"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 11. Februar 2012

Quân cộng sản thảm sát đồng bào vô tội ở Huế


Douglas Pike 
Bản dịch của LM Phêrô Phan Văn Lợi

Huế là một trong những thành phố buồn nhất trên trái đất chúng ta, không phải chỉ vì những gì đã xảy ra ở đấy vào tháng 02-1968 mà vốn không thể tưởng tượng. Đó còn là một lời khiển trách thầm lặng đối với tất cả chúng ta, những kẻ thừa hưởng 40 thế kỷ văn minh nhưng trong thế kỷ này, lại đã cho phép những quan điểm tập thể hóa đẩy chúng ta vào những tội lỗi hiện đại xấu xa nhất, từ thờ ơ đến vô nhân đạo. Những gì đã xảy ra ở Huế làm cho mọi ai còn là văn minh trên hành tinh này phải dừng lại suy nghĩ. Nó phải được khắc ghi để khỏi bị quên lãng cùng với những hành xử vô nhân đạo khác giữa loài người với nhau vốn đã rải rác ghi dấu lịch sử nhân loại. Huế là một minh chứng khác về việc con người có thể đẩy mình đến chỗ làm những gì khi nó không đặt giới hạn cho hành động chính trị mà lại vô tình theo đuổi giấc mơ về một xã hội hoàn hảo nào đó.

Những gì đã xảy đến tại Huế có thể được mô tả cụ thể qua vài con số thống kê. Một lực lượng Cộng sản lên tới 12,000 người đã xâm chiếm thành phố Huế đêm mồng một Tết, ngày 30-01-1968. Họ đã ở lại 26 ngày và sau đó bị quân đội (Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh) đánh bật ra khỏi. Sau cuộc tấn công dịp Tết này, 5,800 thường dân Huế đã bị giết hại hoặc mất tích. Nay người ta biết phần lớn trong họ đã chết. Xác của phần lớn họ từ đó đã được tìm thấy trong những nấm mồ cá nhân và tập thể khắp tỉnh Thừa Thiên vốn bao quanh thủ đô văn hóa của Việt Nam này.

Đấy là những sự kiện cơ bản, những thống kê quan trọng. Thế giới không tọc mạch biết được gì về Huế thì cũng chỉ như thế, vì đó là những gì đã được báo chí thế giới ghi lại cách khiêm tốn sơ sài. Xem ra nó đã chẳng ảnh hưởng gì lên lương tri hay lương tâm của thế giới cả. Đã không có những phản đối mạnh mẽ, những cuộc biểu tình trước các tòa Đại sứ Bắc Việt khắp năm châu. Trong một cung giọng hết sức cay đắng, người dân ở đây sẽ nói với bạn rằng thế giới không biết chuyện gì đã xảy ra ở Huế, hoặc nếu biết thì cũng chẳng bận tâm.

Trận chiến

Trận chiến tại Huế là một phần chiến dịch Đông-Xuân 1967-1968 của Cộng sản. Toàn bộ chiến dịch được chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn I bắt đầu trong tháng 10, tháng 11, tháng 12 năm 1967 và đòi hỏi những “phương pháp chiến đấu phối hợp”, nghĩa là những trận đánh khá lớn, kiểu cổ điển nhắm vào các căn cứ quan trọng (của QLVNCH) hay những nơi tập trung quân Đồng minh. Các trận đánh ở Lộc Ninh tỉnh Bình Long, ở Dakto tỉnh Kontum và ở Cồn Tiên tỉnh Quảng Trị, cả ba tại các vùng đồi núi Nam Việt gần biên giới Cam Bốt và Ai Lao, đều là những trận đánh điển hình và do đó là yếu tố quan trọng của Giai đoạn I.

Giai đoạn II diễn ra trong tháng 01, tháng 02, tháng 03 năm 1968, và kéo theo việc dùng “những phương pháp chiến đấu độc lập”, nghĩa là nhiều trận đánh do những đơn vị khá nhỏ thực hiện cùng lúc trên một diện tích lớn và sử dụng những chiến thuật du kích tiên tiến, tinh luyện. Vì rằng Giai đoạn I đã thực hiện chủ yếu với các toán quân chính quy Bắc Việt (lúc ấy khoảng 55.000 đang ở miền Nam), Giai đoạn II thực hiện chủ yếu với các toán Cộng quân miền Nam (tức Lực lượng Vũ trang Giải phóng). Cao điểm của Giai đoạn này là cuộc Tấn công Tết Mậu Thân trong đó 70,000 quân đánh vào 32 trung tâm dân cư lớn nhất của Nam Việt, kể cả thành phố Huế.

Giai đoạn III, diễn ra trong tháng 04, tháng 05 và tháng 06 năm 1968, đầu tiên là phối hợp những phương pháp chiến đấu độc lập và hiệp đồng, kết thúc là một trận đánh lớn cố định đâu đó. Đây là điều mà các tài liệu bắt được đã thận trọng nhắc đến như “đợt sóng thứ hai”. Có thể đó đã là Khe Sanh, căn cứ Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nằm ở góc cực Bắc của Nam Việt. Hoặc có thể là Huế. Đã không có đợt sóng thứ hai chủ yếu là vì trong Giai đoạn I và II, các biến cố đã không phát triển như mong đợi. Mặc dù vậy, cuộc chiến đã đạt tới độ đẫm máu nhất trong tám năm hồi ấy, suốt thời gian kể từ trận đánh Huế vào tháng 02 tới cuộc giải vây cho Khe Sanh vào mùa hè.

