này. Ngày chủ nhật 4/12 có gần 400 chuyến bay bị huỷ; sáng thứ hai 5/12 lại thêm 130 chuyến bay nội địa và quốc tế phải dời lại sang một ngày khác khiến hàng ngàn hành khách bị kẹt tại phi trường Bắc Kinh. 

Các đám mây dầy màu xám bao trùm toàn thủ đô Bắc Kinh và không khí mù mịt cũng đã buộc nhà chức trách phải đóng chặn những tuyến đường xa lộ chính nối liền với miền Bắc Trung quốc. Mức độ không khí ô nhiễm tại Bắc Kinh càng ngày càng trở nên trầm trọng thêm với lượng khí thải của hàng trăm nhà máy nhiệt điện đốt bằng than, cộng thêm vô số các nhà máy công nghiệp rải rác khắp thủ đô và khói xe (năm 2011 có thêm 240 000 xe ô tô được phép lưu thông cùng với 5 triệu xe đang chen chúc trên những đường phố của thủ đô Bắc Kinh). 


Hoa kỳ đang chuẩn bị rút hết quân ra khỏi Iraq
 
Sau hơn 8 năm tham chiến tại Iraq, quân đội Hoa kỳ đang sửa soạn để rút hết toàn bộ lực lượng về nước. Theo lời một phát ngôn viên của bộ Quốc phòng Iraq công bố trên đài truyền hình quốc gia, 10 500 binh sĩ Hoa kỳ từ đây cho đến tháng 12 sẽ lần lượt rời khỏi Iraq theo đúng kế hoạch. Từ khi cựu Tổng thống George W. Bush bắt đầu cuộc chiến tại Iraq vào mùa Xuân 2003, dẫn đến việc lật đổ chế độ độc tài và cái chết của Saddam Hussein, tổng cộng có hơn 4 600 binh sĩ Hoa kỳ đã thiệt mạng tại chiến trường Iraq. 


Monti nhất quyết bắt dân Ý phải thắt lưng buộc bụng
 
Thủ tướng Mario Monti vừa đệ trình lên Thượng và Hạ viện Ý một chương trình cải tổ và “thắt lưng buộc bụng” để tiết kiệm 24 tỷ euros, nhằm mục đích cứu nước Ý ra khỏi cơn khủng hoảng về nợ nần và tài chánh. Và đã được quốc hội Ý đồng ý phê chuẩn. Với chương trình tiết kiệm, Thủ tướng Monti thông báo sẽ cắt giảm (mạnh tay) các chi tiêu công cộng, tăng thuế (đặc biệt tăng nhiều trong lãnh vực bất động sản) và sẽ cải cách lại lương hưu, mặc dù gặp phải sự phản đối khá mãnh liệt của các công đoàn.

Syria vẫn “phớt lờ” trước sự cảnh cáo của Liên đoàn Ả-rập

Nhà cầm quyền Syria vừa bỏ lỡ cơ hội tránh thoát các biện pháp trừng phạt của Liên đoàn Ả-rập. Một phát ngôn viên của Uỷ ban các bộ trưởng Ả-rập cho biết ngày 4/12 là thời hạn cuối cùng để Syria ký nghị định thư cho phép các quan sát viên quốc tế được đến tận nơi giám sát diễn tiến các cuộc biểu tình, vì LHQ nghi ngờ rằng dưới sự đàn áp của nhà cầm quyền Syria, tổng cộng đã có hơn 4000 người bị thiệt mạng trong vòng 8 tháng rưỡi vừa qua.
Thời hạn chót để Syria chấp nhận lời đề nghị của Liên đoàn Ả-rập (là đồng ý cho Liên Hiệp Quốc gửi các quan sát viên đến Syria) đã trôi qua. Vẫn không thấy chính phủ Syria gửi một phái đoàn nào đến Doha (thủ đô của Qatar) để ký kết. Có nghĩa là Syria vẫn khăng khăng không chấp nhận sự can thiệp của cộng động quốc tế. Không những thế, theo lời của một viên chức cao cấp tại Qatar, nhà cầm quyền Syria còn đòi hỏi “phải giải thích rõ hơn nữa các điều khoản trong nghị định thư mà Liên đoàn Ả-rập đã đề nghị!” Trước đó, một nhà phân tích tại Damascus (thủ đô của Syria) cũng đã tiên đoán “rất ít hy vọng để Tổng thống Bashar al-Assad đồng ý cho phép các quan sát viên đến Syria theo các điều kiện mà Liên đoàn Ả-rập đưa ra”.

