"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 20. März 2013

Phân tích và nhận xét dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

 
Tính chính danh dân chủ và ý nghĩa pháp quyền của Hiến pháp
 
Hiến pháp (HP) là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng quy định cách tổ chức và điều hành những định chế cơ bản của quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và chủ quyền quốc gia.
 

Một bản Hiến pháp có chính danh dân chủ sẽ tùy thuộc:- Mức độ tham gia và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân vào việc làm và ban hành hiến pháp.
- Nội dung HP phải có các điều khoản rõ ràng quy định đảm bảo các quyền tự do và nhân quyền của công dân cũng như xác định tính độc lập và thẩm quyền của các định chế dân chủ và pháp quyền của quốc gia.

Cơ cấu pháp quyền rất cần thiết cho xã hội dân chủ và một nhà nước hoạt động hiệu quả. Nhà nước pháp quyền dân chủ có nghĩa là:
- Tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp).
- Tôn trọng nhân quyền và dân quyền.
- Công dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
- Tòa án độc lập.
- Giới hạn và giám sát quyền lực công quyền.
- Đa nguyên chính trị.
- Bầu cử tự do.
- Tự do báo chí, truyền thông và tự do tôn giáo.
 
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã công bố bản dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Bản dự thảo gồm Lời mở đầu và 124 điều, khoản được phân chia ra 11 chương. Chương 1: Chế độ chính trị; Chương 2: Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương 3: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Chương 4: Bảo vệ tổ quốc; Chương 5: Quốc hội; Chương 6: Chủ tịch nước; Chương 7: Chính phủ; Chương 8: Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân; Chương 9: Chính quyền địa phương; Chương 10: Hội đồng hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước; Chương 11: Hiệu lực của hiến pháp và việc sửa đổi hiến pháp.
 
Đặc điểm dự thảo Hiến pháp nước CHXHCNVN
 
- Nhà nước CHXHCN do đảng CSVN thành lập:
 
Điều 2 HP ghi: ‘‘Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…‘‘. Nhưng đảng lại khẳng định công khai quốc: "...Đảng Cộng sản Việt Nam …. đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam),…" (Điều lệ Đảng). Như vậy trên thực tế, nhà nước CHXHCNVN là của đảng, do đảng, vì đảng.
 
- Đảng độc quyền lãnh đạo đất nước và ý thức hệ:
 
Trong sinh hoạt chính trị, đảng CSVN là chính đảng duy nhất hoạt động hợp pháp. Và mọi nhận định, mọi chủ trương về triết lý đều phải căn cứ trên thuyết Mác-Lê. Quan điểm này được thể hiện qua điều 4 HP: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội‘‘.
 
- Không tam quyền phân lập:
 
Tam quyền phân lập là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của một quốc gia lập hiến. Hiến pháp CHXHCNVN không theo nguyên tắc phân quyền. Đảng nhìn nhận sự phân biệt chức năng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng phải duy trì nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng. Điều 2 HP qui định: ‘‘...Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…“, và thêm điều 8 HP: ‘‘Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ“. Theo điều 9 của điều lệ, Đảng CSVN tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là: Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Hậu quả của nguyên tắc tập trung dân chủ là không phân quyền bằng những thể thức pháp lý và minh bạch.
 
- Quốc hội thiếu thực quyền:
 
Điều 74 HP ghi: ‘‘Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“. Nhưng điều 4 HP lại khẳng định đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo, nên theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Quốc hội phải phục tùng đảng. Trên thực tế, quốc hội với 90% dân biểu đảng viên cộng sản, chỉ là cơ quan thi hành nhiệm vụ thể chế hóa các quyết định của đảng về mọi lãnh vực. Cơ quan quyền lực thực sự là Bộ chính trị đảng CSVN. Tổng bí thư đảng và Thủ tướng là hai chức vụ có quyền thế hơn Chủ tịch nước và Quốc hội. Một Quốc hội có thực quyền phải có quyền truy tố hành pháp (Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thẩm phán và các công nhân viên) đã vi phạm Hiến pháp và luật lệ.
 
- Biến quân đội, công an, hệ thống hành chánh nhà nước thành công cụ của đảng:
 
Điều 10 trong điều lệ đảng xác định: “Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước, và tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh...”, và điều 25 điều lệ đảng nêu rõ: “Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư...“. Nội dung điểm này được chính thức chép lại vào điều 70 HP: “...Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng…“.
 
- Hiến định hóa Mặt trận tổ quốc:
 
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức quần chúng ngoại vi của đảng CSVN, được hiến định hóa thành bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
 
Điều 9 HP ghi: „Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức". Đảng áp đặt đưa các tổ chức ngoại vi vào Hiến pháp là nhằm củng cố và hiến tính hóa liên minh ba thành phần „đảng-tổ chức quần chúng-lực lượng vũ trang“ trong chủ trương ngăn chặn mọi tiếng nói, hành động đối kháng, đối lập và sự thành hình các tổ chức công dân độc lập.
 