Suốt ba tháng ấy, tổn thất của Hoa Kỳ trung bình vào khoảng 500 binh sĩ tử thương hàng tuần; tổn thất của Nam Việt gấp đôi; còn tổn thất của Việt Cộng (cả Bắc lẫn Nam) gần tám lần của Hoa Kỳ. Trong chiến dịch Đông Xuân, Cộng sản bắt đầu với khoảng 195,000 quân chính quy miền Bắc và du kích miền Nam. Suốt 9 tháng, họ mất (vì tử thương hay tàn phế vĩnh viễn) khoảng 85.000 người.

Chiến dịch Đông Xuân là cố gắng toàn lực của Cộng sản nhằm đánh gãy lưng Quân lực Nam Việt và dồn chính phủ Việt Nam, cùng với các lực lượng Đồng minh, vào trong các khu vực phòng thủ ở thành phố. Nói cho đúng, Trận đánh Huế thuộc Giai đoạn I hơn Giai đoạn II vì nó đã sử dụng “các phương pháp chiến đấu hợp đồng” có lôi kéo quân đội Bắc Việt hơn là các du kích quân miền Nam. Về phía Cộng sản, chủ yếu là hai sư đoàn kỳ cựu của Bắc Việt trong đó có Sư đoàn 324-B, được tăng cường bằng các tiểu đoàn chính quy và một vài đơn vị du kích với khoảng 150 chính ủy và cán bộ dân sự địa phương.

Tóm lại, trận đánh Huế gồm ba bước phát triển lớn sau đây: Cuộc tấn công khởi đầu của Cộng sản, chủ yếu do hai tiểu đoàn 800 và 802, đã đủ lực và đà để tiến vào Huế. Bình minh ngày đầu tiên, Cộng sản đã kiểm soát toàn thành phố ngoại trừ Bộ Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh và khu vực các cố vấn quân sự Mỹ. Việt và Mỹ đã điều động quân tiếp viện với mệnh lệnh tới hai điểm còn cầm cự đó để củng cố cho họ. Cộng sản liền điều động một tiểu đoàn khác, tiểu đoàn 804, với mệnh lệnh ngăn chận lực lượng tiếp viện. Việc này thất bại, hai điểm cầm cự đã được củng cố và không bao giờ còn bị đe dọa trầm trọng nữa.
Từ đó, trận đánh mang tính cách một cuộc bao vây. Cộng quân ở trong Thành Nội và rìa tây thành phố. Quân Việt và Mỹ tại ba mặt còn lại, bao gồm phần phía Nam Huế của con sông (Hương), đã quyết tâm đánh bật chúng ra khỏi, với hy vọng ban đầu là dùng hỏa pháo và không kích. Nhưng Thành Nội được xây quá kiên cố và người ta đã sớm thấy rõ rằng nếu Cộng quân được lệnh cầm cự, thì chúng chỉ có thể bị đánh bật bằng chiến tranh thành phố, đánh chiếm từng nhà và từng khối, một hình thức chiến đấu đắt giá và chậm chạp. Lệnh đã được ban ra.

Qua tuần thứ ba của tháng 02, việc bao vây Thành Nội đã tiến triển tốt đẹp và Quân đội VNCH lẫn Thủy quân Lục chiến Mỹ tiến từng thước qua Thành Nội. Sáng ngày 24 tháng 02, lính Sư đoàn I Bộ Binh giật xuống lá cờ VC đã treo 24 ngày trên vòng thành ngoài và thượng lá cờ mình lên. Trận chiến đã toàn thắng, dù thỉnh thoảng còn tiếp tục đánh nhau bên ngoài thành phố. Khoảng 2.500 cộng quân chết suốt trận đánh và 2.500 tên khác chết khi những thành phần Cộng sản bị truy đuổi bên ngoài Huế. Tử trận của Đồng minh là 357 người

Những phát hiện

Trong cảnh hỗn loạn tiếp theo sau cuộc chiến, mệnh lệnh đầu tiên cho công việc dân sự là cấp cứu, dưới hình thức cung cấp thực phẩm, ngăn ngừa bệnh dịch, săn sóc y tế cấp thời v.v… Tiếp đến là nỗ lực xây dựng lại nhà cửa. Chỉ sau đấy Huế mới bắt đầu lập bảng kê các thương vong của mình. Đã chẳng có một cuộc kiểm kê dân số thực sự ngay sau cuộc tấn công. Đến tháng 03, các viên chức địa phương mới báo cáo rằng 1.900 thường dân đã nhập viện với những vết thương chiến tranh và họ ước lượng rằng khoảng 5.800 người đã không tìm ra tung tích.

Khám phá đầu tiên về các nạn nhân của Cộng sản là tại sân trường Trung học Gia Hội ngày 26-02: rốt cục 170 thi thể đã được tìm thấy. Trong những tháng kế tiếp, thêm 18 địa điểm chôn người được tìm thấy, lớn nhất là Tăng Quang Tự (67 nạn nhân), Bãi Dâu (77), vùng Chợ Thông (ước lượng khoảng 100), khu vực các lăng tẩm (201), Thiên Hàm (khoảng 200) và Đông Gi (khoảng 100). Tổng cộng gần 1,200 xác đã được tìm thấy trong những ngôi mộ đào vội vã, lấp sơ sài.