Iran doạ giá dầu sẽ tăng đến 250 mỹ kim/thùng nếu quốc tế trừng phạt Iran

Arsalan Fathipour, Trưởng ban kinh tế của quốc hội Iran, đe doạ giá dầu sẽ tăng đến 250 mỹ kim/1 thùng nếu Hoa kỳ và Liên minh Âu châu nhất quyết thực thi các biện pháp trừng phạt Iran, bao gồm cả việc phong toả lãnh vực buôn bán dầu và gaz của Iran. Đầu tháng 12, Liên minh Âu châu đã mở rộng danh sách các công ty và doanh nhân bị ảnh hưởng bởi các biện phạt trừng phạt Iran vì đã dính líu đến các chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử tại Iran. Cùng lúc, Thượng viện Hoa kỳ cũng biểu quyết những biện pháp phong toả ngân hàng trung ương của Iran chuyên về các chuyển ngân trong lãnh vực dầu khí, mặc cho sự phản đối từ phe phái của Tổng thống Obama vì lo ngại một sự biến động trên thị trường dầu khí vốn dĩ đang chao đảo. Trung quốc, Ấn-độ, Nhật. Nam Hàn và Thổ-nhĩ-kỳ là những khách hàng thường xuyên mua dầu của Iran nhiều nhất. Ngoài ra mỗi ngày Iran cũng bán 450.000 thùng dầu (gần 18% số lượng dầu xuất cảng) cho các quốc gia thuộc Liên minh Âu châu, chủ yếu là Pháp, Ý và Tây-ban-nha (theo các dữ liệu của EIA = Energy Information Administration = Bộ Năng lượng Hoa kỳ).

Những căng thẳng xung quanh vấn đề Iran, là quốc gia sản xuất dầu khí đứng thứ nhì của OPEC chỉ sau Ả-rập Saudi, đã đẩy giá dầu lên cao trong những ngày gần đây [quân đội Iran vừa bắn hạ một drone (máy bay dọ thám không người lái) của Hoa kỳ ở vùng phía đông Iran. Cộng thêm sự kiện những người biểu tình phá hoại toà đại sứ Anh quốc tại thủ đô Teheran, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Ali Akbar Salehi của Iran cương quyết không chịu xin lỗi chính phủ Anh về việc này, dẫn đến căng thẳng và bế tắc ngoại giao giữa hai quốc gia. Nước Úc cũng vừa công bố ngày 5/12 sẽ xiết chặt lệnh trừng phạt Iran, hạn chế thương mại, các lãnh vực tài chánh và dầu khí. Theo lời của ông Ngoại trưởng Kevin Rudd, các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào những cá nhân dính líu tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran: “Iran phải tuân thủ các yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA = International Atomic Energy Agency), và Iran phải hợp tác, khai rõ với cộng đồng quốc tế về các chương trình chế tạo nguyên tử của mình”. 


“Tình đoàn kết thắm thiết” giữa Paris và Bá Linh
 
Pháp và Đức quốc, “trong tình hữu nghị thắm thiết”, cùng xác nhận sẵn sàng thực hiện mọi giải pháp cần thiết để “bảo đảm sự ổn định trong khu vực đồng euro” sau khi cơ quan đánh giá Standard and Poor’s gửi cảnh báo giảm điểm tài chánh (vì nợ nần) của 6 quốc gia trong khu vực xử dụng đồng euro, gọi là AAA. Trong một bản thoả hiệp chung được công bố ngày 5/12 tại Paris, Đức quốc và Pháp quốc cùng tuyên bố sẽ lưu ý đến việc xem xét những cảnh báo dành cho những quốc gia trong Liên minh Âu châu bị Standard and Poor’s ghi vào sổ đen vì thâm thủng vượt quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). trong số này có cả Pháp lẫn Đức. Bà thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng tái khẳng định những đề xuất mà cả hai nước cùng đưa ra sẽ tăng cường sự quản trị trong khu vực Âu châu để khôi phục lại lòng tin tưởng vào đồng euros, sự ổn định, khả năng cạnh tranh và sự tăng trưởng kinh tế.

