"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 10. April 2012

Hồ Chí Minh đã bị giết?


Minh Võ

Sáng ngày 2-9-1969, trời miền Bắc Việt Nam u ám, nhiều mây, có mưa nhẹ lác đác nhiều nơi. Người dân nôn nao đón chờ "thông điệp Quốc Khánh" của Hồ Chí Minh. Không khí chính trị ngột ngạt do sự leo thang chiến tranh của tân tổng thống Mỹ Nixon càng làm cho cán bộ đảng viên và thường dân miền Bắc hoang mang khi nghe bài diễn văn vắn tắt, tầm thường- nếu không muốn nói là nặng mùi tử khí - của Phạm Văn Ðồng báo hiệu một biến cố bất thường đã xảy ra.

Người ta xầm xì: "Hồ Chí Minh đã bị giết?" Sau đó ít lâu, nhà cầm quyền mới thông báo "Hồ Chủ Tịch đã mất ngày mồng 3 tháng 9." Mãi hàng chục năm sau người ta mới dám nói thực là ông Hồ đã chết vào đúng ngày "Quốc Khánh 1969". Hai năm cuối đời ông Hồ thường đau yếu luôn và hay sang Trung Quốc để cho các danh y của Cộng Ðảng xứ này chữa trị. Ông ta cũng mừng sinh nhật cuối cùng (19-5-1969) ở đây luôn, có người cho rằng ông ta muốn qua những tháng ngày cuối đời tại miền đất mà ông đã có những kỷ niệm "tình cảm đầy tính con người" vào những năm 20 và 30 khi ông hoạt động gián điệp cho quốc tế cộng sản và cho việc thành lập và đào tạo đảng cộng sản VN sau này. Nói trắng ra là ông muốn sống lại những giờ phút ái ân với những người đẹp trong dĩ vãng. 

Sử gia Mỹ William Duiker thuật lại rằng nhân chuyến đi chữa bệnh này, ông Hồ còn ngỏ lời với một cán bộ cao cấp địa phương muốn ông này tìm cho một phụ nữ Trung Hoa thật trẻ và đẹp, có lẽ để ông dùng làm thuốc trì hoãn sự lão hóa và đẩy lùi thần chết. Ðồng chí nước bạn và cũng là chỗ tâm giao của ông hỏi: "Sao đồng chí không lấy một cô Việt Nam có phải dễ dàng không?" Thì ông bảo: thiếu nữ Việt đều coi ông là Bác cả, khó lắm! Thế là bạn ông đem trình sự việc với thủ tướng Chu Ân Lai. Ông này phán rằng việc hôn nhân của lãnh tụ V.N. phải hỏi ý kiến bộ chính trị Việt Nam. Có lẽ nhóm Lê Duẫn không tán thành, nên chuyện đó chưa đi đến đâu thì ông Hồ đã chết trong sự ngờ vực của người dân miền Bắc. 

Nhưng rồi chiến cuộc với hàng trăm biến cố khác đã làm cho những chuyện đó rơi vào quên lãng. Cho đến nay không ai còn đặt lại câu hỏi ai giết ông Hồ nữa. Tuy nhiên kẻ viết bài này có thể khẳng định: ông Hồ, -- như một số người thường mô tả là một "nhà ái quốc", một "anh hùng dân tộc", thậm chí "một nhà văn hóa lớn" (1) -- đã bị giết rồi.Và người thủ tiêu họ Hồ không ai khác hơn là "nhà văn hóa" Trần Dân Tiên, tác giả "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", hoàn tất vào mùa xuân năm 1948 (2). Hơn hai chục năm không ai biết tác giả Trần Dân Tiên là ai. Cho đến khi chiến tranh kết thúc "đảng ta" mới xác nhận đó là "Bác".

Ðây là một chuyện hy hữu trong lịch sử văn học và chính trị thế giới: Một lãnh tụ chính trị, chủ tịch một nước viết hồi ký để tự ca tụng chính mình. Vũ Thư Hiên, trong cuốn "Ðêm Giữa Ban Ngày" cho rằng đây là một việc "thừa và ngớ ngẩn". Riêng người viết không nghĩ thế. Ðặt sự việc vào bối cảnh chính trị nước nhà trong thời gian ông Hồ cặm cụi nắn nót cho ra đời cuốn sách vô tiền khoáng hậu này thì sẽ thấy ông ta có lý do để làm việc đó. Ông biết rõ đàn em của ông và những tay văn nô dù có khả năng đến mấy cũng không thể làm việc này thay ông được. Là bởi vì trong số các cán bộ cộng sản Việt nam lúc ấy chỉ có ông là người đã được học đến nơi đến chốn và có kinh nghiệm thực hành nhuần nhuyễn nghệ thuật tuyên truyền và khuấy động quần chúng. Ông muốn đem ngón nghề chuyên môn của mình ra làm những công việc sau đây trong kiệt tác tuyên truyền này. 


1. Tạo cho quần chúng Việt Nam một thần tượng để ông có thể nhân danh thần tượng này đẩy toàn dân vào chỗ đạn lửa hòng ông đạt được mục tiêu cuối cùng là nắm trọn quyền bính trong tay 


2. Loại trừ tận gốc rễ những phần tử đối nghịch dám chống lại ông và đảng của ông như các đảng Ðại Việt, Việt Cách, Việt Quốc. 


3.Che giấu bộ mặt thật của ông là một gián điệp quốc tế, tay sai của Quốc Tế Cộng Sản, tức Liên Xô và Trung Cộng. 


Nhưng ông khôn mà không ngoan. Gian xảo quỷ quyệt quá thành ra để lòi đuôi cáo, khiến cho tiếng tăm về lòng ái quốc giả đối của ông bị tiêu ma từ đây. Chúng ta thử xem về chi tiết từng điểm vừa nêu. Trong một nước Á Ðông mà dân trí còn thấp như Việt Nam, vai trò của lãnh tụ, của "minh chủ" rất quan trọng. Nhất là trong chiến tranh thì nó càng quan trọng hơn nữa. Ông Hồ biết rõ nhu cầu đó. Ở Trung Quốc ông đã thấy thần tượng Mao Trạch Ðông làm nên đại sự. Ngay ở Liên Xô, một nước thấm nhuần văn minh phương Tây từ lâu mà vai trò của thần tượng Lênin rồi Stalin cũng còn quyết định sự thành bại của cuộc "cách mạng xã hội chủ nghĩa". Huống chi ở Việt Nam. 