Ít nhất một nửa trong họ đã cho thấy bằng chứng bị giết cách thảm khốc: hai tay bị trói bằng dây sau lưng, giẻ rách nhét đầy miệng, thân thể vặn vẹo không thương tích (cho thấy bị chôn sống). Gần 600 nạn nhân còn lại mang nhiều vết thương nhưng chẳng có cách nào xác định họ đã chết vì bị xử bắn hay vì lạc đạn.

Nhóm phát hiện lớn thứ hai nằm trong bảy tháng đầu tiên của năm 1969 ở quận Phú Thứ (Độn Cát và Lệ Xá Tây), quận Hương Thủy (Xuân Hòa, Vân Dương) vào cuối tháng 03 và tháng 04. Thêm nhiều địa điểm chôn xác khác cũng đã được tìm thấy tại quận Vinh Lộc trong tháng 05 và quận Nam Hòa trong tháng 07. Lớn nhất trong nhóm này là các phát hiện ở Độn Cát tại ba địa điểm Vinh Lưu, Lê Xá Đông và Xuân Ổ, trong các cồn cát nhấp nhô với cỏ mọc thành búi gần biển Đông. Ngăn cách bởi những thung lũng đầm lầy nước mặn, các độn cát này thật lý tưởng để làm mộ địa. Trên 800 thi thể đã được phát hiện ở đây. 

Trong cuộc phát hiện ở Độn Cát, kiểu chung là trói các nạn nhân thành từng nhóm 10 hoặc 20 người, xếp hàng họ trước một con mương được dân công lao dịch địa phương đào rồi hạ sát họ bằng súng máy (một trong những kỷ vật trân quý của địa phương là một viên đạn súng máy đã bắn của Nga lấy được từ một ngôi mộ). Thường thì người chết bị chôn thành ba bốn lớp, khiến cho việc nhận diện hết sức khó khăn.

Tại quận Nam Hòa là phát hiện thứ ba, hay còn gọi là phát hiện Khe Đá Mài, cũng được gọi là Phủ Cam tử bộ (dead march), diễn ra ngày 19-9-1969. Ba hồi chánh viên VC đã kể cho các sĩ quan tình báo của Lữ đoàn 101 Không vận HK rằng họ đã chứng kiến cuộc thảm sát vài trăm người tại Khe Đá Mài, cách phía nam Huế khoảng 10 dặm, vào tháng 02-1968. Vùng này rất hoang vu, không người ở và gần như bất khả xâm nhập. Lữ đoàn đã phái đi một nhóm thám sát, họ báo cáo rằng khe suối chứa rất nhiều xương người. Bằng việc ghép lại các mảnh thông tin, người ta xác định được những gì đã xảy ra tại Khe Đá Mài như sau: Vào ngày mồng 5 Tết tại Phủ Cam, nơi sinh sống của khoảng ba phần tư trong số 40.000 người Công giáo thành phố, một số lớn cư dân đã tìm nơi lẩn trốn trận đánh tại ngôi nhà thờ địa phương, một phương pháp lánh nạn chiến tranh thông thường tại Việt Nam. Nhiều người trong đó thật ra không phải là Công giáo.

Một chính ủy Cộng sản đã đến nhà thờ và ra lệnh cho khoảng 400 người, một số thì đích danh, một số xem ra vì ngoại diện của họ (trông giàu có hoặc nhìn như thương gia đứng tuổi, ví dụ vậy). Y nói họ sẽ đi đến “vùng giải phóng” trong ba ngày để học tập cải tạo, sau đó ai nấy có thể về nhà.

Họ đã đi bộ chín cây số về hướng Nam đến một ngôi chùa nơi Cộng sản thiết lập bộ chỉ huy. Tại đó 20 người bị kêu ra khỏi nhóm, tập hợp trước một tòa án quân sự dã chiến, bị xét xử, bị tuyên tội, bị hành quyết và chôn trong sân chùa. Số còn lại bị dẫn qua qua bên kia sông và được giao lại cho một đơn vị Cộng sản trong một sự trao đổi có giấy biên nhận đưa cho viên chính ủy. Có lẽ viên chính ủy định rằng tù nhân của y sẽ được cải tạo rồi trở về, nhưng với chuyện bàn giao, mọi chuyện thoát khỏi sự kiểm soát của y.

