"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 10. März 2012

Đàng sau ván bài Vatican – Việt Nam


Lữ Giang

Cứ mỗi lần có cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Vatican và Việt Nam đều có một chiến dịch nhằm ngăn chận cuộc gặp gỡ này. Thủ đoạn thông thường là tung ra những tin bịa đặt và những bình luận xuyên tạc để gây hoang mang trong dư luận.

Một thí dụ cụ thể: Năm nay, khi được tin phái đoàn Vatican sắp đền Hà Nội, ngày 22.2.2012, “PV. Vietcatholic ở Hà Nội”, đã thả bong bóng duới một bài có đầu đề “Hội đàm vòng 3 Việt Nam- Vatican sắp diễn ra tại Hà Nội”, đưa những chuyện tưởng tượng như “Phía Hà Nội rất lo ngại, nếu thiết lập ngoại giao, Vatican lại đòi tài sản”, “ngưng tiến trình phong thánh cho Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận vì cho rằng quá “nhạy cảm”, “ngăn chặn những vụ khiếu kiện tương tự phát xuất từ các giáo xứ hay nhà dòng," v.v. 

Đây là lối viết theo kiểu phản gián của một người đã được huấn luyện. Tuy làm như đang ngủ dưới gầm giường của ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh (tương đương Bộ Trưởng Ngoại Giao) của Tòa Thánh, “phóng viên” này lại để ra sơ hở là không phân biệt những vấn đề phải giải quyết giữa hai quốc gia và những vấn đề chỉ cần giải quyết giữa HĐGMVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Điều đáng tiếc là một vài cơ quan thông tin Việt ngữ quốc tế đã khai thác những tin bịa đặt này với dụng ý gây nghi vấn về đường lối của Vatican.

Vấn đề là “thế lực thù địch” nào đang đứng đàng sau những loại thông tin phá hoại có hệ thống này và mục tiêu của họ là gì? Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu vấn đề này, chúng ta thử nhìn qua những khó khăn trước mắt về vấn đề thiết lập bang giao giữa Vatican và Hà Nội.

ĐIỀU ĐƯỢC NHIỀU GIỚI LƯU Ý

Các cơ quan truyền thông lớn đều chú ý đến một điểm trong bản thông cáo chung ngày 28.2.2012 về cuộc họp giữa hai bên, đó là hai đoạn sau đây:

“Tòa Thánh bày tỏ mong ước rằng vai trò của Vị Đại Diện Không Thường Trú và sứ mạng của Ngài được tăng cường và mở rộng, để củng cố các quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, cũng như ý hướng của Việt Nam và Tòa Thánh phát triển các mối quan hệ với nhau.
“Cả hai bên đã đồng ý tạo điều kiện dễ dàng cho công việc của Đức TGM Girelli, để Ngài có thể thi hành sứ mạng tốt đẹp hơn.”

Nói cách khác, hai bên không bàn đến tiến trình mới về bang giao giữa hai nước mà chỉ nói đến tăng cường vai trò của vị Đại Diện không thường trú của Vatican để củng cố các quan hệ giữa hai nước. Tại sao tiến trình thiết lập bang giao giữa Vatican và Việt Nam lại ngừng ở đây?

TÍNH TOÁN CỦA PHÍA HÀ NỘI

“PV. Vietcatholic ở Hà Nội” cho rằng Hà Nội sợ thiết lập bang giao, Vatican sẽ đòi lại tài sản. Đây là một lối phịa tin ấu trĩ. Vấn đề tài sản của GHCGVN bị cưỡng chiếm chưa hề được bàn đến trong ba cuộc gặp gỡ đã qua giữa Vatican và Hà Nội. Trong thực tế, qua các cuộc thương lượng giữa HĐGMVN và Ban Tôn Giáo Chính Phủ, một số cơ sở đã được ưu tiên trả lại cho Giáo Hội như Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, các chủng viện tại miền Bắc, v.v. Nhà đất Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà không nằm trong ưu tiên nào cả.

Khi thả bong bóng đòi lại nhà đất, “PV. Vietcatholic ở Hà Nội” đã để lòi ra chủ trương của “các thế lực thù địch” hiện nay là tạo ra “các điểm nóng” để dẫn tới biến loạn.
Theo chúng tôi, sở dĩ hiện nay Hà Nội chưa muốn có bang giao với Vatican vì hai lý do chính sau đây:

1.- Trung Quốc chưa thiềt lập bang giao với Vatican nên Hà Nội phải đợi đàn anh đi trước.