Ông cũng hiểu hơn ai hết rằng lịch sử đã chứng minh mỗi lần có biến, dân nước phải đối đầu với cuộc xâm lăng từ phương Bắc, luôn có một anh hùng trở thành thần tượng cho quân sĩ và nhân dân tôn thờ hòng tuân lệnh xông vào lửa đạn để cứu nước. Ðinh Bộ Lĩnh, Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Quang Trung v.v....Ông cũng biết ông không có được những đức tính của những anh hùng dân tộc đích thực như các vị trên vì ông chỉ là một cán bộ của quốc tế cộng sản, có sứ mạng truyền bá chủ nghĩa cộng sản, tranh đấu cho một cuộc cách mạng vô sản trên khắp thế giới, chứ không phải cho nền độc lập quốc gia thực sự. Lênin đã dậy ông, Stalin cũng luôn nhắc lại cho ông rằng cách mạng vô sản thế giới mới là cứu cánh, kháng chiến chống thực dân, dành độc lập quốc gia chỉ là sách lược giai đoạn, do nhu cầu của "thoái trào hay tiến trào cách mạng". Và cũng nhờ đã tiếp xúc với những nhà ái quốc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường...ông đã biết cách tuyên truyền thế nào để kích động lòng yêu nước của toàn dân hòng chiến thắng. 


Khi gặp sự chống đối của quốc tế (thế giới tự do) và các phần tử, đảng phái quốc gia, vì ông trót để lộ tung tích làm gián điệp cho quốc tế 3 (cộng sản), ngày 5-11-1945 ông đã cho lệnh giải tán đảng cộng sản mà ông đã theo lệnh Liên xô thành lập và thống nhất vào ngày 3-2-1930. Ông biến nó thành hội nghiên cứu Mác Xít. Ðồng thời ông cũng thay đổi hẳn thái độ, cốt tạo cho mình một bộ mặt quốc gia. Mặc dầu vậy, các đảng phái quốc gia, được sự ủng hộ của Pháp và thế giới tự do, vẫn viện dẫn lý do ông là cộng sản để chống đối. Mục đích chính của tập sách ông viết dưới bút hiệu Trần Dân Tiên là làm cho đại chúng, quần chúng, nhân dân Việt Nam thấy được "lòng yêu nước, thương dân phi phàm" của ông, thấy được những cử chỉ thái độ bình dân, giản dị, thấy được những đức tính đáng yêu của một nhà cách mạng, biết sống như thường dân, biết chia sẻ những nỗi khổ cực của dân nghèo, để rồi mến yêu ông, tôn thờ ông, sẵn sàng nghe theo lời ông "Vì đảng, vì "Bác" tiến lên" xông vào chỗ chết, hết lớp này đến lớp khác. 


Lúc ấy ông bắt đàn em không được hô "Vì đảng", mà phải hô "vì tổ quốc", để đánh lừa một số người. Quá trình đấu tranh gian khổ của ông, vào tù ra khám nhiều lần, thoát chết nhiều lần, có lần đã bị loan báo chết mà không chết, càng làm cho những lời lẽ ông viết ra trong sách có tính thuyết phục. Mấy người biết được rằng những cực khổ hy sinh đó là vì một lý tưởng khác, - -cách mạng vô sản thế giới, theo lệnh quốc tế 3 (cộng sản)--, chứ không phải vì lý tưởng quốc gia dân tộc thuần túy. 


Những ví dụ đầy rẫy trong cuốn sách 167 trang này. Ở đây chúng tôi chỉ xin trích một vài đoạn nhỏ để thấy rõ tác giả đã khéo léo tô điểm cho hình ảnh một lãnh tụ, một thần tượng Hồ Chí Minh như thế nào: (Trang 129): 


Ngày 2-9-1945. Ngày chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân. Hồ chủ tịch sửa soạn đi dự lễ. Cụ Hồ chợt thấy mình không có quần áo. Về việc quần áo có hai việc đáng kể: (chỉ kể 1. MV) Vừa mới ở rừng về đến Hà Nội, một võ quan ngoại quốc đến chào Hồ Chủ tịch, võ quan này bận quần ka-ki và áo bằng vải dù. Võ quan thú thật là không có áo nào khác. Lập tức chủ tịch cởi áo khoác ngoài và biếu người võ quan ấy (....) Và người võ quan đi ra với bộ quần áo đầy đủ, còn chủ tịch thì suốt ngày mặc áo sơ mi. (....) Trong rừng, Hồ chủ tịch cũng như các chiến sĩ du kích, ai cũng quen bận quần đùi và ở trần. Về Hà Nội Hồ chủ tịch cũng giữ nguyên bộ quần áo khi ở trong rừng. (2 câu này khiến người đọc hiểu rằng ông Hồ về Hà Nội vẫn mặc quần đùi và ở trần!) Người ta đến các hàng tìm kiếm. Cuối cùng người ta tìm thấy một bộ quần áo ka-ki và đôi dép cao su cho Hồ chủ tịch. Ăn mặc như thế, chủ tịch ra mắt đồng bào. (...) một vị chủ tịch khác thường. (Trang 131): 


"Nhưng cảm động hơn cả, là khi nhân dân thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, người mà nhân dân hằng mến yêu, khâm phục và kính trọng, và lần đầu tiên nhân dân mới được thấy." (Thực ra lúc ấy chẳng mấy người biết Hồ Chí Minh là ai, chứ đừng nói "hằng mến yêu, khâm phục và kính trọng" MV) (Trang 132): "Trông thấy Chủ tịch đến, nhân dân nhận thấy Hồ chủ tịch giản dị thân mật như một người cha hiền về với đám con. (...)...Chủ tịch trở thành "Cha Hồ" của dân tộc Việt Nam.(Trang 143): 