Suốt nhiều ngày kế tiếp, chính xác bao nhiêu không ai biết, những người bị bắt và những kẻ bắt người lang thang vùng nông thôn. Và rồi đến một điểm nào đó, Cộng sản địa phương đã quyết định thủ tiêu các nhân chứng: Các tù nhân bị dẫn qua sáu cây số của một trong những vùng đất gồ ghề lởm chởm nhất miền Trung Việt Nam, đến khe Đá Mài. Tại đấy họ đã bị bắn hoặc bị đập vỡ sọ và xác của họ bị để cho trôi đi theo giòng nước chảy. Nhóm binh lính lo nhiệm vụ chôn cất của lữ đoàn 101 Không vận thấy rằng không thể vào tới khe bằng đường bộ, vì đường không có hoặc không thể đi qua. Tán lá nơi khe là cái mà tại Việt Nam gọi là nhị tầng, nghĩa là hai lớp, lớp một gồm những bụi rậm và cây thấp sát đất, lớp hai gồm những cây lớn với cành lá xoè rộng trên cao. Bên dưới là ánh sánh thường xuyên lờ mờ. Công binh lữ đoàn đã bỏ hai ngày để mở một lỗ xuyên qua hai tầng lá bằng cách cho nổ các quả mìn lúc lắc cuối những sợi dây dài dưới các trực thăng lượn lờ của họ. Việc này đã tạo ra một mặt phẳng cho các trực thăng chở quan tài hạ xuống. Rõ ràng đây là nơi mà xác chết dễ dàng bị che giấu không cần phải chôn cất.

Lòng khe Đá Mài, dài khoảng một trăm thước Anh tính ngược lên hẻm núi, để lộ nhiều sọ, nhiều bộ xương và nhiều mảnh xương người. Xác chết đã bị để trên đất (đối với những người thờ vật linh giữa họ, điều ấy có nghĩa là hồn họ sẽ lang thang trên trái đất hiu quạnh mãi mãi, vì đó là số phận của kẻ chết không được chôn táng) và 20 tháng trong dòng suối chảy đã rửa sạch trắng những bộ xương.

Nhà chức trách địa phương sau đó đã phổ biến một danh sách gồm 428 người mà họ nói đã được nhận diện từ những gì còn lại ở lòng khe. Lý do căn bản Cộng sản đưa ra về cách hành xử thái quá của họ chính là tiêu diệt các “phần tử phản cách mạng”. Danh sách 428 nạn nhân được phân ra như sau: 25 phần trăm là quân nhân: hai sĩ quan, còn lại là hạ sĩ quan và binh sĩ; 25 phần trăm là học sinh sinh viên; 50 phần trăm là công chức dân sự, viên chức làng xã, nhân viên phục vụ đủ loại và công nhân bình thường.

Nhóm phát hiện thứ tư hay Phát hiện Ruộng muối Phú Thứ là vào tháng 11-1969, gần làng đánh cá Lương Viện, khoảng mười dặm về phía Đông của Huế, một nơi hoang vu khác. Quân đội chính quyền từ đầu tháng đã bắt đầu một nỗ lực tập trung nhằm dọn sạch khu vực tàn quân của tổ chức Cộng sản địa phương. Dân làng Lương Viện, khoảng 700 người, từng giữ im lặng trước sự hiện diện của quân đội suốt 20 tháng trời, sau đấy xem ra cảm thấy đủ an toàn khỏi bị CS trả thù nên đã phá vỡ im lặng và dẫn các sĩ quan đến chỗ phát hiện mộ. Dựa trên các mô tả của những dân làng mà trí nhớ không phải luôn luôn rõ ràng, các viên chức địa phương đã ước lượng số thi thể tại Phú Thứ ít nhất phải 300 và có thể tới 1000.

Câu chuyện không hoàn tất. Nếu sự ước lượng của nhà chức trách Huế gần đúng, thì khoảng 2,000 người vẫn còn mất tích. 
Tổng kết số người chết và mất tích:
Sau trận đánh, chính phủ Nam Việt ước lượng số thương vong dân sự do trận đánh Huế là 7,600.

Lý do căn bản của Cộng sản

Việc giết người tại Huế cho thấy cuộc thảm sát ở đây đã vượt xa mọi việc tàn ác của CS trước đó tại Nam Việt về số lượng. Điểm khác biệt không chỉ ở mức độ mà còn ở thể loại. Đặc tính của sự khủng bố nhận thấy từ việc nghiên cứu Huế hoàn toàn khác với những hành vi khủng bố của CS ở chỗ khác, dù thường xuyên hoặc tàn bạo. Cuộc khủng bố tại Huế không phải là một hành vi nâng cao tinh thần (Cộng quân) vì đã thọc sâu và nhanh vào hang ổ đối phương để chứng minh chỗ yếu nhược của kẻ thù, sự toàn năng của du kích, tính khác biệt với việc bắn gục thường dân trong những vùng do du kích kiểm soát. Đó cũng chẳng phải là cuộc khủng bố để quảng cáo chính nghĩa, để gây bối rối và cách ly cá nhân về tâm lý, vì phần lớn các cuộc chém giết đều thực hiện trong bí mật. Đó cũng chẳng phải là cuộc khủng bố để triệt tiêu các lực lượng đối nghịch, dù có giết vượt quá sổ đen. Huế đã chẳng theo mô hình khủng bố nhằm khiêu khích phản ứng thái quá của chính phủ Nam Việt vì nó đã chỉ dẫn đến cái gọi là sự trợ giúp của chính phủ thôi. Có nhiều yếu tố khách quan, chân thực, nhưng không yếu tố nào giải thích được kiểu cách giết người rộng khắp và đa dạng mà Cộng sản đã thực hiện.