Các chi tiết của bản thoả hiệp sẽ được đệ trình lên ông Herman Van Rompuy, chủ tịch của Hội đồng châu Âu để sau đó chuyển đến các nhà lãnh đạo của Liên minh Âu châu. Cả hai nước Pháp và Đức hy vọng sẽ được sự chấp thuận của 27 quốc gia thành viên trong khối Âu châu, nhưng nếu chỉ có 17 nước đồng ý bản thoả hiệp thì cũng sẽ đủ để Pháp và Đức hài lòng và tiến hành ngay “những gì cần phải làm”!

Hoa kỳ nghi ngờ bầu cử gian lận tại Nga

Jay Carney, phát ngôn viên của Toà Bạch Ốc, trong buổi họp báo thường nhật cho biết Hoa kỳ có những nghi ngờ nghiêm trọng về cách thức cuộc bầu cử quốc hội vừa diễn ra tại Nga ngày chủ nhật 04/12 vừa qua. Và những nghi ngờ này không phải là vô căn cứ. Khoảng 5000 người dân Nga đã xuống đường biểu tình tối ngày 05/12, mặc dù không được phép và phải tuần hành trong cơn mưa lớn lạnh buốt, để phản đối sự gian lận bầu cử (trong khi đó cảnh sát Nga lại cho rằng chỉ có khoảng 2000 người đi biểu tình). Đám đông hô lớn những khẩu hiệu như: “Nước Nga không cần Putin!”. Chỉ riêng tại thủ đô Mạc-tư-khoa, nhà chức trách đã bắt tống giam khoảng 300 người chống đối, trong số này có Alexej Nawalny (người viết blog nổi tiếng từng tố cáo tệ nạn tham nhũng trong nội bộ chính phủ Nga) và chính trị gia đối lập Ilja Jaschin; rất có thể họ sẽ bị giam giữ trong 2 tuần.

Phần lớn những người biểu tình thuộc giới trẻ, hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình qua những trang mạng xã hội. Đây có thể xem là cuộc biểu tình lớn hiếm thấy tại Nga, quy tụ hàng trăm người chống đối chính phủ. Dưới con mắt của họ, đảng Nga Thống Nhất và Putin cùng “bộ sậu” (vừa giành được 238 trong tổng số 450 số phiếu tại cuộc bầu cử hạ viện) chỉ là một bè lũ bịp bợm và ăn cắp! Bộ Nội Vụ của Nga, ngày 6/12 đã phải chỉ thị cho các lực lượng đặc biệt đến thủ đô Mạc-tư-khoa để giữ gìn an ninh trật tự.


Thaksin không được ân xá
 
Thaksin Shinawatra (có người em gái đang nắm chính quyền tại Thái Lan từ 5 tháng nay), cựu Thủ tướng của Thái Lan hiện đang sống lưu vong, không nằm trong danh sách những người được hưởng lệnh ân xá theo tục lệ hàng năm như vẫn thường thấy vào tháng 12, nhân dịp lễ sinh nhật của vua nước Thái.

Thaksin, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2005, vẫn phải sống lưu vong tại ngoại quốc để tránh bị toà án Thái Lan kết án hai năm tù vì tội tham nhũng.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt những cuộc tấn công đẫm máu tại Yemen

Ravina Shamdasani, phát ngôn viên của Cao uỷ Nhân quyền LHQ, ngày 6/12 đã kêu gọi tất cả phe phái tại Yemen phải chấm dứt những cuộc tấn công các thường dân và yêu cầu nhà cầm quyền Yemen cho phép các tổ chức nhân đạo và các quan sát viên về nhân quyền được nhập cảnh: “Chúng tôi lên án những cuộc đàn áp thường dân một cách dã man, đặc biệt là tại Taizz mà theo những tin tức chúng tôi được biết, vừa có 22 người bị thiệt mạng trong những trận nổ súng và nổ bom từ những ngày đầu tháng 12. Mặc dù đã có sự cam kết của nhà cầm quyền Yemen hứa sẽ cho điều tra những vi phạm về nhân quyền, thế mà các lực lượng quân đội Yemen vẫn tiếp tục đàn áp dân chúng, và việc xử dụng vũ lực không cân xứng như vậy thật là một điều đáng xấu hổ!”

Theo lời các nhân chứng, các lực lượng trung thành với đương kim Tổng thống Ali Abdallah Saleh vừa tái đắc cử (lên ngôi Tổng thống cai trị Yemen từ năm 1978) đã nã súng vào một phụ nữ trong đám biểu tình ngày 5/12 tại tỉnh Taizz.