"99% cử tri ở Hà Nội đã đi bỏ phiếu. Toàn thể bỏ phiếu cho danh sách ứng cử do Hồ chủ tịch đứng đầu. Và gồm có: một kỹ sư thuộc đảng Dân Chủ, một vị học giả, một bác sĩ và một bà, đều không có đảng phái." Câu cuối cho thấy ông Hồ cố hết sức mình chứng minh ông là người vì chủ nghĩa dân tộc, nên được đảng Dân Chủ (phi cộng sản) các nhà trí thức, học giả uyên thâm, và nữ giới, toàn những người không đảng phái ủng hộ đứng chung danh sách với ông. Nhưng sẽ thấy ngay đó chỉ là lời nói xạo, nếu biết được rằng đảng Dân Chủ (của Dương Ðức Hiền, cử nhân luật mới ra trường, Nghiêm Xuân Yêm, kỹ sư), cũng như đảng Xã Hội (của Nguyễn Xiển, kỹ sư khí tượng) lúc ấy chỉ là bình phong của đảng cộng sản. Những người đứng đầu đảng như các ông Dương Ðức Hiền, Trần Ðăng Khoa, hay Nghiêm Xuân Yêm, đều chỉ biết tuân lệnh của những cán bộ cộng sản nòng cốt, tuy bề ngoài chỉ nắm vai phụ, nhưng bên trong lại giữ vai chủ đo! Á.ng, như Phạm Hồng rồi Nguyễn Việt Nam, Phạm Tuấn Khanh...Những lời tuyên bố hay bài nói bài viết của họ đều bị những tên này duyệt trước.(Trang 162): 


"Nhân dân VN muôn người như một nghe theo lời Hồ chủ tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ chủ tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân VN kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh" (Trang 164): "Chủ tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ tới người khác, nghĩ đến nhân dân." 


Tất cả 2 trang 163 và 164 ông chỉ dành để viết những lời tự ca tụng tương tự như thế, rồi đến cuối trang 166 là trang áp chót ông hạ một câu xanh rờn: "Nhân dân gọi chủ tịch là Cha già của dân tộc," Nếu để ý thời điểm mà cuốn sách được viết xong là mùa xuân năm 1948, thì thấy lúc đó chưa có những tác phẩm ca tụng họ Hồ, như những cuốn của Trường Chinh (3), Phạm Văn Ðồng (4), Võ Nguyên Giáp (5), Văn Tiến Dũng (6), Hồng Hà (7), để chỉ nêu mấy tên tuổi quan trọng trong số đàn em của ông Hồ. Về các tác giả ngoại quốc, cũng chưa có những cuốn hồi ký hay tiểu sử do các nhà báo hay sử gia tên tuổi viết, chẳng hạn Jean Lacouture, Jean Sainteny, Devillers, Shaplen, Stanley Karnow, David Halberstam, Neil Sheehan, W. Duiker v.v.... Ðiều đó cho thấy gì? Nó chứng tỏ Trần Dân Tiên tức Hồ Chí Minh là người mở đầu cho việc sùng bái cá nhân ông, và những kẻ viết sau về đề tài này đã lấy hứng và theo tài liệu của ông mà viết. Kể cả những tác giả ngoại quốc nổi tiếng sau này. 


B --Về các đoàn thể tổ chức và đảng phái chống Việt Minh lúc đầu (1945-46) tác giả có nói qua đến chính phủ Trần Trọng Kim mà ông bảo được Nhật "sai tổ chức chính phủ và quân đội bù nhìn để đi với quân đội Nhật đánh Việt Minh." (trang 116) và "cùng với phát xít Nhật tuyên truyền kịch liệt chống Việt Minh" (tr. 117). Riêng đối với các tổ chức Việt Cách của Nguyễn Hải Thần và Ðại Việt hay Việt Nam Quốc Dân Ðảng của Nguyễn Tường Tam thì Trần Dân Tiên đã dùng những lời lẽ nặng nề thô bỉ nhất. Có lẽ vì các tổ chức chính trị này đã lên án Việt Minh là cộng sản và đã có những hành động chống đối quyết liệt nhất. Và cũng vì họ tố cáo một cách hữu hiệu nhất tính chất lệ thuộc của Việt Minh vào hệ thống quốc tế 3 (cộng sản). Vì vậy ông ta cố hạ uy tín và làm nhục đích danh hai lãnh tụ Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam với những lời lẽ như sau: (trang 116): 


"Lúc đó bọn Nguyễn Tường Tam theo Nhật, ngược đãi người Pháp (8) sát hại Việt Minh và bắt cóc, đi tống tiền" (Trang 160): 


"Bô-la-e tìm những tên thân Nhật: Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Văn Sâm, giúp bọn này tổ chức "mặt trận quốc gia" để chống chính phủ Hồ Chí Minh". Nhưng âm mưu của Bô-la-e đã thất bại vì ba "ngài" này đã nổi tiếng là thành tích bất hảo" (Ở hai đoạn vừa nêu xin lưu ý mấy tiếng tống tiền và thành tích bất hảo. Có chỗ tác giả còn tố cáo Nguyễn Tường Tam bỏ trốn mang theo quỹ của bộ (ngoại giao) MV) (Trang 141, đặc biệt chú ý trang này): 


"Hồ chủ tịch đã tìm ra một giải pháp: nhường cho Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam bảy mươi (70) ghế mà chúng sẽ chia nhau hoặc bán cho người nào xuất tiền mua. (xin lưu ý mấy chữ bán và mua và tiền. MV) 


"Ðối với bọn này, nhân dân rất khinh bỉ. Người ta hỏi tại sao lại để cho những hạng người này ở trong quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam? Ðây là một sự nhục nhã cho chế độ dân chủ mới v.v...Hồ chủ tịch rất hiểu lòng tức tối của nhân dân đối với các "nghị viên" này. 


"Hồ chủ tịch giải thích cho nhân dân một cách rất giản đơn. Chủ tịch nói: "Muốn giồng khoai, giồng lúa, người ta phải dùng phân. Muốn đi đến dân chủ mà tất cả chúng ta đều muốn, đôi khi chúng ta phải làm những việc chúng ta không vui lòng làm". 