- Thiếu cơ chế đảm bảo nhân quyền và dân quyền:
 
Quyền con người là những quyền gắn liền với nhân phẩm, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Dự thảo HP thừa nhận quyền con người và quyền công dân, nhưng không quy định nghĩa vụ, trách nhiệm thi hành của Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền cơ bản đó. Thậm chí, còn tìm cách giới hạn bằng các luật lệ và quy định một cách tùy tiện. Điều 16 HP: „không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác".
 
Về quyền tự do tôn giáo, dự thảo HP vừa ban phát vừa nhắc nhở: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật...“ (điều 25 HP).
 
Dân quyền được ghi vào điều 26 HP: „Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật...“.
 
Nói chung, các quyền con người, và quyền công dân chỉ được liệt kê trong dự thảo HP cho có lệ, chứ không có chủ đích đặt ra những cơ chế đảm bảo thực thi.
 
Kết luận
 
Tổng quát, nội dung dự thảo HP không đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu trên phương diện dân chủ và pháp quyền. Ngày nào đảng còn duy trì độc quyền lãnh đạo, độc tôn ý hệ và không chấp nhận tam quyền phân lập thì Việt Nam còn lâu mới trở thành một quốc gia lập hiến. Như vậy việc sửa đổi HP chỉ nhằm các mục đích:
 
- Tái lập chính danh lãnh đạo đất nước vốn đã mất trong hàng thập niên qua.
- Trấn an khuynh hướng bảo thủ là đảng trước sau vẫn kiên trì khẳng định chính sách ba không: Không chấp nhận đa nguyên ý hệ; không chấp nhận đối lập chính trị; không chấp nhận chính đảng ngoài đảng CSVN.
- Dùng Hiến pháp để thể chế hóa liên minh ba thành phần „Đảng - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Lực lượng vũ trang„.
 
Vũ Ngọc Yên

---------------------------------------

Hiến pháp có nên ghi 'theo quy định của pháp luật'?

- Hiến pháp tạo ra được thể chế pháp quyền là cách tốt để ngăn chặn các hành vi gây rối loạn và bảo vệ sự ổn định của đất nước.

Bản dự thảo Hiến pháp đang được Quốc hội đề nghị góp ý có rất nhiều đoạn khẳng định đi khẳng định lại những cụm từ như: “theo quy định của pháp luật”, “hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, “phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật”, “do luật định”, “theo pháp luật Việt Nam”, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Ví dụ điều 26 sửa đổi nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Có thể hiểu rằng những người soạn thảo bản Hiến pháp lo ngại những quyền được hiến định trong Hiến pháp như tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do hội họp có thể dẫn tới việc lạm dụng quá trớn, gây rối loạn xã hội, ảnh hưởng đến tính ổn định của bộ máy chính trị và đời sống nhân dân. Những lo ngại này có lý và không chỉ Việt Nam, chính phủ các nước khác đều có những lo ngại tương tự. Nhưng tại sao họ không nhất thiết phải ghi những cụm từ như trên trong Hiến pháp?

Thứ nhất, Hiến pháp tự thân nó đã là đạo luật cao nhất rồi, những điều khoản trong đó không phải ghi rằng theo “quy định của pháp luật” nữa, ghi như vậy tạo một mâu thuẫn: vậy giữa Hiến pháp và luật khác thì điều gì cao hơn? Thứ hai, Hiến pháp nào tạo ra một hệ thống pháp quyền thật sự tự nó sẽ khống chế được những biểu hiện cực đoan của tự do và giải quyết được sự mất ổn định xã hội.

Pháp quyền giúp ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của quyền tự do hiến định như thế nào?

Thử lấy các trường hợp ở Mỹ ra làm ví dụ. Tòa án Mỹ liên tục phải đối mặt với vô vàn tình huống “đau đầu” khi công dân khởi kiện các lệnh cấm của chính quyền các cấp căn cứ vào Hiến pháp. Ví dụ: Một công dân la hét phản đối vào lúc 2h sáng giữa khu dân cư đông đúc có nên được bảo vệ bởi tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp không? Một đoàn biểu tình chiếm tất cả các cửa ga tàu điện ngầm ngay giữa giờ cao điểm có nên được bảo vệ bởi quyền tự do biểu tình hiến định không? Hay thậm chí, có những tranh cãi pháp lý rất hài hước như: múa khỏa thân có nên được xếp vào quyền tự do biểu đạt, hay coi bói cho người khác có là một dạng thức ngôn luận cần tôn trọng trong Hiến pháp?