2.- Đề phòng “các lực lượng thù địch” biến Công Giáo VN thành một công cụ đối kháng.
Trong ván bài xì phé hiện nay giữa Washington và Hà Nội, hai bên đã nhìn ra con tẩy của nhau rõ mồn một. Có thể coi đây là ván bài lật ngửa, nhưng hai bên vẫn tiếp tục chơi. Hà Nội đã không ngần ngại nói lên các “siêu chiêu” của Hoa Kỳ và chỉ đạo những phương thức đối phó.

Trong Hội nghị toàn quốc về chỉnh đốn Đảng ngày 27.2.2012, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ về chiến dịch “diễn biến hòa bình” của Mỹ và các quốc gia Tây phương như sau:

“Chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: "Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành"; "một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước". Ngày nay "làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người"; "một đô la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô la chi cho quốc phòng"; "kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị".

Như chúng tôi đã nói nhiều lần, từ lâu Mỹ đã nhận thấy rằng tại các nước chậm tiến như Việt Nam hay các quốc gia Hồi Giáo, chỉ có tôn giáo mới có thể tạo ra các cuộc chính biến lớn, còn các tổ chức chính trị khác không có khả năng. Vì thế, sau khi dùng lá bài Phật Giáo thất bại, Mỹ đang quay qua dùng lá bài Công Giáo, khởi sự từ “các điểm nóng”. Để đối phó, hôm 21.2.2012, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 212/QĐ-TTg bổ nhiệm Trung Tướng Phạm Dũng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, làm Thứ Trưởng Nội Vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Năm ngoái, Thủ Tướng Dũng cũng đã cử Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng làm Phái viên tư vấn Thủ tướng về an ninh và tôn giáo.

Những quyết định này cho thấy Hà Nội đã coi vấn đề tôn giáo là vấn đề hàng đầu. Hà Nội không thể lường được vai trò của một Toà Sứ Thần Vatican sẽ gây ảnh hưởng như thế nào, nên tạm ngưng nói về vấn đề bang giao.

KHÓ KHĂN TỪ PHÍA VATICAN

Trong vấn đề thiết lập bang giao với Việt Nam, Vatican cũng đang gặp những vấn đề khó khăn sau đây:

1.- Vấn đề thống nhất đường lối của Giáo Hội Việt Nam.

Sau 20 năm chia cắt (từ 1954 đến 1975) hai Giáo Hội thuộc hai miền Nam – Bắc đã hợp nhất, nhưng còn nhiều khác biệt cần có thời gian mới có sự hiệp thông trọn vẹn. Qua Hội Đồng Giám Mục, đường lối của Giáo Hội coi như đã thống nhất, nhưng chỉ mới ở tầng trên, ở từng dưới nhiều nơi không nắm vững, nên thỉnh thoảng lại xẩy ra chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Các Giám Mục phải hướng dẫn từ từ để mọi thành phần dân Chúa đi đến hợp nhất và những thành phần nông nổi hay phá hoại không còn môi trường hoạt động.

Chuyến đi thăm 26 giáo phận Việt Nam trong năm vừa qua của Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh, đã đem lại những kết quả tốt.

2.- Sư ngăn chận của “các thế lực thù địch”

Khi muốn biến GHCGVN thành một lực lượng đối kháng để thay thế GHPGVNTN đang suy tàn, chắc chắn “các thế lực thù địch” không muốn Vatican lập bang giao với Việt Nam. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy mỗi khi sắp có cuộc họp giữa phái đoàn hai nước, hoặc tại Hà Nội hoặc tại Vatican, những bản tin bịa đặt hay xuyên tạc đã được tung ra để gây áp lực.

3.- Kế hoạch biến GHCGVN thành một lực  lượng chính trị đối kháng.

Các cuộc quan sát cho thấy âm mưu biến Giáo Hội Công Giáo thành một lực lượng đối kháng được tiến hành theo một kế hoạch khá tinh vi. Thỉnh thoảng người ta thấy chính các viên chức của Tòa Đại Sứ Mỹ lại đích thân dính vào. Kế hoạch này gồm những thủ đoạn chính sau đây:

(1) Mở chiến dịch quy kết HĐGHVN và một số Giám Mục đã bị Cộng Sản khuất phục hay làm tay sai cho Cộng Sản. Họ nghĩ rằng khi quy kết như thế, các Giáo Mục sẽ phải đưa ra những lời tuyên bố hay những hành động mạnh mẽ chống lại đường lối của Đảng CSVN để biện minh. Từ đó Giáo Hội sẽ biến thành một “giáo hội chống cộng”, một lực lượng đối kháng giống GHPGVNTN.