(Nói như vậy chẳng khác gì HCM bảo Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam và "đồng bọn" chỉ là những cục phân! MV) 


Thật không còn lời lẽ nào để hạ nhục đối phương hơn. Cá nhân kẻ viết bài này vốn mến văn tài của Nhất Linh, nhất là trong những tác phẩm ông viết chung với Khái Hưng, và khâm phục lòng yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Tường Tam. Nhưng tôi bắt buộc phải mạn phép vong linh ông để nói lên điều sau đây. Khi chính quyền đệ nhất Cộng Hòa có ý định đem ông ra tòa về tội âm mưu lật đổ chính quyền, ông đã tuyên bố một câu đi vào lịch sử: "Chỉ có lịch sử xét xử được tôi" rồi tự tử. Bác sĩ Trần Kim Tuyến và giáo sư Cao Thế Dung, trong tác phẩm "Làm thế nào để giết một tổng thống" đã viết rằng khi nghe tin ông Nguyễn Tường Tam tự tử, tổng thống Ngô Ðình Diệm đã hết sức buồn rầu suy tư nên đã phải lên Ða Lạt nghỉ nhiều ngày cho khuây khỏa. Vì nói cho cùng tổng thống chỉ muốn sự việc được đưa ra ánh sáng công lý chứ không muốn hãm hại Nhất Linh. Trong những nhà trí thức bị tình nghi là mưu phản sau này có ai bị xử tử hay bi án nặng đâu. Ngay kẻ mưu sát tổng thống tại hội chợ Ban Mê Thuột bị bắt quả tang mà ông còn tha mà! Tên này sau khi Sài Gòn thất thủ đã nghiễm nhiên trở lại với cương vị một cán bộ cộng sản trong hàng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh như nhiều người biết. 

Nếu thần tượng Hồ Chí Minh còn đó để cho các nhà viết sử của kẻ chiến thắng cứ tiếp tục như hiện nay, với những hàng chữ nhục mạ các lãnh tụ quốc gia như tên Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh này đã làm đối với Nguyễn Tường Tam, thì rồi con cháu ta về sau sẽ nghĩ gì về Nguyễn Tường Tam và các lãnh tụ quốc gia khác? Vì vậy thiết nghĩ những đồng chí của Nguyễn Tường Tam trong các đảng Ðại Việt và Việt Nam Quốc Dân Ðảng (và nói chung cả những ai tự nghĩ mình là người quốc gia, chống cộng) hãy tập trung nỗ lực vào việc lột mặt nạ ái quốc của Hồ Chí Minh, thay vì cứ các nhà lãnh đạo quốc gia không đồng chính kiến với mình mà vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, bôi nhọ lẫn nhau. 

Của đáng tội, công bình mà nói, trong việc thành lập chính phủ liên hiệp đầu tiên, một số đảng phái quốc gia đã mắc mưu của ông Hồ, ngửa tay nhận lấy 70 ghế ngồi trong "quốc hội" mà không được bầu, trong khi các đại biểu của Việt Minh thì lại được bầu (dù cho cuộc bầu cử đã bị cán bộ cộng sản sắp xếp và gian lận). Nhờ thế ông Hồ mới có cớ sỉ nhục mà đối phương đành im lặng. Những ghế trong chính phủ cũng được "chia" cho các đảng phái quốc gia trong âm mưu đó.Và cũng phải công nhận người đã dám cương quyết từ chối không chịu nhận chức bộ trưởng nội vụ trong cái chính phủ đó là ông Ngô Ðình Diệm được coi như khôn ngoan, sáng suốt, vì sớm hiểu rõ bản chất và mưu mô xảo quyệt của cộng sản ngay từ đầu. Tiếc rằng con người hiếm hoi am hiểu cộng sản đó đã phải hy sinh oan uổng, khiến cho hàng ngũ quốc gia suy yếu rồi thất bại. 


Trước khi sang đoạn 3, chúng tôi đề nghị những ai còn ngưỡng mộ nhà văn Nhất Linh và cụ Nguyễn Hải Thần hãy nghĩ tới những dòng chữ trên của Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh mà đừng vô tình hay hữu ý gián tiếp tiếp tay cho luận điệu tuyên truyền của cộng sản rằng "Hồ Chí Minh là đại anh hùng dân tộc", như một số cơ quan truyền thông ở Quận Cam và Houston vừa làm khi cho đăng nguyên văn (mà không bình luận ) bài "Huyền Thoại Hồ Chí Minh" của Lữ Phương (tháng 10- và 11-2001). 

C --Ðiểm 3, mà cũng là điểm chính, chúng tôi có ý bàn ở đây là HCM đã cố gắng núp dưới một bút hiệu vô danh tiểu tốt để cố làm cho quần chúng nghĩ rằng ông chỉ một lòng vì tổ quốc, vì dân, vì nước, chứ không phải vì quyền lợi cá nhân, hay chịu sự chi phối của Liên Xô, tranh đấu cho lý tưởng quốc tế vô sản nào khác. Và ông có đạt được mục đích này không? Trước hết phải công nhận bước đầu ông đã thành công, khi chưa ai khám phá ra Trần Dân Tiên chính là ông.

Ðọc Trần Dân Tiên, người dân chất phác liền tin HCM là người yêu nước. TDT không nói gì đến liên hệ mật thiết giữa Nguyễn Ái Quốc với quốc tế 3, tức sau này là Liên Xô. TDT có nói đến việc Nguyễn Ái Quốc ca tụng Liên Xô, "tuy chưa phải là thiên đàng cho mọi người, nhưng quả thực là thiên đường cho thiếu nhi" (trang 68). Nguyễn Ái Quốc không ca tụng nhiều mà chỉ nói phớt qua mấy hàng về chế độ xã hội của nước Nga rồi viết: "Ðây là một chế độ rất hay". (tr. 64). Nhưng chỉ có thế. Ông không bàn kỹ về chế độ cộng sản hay chủ thuyết Mác. Trái lại còn có chỗ ông thú nhận mình chẳng hiểu biết nhiều về chủ nghĩa này. (tr...49! .), thậm chí nơi trang 35 TDT còn mượn lời một người quen của "ông Nguyễn" để xác quyết: "Lúc ấy ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng." 


