"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 11. Februar 2012

Đất và nông dân


Trung bình mỗi năm, cả nước mất khoảng 50.000 ha đất nông nghiệp cho các nhu cầu phi nông nghiệp

Cũng chỉ vì Đất mà hàng chục ngàn nông dân giờ đây là nạn nhận của bọn cường hào đỏ. Bọn chúng bất kể người có ruộng đất nầy là ai!
Có rất nhiều "bà mẹ Việt Nam Anh Hùng" giờ đây phải chầu chực ở những nơi gọi là: "văn phòng tiếp dân" để khiếu kiện. Bọn cường hào đỏ nầy là ai?
Xin thưa! Đó là  những thằng con mà Mẹ một thời cưu mang trong những ngày chiến tranh ác liệt.
Giờ, công đã thành, danh đã toại... thì chính mẹ lại là nạn nhân của những đứa con mà mẹ một thời che chở cưu mang. Còn đau khổ nào, còn bất nhân nào hơn?
Có nhiều bà mẹ vì bức xúc quá nên thốt lên những lời như: "Biết bọn bây ngày nay ăn cháo đái bát như thế nầy, thì ngày xưa tụi tao không đào hầm cho tụi bây trốn, mà nếu có trốn trong hầm tao cũng nấu cháo heo đổ cho bọn bây chết mẹ luôn! "
Ôi! Cám ơn bà Mẹ anh hùng! Những bà Mẹ miền Nam quê mùa nhưng chân thật. Cám ơn Mẹ thốt ra thay cho chúng con, những gì chúng con muốn nói!


Nguyên Ngọc

Nông dân, tức là đất. Từ đất sinh ra, mọc lên, lăn lộn trên đất mà sống và nuôi sống xã hội, đất là sức mạnh duy nhất, là vũ khí duy nhất của nông dân. Không có đất của riêng mình thì người nông dân như con bệnh bị mất hết sức đề kháng, không còn gì để chống đỡ với các lực lượng dữ dằn của thị trường, mà lại là thị trường hoang dã như chúng ta đang có.

Người ta rất thường có bệnh hay quên. Hồi kết thúc kháng chiến chống Pháp, trở về thành phố, về thủ đô, Tố Hữu đã ngậm ngùi nhắc: “…Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?...”. Vậy mà rồi nhà cao khiến người ta chẳng còn nhớ thật. 

Vừa qua lần quên thứ nhất, lại đến quên lần thứ hai.  


Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và thoát được khỏi khủng hoảng lương thực đến khốn khổ, ta lại chẳng mấy nhớ đến nông thôn, nông dân, những người không những đã nuôi ta suốt những năm dài gian nan nhất, mà còn từng là “chủ lực quân” của công cuộc biến cải xã hội to lớn, và kỳ diệu thay cũng lại là ngòi nổ dũng cảm và sáng tạo của công cuộc đổi mới đã cứu đất nước ra khỏi cơn khủng hoảng không hề ngắn… Để đến hôm nay nhiều người đã phải nói lên một sự thật đã tới hồi không còn có thể quay mặt làm ngơ nữa: nông dân chán ruộng, nông dân chán nông thôn. Nghĩa là về cả hai mặt quan trọng, sống còn nhất trong đời sống con người đã khủng hoảng thật quá sâu: về kinh tế, người lao động trên ruộng đồng đã chán cả mảnh đất ngàn đời máu thịt của mình; về văn hóa thì cái nơi vốn là gốc rễ của văn hóa dân tộc ấy đã chán chường đến mức người ta không còn muốn sống ở đấy nữa, mặc dầu bỏ ra đi thì sẽ là lao vào một cuộc phiêu lưu cũng thật mịt mùng!  


Ai cũng biết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập là một cuộc thách thức to lớn, như chưa từng có, về mặt nào đó còn nghiêm trọng, sâu sắc hơn cả chiến tranh. Thách thức ấy chắc chắn nông dân, nông thôn chịu đựng gay gắt hơn cả. Chủ nghĩa tư bản đã phải bỏ cả ba trăm năm để đi qua, và đi qua với “từng lỗ chân lông thấm máu”, tất nhiên là máu nông dân, ta học mãi rồi, cái thời “cừu ăn thịt người” ấy. Ta định đi qua trong vài ba chục năm. Mà trong cuộc đi qua ấy, vũ khí chủ yếu của người nông dân chính là đất. Nông dân, tức là đất. Từ đất sinh ra, mọc lên, lăn lộn trên đất mà sống và nuôi sống xã hội, đất là sức mạnh duy nhất, là vũ khí duy nhất của nông dân. Không có đất của riêng mình thì người nông dân như con bệnh bị mất hết sức đề kháng, không còn gì để chống đỡ với các lực lượng dữ dằn của thị trường, mà lại là thị trường hoang dã như chúng ta đang có. Họ từng làm chủ lực quân vô cùng kiên cường ấy bỗng trở nên lúc nào cũng nơm nớp lo sợ: sợ mất đất, cái mảnh đất vốn đã không phải là của họ, họ cứ như được cho sống nhờ, bất cứ lúc nào cũng có thể bị “thu hồi”, bị “chuyển đổi”, bị đoạt mất. Cái thứ đất quen thân, thống thiết, máu thịt với họ thế, mà bỗng trở nên rất đỗi kỳ lạ, ở trong tay họ, khi họ bị tước đi thì giá chỉ có mấy đồng, nhưng chỉ cần chuyển sang tay doanh nghiệp nào đó, một ông nước ngoài xa lạ, sang trọng nào đó thì bỗng có giá hàng nhiều tỷ!...  


Nông dân, thời nào cũng vậy, xưa nay đều vậy, là cái nền của xã hội. Và cái nền thì không ồn ào, không hào nhoáng, không huênh hoang, nhưng chính vì là cái nền nên xã hội sẽ không thể yên nếu cái nền không yên. Mọi sự phát triển, mọi bước đi tới sẽ chông chênh, nếu không đổ vỡ. 


Và cách củng cố, trả sức lại cho cái nền ấy là vô cùng quan trọng nhưng không khó, chỉ cần dám dứt khoát làm mỗi một việc: trả toàn quyền có đất thật sự lại cho từng người nông dân. Khi nông dân đứng chặt chân trên mảnh đất thật sự của họ, của riêng họ thì chẳng ai chiến thắng nổi họ. Xã hội sẽ bền, đất nước sẽ vững chãi trong cuộc đi tới đầy sóng gió. 


Và cũng nên biết rằng mọi nhũng nhiễu trên con đường đi tới của chúng ta, trong đó có đại họa tham nhũng nếu không được khắc phục sẽ phá từ bên trong, bằng cách này cách khác, đều có liên quan đến đất, đất của nông dân. Chỉ khi đất là của nông dân, thật sự, lâu dài, đời kiếp, thì mọi sự mới ổn, để mà đi tới, để mà hội nhập, với toàn cầu hóa.