Điều được đưa ra đây là giả thuyết cho rằng có lôgic và hệ thống đằng sau những gì xem ra là một cuộc tàn sát ngẫu nhiên và đơn giản. Trước khi đề cập đến nó, chúng ta hãy xem xét ba sự kiện vốn thường xuyên xuất hiện với một du khách đến Huế để khám phá chính xác cái đã xảy ra tại đó và quan trọng hơn nữa, chính xác tại sao nó đã xảy ra. Cả ba sự kiện này lởn vởn trước ý thức thông thường và ở một mức độ nào đó, mâu thuẫn với những gì đã được viết ra. Ngay cả khi dò hỏi đủ mọi nguồn -tỉnh trưởng, cảnh sát trưởng, cố vấn Hoa Kỳ, nhân chứng tận mắt, tù nhân bắt được, cán binh hồi chánh hay một số ít người thoát chết cách kỳ lạ- ba sự hiện ấy vẫn nổi lên đi nổi lên lại.

Sự kiện thứ nhất, mà có lẽ quan trọng nhất, là bất chấp những dáng vẻ bên ngoài, không cuộc giết người nào của CS là do thịnh nộ, thất vọng hay hoảng loạn khi Cộng sản cuối cùng phải rút lui. Những lối giải thích như thế thường được nghe, nhưng nếu xem xét cẩn thận thì không đứng vững. Ngược lại thì có, vì truy nguyên bất cứ vụ giết người đơn lẻ nào, sẽ khám phá ra rằng hầu hết đều là kết quả của một quyết định có suy nghĩ và biện minh được trong tâm trí Cộng sản. Quả thế, phần lớn những cuộc hành quyết đều từ tính toán, mệnh lệnh của CS.
Sự kiện thứ hai : trong chừng mực xác định được, gần như như tất cả các vụ hành quyết đều do cán bộ CS địa phương chứ không phải do quân đội Bắc Việt hoặc quân lực Cộng hòa hoặc những tay CS bên ngoài nào khác. Khoảng 12,000 binh lính VNCH đã tham gia trận đánh Huế và đã giết một số thường dân trong tiến trình chiến đấu nhưng đó chỉ là ngẫu nhiên trong nỗ lực quân sự của họ. Đa phần trong số 150 cán bộ dân sự CS hoạt động nội thành đều là người địa phương, nghĩa là từ khu vực tỉnh Thừa Thiên cả. Chính họ đã ra những lệnh tử hình. Mà cho dù họ đã hành động theo các chỉ thị từ bộ chỉ huy cao hơn (theo hệ thống tổ chức CS, ai nấy phải đảm nhận những gì mình đã làm) thì những chỉ thị đó như thế nào, cho đến nay chẳng ai biết rõ được.

Sự kiện thứ ba: ngoài các cuộc hành quyết điển hình xử tử những “cường hào ác bá” nổi bật, phần lớn các vụ sát hại đều đã được thi hành cách bí mật với nỗ lực lạ thường là giấu các thi thể. Phần lớn những kẻ bên ngoài đều hình dung Huế như một pháp trường công khai với những mồ chôn tập thể dễ thấy mới đào. Các cuộc hành quyết tuyên bố công khai chỉ có trong những ngày đầu và chúng tương đối hiếm hoi. Các địa điểm chôn xác trong thành phố dễ dàng khám phá vì khó mà tạo nên một nghĩa địa không ai để ý trong vùng đông đảo cư dân. Mọi nơi phát hiện khác đều đã được giấu kỹ, tất cả đều nằm tại vùng đất dễ che đậy; có lẽ đây là lý do đầu tiên khiến các địa điểm đã được chọn lựa.

Một thân xác chôn vùi trong độn cát cũng khó tìm như một vỏ sò ấn sâu xuống bãi biển mà bị sóng xoá dấu vết liền. Khe Đá Mài nằm tại phần xa xôi hẻo lánh nhất của tỉnh Thừa Thiên và hẳn đã làm cho Cộng sản rất tốn công khi đưa các nạn nhân đến đó. Nếu ba cán binh hồi chánh đã chẳng dẫn những người tìm kiếm đến điểm hoang vu vắng vẻ này, thì hẳn các xác chết vẫn mãi không được khám phá cho tới ngày nay. Viếng thăm mọi địa điểm sẽ cảm nhận ấn tượng là CS đã hết sức cố gắng che giấu các hành động của họ. Giả thuyết nêu lên ở đây nối kết và xác định đúng lúc việc CS đánh giá về triển vọng ở lại Huế của họ với loại mệnh lệnh giết người đã ban ra. Từ việc xem xét kỹ các bằng chứng, ta thấy rõ là họ đã không có sự đánh giá bất biến về chính họ và về tương lai của họ tại Huế; đúng hơn, tình hình thay đổi suốt diễn trình trận đánh đã làm đổi thay các triển vọng và ý định của họ.

Cũng rõ ràng không kém từ các bằng chứng là CS đã chẳng có chủ trương nào về các mệnh lệnh hành quyết; thay vào đó, loại mệnh lệnh giết người ban ra đã thay đổi suốt diễn trình trận đánh. Mối liên hệ giữa cả hai rất rõ và chia ra ba giai đoạn. Thành thử có giả thuyết cho rằng kế hoạch của CS thay đổi suốt trận đánh Huế ra sao thì bản chất các mệnh lệnh giết người ban ra cũng thay đổi thể ấy. Kết luận này dựa trên những lời tuyên bố không úp mở của CS, trên chứng từ của tù nhân và hồi chánh viên, trên tường thuật của các nhân chứng tận mắt, trên những tài liệu bắt được và trên lô-gích nội tại của tình hình CS.