TDT đã bênh vực HCM nhiều nhất, khi viết rằng ông Nguyễn bỏ phiếu cho Quốc Tế 3 mà không bỏ phiếu cho Quốc Tế 2 chỉ vì QT3 có nói đến vấn đề thuộc địa (trang 52). Nghĩa là Nguyễn Ái Quốc, tức HCM vào đảng cộng sản chỉ vì thấy đảng đó tranh đấu cho quyền lợi các dân tộc sống dưới ách thực dân. Còn luận cứ nào hùng hồn hơn để chứng minh Nguyễn Ái Quốc là người yêu nước? Nhất là khi tác giả cố tình bỏ qua không nhắc tới những liên hệ khác của NAQ với đảng cộng sản LX và đảng c.s. Trung Quốc. 


Khi mà cộng sản xua quân vào chiếm Saigon đặt cả nước dưới sự thống trị của họ, thì ta mới hiểu HCM đã thành công đến mức nào trong âm mưu che giấu lý lịch và bộ mặt thật của ông. Nhưng khi đã biết TDT là chính HCM thì những âm mưu thầm kín nhất của ông dần dần bị phơi bầy. Dĩ nhiên với điều kiện chúng ta phải dựa vào những lời của ông trong tập sách này và đối chiếu nó với những tài liệu chính thống khác, gồm những lời phát biểu của ông, những sử sách ghi lại hành động của ông, nhất là của chính những cán bộ trung thành với ông vô tình tiết lộ trong các tác phẩm của họ, như Hồng Hà, Hoàng Văn Hoan vân vân.... Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi sẽ chỉ xin dẫn chứng của hai nhân vật này một cách tượng trưng. 


Có một điều rất buồn cười khi đọc Trần Dân Tiên, là rất nhiều chỗ ông ta nói đến "bí mật" và "mất tích", "mất đầu mối". Nhưng nếu suy nghĩ thì thấy không buồn cười được mà phải tự hỏi: "Có âm mưu gì đây?" vì những chỗ mất tích và bí mật đó thường trùng hợp vào thời gian hành tung của HCM lệ thuộc vào Liên Xô cần được giấu nhẹm. 


Nếu TDT là người khác HCM thì có thể chấp nhận là chuyện đó anh ta không biết thực. Nhưng đã là HCM viết tiểu sử của mình thì không thể không biết. Ðối với chính mình thì sao lại bí mật, sao lại mất đầu mối được, nếu không phải là lúc đó tác giả (HCM) muốn giấu một cái gì không tốt đẹp cho việc thần thánh hóa bản thân? Hãy chỉ nêu vài ví dụ: 


TDT viết Quốc đến Matxcơva lần đầu để được gặp Lênin và sửng sốt khi biết tin Lênin đã chết, không còn gặp được. Nhưng Hồng Hà, một tay viết sử chính thức của "Ðảng ta" thì viết rõ NAQ đến đó là để dự đại hội Nông Dân, lúc ấy Lênin hãy còn sống. Trang 24, HH viết: "Anh (Quốc) ra ga xe lửa, đáp tầu đi Mát-xcơ-va, và nhiệm vụ mới đang chờ anh: chuẩn bị dự hội nghị Quốc Tế nông dân được triệu tập theo sáng kiến của Lênin." Khi Lênin chết, NAQ đã đang có mặt ở LX, trong khách sạn Luých (Luxe): Trang 80 Hồng Hà viết: "...Như mọi đồng chí khác, anh (Nguyễn) bỏ dở bữa ăn. Các tầng gác trong khách sạn trầm lặng hẳn đi..." 


Và còn không biết bao nhiêu việc khác tại LX và Trung Quốc, TDT đã lờ hẳn đi không hề nhắc tới chỉ vì nó có lên hệ đến công tác mật của một cán bộ Quốc Tế c.s.. Ví dụ TDT không nói gì đến việc Quốc là cán bộ của bộ Phương Ðông, thuộc Quốc Tế Cộng sản. Nhưng trong sách của Hồng Hà ("Bác Hồ trên đất nước Lênin"), trang 107 có phóng ảnh của giấy chứng nhận do Pê Tơ Rốp, bí thư của bộ này ký xác nhận rằng "Ðồng Chí Nguyễn Ái Quốc là cán bộ của bộ Phương Ðông, ban chấp hành Quốc Tế Cộng Sản". Trang 128 và 129 SÐD còn có ảnh NAQ với lời ghi : "Ðồng chí Nguyễn Ái Quốc tại đại hội 5 Quốc Tế c.s." và ảnh giấy mời đ/c NAQ dự hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành QT c.s. mở rộng 1924. Về việc ông làm việc cho phái bộ Borodin của Liên Xô cạnh Quốc Dân Ðảng Trung Quốc, TDT đã nói dối như sau: (trang 69 và 71) "Bây giờ ông Nguyễn ở Trung Quốc, ông bắt đầu đi bán thuốc lá và bán báo để sống...(....) "Ðọc quảng cáo trên tờ "Quảng Châu nhật báo", ông tìm đến làm phiên dịch cho ông Bô Rô Ðin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và của chính phủ Quảng Châu.." Nhưng Hồng Hà thì lại viết (trang 148 SÐD): 


"Cương vị của anh trong Quốc Tế c.s. và nhiệm vụ công tác của anh ở Quảng Châu chỉ có Borodin và vợ là đ/c Pha Nhị A Xê Mê Nô Vô Na Borodina biết. Về công khai (nghĩa là có mặt bí mật. MV), anh là cố vấn riêng và người phiên dịch của đ/c Borodin, đồng thời là phóng viên của hãng Roxta. Trong cơ quan của Borodin, phủ đại soái LX hoặc lãnh sự quán LX, làm việc giữa tập thể các đồng chí chuyên gia Xô Viết, anh Nguyễn mang thêm một tên Nga là Ni-Lốp-Xkỵ Nhưng các bạn quen gọi anh là đồng chí Lý" (tắt của Lý Thụy MV). 