(2) Đưa ra học thuyết “Thiên Chúa là phèng la” (Deus cymbalum est) với ngụy luận rằng Thiên Chúa đã đánh phèng la cho đến nổi chết trên thập giá. Chúng ta cũng phải đánh phèng la như thế. Không đánh phèng la là “đồng lõa với tội ác”.

(3) Quan trọng hóa vai trò của các giáo sĩ trong Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo để cho rằng Giáo Hội VN đã bị các nhóm linh mục này lũng đoạn. Trong thực tế, tổ chức này chỉ là một thứ “hoa lá cành” của Mặt Trận Tổ Quốc, không bao giờ gây được ảnh hưởng gì về đường lối của Giáo Hội.

3.- Biến “những điểm nóng” thành vết dầu loang

“Các thế lực thù địch” cũng âm mưu biến những nơi có tranh chấp giữa Giáo Hội và chính quyền thành vết dầu loang.

Linh mục Nguyễn Văn Lý và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà được Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội chú ý nhiều nhất. Một tùy viên chính trị của Tòa Đại Sứ Mỹ đã tìm gặp Cha Lý đang dưỡng bệnh ở Nhà Chung ở Huế. Công An thấy thế đã đưa Cha Lý vào tù lại. Một tùy viên khác đã đến khuyến khích cuộc đấu tranh của DCCT Thái Hà khiến Công An quyết định phải chận đứng “điểm nóng” này một cách mạnh mẽ hơn.

“Điểm nóng” thứ ba được Tòa Đại Sứ Mỹ chú ý là giáo phận Kontum. Ngày 23.2.2012, LM Nguyễn Quang Hoa bị đánh trọng thương trên đường đi làm mục vụ về. Tin này được loan đi khắp thế giới. Ngày 29.2.2012 một phái đoàn Toà Đại Sứ Hoa Kỳ do Bà Claire A. Pierangelo, Phó Đại Sứ cấm đầu đã đến thăm ĐGM Kontun Hoàng Đức Oanh. Phái đoàn có ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự; ông Taylor C. Tinney, viên chức Môi Trường và ông Phạm Thanh Nhân, thông dịch viên. Nhiều người nghĩ giáo phận Kontum sẽ làm to chuyện này. Nhưng trong Thư Mục Vụ Mùa Chay ngày 3.3.2012 gởi đến các tín hữu trong giáo phận Kontum, ĐGM Hoàng Đức Oanh nói:

“Cả Giáo phận đều bàng hoàng. Để tránh những bức xúc quá đáng, chúng ta cần đón nhận biến cố này sao cho phù hợp với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu mà chúng ta đang sống?…

“Đây không còn là lúc ngồi than trách ai, mà là sống. Sống mầu nhiệm mùa chay, mùa sám hối và sống theo Tin Mừng yêu thương. Chỉ có Thánh Thần Chúa soi sáng và đổi mới mỗi chúng ta thực sự trở nên những anh em của nhau và với nhau, để ai nấy đều sống chan hoà yêu thương nhau.”

Có lẽ Toà Đại Sứ Mỹ đã thất vọng về Thư Mục Vụ Mùa Chay này.

4.- Nhóm thực hiện

Các chiến dịch được Mỹ phát động đều được giao cho những người được cấp “Fund” hay “Grant” thực hiện. Hai tên “PV Vietcatholic ở Hà Nội” và Joshep Dang ở Westminster đang bị nhiều người theo dõi.

Các tên này viết theo sự chỉ đạo và có nghiên cứu. Thông thường là thu lượm một số sự kiện có thật liên quan đến người họ muốn tấn công, rồi từ đó bịa ra những chuyện khác làm cho những người ít hiểu biết tưởng thật và tin.

Nhóm Giao Điểm Công Giáo vốn biết rất ít về chính trị và đường lối của Giáo Hội, thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, đã bị nhóm ăn “Fund” ăn “Grant” đẩy cây, trở thành những công cụ đánh phá Giáo Hội ác liệt.