Suy nghĩ trong Giai đoạn I đã được phát biểu rõ ràng trong một nghị quyết của Cộng đảng ở Nam Việt (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) ra cho các cán bộ ngày áp cuộc tấn công: “Phải bảo đảm sao cho các thành thị giải phóng được củng cố thành công. Mau chóng kích hoạt các đơn vị vũ trang và chính trị, thiết lập các cơ quan hành chánh ở mọi cấp, xúc tiến các hoạt động dân sự tự vệ và yểm trợ chiến đấu, thúc đẩy nhân dân thành lập hệ thống phòng không và rộng rãi động viên họ sẵn sàng chống lại địch khi chúng phản công...”
Đây là quan điểm giới hạn ban đầu và đã được tuân theo trong thời gian ngắn. Những diễn biến sau đó tại Huế đã được tường thuật với những lời lẽ khác. Đài phát thanh Hà Nội ngày 04-02-1968 nói rằng: “Sau một giờ chiến đấu, Lực lượng Vũ trang Cách mạng đã chiếm được dinh thự của tên tỉnh trưởng ngụy (tại Huế), nhà tù và các văn phòng hành chánh ngụy… Lực lượng Vũ trang Cách mạng đã trừng trị những tên viên chức ác ôn nhất của địch và nắm quyền kiểm soát các đường phố… tập trung và trừng trị cả tá bọn ác ôn, đánh sập các cơ quan kiểm soát và áp bức của địch…”

Suốt thời gian ngắn ở lại Huế, các cán bộ dân sự, được các toán hành quyết tháp tùng, đã tập hợp và giết chết nhiều yếu nhân, việc khử trừ này sẽ làm suy yếu nặng nề bộ máy hành chánh của chính phủ sau khi VC rút lui. Đây là giai đoạn sổ đen, thời gian của tòa án quân sự dã chiến. Các cán bộ với danh sách và địa chỉ trong hồ sơ xuất hiện rồi gọi ra trước tòa án bất hợp pháp “các kẻ thù khác nhau của Cách mạng”.

Những phiên tòa của họ công khai, thường là trong sân một bộ chỉ huy dã chiến của CS. Mỗi phiên xử kéo dài khoảng 10 phút và chẳng có phán quyết vô tội nào được biết đến cả. Hình phạt, luôn luôn là “tử hình”, được thi hành ngay lập tức. Các xác chết hoặc được chôn gấp rút hoặc trả lại cho gia đình. Bị chọn lãnh kiểu đối xử này là các viên chức dân sự, đặc biệt những người liên quan tới an ninh hay công việc cảnh sát, các sĩ quan quân đội và vài hạ sĩ quan, cộng thêm những lãnh đạo không chính thức nhưng là tự nhiên của cộng đồng, đặc biệt là các nhà giáo và nhà tu.

Với ngoại lệ là tấn công tàn độc giới trí thức ở Huế, kiểu thức của Giai đoạn I đúng là thủ tục hành động tiêu chuẩn của Cộng sản tại Việt Nam. Đó là những gì đã được tiến hành cách có hệ thống trong các làng mạc suốt 10 năm. Sổ đen thường trực, được bộ chỉ huy đảng trong vùng hay liên vùng chuẩn bị, đã tồn tại lâu dài để đem sử dụng khắp cả miền Nam, mỗi khi có cơ hội thuận tiện.

Tuy nhiên, không phải mọi kẻ có tên trong những danh sách được dùng tại Huế đã bị thủ tiêu. Có rất nhiều người hiển nhiên bị ghi danh, ở lại trong thành phố suốt trận đánh, nhưng đã thoát nạn. Suốt thời gian 24 ngày, các cán bộ Cộng sản bận rộn săn lùng những con người có trong sổ đen của họ, nhưng sau một ít ngày, nỗ lực của họ đã chuyển qua một hướng mới.

Huế: Giai đoạn II

Trong những ngày đầu, cuộc tấn công Tết đã tiến triển rất thuận lợi cho CS tại Huế (mặc dù không như vậy ở miền Nam, nơi mà các lãnh đạo đảng đã nhận nhiều đánh giá khá ảm đạm từ những cán bộ ở giữa cuộc tấn công vùng đồng bằng sông Cửu Long), đến nỗi trong một lúc phấn khởi, họ đã tưởng mình có thể giữ được thành phố. Có lẽ ý kiến cho rằng CS vào Huế để ở lại đã không được các cấp cao hơn chia sẻ, nhưng nó đã lan rộng tại Huế và ở cấp độ tỉnh Thừa Thiên. Một bức điện bắt được của Cộng sản, xem ra viết ngày 02-02, cổ vũ các cán bộ tại Huế hãy chiếm giữ cho nhanh mà rằng: “Một thời kỳ mới, một giai đoạn cách mạng thực sự đã bắt đầu (nhờ các chiến thắng của chúng ta ở Huế) và chúng ta chỉ cần tấn công nhanh (ở Huế) là đạt được mục tiêu và chiến thắng hoàn toàn”.
Tờ báo đảng chính thức ở Hà Nội, Nhân Dân, cũng nhắc lại cùng chủ đề: “Như một tia sét, cuộc tổng tấn công đã giáng xuống đầu bọn Mỹ ngụy… Bộ máy Mỹ ngụy đã bị trừng phạt đích đáng… Các cơ quan hành chánh ngụy… đã thình lình sụp đổ. Chính phủ Thiệu-Kỳ không thể thoát cảnh sụp đổ toàn diện. Quân đội ngụy đã trở nên hết sức yếu hèn và sẽ không thể tránh khỏi bị hoàn toàn tiêu diệt”.