Việc thành lập và thống nhất đảng cộng sản Ðông Dương hết sức quan trọng đối với mọi đảng viên. Nhưng trong cuốn sách của ông dưới bút hiệu TDT ông Hồ đã chỉ nói phớt qua vài hàng và nhắc lại như chính ông là người hô hào thống nhất, chứ không phải do chỉ thị của Quốc Tế c.s. (trang 86). Ông còn cẩn thận nhắc lại chính cương của đảng là "Dân tộc độc lập, Nhân dân tự do, Dân chúng hạnh phúc" na ná như chủ nghĩa tam dân của bác sĩ Tôn Dật Tiên người sáng lập Trung Hoa Quốc Dân Ðảng nữa.Nhưng ta hãy xem Hồng Hà thuật lại việc thống nhất đảng ra sao và ông Hồ đã nói gì trong dịp này (tr.237): 


Anh xúc động mở đầu lời kêu gọi nhân dịp thành lập đảng: "Nhận chỉ thị của Quốc Tế c.s. giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và thấy có nhiệm vụ phải gửi tới anh chị em và các đồng chí lời kêu gọi này....Ðảng c.s.VN đã được thành lập. Ðó là đảng của giai cấp vô sản. Ðảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng VN đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chi em bị áp bức, bóc lột." (Ðáng chú ý là ông Hồ không nói gì đến dân tộc đang bị ách đô hộ của thục dân .MV) 


Trong dịp này (18 năm trước khi ông viết hồi ký với bút hiệu TDT) ông đã xác nhận ông theo chỉ thị của QT c.s., tức Ðệ Tam Quốc Tế, lúc ấy đã do Liên Xô dưới thời Stalin hoàn toàn chi phối. Trong cuốn "Bước Ngoặt Vĩ Ðại của lịch sử đảng c.s. VN của Lưu Quý Kỳ xuất bản cuối thập niên 50, hay đầu thập niên 60, còn có in cả phóng ảnh bức thư viết bằng tiếng Pháp của QTCS. 


Nếu cứ tin TDT thì ông Hồ chỉ muốn lập một đảng cách mạng quốc gia, có thể lấy tên gì cũng được chẳng hạn "Hội VN thanh niên cách mạng đồng chí" như trước hoặc "Ðảng c.s." như ngày nay"...(nguyên văn) 


Trong "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch", ông Hồ dưới bút hiệu TDT đã mô tả ông như người yêu nước muốn đoàn kết mọi thành phần quốc gia dân tộc chống thực dân. Nhưng Hồng Hà trong "Bác Hồ trên đất nước Lênin" đã trưng lại nguyên văn lời lẽ của ông nhắn Nguyễn Thị Minh Khai và Tú Hưu phải tiêu diệt bọn Tờ Rốt Kít: 


"Hai là, khắp nơi và cả ở VN, bọn Tờ Rốt Kít đã bộc lộ chân tướng phản động của chúng. Ðảng ta phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa Phát Xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị. Không được có thỏa hiệp nào, nhượng bộ nào với chúng." (SÐD trang 314) 


Chính vì cái chủ trương đó mà về sau những Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu và rồi cả Dương Bạch Mai là những người có xu hướng đệ tứ (tức thuộc nhóm Tờ Rốt Kít) đều bị chết thảm. 


Ai cũng biết Trốt Xky là một trong những lãnh tụ cộng sản lớn nhất thời Lênin. Sau khi Lênin chết thì ông trở thành đối thủ của Stalin và đã bị Stalin trục xuất rồi cho người ám sát. Khi Nguyễn Ái Quốc chủ trương tiêu diệt (về chính trị?) những người thuộc nhóm này, chính là vì ông ta đã lệ thuộc hoàn toàn vào chính sách đàn áp dã man của Stalin. Không có cách gì chạy tội được. 


Tuy về đảng cộng sản VN trần Dân Tiên chỉ nói phớt qua và không cho biết ông Hồ nắm chức vụ gì quan trọng trong đó. Nhưng về mặt trận Việt Minh (là một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản, phát xuất từ tổ chức yêu nước của ông Hồ học Lãm với danh xưng "Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh hội", và chính ông HHL đã gọi tắt là Việt Minh, như sẽ nói kỹ sau đây) thì được TDT nói đến nhiều hơn và còn xác định ông Hồ là lãnh tụ Việt Minh (trang 103)Chủ trương của Việt Minh được TDT ghi rõ: 


"Nhân Dân VN hãy đứng về phía Ðồng Minh! Ðánh đuổi Nhật-Pháp, tiễu trừ Việt gian! Ðấu tranh cho độc lập của tổ quốc! Người VN chúng ta hãy đoàn kết lại" 


Vì thấy rõ triển vọng chiến thắng của Ðồng Minh nên ông Hồ đã đứng hẳn về phe Ðồng Minh, lúc ấy có cả Liên Xô. Ông củng cố lấy lòng Mỹ bằng cách đích thân đi bộ sang Trung Quốc, để trao cho nhà chức tranh quân sự Mỹ tại đây một phi công Mỹ tên Shaw mà du kích quân,hay đồng bào cứu được hay bắt được? Lời hô hào của ông được nhân dân hưởng ứng vì những lý do sau đây: 


Thứ nhất ai cũng thấy rõ chủ trương đứng về phía Ðồng Minh là thượng sách. Thứ hai người Việt còn đang thù Nhật và muốn thoát ách đô hộ của thực dân Pháp. Thứ ba cái tên Việt Minh, viết tắt của "Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh hội" là bắt nguồn từ một tổ chức của những người yêu nước đang lánh nạn, hoạt động ở Hoa Nam, đứng đầu là nhà cách mạng không cộng sản Hồ Học Lãm. Uy tín của ông này lúc ấy rất lớn trong cộng đồng người Việt ở đây. Có người còn nói chính cái tên Hồ Chí Minh cũng là bí danh của ông Hồ Học Lãm. Như vậy ông Hồ đã mượn khẽ uy danh và bí danh của nhà cách mạng không cộng sản này. Về việc này Hoàng Văn Hoan, một cán bộ cao cấp trong bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, bị nhóm Lê Duẫn ngược đãi đã bỏ trốn sang Trung Quốc nhân dịp đi công cán, đã viết rõ trong cuốn hồi ký "Giọt Nước Trong Biển Cả" (Tập I, trang 133) như sau: 


"Vào khoảng tháng 10 năm 1940, khi chúng tôi đến Quế Lâm thì Bác đã ở đó. Ông Hồ Học Lãm cũng đã được xếp đặt đến chữa bệnh ở bệnh viện Quế Lâm rồi. Chúng tôi thường bí mật gặp Bác ở biện sự xứ Bát Lộ Quân để báo cáo và xin chỉ thị về hoạt động. 