Hiến pháp chỉ ghi những quyền và nguyên lý chung nhất, nhưng sự giản đơn của Hiến pháp khi va đập với thực tế phức tạp của cuộc sống tạo nên những nghịch lý, những tình thế tiến thoái lưỡng nan như vậy. Câu trả lời của các tòa án Mỹ là: không thể có tự do nào là tự do tuyệt đối và những động thái kiểm soát của chính quyền để ngăn chặn các hành vi “tự do” nhưng gây hại là cần thiết. Tuy nhiên, các lệnh cấm đều phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ do tòa án định ra và chỉ có tòa án mới là nơi duy nhất có thẩm quyền quyết định ai đúng ai sai. Khi ra tòa, chính quyền chứ không phải người dân đi kiện sẽ phải giải trình tính hợp hiến của các động thái kiểm soát tự do.

Lấy tự do ngôn luận làm ví dụ. Các luật cấm liên quan tới ngôn luận khi ra tòa án Mỹ thường phải thỏa mãn 4 tiêu chí sau để được chấp nhận là hợp hiến:

Thứ nhất, luật cấm phải trung tính, nghĩa là đảm bảo không nhắm cụ thể vào một nhóm thông điệp nào đó. Ví dụ nếu muốn cấm phát tờ rơi trước trụ sở chính quyền, phải cấm tất cả các dạng thức tờ rơi chứ không chỉ cấm tờ rơi có nội dung chỉ trích thị trưởng.

Thứ hai, luật cấm không được ngăn chặn tuyệt đối. Ví dụ nếu muốn cấm biểu tình vì lo ngại ách tắc giao thông, chỉ có thể cấm biểu tình trên lòng đường, nếu cấm cả biểu tình trên vỉa hè có nghĩa là đã ngăn chặn tuyệt đối và những đạo luật như vậy thường ngay lập tức bị coi là vi hiến ở Mỹ.

Thứ ba, luật cấm phải được biện minh bằng những lợi ích quan trọng. Ví dụ, cấm biểu tình ngay trước cổng bệnh viện có thể được biện minh bằng lợi ích của bệnh nhân. Việc tụ tập ở đây có thể dẫn tới việc những xe cấp cứu không thể vào được kịp thời, dẫn tới tính mạng bệnh nhân bị đe dọa. Cấm biểu tình giữa quảng trường chắc chắn bị coi là vi hiến.

Thứ tư, luật cấm phải được thiết kế hẹp để chỉ triệt tiêu vừa đủ tác hại của hành vi. Ví dụ lệnh cấm ở bệnh viện trên sẽ bị tòa phủ nhận nếu không quy định cụ thể là cấm biểu tình trước cổng bệnh viên trong phạm vi bao nhiêu mét. 30 mét có thể được chấp nhận nhưng 50 mét là quá xa và lệnh cấm là vi hiến.

Quay về với cuộc biểu tình ở ga tàu điện ngầm vào giờ cao điểm gây trì hoãn giao thông công cộng. Chính quyền hoàn toàn có thể ra một lệnh cấm được công nhận là hợp hiến như sau: cấm mọi dạng thức biểu tình trong phạm vi ga tàu điện ngầm và cách các cửa ga 20 mét trong giờ cao điểm, từ 7h tới 9h sáng và từ 5h tới 7h chiều. Lệnh cấm ấy đủ linh hoạt để không ngăn chặn mọi dạng thức biểu đạt và đủ hẹp để ngăn chặn tác hại lên giao thông công cộng.

4 nguyên tắc trên được xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ vô số vụ kiện ở tòa án các cấp tại Hoa Kỳ. Nguyên tắc vừa bảo vệ vừa giới hạn quyền tự do ngôn luận được đảm bảo trong Hiến pháp. Nguyên tắc định hình ra đường biên giới của các hành vi ngôn luận, làm cơ sở tham chiếu để chính quyền biết mình có thể kiểm soát tới đâu và công dân biết mình được tự do tới đâu.

Pháp quyền là để cho tòa án có một quyền lực độc lập, kiểm soát và cân bằng các quyền lực khác. Một tòa án độc lập sẽ tự tìm thấy các nguyên tắc như trên để điều chỉnh sự quá đà của tự do. Tòa án mới là tiếng nói cuối cùng quyết định đúng sai. Cảnh sát, quân đội, thị trưởng và kể cả tổng thống cũng không thể can thiệp và tác động được vào sự công chính của quan tòa. Tòa án độc lập chính là nơi sẽ kiểm soát mọi hành vi gây mất ổn định, thay vì sử dụng lực lượng vũ trang.

Hiến pháp trao cho nhân dân các quyền cơ bản nhưng đồng thời cũng đã có tòa án độc lập để cân bằng lại những biểu hiện lạm quyền. Pháp quyền tự thân nó đã là một giải pháp ngăn chặn mất ổn định từ bên trong, hiệu quả và lặng lẽ, bởi không cần thêm một khẩu hiệu nào nữa.

Nguồn: VietnamNet