Đương nhiên, một số lời lẽ dông dài này chỉ nhằm cổ vũ những ai tin theo, và vì đó luôn là trường hợp khi đọc những gì CS đưa ra, nên rất khó phân biệt đâu là niềm tin, đâu là ước muốn. Nhưng lời chứng từ các tù binh và hồi chánh viên, cũng như những bức điện bắt được, cho thấy rằng cán binh cũng như cán bộ đều tin trong ít ngày rằng họ ở lâu dài tại Huế, và họ đã hành động phù hợp với niềm tin ấy.

Trong số các hành vi của họ có việc mở rộng lệnh giết người và phát động cái trên thực tế là một thời kỳ tái xây dựng xã hội kiểu CS. Các mệnh lệnh, xem ra từ đảng ủy cấp tỉnh ban bố, là tập trung cái mà một tù nhân gọi là “những tiêu cực xã hội”, nghĩa là những cá nhân hay thành viên các nhóm có thể gây nguy cơ hay bất lợi cho trật tự xã hội mới. Đây là điều không liên quan đến riêng ai, chẳng phải là sổ đen các tên tuổi nhưng là sổ đen các tước vị trong xã hội cũ, không nhắm đến những con người nhưng nhắm đến các “đơn vị xã hội”.
Như đã thấy trước đây tại Bắc Việt và tại Trung Cộng, người Cộng sản đã cố phá vỡ trật tự xã hội địa phương bằng cách thủ tiêu những thủ lãnh và những khuôn mặt then chốt trong các tổ chức tôn giáo (sư sãi Phật Giáo, linh mục Công Giáo), các chính đảng (bốn thành viên của Ủy ban Trung tâm Việt Nam), các phong trào xã hội như các tổ chức phụ nữ và các nhóm trẻ, kể cả việc hoàn toàn không thể giải thích nổi, là hành quyết những thủ lãnh sinh viên thân cộng thuộc các gia đình thượng lưu hay trung lưu.

Phù hợp với điều này, trong vài trường hợp là giết cả gia đình. Trong một trường hợp có đầy đủ tài liệu suốt thời kỳ này, một toán có lệnh ám sát đã xông vào nhà một lãnh đạo cộng đồng lỗi lạc và bắn ông, vợ ông, con trai và con dâu, con gái còn nhỏ của ông, cặp gia nhân nam nữ và đứa con của họ! Con mèo của gia đình bị bóp cổ, con chó bị đánh đến chết, những con cá vàng cũng bị hất ra khỏi chậu, quẳng xuống nền nhà. Khi những tên CS bỏ đi, trong nhà chẳng còn gì sống sót. Một “đơn vị xã hội” đã bị tiêu diệt!!!

Giai đoạn II cũng chứng kiến một nỗ lực tập trung nhằm thủ tiêu giới trí thức, mà có lẽ ở Huế nhiều hơn bất cứ nơi nào khác tại Việt Nam. Những trí thức Huế sống sót đã giải thích điều này là do một mối căm thù lâu đời của Cộng sản đối với giới trí thức của Huế, vốn chống Cộng theo kiểu cách xúc phạm nhất: từ chối coi trọng chủ nghĩa Cộng sản. Giới trí thức Huế đã luôn khinh bỉ ý thức hệ CS, gạt nó sang một bên như kẻ đến muộn trong lịch sử các tư tưởng và chẳng phải là cái gì có ý nghĩa. Vốn là một pháo đài của chủ nghĩa truyền thống, với những nhà trí thức đắm mình trong kiến thức Khổng giáo đan xen với Phật giáo, Huế đã không thèm để ý đến những công lao của chủ nghĩa Cộng sản, dẫu trong các thập niên biến động 1920-1930. Huế bất biết nó. Chẳng hạn các nhà trí thức tại viện Đại học, trong một giáo trình trọn năm về các tư tưởng chính trị, đã chỉ thí cho chủ thuyết Mác-Lênin nửa giờ, phác thảo nó như một loạt những khẩu hiệu chính trị man rợ và nông cạn, chẳng có chiều sâu và thực tế được thời gian trắc nghiệm như tri thức Khổng giáo, cũng chẳng có sự huy hoàng và tính nhân bản cao vời như tư tưởng Phật giáo.