"...Vấn đề đầu tiên là vấn đề lấy danh nghĩa gì để hoạt động? Bác chủ trương lấy danh nghĩa Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh Hội, và mời ông Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì để chúng ta dựa vào đó mà hoạt động. Chủ trương đó xuất phát từ chỗ Việt Minh là một tổ chức mà trước kia đã cùng với ông Hồ Học Lãm lập ra và đăng ký ở Nam Kinh; xuất phát từ chỗ ông Hồ Học Lãm không phải là cộng sản mà lại thật lòng ủng hộ chúng ta, nếu ông đứng ra làm, thì sự hoạt động của chúng ta được nhiều điều thuận lợi. 


"Rất đồng ý với ý kiến này, ông Hồ Học Lãm nhận đứng tên làm chủ nhiệm Việt Minh, giới thiệu chúng tôi đi gặp (toàn những người của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, chống cộng sản...., nhất là Lý Tế Thâm và Dương Kế Vinh. MV) 


Trước đó (từ trang 88 đến 105), Hoàng Văn Hoan đã nói kỹ về ông Hồ Học Lãm là người cùng làng với Hoan, thuộc dòng giống cách mạng yêu nước có tiếng (tr. 88), lúc này đang giữ trọng trách trong quân đội Trung Hoa Quốc Dân đảng, được các cấp chỉ huy THQD tin dùng. Hoan cũng nói là chính ông Hồ Học Lãm đã lập nên Việt Nam Ðộc Lập Ðồng Minh hội, đích thân lãnh đạo tổ chức này cùng với ông Nguyễn Hải Thần và một số người thuộc nhóm Hoàng Văn Hoan làm phụ tá. Hoan cũng nói chính ông HHL bảo "gọi tắt là Việt Minh "(tr. 103). Rồi cũng chính ông HHL xuất tiền túi ra lập tờ báo bằng chữ Trung Quốc lấy tên là Việt Thanh (tr. 105). Trang 107 Hoàng Văn Hoan viết: 


"Ông (Hồ Học Lãm) không phải cộng sản. Ông là người Nho học, nhưng đã thực hành mặt tích cực của một số giáo điều của đạo Nhọ...và ông đã giúp Ðảng ta và một số đồng chí của ta rất nhiều." Ông không phải là cộng sản. Ðiều này Quốc Dân Ðảng Trung Quốc biết rõ trăm phần trăm. Ông đứng ra lập Việt Minh trong lúc này đối với chúng ta mà nói là một sự che chở rất có hiệu lực. 


Những trang sách của Hoàng Văn Hoan cho thấy rõ Hồ Chí Minh đã lợi dụng lòng tốt của các nhà cách mạng quốc gia (phi cộng sản) để phát triển và củng cố tổ chức cộng sản, để rồi sau đó mượn danh nghĩa của các nhà cách mạng này và núp sau lưng tổ chức của họ để hoạt động bí mật cho Quốc Tế cộng sản, và sau cùng cướp luôn danh nghĩa của tổ chức Việt Minh rồi trong hồi ký "Những Mẩu Chuyện..." đã nói dối rằng mình là lãnh tụ Việt Minh. 


Tiếc rằng lúc ấy, trí thức cũng như dân quê Việt Nam đã bị lầm nghe ông Hồ đứng vào một Việt Minh đã biến chất, đã bị nhuộm đỏ, để kháng chiến không công cho cộng sản. Lúc ấy Hồ Chí Minh đã lập lờ đánh lận con đen, dùng danh xưng cũ Việt Minh, thêm vào hai chữ "mặt trận" ở trước để bào chữa rằng đây không phải là ăn cắp danh xưng của "VNÐLÐM hội" của nhóm ông Hồ Học Lãm. Ðó là về mặt hình thức và danh xưng. Còn về nội dung thì ông Hồ đã cố gắng đưa vào mặt trận này những nhà trí thức trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm chính trị thuộc hai đảng Dân Chủ và Xã Hội (như nói trên), và một vài tên tuổi khác không thuộc đảng cộng sản, nhưng sẵn có cảm tình với đảng này, do không am hiểu mục đích và mánh lới, âm mưu của nó. Với cái vẻ bề ngoài phi cộng sản đó, ông ta biến mặt trận Việt Minh thành một cao trào cách mạng quốc gia đượm màu sắc dân tộc nhiều hơn màu sắc đấu tranh giai cấp, hòng có thể lôi kéo toàn dân ủng hộ ông. 


Tóm lại, Nguyễn Ái Quốc đã lợi dụng lòng yêu nước và sự đứng ngoài đảng cộng sản của nhà cách mạng Hồ Học Lãm để làm lợi khí tuyên truyền cho tổ chức của riêng mình và dần dần biến tổ chức của ông Hồ Học Lãm thành tổ chức của đảng cộng sản. 


Về thời gian ông Hồ mất tích rất lâu (từ 1933 đến 1938) trong sách của TDT, có người cho rằng ông ta bị thất sủng và bị gọi về Liên xô để chỉnh huấn. Cũng có người cho rằng ông bị nghi ngờ làm gián điệp cho Anh, nên bị LX trừng phạt. Nhưng có một điều ai cũng thấy là trong thời gian 4 năm này, ông Hồ đã được học tập kỹ và tiến bộ rất nhiều về các phương diện tuyên truyền và tình báo chiến tranh gián điệp, đến nỗi chính Võ Nguyên Giáp mà phần lớn các sử gia quốc tế đều công nhận là người làm nên những chiến thắng của cộng sản ở Việt Nam cũng phải công nhận "Hồ chủ tịch là nhà chiến lược thiên tài", như nhan đề cuốn sách mà Giáp viết năm 1975. 