Mới đây, nhóm này đã cho phổ biến bài “Lưng ghẻ lở mà che dấu sẽ ghẻ lở thêm” đăng trên website “Ba Cây Trúc” ở Thụy Sĩ, quy kết Đức TGM Huế Nguyễn Như Thể là tay sai cộng sản với những chuyện bịa đặt. Nhiều người muốn viết bài trả lời, nhưng chúng tôi đã nói với họ: Trả lời là trúng kế địch!

Thủ đoạn của nhóm Giao Điểm Phật Giáo và nhóm Giao Điểm Công Giáo đều giống nhau: Cứ tung ra các chuyện bịa đặt và khiêu khích đối phương trả lời. Khi đối phương trả lời chưa hết chuyện này, họ đã bày ra chuyện khác, đưa cuộc tranh luận vào mê hồn trận. Cách tốt nhất để đối phó là lật con tẩy lên.

Khi chúng ta lật con tẩy lên, cả trong và ngoài nước đều biết, chiến thuật của họ bị vô hiệu hoá.

CON ĐƯỜNG CỦA GIÁO HỘI

Giáo Hội miền Bắc chịu nhiều đau thương vì Cộng Sản và cũng có rất nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản. Trong khi đó, Giáo Hội miền Nam khó quên được những tai hoạ mà Mỹ đã gây ra cho Giáo Hội: Bằng chiến thuật kích động lòng hận thù tôn giáo, Mỹ đã biến Phật giáo thành một lực lượng đối kháng rồi dựa vào đó tổ chức lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và đổ quân vào miền Nam. Chiến thuật này đã gây ra sự xung đột giữa Phật Giáo và Công Giáo với những hệ lụy còn kéo dài cho đến ngày nay và rất khó xóa bỏ được. Kết quả: Miền Nam bị mất.

Hiện nay, ngoài âm mưu của “các thế lực thù địch”, một số người công giáo muốn chống cộng nhưng không có khả năng lập một tổ chức đối kháng để làm thay đổi chế độ như Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan, họ quay lại thúc đẩy Giáo Hội trong nước phải đứng ra làm chuyện đó thay cho họ. Nhưng đó không phải là sứ mạng của Giáo Hội.

Đường lối của Giáo Hội Công Giáo trong quá khứ và trong hiện tại như thế nào? 

Được báo chí hỏi: “Khi một chính quyền trở thành độc tài, thì lập trường của Giáo Hội và của người công giáo là như thế nào?” ĐHY Jaime Ortega Alamino, TGM Havana của Cuba, đã trả lời như sau:

“Lập trường của Giáo Hội và của những người công giáo trước những chế độ trở thành độc đoán, phải phù hợp với điều chúng ta đang là  trong hoàn cảnh nầy, phù hợp với sứ mạng của Giáo Hội. Giáo Hội không có sứ mạng trở thành một đảng chính trị đối lập - rất tiếc là Cuba ngày nay không có đảng đối lập nào cả. Cá nhân tôi muốn có nhiều đảng đối lập. - Nhưng người ta không thể yêu cầu giáo hội trở thành một đảng đối lập. Chúng ta hiện hữu để rao giảng Nước Thiên Chúa. Sức mạnh tinh thần của Giáo Hội không thể được xử dụng cho nhóm chính trị nầy hay nhóm chính trị kia. Giáo Hội bênh vực những giá trị của Nước Chúa, tình yêu, sự phục vụ cho những gì là tốt nơi con người.”

Đó cũng là lập trường của Giáo Hội Việt Nam. Giữ vững lập trường này, Giáo Hội Việt Nam vẫn tồn tại qua nhiều thử thách, trong khi các tôn giáo khác đều đã bị “quốc doanh hoá”.

Khi viếng thăm Cuba năm 1998, Đức Giáo Hoàng Jean Paul II đã xác nhận lại một lần nữa:
“Giáo Hội, hiện diện giữa lòng xã hội, không nhằm đi tìm bất cứ hình thức quyền hành chính trị nào khi thực hiện sứ mạng của mình; Giáo Hội chỉ muốn là hạt giống phát sinh những thiện ích của mọi người bằng sự hiện diện của mình trong các cơ cấu xã hội.”

Làm công cụ cho Cộng Sản hay cho Mỹ đều thê thảm.

Ngày 6.3.2012
Lữ Giang