Vì lẽ người Cộng sản, đặc biệt người Cộng sản gốc Huế, xem trọng giáo điều của mình, y có thể trở thành quỷ quái khi bị một nhà nho coi như một kẻ ngu dốt về triết học, hay bị một Phật tử coi như một tên duy vật tầm thường. Hoặc tệ hơn bị coi thường là bị bất biết qua năm tháng. Thành ra với sự chính trực của một tín đồ chân thành, y đã tìm cách đánh trả để loại bỏ thái độ dửng dưng đầy thách thức này. Những người trí thức nay nói rằng cuộc săn lùng hàng ngũ của họ đã dạy cho họ một bài học khắc nghiệt, đó là phải coi trọng chủ nghĩa Cộng sản, không phải như một tư tưởng, nhưng ít nhất như một sức mạnh được sổ lồng trong thế giới của họ.

Những cuộc tàn sát trong Giai đoạn II có lẽ đã giải thích việc 2,000 người bị mất tích. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa chấm dứt.

Huế: Giai đoạn III

Một điều không thể tránh được, và như giới lãnh đạo tại Hà Nội hẳn đã phải thừa nhận khi xét đến những lực lượng điều động chống lại nó, là trận đánh tại Huế đã xoay chiều bất lợi cho CS. Một bản tin radio bắt được của Quân đội Nhân dân truyền đi từ Thành Nội ngày 22 tháng 2, đã xin phép rút quân. Bản trả lời: từ chối cho phép, phải tấn công ngày 23. Trận tấn công này là trận cuối cùng nhưng vô hiệu quả. Ngày 24, Thành Nội được lấy lại. 
Ít nhất một tuần trước đó, CS đã thấy việc trục xuất này là không thể tránh khỏi. Đây là lúc Giai đoạn III bắt đầu: giai đoạn xóa dấu vết. Có lẽ toàn thể cán bộ dân sự nằm vùng tại Huế đã lộ mặt suốt Giai đoạn II. Những ai dù đã không bị nghi ngờ cũng đứng lên công bố căn tính của họ. Điển hình là trường hợp một cư dân Huế đã mô tả sự ngạc nhiên của anh khi biết rằng người hàng xóm của mình là lãnh đạo một phường (đứng từ hàng thứ 10 đến 15 giới dân sự CS trong thành phố). Anh nói trong nỗi kinh ngạc: “Tôi biết ông ta đã 18 năm nay mà không bao giờ nghĩ rằng ông ta lại quan tâm đến chính trị như vậy.” Một cán bộ như thế có thể không hoạt động ngầm lại được trừ phi chẳng có ai xung quanh nhớ đến ông.

Vì thế, Giai đoạn III là thủ tiêu các nhân chứng. Có lẽ số cuộc giết chóc lên cao nhất là ở giai đoạn này và cũng vì lý do đó. Những người từng bị bắt đi nhồi sọ chính trị có lẽ đã được dự tính sẽ thả về. Nhưng họ là dân địa phương như những kẻ đã bắt họ, quen biết tên tuổi và mặt mũi nhau. Nên khi kết cục đến gần, họ đã trở thành không phải một gánh nặng cho bằng một mối nguy đích thực. Chắc hẳn đó là trường hợp của nhóm người bị bắt đi từ nhà thờ Phủ Cam. Hay trường hợp của 15 học sinh trung học mà thi thể đã được tìm thấy ở ruộng muối Phú Thứ.

Việc phạm trù hóa trong một giả thuyết như thế, dĩ nhiên, chỉ có tính cách tổng quát và may lắm thì có tính cách minh họa. Các sự việc không gọn gàng rõ rệt trong đời thực. Ví dụ suốt toàn bộ thời gian, cuộc săn lùng theo sổ đen” đã được tiến hành. Do đó, đã có những cuộc tàn sát trả thù của người Cộng sản nhân danh đảng, nhân danh cái gọi là “công lý của cách mạng”. Nhưng chắc hẳn cũng đã có những vụ tư thù, tư oán do các cá nhân đảng viên thực hiện.

Quan điểm chính thức của Cộng Sản về việc tàn sát ở Huế được chứa đựng trong một cuốn sách được viết và phổ biến tại Hà Nội: “Tích cực phối hợp nỗ lực với Lực lượng Vũ trang Giải phóng và với nhân dân, những đơn vị tự vệ và vũ trang của thành phố (Huế) đã bắt giữ và kêu gọi đầu hàng những viên chức còn lại của Ngụy quyền và những sĩ quan binh sĩ của Ngụy quân còn lẩn lút. Các tên ngoan cố ác ôn đều đã bị trừng trị.”

Tại Hòa đàm Paris sau này, Cộng Sản đã cho rằng những cuộc thảm sát ở Huế không do bàn tay của Cộng Sản nhưng do “những đảng phái chính trị đối kháng địa phương”. Dù vậy, tưởng cũng nên lưu ý: ngày 26-04-1968, khi chỉ trích nỗ lực tìm xác tại Huế, đài Phát thanh Giải phóng Hà Nội đã nói rằng các nạn nhân chỉ là “những tên tay sai côn đồ đã có nợ máu với nhân dân yêu nước ở Huế và họ đã bị các lực lượng vũ trang miền Nam cùng nhân dân tiêu diệt trong mùa Xuân”. Giọng điệu tuyên truyền này đã sớm bị bỏ qua để thay thế bởi một luận điệu khác: đó thực là những vụ thanh toán tranh chấp giữa các nhóm chính trị địa phương.

Trích từ "Viet Cong Strategy of Terror"