Chỉ đọc sơ qua người đọc cũng thấy trong cuốn sách của TDT, có tới 5 lần tác giả nói dến việc Nguyễn Ái Quốc đột nhiên mất tích và tác giả mất mối, mất đường dây. Ðó chính là những lúc TDT tức HCM không muốn tiết lộ những việc làm cần phải giấu để bảo vệ cái vỏ bọc dân tộc, đừng cho cái ruột đỏ cán bộ quốc tế c.s. bị lòi ra. 


Nhưng nay, sau khi chỉ đối chiếu sơ qua những gì TDT viết với những gì HCM nói và làm trong thời gian đó như sử "chính thống" của cộng sản đã ghi thì phải kết luận TDT đã giết Hồ Chí Minh vậy. Trở lên chúng tôi đã đối chiếu những gì Trần Dân Tiên viết với những tài liệu khác, cũng do cán bộ cộng sản trung thành với Hồ Chí Minh viết, để phơi bày những điều gian chúng tôi xin trình với bạn đọc sự đạo đức giả lộ liễu của Hồ Chí Minh khi ông ta dùng bút hiệu Trần Dân Tiên để tâng bốc "bác Hồ là con người khiêm tốn dường ấy". TDT nói "bác Hồ" không có thì giờ để nói về mình, vì việc nước trăm công nghìn việc, quá bề bộn. Vậy mà chính bác lại để thì giờ nắn nót viết nên cuốn truyện này để tự thần thánh hóa chính mình. Sau đây là những lời trơ trẽn đó: Trang 6: 


"Sau khi tôi nói xong, Người (chú ý chữ Người viết hoa) cười và đáp: "Tiểu sử. Ðấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau 80 năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi... thong thả sẽ nói đến sau!" 

Và chỉ mấy hàng sau: 

"Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người được?" 
Ngày nay khi mà đảng đã xác nhận tác phẩm vô tiền khoáng hậu này là của chính lãnh tụ đảng viết ra, nhiều người mới nói: "rõ giấu đầu hở đuôi! Có gì mà chẳng biết. Chỉ đọc trang đầu là biết ngay chính ông Hồ viết chứ còn ai? Ðây nhé: 

"Ngày thứ hai tôi viết thư xin phép được gặp Hồ Chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy (xin nhớ Ngay chiều hôm ấy), tôi rất sung sướng nhận được thư trả lời của HCT viết như thế này: Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến" ký tên HCM. 


Người ta bảo chỉ có ông ta viết cho ông ta và tự trả lời mới nhanh như thế chứ bưu điện Mỹ cũng phải một ngày là sớm nhất. Vậy mà mấy chục năm chẳng ai nhìn ra điều đó, mới chứng tỏ dân ta sao mà chậm hiểu thật. Cho nên ngày nay mới khổ như thế này. Trời ơi! Hỡi các nhà đại trí thức VN ơi xin thử giải thích xem, tại sao lại vậy nhỉ? 


Tôi xin kết luận bài này bằng một câu của cựu hoàng Bảo Ðại nói với sử gia Trần Trọng Kim ở Hương Cảng năm 1948: "Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn" (10) Và mong đám hậu duệ của Lệ Thần và Nguyễn Vĩnh Thụy cũng như các đồng chí trẻ của Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh sẽ không bị lừa như cha chú và các bậc tiền bối của họ. 


Minh Võ

Chú thích: 

(1) Ðến nỗi UNESCO đã muốn tổ chức vinh danh ông với tư cách đó vào năm 1990, nhưng không làm được vì nhiều nhà trí thức Pháp (trong đó có Michel Tauriac, Olivier Todd, Jean-Francois Revel...) đã đem ra bằng chứng dễ phản bác để nghị nông nổi của tổ chức văn hóa giáo dục của Liên Hiệp Quốc này 


(2) Khi xuất bản lần thứ tư, năm 1986 cuốn sách có ghi là được "viết xong vào mùa xuân 1948". 


(3) Trường Chinh có các cuốn "Chủ tịch HCM, sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời", Hà Nội, Sự Thật, 1980, và "Chủ tịch HCM vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta", Hà Nội, sự Thật, 1985 


(4) Phạm Văn Ðồng có 4 cuốn về HCM: "Hồ chủ tịch, tinh hoa của dân tộc, lương tâm của thời đại", Sự Thật 1976; "HCM, mốt con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp", Sự Thật, 1990; "HCM, quá khứ, hiện tại và tương lai", Sự Thật, 1991; và "HCM và con người VN trên con đường dân giầu, nước mạnh", Hà Nội, nhà XB Chính Trị Quốc Gia, 1993. 


(5) Võ Nguyên Giáp có 5 cuốn về HCM: "Hồ chủ tịch, nhà chiến lược thiên tài", Hn, sự Thật, 1975; "Bác Hồ về Tân Trào" Tuyên Quang, 1970; "Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng HCM sống mãi", Th. phố HCM, 1991; "Tư tưởng HCM, quá trình hình thành và phát triển", Sự Thật, 1993; "Tư tưởng HCM và con đường cách mạng VN" Hà Nội, nhà XB Chính Trị Quốc Gia, 1997. 


(6) Văn Tiến Dũng có cuốn "Ði theo con đường của bác" Hà Nội, nhà XB CTQG 1993, 


(7) Hồng Hà có các cuốn "Ðời niên thiếu của Hồ chủ tịch" và "Bác Hồ trên đất nước Lênin" v.v..., 


(8) Thực ra đảng của ông này chống Pháp và chống VM vì chẳng những VM là cộng sản, mà còn vì VM do HCM cầm đầu lại đi ký hiệp định sơ bộ 6-3-46 dành cho Pháp quá nhiều quyền lợi, phản lại quyền lợi quốc giạ MV), 


(9) Xin xem "Một Cơn Gió Bụi" của Lệ Thần Trần Trọng Kim, đoạn cuối.